Cuộc hội thoại của mấy anh chị em huynh trưởng GÐPT trẻ A, B, C với đề tài Tứ Ðộng Tâm, chủ yếu là Bồ-đề Ðạo Tràng.(PLO)
Kính thưa quí vị và các bạn,
Tuổi trẻ Phật giáo hôm nay khác với tuổi trẻ PG ngày xưa rất nhiều. Ví dụ như ngày xưa Phật tử không được đọc những Kinh “lớn” như Kim Cang, Lăng Nghiêm, Duy Ma Cật, v.v... vì quí Thầy, quí Sư Cô cố vấn giáo hạnh sợ các em chưa đủ tuổi để hiểu, rồi đâm ra hiểu lệch lạc, “mang tội”… Còn bây giờ, cho hay không cho cũng không thành vấn đề, các em chỉ cần lên “net” thì cái gì cũng có. Tuy nhiên, có nhiều chuyện thì các em biết về chữ nghĩa mà thực tế chưa biết hay có nhiều danh từ rất dễ hiểu mà các em không hiểu, trái lại những từ “cao siêu hơn” thì lại hiểu được! Vì vậy, các em luôn thắc mắc. Xin mời quí vị theo dõi cuộc hội thoại của mấy anh chị em huynh trưởng GÐPT trẻ A, B, C mà chúng ta đã làm quen qua mấy lần trước với đề tài Tứ Ðộng Tâm, chủ yếu là Bồ-đề Ðạo Tràng.
A: Chào các em, hôm nay gần cuối năm 2005 rồi! Các em định nói chuyện gì đây?
B: Dạ, chúng em định hỏi anh về mấy chữ “tứ động tâm” là gì?
C: Phải đó, Tứ vô lượng tâm hay Tứ thánh đế hay Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Tứ nhiếp pháp… chúng em đều đã học nhưng Tứ động tâm sao chúng em chưa học hở anh?
A: Các em đã biết rồi nhưng không gọi tên như vậy thôi, chứ sao lại chưa học được!
C: Thật sao? Biết hồi nào?
A: Hồi học lịch sử đức Phật Thích-ca từ sơ sinh đến nhập diệt đó! Các em đều biết đức Phật đản sinh ở đâu? Thành đạo ở đâu? Thuyết giảng bài pháp đầu tiên ở đâu? Và nhập diệt ở đâu chứ?
B: Dạ, nhất định rồi, dễ mà! đức Phật sinh ở vườn Lâm-tỳ-ni, thành Ðạo ở Bồ-đề Ðạo Tràng, thuyết giảng Tứ Ðế (Bốn sự thật cao thuợng) ở vườn Nai (Lộc Uyển), và nhập diệt ở thành Câu-thi-la.
A: Đúng rồi! 4 chỗ em vừa kể gọi là “4 động tâm” hay “tứ động tâm” cũng vậy; vì khi người con Phật đến đó không ai là không xúc động mạnh, xúc động đến tận tâm can.
C: À thì ra vậy, hèn gì em cứ thắc mắc tại sao mình không được học!
A: Bây giờ các em muốn nói động tâm nào trước?
B: Dạ, hôm nay sắp đến ngày Thành Ðạo, anh nói cho chúng em về Bồ-đề Ðạo Tràng trước đi nha!
A: Bồ-đề Ðạo Tràng ở thành phố Bodh Gaya của Ấn Ðộ. Ðây có lẽ là Thánh tích quan trọng nhất, được chính phủ Ấn đặc biệt quan tâm tu sửa, và hằng năm du khách Phật tử hay không Phật tử đều đến đây tham quan rất đông.
C: Vậy hồi tháng 11/04 có lễ hội hành hương (LHHH) của GÐPT, anh cũng có đi chứ?
A: Ðúng vậy, các thành viên của các phái đoàn GÐPT được ăn, ở và sinh hoạt tại Trung tâm tu học Viên giác ở Bodh Gaya (Viên Giác Institute Center) của thầy Thích Như Ðiển, rất gần Bồ-đề Ðạo Tràng. Mỗi buổi sáng, cứ 4giờ30 là anh chị em mình được quí Thầy hướng dẫn ra Bồ-đề Ðạo tràng, dưới cội Bồ-đề lịch sử để đi kinh hành, tụng kinh, bái sám và lễ lạy (nghĩa là đê đầu đảnh lễ) cội cây Bồ-đề.
B: Thật là thích quá anh hở? GÐPT chúng ta ở đó được mấy ngày và làm những việc gì hở anh?
