Những nét đẹp hiện đại trong kinh Sa-môn quả

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Đây là kinh số 2 thuộc Trường bộ kinh, với văn phong mộc mạc nhưng cao đẹp, có giá trị vượt không gian và thời gian, thể hiện tính siêu việt của đức Phật.

(Tiếp theo TSPL.2)

Một lần khác vua Ajàtasattu đến chiêm bái và yết kiến Đạo sư Makkhali Gosàla và cũng đặt câu hỏi trên, vị Đạo sư này đã trả lời: “Này đại vương, không có nhơn, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô vô nhân, vô duyên v.v... các loài hữu tình được thanh tịnh vô nhân, vô duyên v.v... không có tự tác, không có tha tác, không có nhân tác, không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố của người. Tất cả hữu tình, tất cả sinh vật, tất cả sinh loại, tất cả sinh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Chúng bị dắt dẫn chi phối bị định mệnh, bởi điều kiện bộ loại của chúng, bởi cá tánh của chúng hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu loại của chúng v.v... Trong thời gian ấy, kẻ ngu cũng như người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau. Không có lời nguyện với giới hạnh này, với kỉ luật này, với khổ hạnh này, hay với phạm hành này, tôi sẽ làm cho chín muồi những nghiệp chưa được thuần thục, hay trừ diệt những nghiệp đã thuần thục bởi những nhẫn thọ liên tục, không thể đo lường, trong khi luân hồi không có giảm tăng, không có thặng dư, thiếu thốn. Ví như một cuộn chỉ được tung ra sẽ được kéo dài đến một mức độ nào đó. Cũng như vậy kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau.” (Sđd)

Cũng giống như Đạo sư Pùrana Kassapa, vị Đạo sư này trả lời câu hỏi của vua mà lại trình bày quan điểm của mình, đó là thuyết Luân hồi tịnh hóa.

Qua triết lý thuyết Luân hồi tịnh hóa Makkhali Gosàla, ta cũng thấy được triết thuyết này phản ảnh, một phần lớn những quan điểm của các tôn giáo đương thời Makkhali Gosàla cho rằng: “Chúng bị dắt dẫn chi phối bởi định mệnh”. Thuyết định mệnh quan niệm rằng mỗi chúng sanh nói chung hay con người nói riêng đều có một định nghiệp sẵn không thể cải đổi được mà chỉ cúi đầu nhận lấy số phận của mình v.v... Với những triết thuyết bi quan như thế, con người sẽ như thế nào, xã hội sẽ ra sao nếu như chấp nhận những triết thuyết đó?

Ở đây ta chỉ đơn cử hai triết thuyết, còn những quan điểm nhất thần giáo Brahma sáng tạo, đầy quyền năng của Bà la môn giáo, có quyền ban phước giáng họa, thì ngày nay cũng có những tôn giáo chủ trương một vị trời chúa tể nào đó tạo nên muôn loài, cũng có quyền ban phước giáng họa, nếu tin theo cầu cạnh sẽ được lên thiên đàng hưởng phước đời đời, bằng ngược lại sẽ bị đày vào hỏa ngục mãi mãi v.v... Quả thật là bất công khi một vị nào đó cho mình là siêu nhiên, là chân lý lại chỉ cứu giúp cho những ai cung phụng mình khen ngợi mình v.v... và đày đọa những ai không cùng quan điểm hay trái ý của mình. Thật vô lý và phản khoa học khi mà nhân loại phải chấp nhận những giáo lý, những quan điểm phi chân lý như vậy.

Hay những quan điểm ép xác khổ hạnh cùng cực, đày đọa thân thể của trường phái Nigantha Nàtaputta để mong hưởng phước báo ở một cõi trời xa xăm nào đó. Hoặc quan điểm cứ buông lung hưởng thú vui ngũ dục của trần gian cho bản thân mình, mặc kệ những ai sướng khổ, đọa đày v.v... qua triết thuyết của Ajita Kesakambàli v.v...

