Thánh Tích Sarnath - Phần 3

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

3. Những di tích quan trọng ở thánh tích Sarnath

Theo Đại Đường Tây Vực Kí, vào thế kỉ thứ 7, lúc ngài Huyền Trang đến chiêm bái thì thánh tích Sarnath có đầy đủ mọi công trình kiến trúc: từ các bảo tháp huy hoàng do vua A-dục và các vị hoàng đế xây dựng, đến những tu viện lầu các tráng lệ qui mô, những trụ đá bóng loáng sừng sững... đến các bảo tháp để tưởng niệm 500 vị Bích Chi Phật nhập Niết-bàn v.v...1 vẫn còn rất trang nghiêm và hưng thịnh; thế nhưng đến thế kỉ thứ XII thì hầu như tất cả những công trình kiến trúc vô giá ấy đều bị tàn phá, hủy hoại bởi quân Hồi giáo cực đoan. Vì vậy, những di tích còn lại chỉ là một phần nhỏ điêu tàn, nhưng lại là những chứng tích vô giá cho hàng trăm triệu người con Phật khắp nơi trên thế giới. Những di tích quan trọng hiện nay ở thánh tích Sarnath có thể kể đến là:

* Dhamekh Stupa (tháp Chuyển Pháp Luân)
Bước vào thánh tích Sarnath, có lẽ hình ảnh uy nghiêm và to lớn của tháp Dhamekh là hình ảnh đầu tiên thu hút chúng ta nhất, đây cũng là bảo tháp nổi bật nhất trong vườn Lộc Uyển này. Tháp Dhamekh được các nhà khảo cổ xác định xây dựng vào năm 300 trước Tây lịch, khoảng triều đại vua A-dục. Chiều cao của tháp hiện tại là 31,1 mét; với đường kính bên dưới là 28,3 mét, lại được xây dựng trên một nền đất cao, càng làm cho ngôi bảo tháp trở nên hùng vĩ và trang nghiêm hơn.

Theo truyền thuyết thì lúc đầu bảo tháp này được xây dựng với kích thước nhỏ hơn hiện tại, để tôn thờ xá-lợi của đức Phật. Nhưng theo thời gian, qua lòng tịnh tín của người con Phật, ngôi bảo tháp được tô đắp và xây dựng thêm lên để bảo vệ xá-lợi Phật, cho đến nay thì ngôi bảo tháp trở nên cao lớn và vĩ đại như thế.

Xung quanh ngôi bảo tháp Dhamekh, cách mặt đất khoảng 10 mét, có tám bệ lớn thờ tượng Phật, các tượng thờ trong các bệ này có kích cỡ lớn như người thật... tuy nhiên các tượng Phật trên các bệ ấy ngày nay không còn. Bảo tháp thờ xá-lợi của đức Phật nằm trên thánh địa thiêng liêng nơi có hàng triệu người con Phật khắp thế giới trở về để đảnh lễ, tụng kinh, hữu nhiễu và kinh hành suốt năm.

* Chaukhandi Stupa (Tháp Chaukhandi)
Sau khi chứng đắc Vô thượng Bồ-đề tại Bồ-đề-đạo-tràng, đức Thế Tôn đã lên đường thẳng đến Sarnath để chuyển vận bánh xe pháp, hóa độ năm anh em Kiều-trần-như. Tại địa điểm thiêng liêng, nơi đức Thế Tôn gặp lại năm anh em Kiều-trần-như có một ngôi bảo tháp hình bát giác tên là Chaukhandi.

Theo sự xác định của các nhà khảo cổ, tháp Chaukhandi được xây dựng vào thời đại của vương triều Gupta (thế kỉ thứ IV đến thế kỉ thứ VI sau Tây lịch). Tháp được xây để tưởng niệm nơi năm anh em Kiều-trần-như đã nghênh đón đức Thế Tôn.

Trong các loại kiến trúc về hình dạng của các bảo tháp xưa nay, có lẽ tháp Chaukhandi có hình dạng đặc thù nhất. Tháp có hình bát giác lại được xây trên một khu đồi rất cao, xung quanh khu đồi được xây bằng gạch. Ngày xưa, ngôi bảo tháp có thể có hình dạng khác bây giờ. Theo sự biến thiên của thời gian, cũng như trải qua những cuộc chiến tàn khốc của quân Hồi... ngôi bảo tháp đã bị đổ nát và tàn phá.

