Trang 2 / 2
Trong kho tàng kinh điển của Phật giáo, Trường bộ kinh là một trong những bộ kinh xuất hiện sớm nhất và được các nhà Phật học cũng như giới học giả nhận xét là gần thời Phật nhất. Với người chưa để tâm nghiên cứu, chấp vào văn cú, khi đọc qua bộ kinh này vội đánh giá rằng nó quá nhàm chán bởi sự lập đi lập lại văn cú, nhắc lại những câu chuyện xưa, không liên quan đến cuộc sống hiện tại. Nhưng với người có ít kiến thức, có chút suy tư sẽ cảm nhận được điều vô cùng cao đẹp, văn phong dồi dào, bằng những đối thoại đơn giản, những câu chuyện mộc mạc đơn sơ nhưng ẩn chứa những áo nghĩa uyên thâm, giải thích mọi huyền ngu tội phước, phân biệt những chân ngụy, dị đồng v.v... Có giá trị vô cùng trong mọi không gian và thời gian, thể hiện một con người tuyệt luân của đức Phật. Trong phạm vi bài này, người viết xin giới thiệu về những nét đẹp hiện đại trong kinh “Sa môn quả” kinh số 2, thuộc Trường bộ kinh, qua những điểm tóm lược sau:
1. Không gian, thời gian và tâm hồn con người
Bài kinh được mở đầu bằng những nét đẹp gần như hoàn mỹ về không gian, thời gian và tâm hồn của con người. Đó là một đêm trăng tuyệt vời (thời gian), lễ Bố tát vào ngày rằm tháng Tư, vầng trăng vào đêm 15 và 16 xưa nay vẫn luôn được xem là hoàn mỹ nhất, đẹp đẽ nhất. Một không gian khoáng đãng mát mẽ: Ở trên lầu cao, nơi sân thượng trong vườn thượng uyển, với muôn ngàn hoa lá, trăng sao. Trước một khung cảnh đẹp ấy, thông thường thì các bậc đế vương ai cũng muốn vui chơi đắm mình trong yến tiệc linh đình hay quên mình trong những đam mê tửu sắc của ngũ dục. Nhưng vua Ajàtasattu (A-xà-thế) - một vị vua cực ác từng cấu kết với Đề- bà- đạt- đa, để hại Phật và giết cha mình, đã không làm thế. Lúc bấy giờ, vua đang ngồi trên lầu cao trang nghiêm, chung quanh có nhiều đại thần đang hầu hạ, tâm hồn thiện mỹ của vua đã sinh khởi, trước không gian và thời gian ấy, ông cảm hứng hỏi rằng:
“Thật khả ái thay, này các khanh đêm rằm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng ! Thật mỹ miều thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng !... Nay chúng ta nên chiêm bái vị Sa môn hay Bà la môn nào, nhờ sự chiêm bái nầy tâm chúng ta được tịnh tín”. (Kinh Sa môn quả - Kinh số 2 - Trường bộ kinh)
Đây quả là một nét đẹp vô cùng hy hữu của một bậc đế vương như vua Ajàtasattu. Chính nhờ vào một niệm thiện, một thiện tâm sinh khởi này, đã trở thành một tiền đề để chuyển vua Ajàtasattu từ một tên bạo chúa, trở thành một bậc minh quân nổi tiếng đương thời. Khoảng hai trăm năm sau, cũng tại xứ này có một vị vua được mệnh danh là ác vương A Dục, sau khi hồi đầu về với chánh pháp được dân chúng khen tặng một mỹ từ là hộ pháp A Dục. Tên tuổi của hai vị đế vưong này mãi được lưu truyền trong sử sách.