A: Có nhiều phái đoàn, nhiều anh chị vì công tác, đã đến trước nhiều ngày nên không thể nói chính xác là anh chị em chúng ta lưu lại đó mấy ngày, nhưng tất cả mọi người đều đã ở đó ít nhất là 5 ngày, và liên tiếp trong 3 ngày cuối cùng, trước khi rời BÐÐT, chúng ta đã tiến hành các Phật sự quan trọng, mang tính chất lịch sử, đó là lễ “rước ánh sáng” đại hùng đại lực, đại từ bi về Ðại hội, lễ “thí phát gieo duyên lành xuất gia” cho một số anh chị em huynh trưởng và lễ thọ cấp Dũng ngay dưới Cội Cây Bồ-đề lịch sử của người anh Cả hải ngoại của chúng ta, anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu.
C: Anh có thể mô tả sơ cho chúng em quang cảnh chung của Bồ-đề Ðạo Tràng như thế nào không?
A: Được chứ, đó là một khu rộng lớn, cỡ lớn hơn những công viên lớn (park) ở Hoa kỳ mà chúng ta thường gặp, gồm nhiều Thánh tích như Đại Tháp (Maha), hồ Rồng Mù (Muchalinda), tòa tháp Animes Lochan, nơi đức Phật Thích-ca ngồi quan sát trong tuần thứ 2 sau khi thành đạo, mặt hướng về cội Bồ-đề, và nhiều tòa tháp, công trình xây dựng mang đặc tính của nhiều quốc gia Phật giáo cúng dường, như đại hồng chung của Nhật Bản, Việt Nam, công trình “hòn non bộ” Ngũ Hành sơn với núi non hoa lá kiểu bonsai do nghệ nhân xứ Huế thực hiện. Trong tháp Animes Lochan hiện chứa 3 tạng kinh Hoa Nghiêm bằng chữ Tây Tạng.
B: Chỗ đó có đông người bản xứ đến tụng kinh như chúng ta không?
A: Họ còn đến sớm hơn anh chị em mình nữa! Nghĩa là họ đã có mặt từ nửa đêm hay tự bao giờ không rõ, người thì dâng hoa, tụng kinh, chiêm bái các tượng Phật, người cầu nguyện, ngồi thiền, v.v... Không chỉ người dân bản xứ mà nhiều người “ngoại quốc” như Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Âu Châu, Việt Nam, v.v... Các vị Lạt-ma Tây Tạng đảnh lễ khác hơn dân VN mình. Họ mang 2 chiếc dép vào 2 bàn tay, và khi gieo mình xuống đảnh lễ; họ duỗi thẳng 2 cánh tay lên đầu, bằng cách “chà” 2 bàn tay lên mặt đất để thân mình nằm sát đất - đúng nghĩa “gieo 5 vóc” xuống đất (đầu mình và tứ chi).
C: Bên trong Ðại Tháp như thế nào hở anh?
A: Bên trong Đại Tháp có tượng đức Phật Thích-ca trong tư thế kiết già, tay trái gác lên đùi phải, tay phải buông xuôi, bàn tay trong tư thế bắt ấn địa xúc, mặt hướng về phía Đông. Nghe nói bức tượng này đã có trên 1700 năm và tác giả điêu khắc bức tượng này là hóa thân của Bồ-tát Di-lặc. Bức tượng đã được tìm thấy và phục chế sau một thời gian dài bị chôn vùi,…
B: Còn cây Bồ-đề lịch sử?
A: Thân cây Bồ-đề to lắm, ít nhất là 5, 7 người ôm mới kín vòng! Tàng lá Bồ-đề phủ rộng ra khoảng 10m trĩu xuống, có những trụ chống làm giá đỡ, khá cao; người ta đã xây một bức tường bằng xi măng vây kín cội Bồ-đề, chỉ để một cửa vừa đủ cho một người ra vào, bên trong có tòa Kim Cang bằng sa thạch do vua Asoka lập, nơi đức Phật ngồi nhập đại định 49 ngày. Anh chị em mình được vào thăm bên trong, vì thầy Như Ðiển có mượn chìa khóa mở cửa cho anh chị em chiêm bái cội Bồ-đề. Mọi người đi chung quanh cây, chạm trán vào thân cây, có người còn vốc một nắm đất dưới gốc nữa. Nghe đâu những vị quản lý khu BÐÐT có nhắc nhở “yêu cầu quí PT đừng lấy đất dưới gốc cây, vì như thế cây sẽ chết!” Hai năm trước, cội Bồ-đề suýt chết vì hàng trăm, hàng ngàn người đến thăm viếng, mỗi người đều vốc một nắm đất! Cây làm sao sống nổi! Phải nhờ hội bảo vệ thực vật quốc tế chăm sóc, cây mới sống được đến nay!☺☺!!
Vị trí cội Bồ-đề phía Tây Bắc, từ tòa ngồi đức Phật nhìn ra sông Ni-liên-thuyền là hướng Đông, và sao Mai mọc lên cũng từ hướng đó.
B: Cội Bồ-đề còn gì đặc biệt không anh?
A: Bên ngoài cội Bồ-đề lịch sử còn có hai dấu chân Phật rất lớn, to gấp 10 lần dấu chân bình thường, khắc trên đá và được lồng kính để bảo vệ. Phật tử đem hoa đặt lên mặt kính cúng dường. Hoa được dùng để cúng dường hầu hết không phải hoa sen mà là hoa Súng, màu trắng hay hồng tím; cánh hoa và cọng rất to gấp mấy lần hoa Súng ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ. Ði vào khu vực Bồ-đề Ðạo Tràng, tất cả giày dép đều được để ở ngoài, nên khi đi thiền hành hay đi thăm các nơi bên trong đều đi chân trần, cảm nhận được sự mát lạnh của nền gạch hay đất.
C: Còn hồ Rồng Mù như thế nào anh?
A: Chỗ này có tượng đức Phật Thích-ca ngồi giữa hồ, đây là nơi đức Phật ngồi tọa thiền trong tuần lễ thứ 6 sau khi giác ngộ. Hình tạc tượng Ngài ngồi nhập định và được rắn thần hổ mang chúa xòe mang ra rất rộng để che mưa cho Ngài. Rất xa bên kia là sông Ni-liên-thuyền, rừng khổ hạnh cây thưa và xơ xác, và ngôi làng Sujata (khu làng lấy tên người nữ mục đồng dâng bát sữa lên đức Thế Tôn trước khi Ngài thành đạo). Sông Ni-liên-thuyền mùa hè không có nước, nằm trơ trọi với những bãi cát vàng rộng và dài với vài con lạch nhỏ nơi dân làng dùng để tắm gội, giặt giũ… Nghe nói mùa mưa thì nước sông Ni-liên-thuyền dâng lên đến bụng.
B: Anh chị em còn đi đâu nữa, sau khi rời BÐÐT hở anh? đến động tâm thứ 2 hở?
A: Không, phái đoàn còn đi cứu trợ các nơi quanh khu vực BÐÐT rồi sau đó mới đi đến thành Vương-xá, lên núi Linh Thứu được nhìn thấy thạch động của ngài A-nan, ngài Maha Ca-diếp, thăm Phật học viện Nalanda, thăm Tịnh xá Trúc Lâm, v.v... rồi mới đi chiêm bái động tâm thứ 2, đó là vườn Nai (Lộc Uyển - Samath).
C: Vườn Nai ở có xa BÐÐT lắm không anh?
A: Từ Bồ-đề Ðạo Tràng, phải vượt 300km mới đến vườn Nai. Ngày xưa phương tiện giao thông khó khăn hơn bây giờ, đủ biết đức Thế Tôn phải tốn biết bao nhiêu ngày giờ để đến Lộc Uyển độ cho 5 anh em ông Kiều-trần-như! Vườn Nai hay Lộc Uyển thuộc xứ Ba-la-nại (Banerès) là một khu rộng rãi vô cùng với nhiều cây cao bóng mát, chim hót vang lừng. Thật là một nơi lý tưởng để chuyển pháp luân; hèn gì trước đức Thích-ca đã có 3 vị Phật khác là Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm và Phật Ca-diếp. Ðại Tháp chuyển pháp luân (Dharmekkha) đánh dấu nơi đức Phật giảng bài Pháp đầu tiên. Tháp có hình khối tròn, cao 31,3m đường kính 28,3m đứng sừng sững, thi gan cùng năm tháng, do vua A-dục (Asoka) dựng lên cách đây hơn 2 ngàn 3 trăm năm (300 năm trước Tây lịch); trong vườn còn lưu lại 6 bức tượng, của đức Bổn sư và 5 anh em tôn giả Kiều-trần-như.
B: Anh có nhìn thấy trụ đá của Vua A-dục sai khắc với hình 4 con sư tử mà anh chị em chúng ta dùng làm biểu tượng cho trại HL/HTr. A Dục không anh?
A: Có chứ, đó là trụ đá cao 21,33m đánh dấu nơi đức Phật Thích-ca phân công cho 60 vị đệ tử của Ngài đi hoằng pháp khắp nơi... Ngày nay, trụ đá này đã bị gãy làm mấy khúc! Trên đó có ghi lời dạy của đức Thế Tôn với các đệ tử của Ngài là phải sống hòa hợp thương yêu nhau. Tượng sư tử thì được đặt tại viện bảo tàng, ở ngoài khuôn viên vườn Lộc Uyển.
C: Quí Thầy có thuyết pháp cho anh chị em mình tại vườn Nai không hở anh?
A: À may có câu hỏi của em, anh quên kể, là sau khi hành lễ xong, quí Thầy bảo anh chị em chúng ta ngồi vòng tròn dưới các tàng cây đầy bóng mát để nghe quí Thầy nói về những sự kiện liên quan đến Lộc Uyển. Anh có cảm giác như được trở về quá khứ khi đức Thế tôn thuyết bài pháp đầu tiên cho anh em ông Kiều-trần-như vậy! Rải rác đây đó trong vườn Nai còn nhiều nền móng thấp, di tích của các tu viện, Tăng xá ngày xưa…
B: Thế rồi đoàn người lại đi thăm động tâm thứ 3 phải không anh?
A: Phải đó! Từ vườn Nai, đoàn hành hương vượt thêm 260 km về phía Bắc để đến động tâm thứ 3 là Câu-thi-na (Kushinagar), nơi đức Phật nhập Niết-bàn. Câu-thi-na thuộc thành phố Kasia, bang Uttar Pradesh, một trong những bang nghèo nhất xứ Ấn Ðộ. Khi đến chùa Niết-bàn, nơi cách đây hơn 2500 năm đức Phật từ giã thế gian và chư đệ tử của Ngài; lòng mọi người se lại… Tượng Niết-bàn dài chừng 6m, toàn thân Ngài sắc vàng, thế nằm gối đầu lên tay phải, đỉnh đầu hướng về phương Bắc, đúng như tài liệu tu học của anh chị em mình - nhiều người lấy la bàn ra kiểm chứng và rất lấy làm hoan hỷ nữa! Ngôi chùa Niết-bàn này do hội Phật giáo Miến Ðiện (Myanmar) xây cất.
C: Vậy anh chị em mình có được thấy chỗ trà tỳ nhục thân của đức Phật khi xưa không anh?
B: Và có được thấy ngọc xá-lợi của đức Phật không?
A: Có, đại tháp trà tỳ nơi hỏa táng nhục thân đức Phật ở cách chùa Niết-bàn khoảng 1 km về phía Bắc. Tuy nhiên ngôi tháp đã bị phá hư từ lâu, bây giờ thay vào đó là một mộ gạch cổ to lớn tạc tượng đức Phật nằm, đầu cũng hướng về phương Bắc. Chung quanh ngôi mộ là một công viên với đủ loại hoa đầy màu sắc, hương thơm… xá-lợi Phật được thờ trong các chùa Việt Nam, chùa Thái Lan… với kiến trúc đặc trưng của mỗi nước. Anh chị em chúng ta được Ni sư trụ trì chùa Linh Sơn mở kim quan ra cho chiêm ngưỡng ngọc xá-lợi đủ màu, và được Ni sư giải thích tường tận về tính chất bất hoại linh thiêng của ngọc xá-lợi.
C: Như vậy động tâm thứ tư là vườn Lâm-tỳ-ni đáng lẽ được xem trước hết vì đó là nơi Thái tử Tất-đạt-đa (Sidhartha) đản sanh nhưng bây giờ được xem sau cùng phải không anh? Tại sao vậy?
A: Đúng đó! Động tâm thứ 4 là vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini); mà vườn Lâm-tỳ-ni ngày nay thuộc Népal chứ không thuộc Ấn Ðộ. Từ Câu-thi-na phải đi hơn 148km mới đến Sonauli là biên giới Ấn Ðộ - Népal và phải mất nửa giờ để làm thủ tục visa qua biên giới! Népal là một xứ nhỏ và nghèo nhưng đã phá bỏ thành kiến về giai cấp từ lâu, thật xứng đáng là quê hương của đức Từ Phụ Thích-ca Mâu-ni.
B: Có phải Népal có rất nhiều đảng phái không anh?
