Thánh Tích Sarnath - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Gần 300 năm sau thời vua Asoka, đến thời vua Kanishka (Ca-nị-sắc-ca, khoảng đầu thế kỉ thứ II AD, một vị vua Phật tử thuần thành), các giáo phái ngoại đạo nổi lên, họ lấy giáo lý giải thoát của đức Phật trộn lẫn vào lý thuyết của họ, cho đó là giáo lý giải thoát của mình… làm cho chánh tà xen tạp, lòng người hoang mang, không biết đâu là Phật pháp chính tông để áp dụng tu tập. Trước tình hình đó, vua Kanishka đã cung thỉnh các bậc Tỳ-kheo trưởng lão chân tu, tinh thông giáo pháp đứng ra tổ chức kiết tập lại kinh điển, làm cho Phật pháp được hiển minh, không để sự xen tạp của các tà thuyết làm mơ hồ. Dưới sự ủng hộ nhiệt tâm của vua Kanishka, giáo pháp của đức Phật đã được soạn thành văn tự, biên chép thành sách lần đầu tiên trong lịch sử kinh tạng Phật giáo; đây là kỳ kiết tập kinh điển lần thứ tư. Dưới thời đại của vua Kanishka, Phật giáo nói chung, cũng như thánh tích Sarnath nói riêng rất hưng thịnh. Trong những cuộc khảo cổ, nhiều đồng tiền cổ được phát hiện trong ấy có hình tượng đức Phật, được đúc dưới triều đại của vua Kanishka, điều ấy có thể khẳng định rằng Phật giáo được xem như tôn giáo của quốc gia dưới triều đại của ông. Riêng tại thánh tích Sarnath, nhà vua đã cho trùng tu lại những tu viện cũ, xây thêm những tu viện mới, và đúc nhiều tượng Phật để góp phần phát triển thánh tích này. Một bia kí đào được ở Sarnath thuộc triều đại của vua Kanishka, do Tỳ-kheo Bala đã khắc như sau: “Thành Ba-la-nại nằm dưới sự thống trị của Đại vương Ca-nị-sắc-ca và do một phó vương dưới quyền của ngài. Có thể nói hầu hết các đại vương đều có doanh trại ở Mathura. Tỳ-kheo Bala và Pusyabuddhi thuộc gia đình hoàng gia. Họ đã hành hương chiêm bái những Thánh tích Phật giáo và cúng dường tượng ở những nơi mà họ đến chiêm bái.”(7) Qua những trình bày trên cho thấy thánh tích Sarnath dưới triều của vua Kanishka rất hưng thịnh, là nơi quy ngưỡng của mọi người từ vua, quan, cho đến mọi thần dân.

Sau thời vua Kanishka, đất nước Ba-la-nại có các vị vua khác nối ngôi cai trị, hầu hết những vị này không ủng hộ Phật pháp nhiều, vì họ theo tín ngưỡng Bà-la-môn giáo. Tuy nhiên, thánh tích Sarnath trong giai đoạn này (thế kỉ II –VI AD) vẫn là một trung tâm tu học lớn của Phật giáo, nhưng không được phát triển bằng những thời kì trước kia. Giữa thế kỉ VII AD, ngài Huyền Trang (595-664) sang Ấn Độ du học, khi đến chiêm bái thánh tích này đã mô tả trong cuốn kí sự của mình:
“Phía Đông Bắc của sông Ba-la-nại đi hơn mười dặm, đến chùa Lộc Dã. Trong khu vực chia ra làm tám phần liên hệ với nhau, nhà cửa lầu các tráng lệ quy mô. Tăng sĩ  sống hơn 1500 người, tu theo Chánh Lượng Bộ thuộc Tiểu thừa. Trong thành lớn có một Tinh xá cao hơn 200 feet (60 m). Phía bên trên tạo hình một trái xoài được thếp màu vàng. Đá nhiều tầng chồng chất tạo thành. Đá chất lên bốn bên như thế cả hàng trăm miếng, mỗi miếng đều có chạm tượng Phật màu vàng. Ở trong Tinh xá đó, có một tượng Phật bằng đá gần bằng thân của đức Như Lai, tạc theo tư thế chuyển pháp luân. Phía Tây Nam Tịnh xá có một bảo tháp bằng thạch do vua A-dục dựng lên, đã hư hoại, chiều cao hơn 100 feet (30 m). Phía trước đó có dựng một trụ đá cao hơn 70 feet (25 m). Đây là thạch ngọc cho nên có ánh sáng phản chiếu rất đẹp. Người nào có tâm đến cầu phước, ảnh của mình sẽ chiếu lên các tượng và thấy rõ tướng Thiện Ác. Đây là nơi Như Lai thuyết pháp lần đầu tiên sau khi thành đạo.”(8)

Qua sự mô tả của ngài Huyền Trang cho ta biết rằng, thánh tích Sarnath vào giai đoạn này vẫn còn phát triển, mọi lầu các, tu viện vẫn còn tráng lệ và quy mô, các Tỳ-kheo ở đó có hơn 1500 người... như thế nơi đây vẫn là một trung tâm Phật giáo thịnh hành, một thánh tích thiêng liêng để mọi người quyngưỡng.

Như vậy, lịch sử của thánh tích Sarnath từ thời của đức Phật đến thế kỉ thứ VII AD, trải qua hơn một ngàn năm vẫn còn là một thánh tích thiêng liêng, một trung tâm tu học lớn của Phật giáo; là thánh địa trang nghiêm thanh tịnh cho hàng ngàn chư Tăng thúc liễm thân tâm tu tập giải thoát, là nơi quy ngưỡng của những bậc đế vương như Asoka, Kanishka.... là suối nguồn của giải thoát từ bi, tắm mát cho hàng vạn dân xứ Ấn. Thời kì này có thể gọi là thời hoàng kim của thánh tích Sarnath.

* Thời suy tàn của thánh tích Sarnath

Nếu thánh tích Sarnath có hơn một ngàn năm để phát triển huy hoàng (từ thời đức Phật đến thế kỉ VIII), thì cũng có cả ngàn năm bị điêu tàn, lãng quên và chôn vùi trong cát bụi. Từ thế kỉ thứ VIII đến thế kỉ XVIII, lịch sử của Sarnath là những trang sử bi thương. Thế kỉ VIII trở đi, thánh tích Sarnath hầu như ít được mọi người biết đến, có lẽ thời điểm này sự tu tập và hoằng pháp ở nơi đây không được phát triển; lại thêm các triều đại lúc ấy do các vị vua theo Ấn giáo cai trị, những vị vua này không những không ủng hộ Phật giáo mà còn cho xây những ngôi đền Ấn giáo bên cạnh thánh tích Sarnath, từ đó tạo sự lấn áp của Ấn giáo. Sự thiếu ủng hộ của vua quan, quần chúng... đã làm cho Sarnath ngày càng mai một và bị lãng quên.

Trang sử bi thương và kinh khiếp nhất của thánh tích Sarnath thật sự bắt đầu từ sự xâm lược của các đội quân Hồi giáo cực đoan. Năm 1193 cầm đầu đội quân tàn ác ấy là vua Mahommada, sau khi xâm lược Ấn Độ, đội quân hung tàn này đã chém giết và phá sạch tất cả những công trình kiến trúc của các tôn giáo khác. Vua Mahommada đã tuyên bố chấm dứt triều đại Ấn giáo và lập nên vương triều Hồi giáo. Trong những lần xâm lược của các đội quân hung tàn ấy có đến hàng vạn tu sĩ của Phật giáo và Ấn giáo bị giết hại, hàng ngàn chùa tháp, tu viện, đền đài bị đập phá và đốt sạch; những thánh tượng của đức Phật, Bồ-tát đều bị tàn phá, đập nát và chôn vùi hết sức vô lương tâm. Hầu hết những thánh tích nổi tiếng của Phật giáo như Bồ-đề-Đạo tràng, Sarnath... đều bị hủy diệt; chỉ riêng Viện đại học Phật giáo Nalanda, toàn bộ kho tàng kinh sách, thư viện, đền đài, phòng xá... bị tàn phá và đốt cháy ròng rã nửa năm !!!

Sau khi hủy diệt những đền đài, tu viện, chùa tháp... quân Hồi đã bắt dân chúng xây dựng những đền đài Hồi giáo ngay trên các thánh tích và tu viện này. Thánh tích Sarnath ngày ấy hầu như đã xóa sổ và hoàn toàn bị chôn vùi  trong cát bụi.

Sự độc tôn và tàn ác của Hồi giáo cực đoan cai trị vùng đất này đến thế kỉ XVIII. Sau đó người Ấn giáo đứng lên giành lại chính quyền. Giai đoạn đen tối của Phật giáo tưởng đã đi qua, nhưng tín đồ Ấn giáo cũng độc tôn, tiếp tục nổi lên đập phá toàn bộ những thánh đường Hồi giáo và cho xây dựng đền Ấn giáo ngay trên những vùng đất ấy. Phật giáo nói chung hay thánh tích Sarnath ngày ấy nói riêng vẫn tiếp tục chìm trong bóng tối.

Người Ấn giáo tuy không hiếu chiến như người Hồi giáo cực đoan, nhưng niềm tin tôn giáo và tính bảo thủ của họ mạnh mẽ, do vậy Phật giáo vẫn chưa có cơ hội phục sinh ngay trên mảnh đất sản sinh ra nó. Thậm chí cho đến ngày nay, tính bảo thủ ấy vẫn còn rất mạnh, hầu như các nơi trên xứ Ấn, hễ nơi nào có một ngôi đền, nhà thờ hay tu viện của các tôn giáo khác xây dựng lên thì người Ấn sẽ xây một đền thờ Ấn giáo bên cạnh để kìm hãm sự phát triển của tôn giáo ấy. Như vậy, sự phục hưng của Ấn giáo cũng như sự chấm dứt của vương triều Hồi giáo bạo tàn cũng không làm cho Phật giáo hồi sinh được và suốt những thế kỉ ấy thánh tích Sarnath vẫn còn ngủ quên cùng cát bụi thời gian. Qua sự tìm hiểu trên, chúng ta thấy rằng thánh tích Sarnath từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 18, trải qua cả ngàn năm đi từ suy tàn đến hoại diệt. Khoảng thời gian ấy có thể gọi là thời suy tàn của thánh tích Sarnath.