2. Sự an tịnh của chư Tăng
Khi nghe nhà vua hỏi như vậy các đại thần lần lượt giới thiệu các vị Đạo sư nổi tiếng đương thời và kính xin vua đến chiêm bái các vị Đạo sư ấy. Tiêu biểu có 6 vị Đạo sư như sau:
- Pùrana Kassapa (Phú-la Ca-diếp)
- Makkali Gosàla (Mặc-già-lê cù-xá-lợi)
- Ajita Kesakambàli (A-kỳ-đa kỳ-xá-khâm-bà-la)
- Pakudha Kaccayana (Bà-phù-đà ca-chiên-nê)
- Sanjaya Petathiputta (Tán-nhã-di tỳ-la-phê-phất)
- Nigantha Nàtaputta (Ni-kiền-tử)
Cả sáu vị Đạo sư này đều được người đương thời khen ngợi là:
“Vị Hội chủ, vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong đại vương đến chiêm bái v.v... (6 vị Đạo sư) v.v... có thể khiến tâm đại vương được tịnh tín” (Sđd).
Sau khi nghe các vị đại thần tâu như vậy, Ajàtasattu, vua nước Magadha yên lặng không nói gì. Bởi vua Ajàtasattu là một người tài giỏi kiến thức uyên thâm, đầy mưu lược, khéo phân biệt mọi sự và đã từng tiếp xúc với các vị Đạo sư đương thời.
Lúc ấy, cũng có sự hiện diện của ngự y thân tín của vua tên là Jivaka, đệ tử tại gia của đức Phật, đang ngồi yên lặng cách xa vua Ajàtasattu không xa, khi ấy vua liền nói với Jivaka:
“Nầy khanh Jivaka sao ngươi yên lặng như vậy?” (Sđd.)
Jivaka đáp : “Tâu đại vương chính tại vườn xoài nầy của chúng con, có Thế Tôn, bậc A la hán Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Đại vương hãy đến chiêm bái Thế Tôn nầy. Rất có thể, nhờ chiêm bái Thế Tôn, tâm của đại vương được tịnh tín”. (Sđd.)
Nghe lời thưa thỉnh của Jivaka, vua Ajàtasattu đã đồng ý và cho quần thần thắng kiệu voi, cùng đoàn tùy tùng của mình đi đến vườn xoài của ngự y Jivaka, nơi đức Thế Tôn cùng chúng Tăng đang cư trú. Khi vua Ajàtasattu đến gần vườn xoài, Ngài bỗng sợ hãi kinh hoàng, lông tóc dựng ngược, nói với Jivaka rằng:
“Này khanh Jivaka, ngươi phản ta chăng? Này khanh Jivaka, ngươi lường gạt ta chăng? Này khanh Jivaka, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một hội chúng lớn như thế nầy, gần một nghìn hai trăm năm mươi vị mà không một tiếng tằng hắng, không một tiếng ho, không một tiếng ồn?”(Sđd).
Với tư cách là một đại vương như Ajàtasattu, từng đánh Đông dẹp Bắc, làm chủ một vương quốc rộng lớn Magadha, từng tham kiến hàng trăm giáo phái đương thời, như hàng Lục sư ngoại đạo, các vị Bà la môn v.v... những giáo phái nầy cũng có hàng trăm, hàng nghìn đồ chúng, v.v... thế mà ông phải dựng ngược lông tóc khi tiếp xúc với sự thanh tịnh của hội chúng Tỳ kheo, đến nỗi nghi ngờ vị ngự y trung thành của mình có ý hãm hại mình.
Quả thật nét đẹp thanh tịnh ấy, đức Thế Tôn luôn khẳng định là sự cao thượng và hạnh phúc nhất: “Không có hạnh phúc nào tối thượng bằng sự yên tịnh của tâm hồn !”
Vua Ajàtasattu đã đến vào lúc chư Tăng đang an trú trong chánh định, đang thanh lọc thân tâm bên cạnh đức Đạo sư khả kính trong giảng đường, dù rằng bên ngoài vầng trăng đang lung linh tỏa ánh sáng huyền dịu như mời gọi mọi người hãy buông thả vui chơi với huyễn cảnh của sắc trần, giả tạm của thế gian. Chứng kiến cảnh tượng trang nghiêm thanh tịnh ấy: Đức Thế Tôn đang ngồi một cách trang nghiêm, trước mặt là chúng Tỳ kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị “đang yên lặng an tịnh như một hồ nước trong”. (Sđd.)