Tìm trong kí sự của ngài Huyền Trang (Đại Đường Tây Vực Kí) cũng như các sử liệu liên quan, chúng ta chưa thấy có sự mô tả nào về hình dạng của ngôi bảo tháp trong thời gian ban đầu, nên không biết được tháp Chaukhandi ngày xưa có hình dạng gì.

Bảo tháp có hình bát giác mà chúng ta thấy ngày nay được xây dựng vào năm 1588, do Govardhan, con trai của Raja Todarmal (một vị vương công ở Ấn Độ) phát tâm kiến tạo. Govardhan kiến tạo ngôi bảo tháp này để tưởng niệm chuyến viếng thăm thánh tích này của đại đế Mông Cổ Humayun (1508-1556). Vì vậy, ngôi bảo tháp có hình dạng của một ngôi chùa tháp hình bát giác theo kiến trúc của Mông Cổ. Ngày nay ngôi bảo tháp đang được trùng tu lại và nằm trong một khuôn viên rộng lớn và yên tĩnh. Xung quanh khuôn viên được trồng các thảm cỏ và cây xanh, và được sự bảo vệ của chính phủ Ấn Độ.

Giống như tháp Dhamekh, hằng năm, bảo tháp Chaukhandi luôn có hàng trăm phái đoàn hành hương của người con Phật trên khắp thế giới trở về chiêm bái, tụng kinh, tọa thiền và kinh hành.

* Dharmarajika Stupa (tháp Dharmarajika)
Nếu tháp Chaukhandi được xây dựng để tưởng niệm nơi đức Thế Tôn gặp lại năm anh em Kiều-trần-như, thì tháp Dharmarajika được xây dựng để tôn thờ xá-lợi của đức Phật. Sau khi thống nhất toàn cõi Ấn Độ, từ giã cuộc đời của một bạo chúa hung tàn để trở thành một vị vua hộ pháp, Đại đế A-dục đã khuyến khích toàn thể thần dân nước mình qui y Tam bảo và sống theo tinh thần của Chánh pháp. Nhà vua đã ra chỉ thị và cho người thu thập tám phần xá-lợi của đức Phật2 bị phân tán khắp nơi trên toàn cõi Ấn Độ lại, sau đó chia thành một ngàn phần và xây một ngàn ngôi bảo tháp để tôn thờ xá-lợi này tại các thánh tích Phật giáo và ở các trung tâm phát triển của Ấn Độ, cho mọi người được chiêm ngưỡng và lễ bái. Tháp Dharmarajika là một trong một ngàn ngôi bảo tháp ấy.

Theo sử các sử liệu Sarnath, vào năm 1794, ông Jagat Singh, một tín đồ Ấn giáo, ở Ba-la-nại, trong lúc xây dinh thự của mình, ông đã cho người đến chở gạch đá ở đây, trong khi đào gạch ở tháp này, ông đã tìm thấy một hộp đá bằng cẩm thạch đựng xá-lợi tro, rất có thể là xá-lợi tro của đức Phật. Theo nghi thức của Ấn giáo, ông đã đem xá-lợi tro này thả xuống dòng sông Hằng. Ngoài ba tháp chính vừa đề cập trên, còn có rất nhiều các tháp nhỏ và các nền tháp khác trong vườn Lộc Uyển thiêng liêng này.

Căn cứ theo nền móng và các kiến trúc còn lại của bảo tháp Dharmarajika, các nhà khảo cổ cho biết rằng bảo tháp được xây theo hình bán cầu, một kiểu kiến trúc đặc sắc theo nghệ thuật tháp cổ của Ấn Độ. Nền móng hiện nay của tháp có hình tròn, đường kính 13,5 mét. Ngôi bảo tháp này ngày xưa ắt hẳn cao lớn và và hùng vĩ lắm. Nhưng tiếc thay dưới sức tàn phá của thời gian, những cuộc chiến tranh kì thị tôn giáo, cũng như sự đào xới lấy gạch và tìm cổ vật của người dân địa phương... ngôi bảo tháp hiện chỉ còn lại một nền gạch lớn hình tròn với những kiến trúc hoa văn điêu tàn xót lại nơi nền móng, chứng minh cho sự hưng thịnh một thời của một khu thánh địa thiêng liêng.

* Asoka Pillar (Trụ đá vua Asoka)
Trong những công trình của vua Asoka xây dựng (tu viện, bảo tháp, trụ đá, bia kí...) có lẽ, những trụ đá là có ý nghĩa hơn cả. Qua những trụ đá vững chắc có chạm những hình tượng đặc thù và khắc những bài kinh, những chỉ dụ... đó là những bảo vật vô giá làm nhân chứng cho lịch sử hàng nghìn năm qua. Trong vô số những trụ đá ấy, từ những trụ đá ở Bồ-đề đạo tràng, đến Lâm-tì-ni, v.v... thì trụ đá ở Sarnath, vườn Lộc Uyển có lẽ là đẹp nhất và cũng nhiều ý nghĩa nhất. Trụ đá cao 15,25 mét, trên đầu trụ có tượng bốn con sư tử bằng đá rất oai hùng nhìn ra bốn hướng. Phần thân trụ tròn thon và thẳng tắp, đường kính bên dưới là 71 cm, đường kính bên trên trụ là 56 cm. Trụ được làm bằng một loại sa thạch đặt biệt và được mài bóng loáng; vì vậy trụ đá trải qua hơn 2000 năm, bị tàn phá và vùi chôn trong lòng đất nhưng đến nay vẫn sáng chói, thoạt nhìn không ai ngờ là trụ đá đã được làm cách đây mấy nghìn năm.

Trụ đá ngày nay không còn nguyên vẹn như xưa nữa mà đã bị gãy làm nhiều đoạn, có lẽ trong những cuộc chiến hung tàn ở thế kỉ XII, quân Hồi giáo cực đoan đã phá hủy trụ đá này. Gốc của trụ đá và những đoạn gãy được bảo quản trong vườn Lộc Uyển, ngay tại nơi khai quật được. Trên thân trụ đá được vua A-dục khắc ba chỉ dụ bằng kí tự Brahmi, nét chữ hầu như vẫn còn nguyên vẹn và rõ ràng. Một trong ba chỉ dụ ấy khắc rằng: “Tăng đoàn không được chia rẽ. Dù tăng hay ni, ai chia rẽ Tăng đoàn, người đó phải mặc áo trắng (bạch y cư sĩ) và phải ở một nơi không có Tăng đoàn”.

Phần trên cùng của trụ đá có hình bốn con sư tử nhìn ra bốn hướng rất oai hùng được xem như quốc bảo của Ấn Độ và được bảo quản trong viện bảo tàng quốc gia ở Sarnath. Dưới chân của bốn con sư tử là một bệ đá có hình cái trống có chạm khắc xung quanh hình bốn con vật: sư tử, voi, bò và ngựa; giữa bốn con thú ở bốn hướng có chạm hình bốn bánh xe pháp luân. Hình tượng của trụ đá này được chọn làm quốc huy của nước Ấn Độ và được đúc lên trên các đồng tiền Ấn. Đặc biệt là hình tượng bánh xe pháp luân đã được chính phủ Ấn chọn làm biểu tượng thiêng liêng nhất của quốc gia và in trên quốc kì tung bay trên khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Đó là quyết định đầy trí tuệ và dũng mãnh của vị thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru: “Quyết nghị rằng quốc kì của Ấn Độ sẽ gồm ba dải màu: vàng nghệ, trắng và xanh lá cây đậm nằm ngang cân đối nhau. Giữa dải màu trắng sẽ là bánh xe màu xanh nước biển, tượng trưng cho Chakra. Mẫu bánh xe này lấy theo mẫu bánh xe nằm trên đỉnh của trụ đá đầu hình sư tử của vua A-dục tại Sarnath... Khi đề cập đến tên tuổi của A-dục, tôi muốn các vị biết rằng giai đoạn A-dục vốn là một giai đoạn quốc tế của lịch sử Ấn Độ. Đó không phải là một quốc gia nhỏ hẹp. Đó là một giai đoạn khi mà các nhà đại sứ của Ấn Độ được gởi đi khắp nơi đến tận những đất nước xa xôi, không phải theo lối của một đế quốc, mà họ là những vị xứ giả của hòa bình, của thiện chí và văn hóa.”3

* Các chùa và tự viện gần thánh tích Sarnath
Đến với thánh tích Sarnath ắt hẳn không ai không viếng thăm ngôi chùa Mulagandhakuti. Chùa nằm sát bên thánh tích Sarnath, do ngài Dharmapala, một danh Tăng nổi tiếng (như đã đề cập ở trước) xây dựng vào năm 1931. Ngôi chùa được kiến tạo theo mô hình chùa tháp của Srilanka, nhưng lại được sự ủng hộ của các hội Phật giáo lớn trên thế giới như Anh quốc, Nhật Bản... từ đó kiến tạo nên một ngôi chùa đầy ý nghĩa, xinh đẹp, to lớn và trang nghiêm. Ngôi chùa không những nổi tiếng vì được xây dựng gần thánh tích thiêng liêng, không những được bậc danh tăng Dharmapala xây dựng, cộng đồng Phật giáo quốc tế ủng hộ... hơn nữa ngôi chùa còn thờ xá-lợi của đức Phật. Xá-lợi này được phát hiện trong lúc khảo cổ ở Taxila, Nagarjuni Konda, do chính phủ Ấn Độ bảo vệ. Cảm niệm công đức của Ngài Dharmapala, cũng như sự quan tâm của cộng đồng Phật giáo quốc tế, chính phủ Ấn đã hiến tặng Xá-lợi này cho chùa.

Hằng năm vào ngày khánh thành ngôi chùa, xá-lợi Phật này được rước qua những con đường chính tại Sarnath. Đám rước được tổ chức long trọng và trang nghiêm, có sự tham dự của hầu hết chư Tăng và Phật tử ở các chùa xung quanh thánh tích, như: Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện...

Hơn thế nữa trong khuôn viên chùa Mulagandhakuti còn có cây Bồ-đề nổi tiếng được mang từ Srilanka sang, đây được xem là hậu thân thứ ba của cây Bồ-đề thiêng tại Bồ-đề-đạo-tràng4.Trước cây Bồ-đề này, có tượng đức Phật đang thuyết bài pháp đầu tiên và tượng năm anh em Kiều-trần-như ngồi xung quanh đang lắng nghe, tư duy về bài pháp Tứ Diệu Đế... Tất cả những nhân duyên ấy đã làm ngôi chùa Mulagandhakuti không những nổi tiếng ở Sarnath, ở Ấn Độ, Srilanka... mà còn vang danh trên thế giới.

Ngoài  chùa Mulagandhakuti, xung quanh thánh tích Lộc Uyển còn có rất nhiều ngôi chùa khác của Phật giáo các nước trên thế giới, như các chùa và tu viện của Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Miến Điện, v.v... mỗi một ngôi chùa được xây dựng rất trang nghiêm, đại diện cho truyền thống tu tập và văn hóa của nước mình... Tất cả đã góp phần làm cho thánh tích Sarnath ngày một phát triển và hưng thịnh hơn.

Dòng sông Hằng vẫn lặng lẽ êm trôi giữa lòng xứ Ấn như muốn cuốn trôi những nền văn minh cổ kính; đã qua rồi vương thành Ba-la-nại một thời vang vọng; thánh tích Sarnath cũng qua rồi một thời hoàng kim dưới sự ủng hộ chí thành của các bậc đế vương; cũng giã từ sự tàn phá của chiến tranh để rồi đến nay thánh tích Sarnath đã thật sự hồi sinh trở lại.

Ngày nay, đến với thánh tích Sarnath chính là trở về quê hương của cội nguồn giải thoát, là chiếc nôi hình thành Tam bảo giữa thế gian. Chúng ta đến với thánh tích Sarnath để cảm nhận được lòng từ bi vô hạn của đức Thế Tôn trong tiền kiếp từng tu tập đạo Bồ-tát trong loài nai; đến với thánh tích Sarnath để lắng lòng đón nhận dư âm của bài pháp giải thoát đầu tiên về bốn chân lý tuyệt diệu hay con đường trung đạo để bước đi đúng hướng giữa cuộc đời. Và đến với thánh tích Sarnath để chí thành đảnh lễ một thánh tích thiêng liêng, nơi đức Thế Tôn đã thiết lập Ba ngôi báu để chúng ta có nơi nương tựa tu tập vững chắc giữa cuộc đời đầy tang thương và biến động này.

Chú thích
1 Xem Samuel Beal, Buddhist Recordeds Of The western World, First Published 1884, Printed in India, Part II, Book VII, p.45-46. 
2 Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, Xá-lợi của Ngài được phân chia làm tám phần cho tám vị quốc vương tôn thờ ở mỗi nước trên toàn cõi Ấn Độ.
3 J. Nehru, The Asoka Chakra and the National Flag of India, H.B. Chowdhury (ed), Calcutta, 1997: p.165-168.
4 Xem TSPL số (34), Về lại cội bồ-đề.

Lộc Uyển
[Tập san Pháp Luân - số 45, tr.44, 2007]