* Thời kì hồi sinh và phát triển trở lại của thánh tích Sarnath

Thánh tích Sarnath tuy bị chôn vùi trong cát bụi, bị sự lấn áp và che phủ của cỏ dại, cây rừng... nhưng lại ẩn chứa trong lòng những bảo vật, những tranh tượng vô giá cũng như một khối lượng khổng lồ gạch đá ở đây. Do vậy vào cuối thế kỉ 18, người dân Ấn giáo thường xuyên vào nơi đây để khai thác tìm bảo vật cũng như đào xới khu vực này để lấy gạch đá về xây nhà cửa, dinh thự...  Trước tình hình ấy, năm 1798, chính quyền Ấn Độ công nhận thánh tích Sarnath là khu di tích quốc gia và nghiêm cấm mọi sự đào xới của cá nhân. Khu di tích Sarnath bắt đầu được mọi người trong nước và thế giới biết đến qua các cuộc khai quật khảo cổ của Alexander Cunningham, nhà khảo cổ nổi tiếng người Anh, cũng như những nhà khảo cổ nổi tiếng khác. Sự phát hiện những nền móng tu viện, chùa tháp, trụ đá, bia kí... và hàng trăm tranh, tượng của đức Phật, Bồ-tát... như là những chứng cứ hùng hồn, góp một tiếng nói quan trọng cho cộng đồng Phật giáo trên thế giới cũng như sự quan tâm của các học giả trí thức... tìm về chiêm ngưỡng.

Nhưng tất cả những điều ấy chưa làm cho thánh tích Sarnath cũng như Phật giáo ở nơi này hồi sinh. Thánh tích Sarnath thật sự hồi sinh, phát triển trở lại và được cộng đồng Phật tử khắp nơi trên thế giới biết đến qua sự xuất hiện của ngài Dhammapāla. Ngài Dhammapāla là một danh Tăng nổi tiếng người  Sri Lanka trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước này, không những thế, Ngài còn hoằng dương Phật pháp đến các nước phương Tây, Ngài là người đứng ra vận động chư Tăng và Phật tử trên thế giới thành lập hội Maha Bodhi để đòi lại thánh tích Bồ-đề Đạo tràng từ trong tay những người Ấn giáo. Năm 1891, ngài Dhammapāla đến thánh tích Sarnath, nhìn thấy cảnh tượng điêu tàn của khu thánh tích, cũng như Phật giáo ở nơi này, đau lòng trước cảnh ấy, Ngài đã phát nguyện ở lại nơi này vận động cộng đồng chư Tăng và Phật tử khắp nơi trên thế giới quan tâm và ủng hộ. Riêng bản thân, Ngài đã vận động xây dựng một ngôi chùa nổi tiếng ngay cạnh thánh tích này. Với những công trình Ngài đã thực hiện và đóng góp ở nơi đây, chính phủ Ấn Độ đã ghi ân bằng cách lấy tên Ngài đặt tên cho một con đường ở đây và đem xá-lợi Phật khai quật được ở Taxila, Nagarjuni Konda, hiến tặng Ngài để tôn thờ trong chùa này. Cộng đồng chư Tăng và Phật tử các nước trên thế giới đã đến chiêm bái thánh tích này và xây dựng những ngôi chùa đại diện của nước mình gần thánh tích Sarnath và cùng chung lo Phật sự, góp phần làm cho Phật giáo ở nơi đây được phát triển trở lại. Cho đến ngày nay, thánh tích Sarnath được chính phủ Ấn Độ cùng cộng đồng Phật tử nơi đây bảo vệ. Thánh tích Sarnath đã thật sự chuyển mình sau giấc ngủ ngàn thu và phát triển trở lại, trở thành một trong những thánh tích thiêng liêng và nổi tiếng nhất của cộng đồng Phật giáo hiện nay. Hàng năm thánh tích này đã quy tụ hàng triệu người con Phật từ khắp nơi trên thế giới trở về để chiêm bái, tụng kinh, tọa thiền và trải lòng mình để đón nhận những âm vang của bài pháp Tứ Diệu Đế trong một khu vườn thiêng liêng, tú lệ bên cạnh những chú nai gặm cỏ hiền lành.

Chú thích:
7. Thiện Phúc, Thiên Trúc Tiểu Du Kí, tr.32
8. Xem Samuel Beal, Buddhist Recordeds Of The western World, First Published 1884, Printed in India, Part II, Book VII, p.45,46.

Thích Trí Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 44, tr.74, 2007]