A: Phải đó! Có đến 80 đảng phái lớn nhỏ!☺☺!! Ngoài ra, quân chính phủ và quân phiến loạn thường đụng độ, tình hình không được an ninh. Mấy năm trước đây, một ngôi chùa Nhật ở Lâm-tỳ-ni bị cướp tấn công và bắn chết vị Sư phó Trụ trì! May mắn là lúc anh chị em mình qua thì hai bên đang ngưng chiến nên tình hình tương đối yên tĩnh. Khu vực vườn Lâm-tỳ-ni rộng mênh mông và đang trong thời kỳ xây dựng qui mô để đón du khách. Phái đoàn của anh chị em chúng ta được quí Thầy hướng dẫn hành lễ, tụng niệm trước trụ đá của vua A Dục xây vào năm 249 trước Tây lịch, và tấm bảng có hàng chữ khắc bằng tiếng Anh và tiếng Pali (hay Sanskrit?) đại ý như sau: Lòng tưởng nhớ đến ngày trọng đại của Trời, Người, cách đây mấy ngàn năm: “Ngày Ðản sanh của đức Thế Tôn! Chính nơi đây Ngài đã sinh ra làm thân người, rồi xuất gia tìm Ðạo, để chỉ đường giải thoát cho chúng sanh.”
C: Có chỗ nào ghi dấu 7 bước chân của Thái tử sơ sinh không hở anh?
A: Để từ từ anh kể. Phía ngoài là cảnh hoang tàn đổ nát của những đền đài vương giả một thời vàng son, nhưng bên trong có đền mẫu hậu Maya, với một tấm bia đá để sâu dưới mặt đất, đánh dấu nơi đức Phật đản sanh, được bao bọc bằng một lớp gương dày. Phía trên tường là một tấm phù điêu khắc hình mẫu hậu Maya đang với tay bẻ cành cây Vô-ưu, bên hông ngài Maya là thái tử mới sinh và di mẫu Maha Ba-xà-ba-đề đang dang tay ẵm Thái tử. Bên trong có những ô đất vuông vức, ghi vị trí từng dấu chân của đức Sơ sinh bước đi và dấu chân của Maya hoàng hậu, chỗ ấy được gọi là ngôi bảo tồn “bảy bước xưng tôn”; gần đó có một hồ nước có nhiều bậc đi xuống. Tục truyền đó là nơi hoàng hậu Maya xuống tắm trước khi sinh Thái tử và cũng là nơi Thái tử được tắm sau khi đản sinh. Tấm bảng ghi “Sacred Pond. Mayadevi bathed here before giving birth to Buddha” còn được gọi là nơi “chín rồng phun nước”. Anh chị em GÐPT rất vui khi nhớ lại bài tán tụng ghi trong cẩm nang LHHH:
Chí tâm đảnh lễ
Dưới cây Vô-ưu
Ðản sanh thị hiện
Chín rồng phun nước
Bảy bước xưng tôn
Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
B: Như vậy, đức Phật của chúng ta là người Népal anh hở? Anh có thể nói thêm về người dân Népal không?
A: Đúng vậy, đức Phật Thích-ca và hoàng triều Ca-tỳ-la-vệ là dân Népal, không phải Ấn-độ, da họ nâu và sáng chứ không đen và phục sức đơn giản, không phức tạp và loè loẹt như dân Ấn. Phụ nữ Ấn thích đẫy đà, mập mạp còn phụ nữ Népal thì cao và thon thả. Dòng họ Thích-ca bây giờ vẫn còn trong hình thái bộ tộc như xưa, tất cả đều theo Bái Hỏa giáo, thờ thần Lửa và suy tôn một trinh nữ khoảng 15, 16 tuổi làm nữ vương, hằng năm có những cuộc tế lễ, rước kiệu, v.v...
C: Thật lạ quá phải không anh? Bà con dòng họ của đức Phật mà không biết Phật là ai, lại đi thờ Thần Lửa, trong khi cả thế giới đang qui ngưỡng đức Phật như một nhà giáo dục vĩ đại, một giáo chủ đặc biệt, độc đáo với giáo lý vô ngã, với những câu tuyên bố bất hủ như: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành” hay “Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn” hay “oán thù không thể tiêu diệt hận thù, chỉ có từ bi mới dập tắt được lửa hận thù mà thôi”, v.v... em thật không hiểu nổi! ☺☺!!
A: Đúng vậy, thật đáng tiếc nhưng cũng dễ hiểu thôi vì Ấn Ðộ nói chung và Népal nói riêng đã từng bao phen bị Hồi giáo cai trị, họ đã giết hại nhiều thế hệ của Phật tử nói chung, dòng họ Thích-ca nói riêng… mục đích tiêu diệt Phật giáo, làm tuyệt giống Phật nên chỉ còn Sri Lanca là còn lưu truyền kinh điển, Phật pháp.
B: Buổi nói chuyện hôm nay thật bổ ích cho chúng em, mặc dù phần cuối nhắc đến dòng họ Thích-ca làm anh chị em chúng ta thật bùi ngùi! Em xin cảm ơn anh nhiều và xin hẹn gặp lại lần sau. Tạm biệt!
A & C: Tạm biệt! Tạm biệt!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.73, 2006]