Điều cao đẹp nầy đã làm cho vua vô cùng hoan hỷ, sanh tịnh tín cảm hứng, phát khởi lên mong muốn cho hoàng nhi duy nhất của mình: “Mong rằng hoàng tử Udàyibhadha (Ưu-đà-ly-bạt-đà) cũng được sự trầm lặng của vị Tỳ kheo nầy vậy”. (Sđd.)
3. Giáo pháp của đức Thế Tôn với những quan điểm, học thuyết tôn giáo đương thời
Vua Ajàtasattu có một nghi vấn chưa được giải đáp, dù rằng nhà vua đã từng tham kiến sáu vị Đạo sư trên và rất nhiều vị Đạo sư hay các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời, tất cả những câu trả lời của các vị này đều không làm thỏa mãn tâm ý của nhà vua, nếu ta không muốn nói là làm cho ông thêm bực bội. Trước khung cảnh trang nghiêm bên cạnh đức Thế Tôn, nhà vua cũng nêu ra thắc mắc của mình và kính xin đức Thế Tôn giải đáp, câu hỏi ấy đến ngày nay hầu như một người bình thường nào cũng muốn đặt ra để hỏi những vị xuất gia: “Cũng như các công nghệ này, như điều thượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, quân thuật sư v.v... thợ làm bánh, thợ dệt, thợ làm đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản và các công nghệ khác, chung hưởng được kết quả thiết thực hiện tại công nghiệp, chức nghiệp của chúng. Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc hạnh phúc, chúng giúp cho vợ con được sống an lạc hạnh phúc, chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc hạnh phúc v.v... bạch đức Thế Tôn, Ngài có thể chỉ rõ ràng kết quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa môn chăng?”.
Trước câu hỏi của vua Ajàtasattu ta sẽ thấy được thái độ điềm tĩnh, thông thái, cư xử rất hay của đức Thế Tôn, Ngài không vội trả lời mà đã hỏi lại vua: “Này đại vương, đại vương có nhớ đã hỏi câu hỏi ấy với các vị Sa môn, Bà la môn nào chăng?”(Sđd.)
Qua câu hỏi của đức Thế Tôn, chúng ta sẽ biết được những quan điểm, những triết thuyết của các Đạo sư đương thời. Một lần vua Ajàtasattu đến tham kiến Đạo sư Pùrava Kassapa, sau khi chào hỏi, chúc tụng thân hữu và xã giao, vua đặt câu hỏi với vị Đạo sư này và ông đã trả lời: “Này đại vương, tự mình làm hay khiến người khác làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, v.v... sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo v.v... những hành động như vậy không có tội ác gì, v.v... Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết v.v... cũng không vì vậy mà có tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ cũng không vì thế mà có phước báo”.
Cũng như một thí sinh trả lời câu hỏi lạc đề, vua Ajàtasattu hỏi về kết quả của hạnh Sa môn, thì Đạo sư Pùrana Kassapa lại trả lời thuyết vô nghiệp của mình. Quan niệm của Đạo sư Pùrana Kassapa cho rằng mọi việc làm như cứu người, giúp người v.v... hay độc ác giết người, cướp của v.v... đều không có tội phước gì. Thuyết vô nghiệp này thuộc trường phái Duy vật lúc bấy giờ. Triết lý Duy vật này cho ta thấy rằng tất cả vạn vật đều do vật chất làm chủ, thân người chỉ đơn thuần là do vật chất nhóm họp, sau khi chết trả về cho cát bụi, như thế thì mọi hành vi thiện ác của con người đều vô nghĩa v.v... Ta cứ thử xét một xã hội không chút ý hướng về tâm linh, thiện ác v.v... thì xã hội ấy sẽ như thế nào?
Trí Lộc. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.39]
Những nét đẹp hiện đại trong kinh Sa-môn quả - Phần 2
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode