Thánh Tích Sarnath

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trên bước đường hành trình tâm linh về xứ Ấn thiêng liêng để chiêm bái Tứ Động Tâm, thông thường những người con Phật nói riêng hay du khách trên thế giới nói chung sau khi đáp máy bay tại phi trường Delhi, địa điểm viếng thăm đầu tiên sẽ là thành phố Varanasi. Nơi đây du khách sẽ được chiêm bái thánh tích Sarnath, khu vườn Lộc Uyển thiêng liêng xinh đẹp, nơi đức Phật chuyển vận bánh xe Pháp đầu tiên, bắt đầu cuộc hành trình hoằng pháp cứu khổ độ sanh và viếng thăm dòng sông Hằng thiêng liêng huyền bí. Tiếp đó cuộc hành trình tâm linh sẽ đưa mọi người viếng thăm chiêm bái thánh tích Bồ-đề-đạo-tràng (nơi đức Phật thành đạo), thánh tích Kusinagar (nơi đức Phật nhập Niết-bàn) và thánh tích Lâm-tỳ-ni (nơi đức Phật đản sanh)…

Tượng đức Phật nhập Niết-bàn

Một trong những bảo vật ý nghĩa nhất tại thánh tích này là tượng đức Phật nhập Niết-bàn. Trong ngôi chùa Niết-bàn chỉ thờ duy nhất pho tượng này. Đây là một trong những kiệt tác về nghệ thuật tranh tượng Phật giáo vào thời đại Kumargupta (413-455), một triều đại đã đến đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác tranh tượng Phật giáo. Trong triều đại này, nhà điêu khắc Haribhada đã tạc pho tượng từ một khối đá lớn có tên là Chunar. Pho tượng có chiều dài khoảng 6 mét, được đặt trên một bệ đá hình chữ nhật cao khoảng nửa mét và tôn thờ trong chùa Niết-bàn. Tượng nằm nghiêng bên hữu, đầu tượng hướng về phương Bắc và gối lên tay phải, mặt tượng hướng ra cửa chánh Nam, tay trái đặt xuôi trên hông, hai chân song song chồng lên nhau. Pho tượng đã thể hiện đầy đủ các tướng hảo và vẻ đẹp của một đấng Thế Tôn.

Một điều đáng buồn là pho tượng đã bị đập gãy làm nhiều phần. Trong lúc khảo cổ khai quật từ đống gạch đổ nát của tháp và chùa Niết-bàn, Cunningham và các cộng sự của mình đã phát hiện pho tượng này vào năm 1876, đoàn khảo cổ của ông cũng phát hiện những bộ hài cốt phủ phục trên pho tượng này; đây rất có thể là những vị Tăng sĩ đã lấy thân mình bảo vệ thánh tượng, không cho những kẻ cuồng tín đập phá tôn tượng. Ngày nay, pho tượng đã được ráp lại và thờ đúng vị trí ngày xưa; dù bị đập gãy nhiều phần, nhưng thánh tượng đã được hồi phục và trở thành một trong những bảo vật thiêng liêng tại thánh tích Kushinagar.

Các di tích tại nơi đức Phật nhập Niết-bàn

Đến với thánh tích này, ngoài bảo tháp và chùa Niết-bàn trang nghiêm hùng vĩ, chúng ta còn chứng kiến được nhiều di tích khác trong khuôn viên đức Phật nhập Niết-bàn. Xung quanh tháp và chùa Niết Bàn, có nhiều chùa tháp và tự viện được xây dựng từ thời xa xưa. Vào khoảng đầu thế kỉ thứ 5, ngài Pháp Hiển, một vị cao tăng người Trung Hoa đến chiêm bái nơi này, ngài cho biết nơi đây có nhiều ngôi chùa, tháp, tự viện, v.v… Hơn hai thế kỉ sau, thế kỉ thứ VII, ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này, ngài cũng cho biết nơi đây có rất nhiều ngôi bảo tháp như: bảo tháp Niết-bàn, tháp tưởng niệm vị đệ tử cuối cùng của đức Phật, tôn giả Subhada (Tu-bạt-đà-la), vị đệ tử đặc biệt lớn tuổi (120 tuổi) cầu pháp, chứng đắc thánh quả và nhập Niết-bàn chỉ trong một đêm, cùng đêm đức Phật nhập Niết-bàn; tháp tưởng niệm tiền thân của đức Phật từng làm con chim trĩ và con nai để cứu độ chúng sanh; tháp tưởng niệm vị thần Kim cang, Vajrapani ngã xuống đất bất tỉnh, khi nghe đức Phật đã nhập Niết-bàn, v.v…

Cách bảo tháp và chùa Niết-bàn khoảng 200 mét về hướng Tây Nam có một nền tháp tên là Matha Kuar, tháp này được xây dựng để thờ tượng Phật Matha Kuar (Hoàng-tử-mất). Theo các sử liệu Phật giáo, tháp này được xây bởi những người thuộc dòng tộc Sakya (Thích-ca) để tôn thờ tượng đức Phật; vì trong tâm của họ, đức Phật lúc nào cũng là vị hoàng tử tài ba, khả kính, nên họ đặt tên cho tháp này là Matha Kuar. Nhìn vào nền tháp chúng ta có thể ước đoán được ngôi tháp ngày xưa ắt hẳn cao lớn và đẹp lắm. Những cây Ta-la ngày xưa, lúc đức Phật nhập Niết-bàn và lúc ngài Huyền Trang trông thấy hiện nay không còn nữa. Nhưng ngày nay cũng có một số cây Ta-la được trồng trước bảo tháp và chùa Niết-bàn, cũng như một số nơi trong khuôn viên đức Phật nhập Niết-bàn. Với sự quan tâm và bảo vệ của chính phủ Ấn, ngày nay, nơi đức Phật nhập Niết-bàn đã trở thành một hoa viên xinh đẹp, một thánh tích thiêng liêng của người con Phật.

Nơi trà tỳ kim thân của đức Phật

Rời khuôn viên đức Phật nhập Niết-bàn, đi bộ gần 2 km, chúng ta đến một hoa viên xinh đẹp khác, đó là nơi diễn ra lễ trà tỳ kim thân của đức Thế Tôn. Ngày xưa, nơi đức Phật nhập Niết-bàn và nơi trà tỳ kim thân đức Phật là một, đều thuộc thánh tích Kushinagar; nhưng vì khu vực này quá rộng, nên ngày nay được chia ra làm hai khu vực để chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.

Tháp Trà Tỳ
(Angrachaya Stupa)

Tại khuôn viên diễn ra lễ trà tỳ của đức Phật có một ngôi tháp thật lớn, hình dạng đặc biệt trông giống như một ngôi mộ cổ vĩ đại. Tháp có chiều cao khoảng hơn 8 mét, đường kính của tháp đến 34 mét. Niên đại của ngôi tháp chưa được xác định chính xác. Theo kinh Đại bát-niết-bàn thì, nguyên thủy của ngôi bảo tháp này được bộ tộc Malla gom tất cả tro than sau lễ trà tỳ của đức Phật lại và xây một ngôi bảo tháp to lớn trên phần tro than ấy để tôn thờ, lễ bái, cúng dường. Qua các thế kỉ về sau, rất có thể ngôi bảo tháp được xây dựng thêm cho cao và lớn hơn; cũng có thể trải qua thời gian ngôi bảo tháp bị đập phá bởi con người, hay sự bào mòn và tàn phá của thời gian làm cho ngôi tháp trở nên thấp và nhỏ đi. Ngài Huyền Trang khi đến chiêm bái thánh tích này có đề cập đến ngôi bảo tháp và các di vật, nhưng Ngài không có mô tả về hình dáng và niên đại của ngôi tháp: “Về phía Bắc của thành này, sau khi băng qua dòng sông Ajitavati (A-tỳ-ba-phạt-để), và đi khoảng hơn 300 bước có một bảo tháp. Đây là nơi trà tỳ kim thân của đức Như Lai. Đất chỗ này trộn lẫn giữa đất và than, có màu vàng đen. Bất cứ người nào với lòng chí thành nguyện cầu và tìm ở đây, chắc chắn sẽ tìm thấy một vài xá-lợi của đức Như Lai.”

Xung quanh bảo tháp trà tỳ có nhiều tháp nhỏ và nền móng các tháp, tinh xá, tự viện… Hầu hết các tháp và tinh xá này được xây dựng từ thế kỉ thứ nhất trở về sau. Toàn bộ khu vực này được trồng những thảm cỏ xanh, cây cối và hoa kiểng rất đẹp. Nhưng hoa cỏ hình như cũng úa tàn khi  tâm trạng chúng ta luôn cảm thấy u buồn vì sự từ giã của một đấng Thế Tôn: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Viện bảo tàng và các ngôi chùa gần thánh tích Kushinagar:

Viện bảo tàng Kushinagar

Với những công trình khảo cổ và khai quật tại thánh tích Kushinagar từ những năm đầu thế kỉ 19 đến nửa đầu thế kỉ 20, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều di tích, cổ vật như: các tranh tượng Phật, Bồ-tát, các khí cụ, mẫu vật bằng đồng, đá, đất, v.v… có những di vật cách đây hơn 2000 năm. Với những di vật đầy ý nghĩa lịch sử và giá trị tôn giáo ấy, chính phủ Ấn đã xây một viện bảo tàng để bảo vệ. Đây là một trong những viện bảo tàng lớn của tiểu bang này.

Các ngôi chùa gần thánh tích Kushinagar:

Ngày nay, đến với thánh tích Kushinagar, chúng ta còn được viếng thăm nhiều ngôi chùa của các nước khác như: Chùa Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Nhật, Tích Lan, Tây Tạng, v.v… Mỗi một ngôi chùa đều thể hiện những nét văn hóa kiến trúc cũng như những phương thức tu tập đặc trưng của nước mình.

Chùa Việt Nam

Chùa có tên là chùa Linh Sơn, tiền thân của ngôi chùa này là chùa Trung Quốc có tên là chùa Song Lâm do một Ni sư người Hoa trụ trì. Sau khi Ni sư viên tịch, chùa được hiến cúng cho Hòa thượng Huyền Vi (lúc ấy là Viện chủ chùa Linh Sơn ở Pháp). Ngôi chùa được đổi tên là chùa Linh Sơn, và Hòa thượng đã cử Sư cô Trí Thuận về trụ trì. Hiện nay chùa Linh Sơn có diện tích rất rộng, và thật sự nổi bật với những kiến trúc về Tứ động tâm thu nhỏ, được xây dựng ngay trong khuôn viên chùa.

Chùa Miến Điện

Chùa được xây dựng vào năm 1945, mái chùa cong vút theo kiến trúc đặc trưng của các nước Phật giáo Nam tông như: Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, v.v… Đặc biệt là ngôi bảo tháp Miến Điện, một ngôi tháp to lớn, nhọn hoắt và vàng rực nổi bật một vùng; bảo tháp này cũng là một trong những mô hình kiến trúc về chùa tháp nổi tiếng của đất nước này.

Chùa Nhật – Tích Lan

Đây là một trong những ngôi chùa có kiến trúc rất riêng, chùa được chính phủ Nhật tài trợ xây dựng, nhưng lại được chư Tăng Tích Lan ở và tu tập. Chùa có kiến trúc hình vòm, theo hình dạng của tháp Niết-bàn, với những sự thiết kế thờ phượng bên trong theo một phong cách rất riêng.

Chùa Thái Lan

Nổi bật hơn hết có lẽ là ngôi chùa Thái. Chùa Thái được hoàng gia Thái Lan tài trợ xây dựng. Chùa có một khuôn viên rất rộng, chánh điện chùa được xây cao với mái chùa cong vút. Chùa còn xây dựng một bảo tháp rất đẹp và những giảng đường, Tăng phòng, khách xá, toàn thể khuôn viên chùa được trồng những hoa kiểng, cây cối xanh tươi… Đây được xem là ngôi chùa đẹp nhất của khu vực này.

Hơn 2500 lịch sử Phật giáo đã đi qua, bước thăng trầm của Phật giáo cũng theo dòng thịnh suy của thế gian biến chuyển không ngừng; Tứ Động Tâm của Phật giáo có những lúc huy hoàng đón nhận sự quy ngưỡng của những bậc đế vương và toàn thể thần dân Ấn Độ, cũng có những lúc suy tàn, rồi bị chôn vùi vào cát bụi lãng quên. Ngày nay, với sự phát triển về thông tin, về phương tiện đi lại, về kinh tế, kĩ thuật, v.v… đời sống của con người nói chung hay của người phật tử nói riêng cũng được nâng cao, nhờ thế những sự trợ duyên ủng hộ Phật giáo cũng được phát triển. Tứ Động Tâm của Phật giáo nói chung hay thánh tích Kushinagar nói riêng đã thật sự chuyển mình thức dậy sau giấc ngủ ngàn thu. Có lẽ hơn lúc nào hết, ngày nay, Tứ Động Tâm đã mở lòng đón nhận hàng ngàn, hàng triệu người con Phật khắp nơi trên thế giới trở về chiêm bái, tu tập, đó là một trong những phước duyên tối thượng để tăng trưởng phước đức ngay giữa cuộc đời ác trược đầy biến động này.

Thích Trí Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 49, tr.57, 2007]