Sau khi nghe mọi quan điểm của các triết gia, những Đạo sư nổi tiếng đương thời, đức Thế Tôn đã không tán thán hay vội vàng phê bình. Tuy nhiên, vì lòng bi mẫn Ngài cũng trình bày những tri kiến siêu việt của mình qua những giáo lý giải thoát và an lạc, để lại cho nhân loại:

Giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi v.v... đã xô dẹp mọi quan điểm sai lầm, thiên kiến như: thuyết Vô nghiệp, thuyết Vô nhân vô duyên, thuyết Nhất thần giáo, thuyết Luân hồi tịnh hoá, pháp môn khổ hạnh, hay buông lung trong thú vui ngũ dục v.v... Ngài khuyên mọi người hãy chuyển hoá tam nghiệp của mình bằng cách gây những thiện nghiệp để đem lại an lạc cho mình, cho tha nhân, cho đời này và cho vô lượng kiếp về sau.

Giáo pháp Vô ngã, Duyên khởi, Bát chánh đạo v.v... đã nói lên sự tương quan tương duyên của vạn pháp, dứt bỏ ngã chấp của mình, thực hành những con đường chơn chánh trong mọi hành động của mình, đem lại hạnh phúc và an lạc cho mình và mọi người, bảo vệ cuộc sống gia đình và xã hội, thực hành sự thanh tịnh, vô ngã vị tha, đem lại định tĩnh trong tâm hồn, phát sinh trí tuệ siêu thoát luân hồi.

Quả thật giáo pháp của đức Thế Tôn giữa những luận lý, triết thuyết đương thời giống như những đóa hoa kiên cường tuyệt mỹ và bất diệt, giữa rừng gai kiến chấp rối ren trong các triết lý thời bấy giờ.

4) Kết quả hiện tại thiết thực của hạnh Sa môn:

Ta trở lại với câu hỏi của vua Ajàtasattu sau những lần tham kiến chiêm bái học hỏi các vị Đạo sư đương thời và khi nghe những câu trả lời của những vị này. Vua Ajàtasattu đã thưa lại với đức Thế Tôn như sau:

“Bạch đức Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả thiết thực của hạnh Sa môn (Các vị Đạo sư) đã trả lời những quan điểm triết thuyết của mình. Bạch đức Thế Tôn, con nghĩ: “Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa môn hay Bà la môn ở trong nước con không được vui lòng?” Vì vậy bạch Thế Tôn, con không dám tán thán cũng không cật nạn lời nói (của các vị Đạo sư), không tán thán không cật nạn dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.” (Sđd)

Qua sự trình bày của vua Ajàtasattu, ta thấy được sự khôn ngoan khéo léo tế nhị của một bậc đế vương. Vì vậy nhà vua cũng xin đức Thế Tôn giải đáp câu hỏi thắc mắc chưa được tháo gỡ của mình. Đức Phật vì lòng bi mẫn đã giải đáp cho vua, chỉ cho vua thấy những kết quả vô cùng thiết thực của hạnh Sa môn từ thấp đến cao qua những ví dụ đơn giản và sinh động.

Ví như một vị nô bộc, một nông phu, một gia chủ, một đại thần v.v... sau khi nhận chân được tánh khổ của cuộc đời, tính vô thường giả tạm của thế gian, quả dị thục của các công đức v.v… Vị ấy đã phát nguyện: “Cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống an tịnh”. (Sđd)

Sau khi nêu những hình ảnh như vậy, đức Phật hỏi vua Ajàtasattu, nếu vua biết những vị ấy xuất gia như thế Đại vương có nói: “Ngươi hãy lại với ta, hãy làm lại người nô bộc, làm lại công việc, dậy sớm thức khuya thi hành mệnh lệnh v.v... Làm lại người nông phu, người gia chủ v.v... nạp thuế má làm giàu công khố v.v...?” (Sđd)

Vua đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không như vậy, trái lại con kính nể người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như: y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bệnh. Và con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở cho người ấy đúng theo pháp luật.” (Sđd)

Qua câu hỏi đức Phật, vua Ajàtasattu đã tự trả lời lợi ích thiết thực thấp nhất thuộc thế gian của quả vị Sa môn.

Tiếp đó đức thế Tôn đã chỉ cho vua thấy những chánh hạnh của một bậc Sa môn: Vị ấy xuất gia cạo bỏ râu tóc, lìa gia đình, sống không gia đình, chế ngự thân khẩu ý, thân không sát sanh hại vật, không trộm cắp không dâm dật. Miệng không nói lời độc ác, không nói sai sự thật, không nói lời gây chia rẽ, không nói lời thêu dệt v.v... Ý không tham lam, không sân hận, không si mê. Ngược lại, vị ấy biết trải lòng thương đến muôn loài, cứu giúp chúng sanh, luôn nói những lời mang lại sự đoàn kết, có tính chất xây dựng bảo vệ sự sống, bảo vệ muôn loài, đem lại lợi ích cho tự thân và tha nhân, cũng như vạn loại chúng sanh v.v... vị ấy sống chế ngự bằng giới luật, sống với giới luật, luôn giữ thân tâm trong chánh niệm, chánh định v.v... có lòng tin bất thối vào chánh pháp, nỗ lực áp dụng chánh pháp trong cuộc sống, trong mọi hành động của tam nghiệp. Vị ấy thành tựu giới, định, tuệ, trí tuệ phát sanh, chứng đắc tứ thánh quả Sa môn (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán) v.v... thân tâm an tịnh, thoát khỏi mọi tham, sân si, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh, già, bệnh, chết v.v... hoàn toàn siêu việt luân hồi, đạt đến Niết bàn giải thoát. Vị ấy tự tâm đã biết rõ: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời này sẽ không còn thọ thân nữa”.

Đó là những kết quả thiết thực của hạnh Sa môn, và đức Thế Tôn đã khẳng định: “Này đại vương, không có một quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa môn nào vi diệu và thù thắng hơn quả thiết thực của hạnh Sa môn này.” (Sđd)

Nghi vấn xưa nay của vua Ajàtasattu đã được đức Thế tôn làm sáng tỏ, sau khi nghe được kết quả hy hữu thiết thực của hạnh Sa môn. Với tâm hân hoan và tán thán chánh pháp, vua đã xin qui y Tam bảo đến trọn đời, đồng thời vua cũng tự bày tỏ lỗi lầm của mình với đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội, vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh để đạt vương quyền. Mong Thế tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chặn về tương lai.” ( Sđd )

Đức Thế tôn đã chứng nhận sự sám hối của vua, và xác định sự sám hối ấy là đúng chánh pháp. Sau khi vua Ajàtasattu đảnh lễ đức Thế Tôn và từ biệt, đức Thế Tôn liền bảo các Tỳ kheo:

“Này các Tỳ kheo tâm vua ấy rất ăn năn. Này các Tỳ kheo tâm vua ấy rất hối lỗi. Nếu vua ấy không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chánh thì ngay tại chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được Pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế.” (Sđd)

Bài kinh Sa Môn Quả đã khép lại qua sự quy ngưỡng của vua Ajàtasattu về với Tam bảo và trở thành một trong những vị vua hộ pháp đắc lực nhất. Những nét đẹp hiện đại trong kinh được phơi bày, đặc biệt là quả vị thiết thực của hạnh Sa môn đã mở ra cho hàng con Phật nói chung và hàng xuất gia nói riêng luôn nỗ lực tu tập để đạt được những quả vị cao đẹp đó.

Trí Lộc. (Hết)
[Tập san Pháp Luân - số 3]


 

Trong kho tàng kinh điển của Phật giáo, Trường bộ kinh là một trong những bộ kinh xuất hiện sớm nhất và được các nhà Phật học cũng như giới học giả nhận xét là gần thời Phật nhất. Với người chưa để tâm nghiên cứu, chấp vào văn cú, khi đọc qua bộ kinh này vội đánh giá rằng nó quá nhàm chán bởi sự lập đi lập lại văn cú, nhắc lại những câu chuyện xưa, không liên quan đến cuộc sống hiện tại. Nhưng với người có ít kiến thức, có chút suy tư sẽ cảm nhận được điều vô cùng cao đẹp, văn phong dồi dào, bằng những đối thoại đơn giản, những câu chuyện mộc mạc đơn sơ nhưng ẩn chứa những áo nghĩa uyên thâm, giải thích mọi huyền ngu tội phước, phân biệt những chân ngụy, dị đồng v.v... Có giá trị vô cùng trong mọi không gian và thời gian, thể hiện một con người tuyệt luân của đức Phật. Trong phạm vi bài này, người viết xin giới thiệu về những nét đẹp hiện đại trong kinh “Sa môn quả” kinh số 2, thuộc Trường bộ kinh, qua những điểm tóm lược sau:

1. Không gian, thời gian và tâm hồn con người

Bài kinh được mở đầu bằng những nét đẹp gần như hoàn mỹ về không gian, thời gian và tâm hồn của con người. Đó là một đêm trăng tuyệt vời (thời gian), lễ Bố tát vào ngày rằm tháng Tư, vầng trăng vào đêm 15 và 16 xưa nay vẫn luôn được xem là hoàn mỹ nhất, đẹp đẽ nhất. Một không gian khoáng đãng mát mẽ: Ở trên lầu cao, nơi sân thượng trong vườn thượng uyển, với muôn ngàn hoa lá, trăng sao. Trước một khung cảnh đẹp ấy, thông thường thì các bậc đế vương ai cũng muốn vui chơi đắm mình trong yến tiệc linh đình hay quên mình trong những đam mê tửu sắc của ngũ dục. Nhưng vua Ajàtasattu (A-xà-thế) - một vị vua cực ác từng cấu kết với Đề- bà- đạt- đa, để hại Phật và giết cha mình, đã không làm thế. Lúc bấy giờ, vua đang ngồi trên lầu cao trang nghiêm, chung quanh có nhiều đại thần đang hầu hạ, tâm hồn thiện mỹ của vua đã sinh khởi, trước không gian và thời gian ấy, ông cảm hứng hỏi rằng:

“Thật khả ái thay, này các khanh đêm rằm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng ! Thật mỹ miều thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng !... Nay chúng ta nên chiêm bái vị Sa môn hay Bà la môn nào, nhờ sự chiêm bái nầy tâm chúng ta được tịnh tín”. (Kinh Sa môn quả - Kinh số 2 - Trường bộ kinh)

Đây quả là một nét đẹp vô cùng hy hữu của một bậc đế vương như vua Ajàtasattu. Chính nhờ vào một niệm thiện, một thiện tâm sinh khởi này, đã trở thành một tiền đề để chuyển vua Ajàtasattu từ một tên bạo chúa, trở thành một bậc minh quân nổi tiếng đương thời. Khoảng hai trăm năm sau, cũng tại xứ này có một vị vua được mệnh danh là ác vương A Dục, sau khi hồi đầu về với chánh pháp được dân chúng khen tặng một mỹ từ là hộ pháp A Dục. Tên tuổi của hai vị đế vưong này mãi được lưu truyền trong sử sách.

2. Sự an tịnh của chư Tăng

Khi nghe nhà vua hỏi như vậy các đại thần lần lượt giới thiệu các vị Đạo sư nổi tiếng đương thời và kính xin vua đến chiêm bái các vị Đạo sư ấy. Tiêu biểu có 6 vị Đạo sư như sau:

- Pùrana Kassapa (Phú-la Ca-diếp)
- Makkali Gosàla (Mặc-già-lê cù-xá-lợi)
- Ajita Kesakambàli (A-kỳ-đa kỳ-xá-khâm-bà-la)
- Pakudha Kaccayana (Bà-phù-đà ca-chiên-nê)
- Sanjaya Petathiputta (Tán-nhã-di tỳ-la-phê-phất)
- Nigantha Nàtaputta (Ni-kiền-tử)

Cả sáu vị Đạo sư này đều được người đương thời khen ngợi là:

“Vị Hội chủ, vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong đại vương đến chiêm bái v.v... (6 vị Đạo sư) v.v... có thể khiến tâm đại vương được tịnh tín” (Sđd).

Sau khi nghe các vị đại thần tâu như vậy, Ajàtasattu, vua nước Magadha yên lặng không nói gì. Bởi vua Ajàtasattu là một người tài giỏi kiến thức uyên thâm, đầy mưu lược, khéo phân biệt mọi sự và đã từng tiếp xúc với các vị Đạo sư đương thời.

Lúc ấy, cũng có sự hiện diện của ngự y thân tín của vua tên là Jivaka, đệ tử tại gia của đức Phật, đang ngồi yên lặng cách xa vua Ajàtasattu không xa, khi ấy vua liền nói với Jivaka:

“Nầy khanh Jivaka sao ngươi yên lặng như vậy?” (Sđd.)

Jivaka đáp : “Tâu đại vương chính tại vườn xoài nầy của chúng con, có Thế Tôn, bậc A la hán Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Đại vương hãy đến chiêm bái Thế Tôn nầy. Rất có thể, nhờ chiêm bái Thế Tôn, tâm của đại vương được tịnh tín”. (Sđd.)

Nghe lời thưa thỉnh của Jivaka, vua Ajàtasattu đã đồng ý và cho quần thần thắng kiệu voi, cùng đoàn tùy tùng của mình đi đến vườn xoài của ngự y Jivaka, nơi đức Thế Tôn cùng chúng Tăng đang cư trú. Khi vua Ajàtasattu đến gần vườn xoài, Ngài bỗng sợ hãi kinh hoàng, lông tóc dựng ngược, nói với Jivaka rằng:

“Này khanh Jivaka, ngươi phản ta chăng? Này khanh Jivaka, ngươi lường gạt ta chăng? Này khanh Jivaka, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một hội chúng lớn như thế nầy, gần một nghìn hai trăm năm mươi vị mà không một tiếng tằng hắng, không một tiếng ho, không một tiếng ồn?”(Sđd).

Với tư cách là một đại vương như Ajàtasattu, từng đánh Đông dẹp Bắc, làm chủ một vương quốc rộng lớn Magadha, từng tham kiến hàng trăm giáo phái đương thời, như hàng Lục sư ngoại đạo, các vị Bà la môn v.v... những giáo phái nầy cũng có hàng trăm, hàng nghìn đồ chúng, v.v... thế mà ông phải dựng ngược lông tóc khi tiếp xúc với sự thanh tịnh của hội chúng Tỳ kheo, đến nỗi nghi ngờ vị ngự y trung thành của mình có ý hãm hại mình.

Quả thật nét đẹp thanh tịnh ấy, đức Thế Tôn luôn khẳng định là sự cao thượng và hạnh phúc nhất: “Không có hạnh phúc nào tối thượng bằng sự yên tịnh của tâm hồn !”

Vua Ajàtasattu đã đến vào lúc chư Tăng đang an trú trong chánh định, đang thanh lọc thân tâm bên cạnh đức Đạo sư khả kính trong giảng đường, dù rằng bên ngoài vầng trăng đang lung linh tỏa ánh sáng huyền dịu như mời gọi mọi người hãy buông thả vui chơi với huyễn cảnh của sắc trần, giả tạm của thế gian. Chứng kiến cảnh tượng trang nghiêm thanh tịnh ấy: Đức Thế Tôn đang ngồi một cách trang nghiêm, trước mặt là chúng Tỳ kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị “đang yên lặng an tịnh như một hồ nước trong”. (Sđd.)

Điều cao đẹp nầy đã làm cho vua vô cùng hoan hỷ, sanh tịnh tín cảm hứng, phát khởi lên mong muốn cho hoàng nhi duy nhất của mình: “Mong rằng hoàng tử Udàyibhadha (Ưu-đà-ly-bạt-đà) cũng được sự trầm lặng của vị Tỳ kheo nầy vậy”. (Sđd.)

3. Giáo pháp của đức Thế Tôn với những quan điểm, học thuyết tôn giáo đương thời

Vua Ajàtasattu có một nghi vấn chưa được giải đáp, dù rằng nhà vua đã từng tham kiến sáu vị Đạo sư trên và rất nhiều vị Đạo sư hay các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời, tất cả những câu trả lời của các vị này đều không làm thỏa mãn tâm ý của nhà vua, nếu ta không muốn nói là làm cho ông thêm bực bội. Trước khung cảnh trang nghiêm bên cạnh đức Thế Tôn, nhà vua cũng nêu ra thắc mắc của mình và kính xin đức Thế Tôn giải đáp, câu hỏi ấy đến ngày nay hầu như một người bình thường nào cũng muốn đặt ra để hỏi những vị xuất gia: “Cũng như các công nghệ này, như điều thượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, quân thuật sư v.v... thợ làm bánh, thợ dệt, thợ làm đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản và các công nghệ khác, chung hưởng được kết quả thiết thực hiện tại công nghiệp, chức nghiệp của chúng. Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc hạnh phúc, chúng giúp cho vợ con được sống an lạc hạnh phúc, chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc hạnh phúc v.v... bạch đức Thế Tôn, Ngài có thể chỉ rõ ràng kết quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa môn chăng?”.

Trước câu hỏi của vua Ajàtasattu ta sẽ thấy được thái độ điềm tĩnh, thông thái, cư xử rất hay của đức Thế Tôn, Ngài không vội trả lời mà đã hỏi lại vua: “Này đại vương, đại vương có nhớ đã hỏi câu hỏi ấy với các vị Sa môn, Bà la môn nào chăng?”(Sđd.)

Qua câu hỏi của đức Thế Tôn, chúng ta sẽ biết được những quan điểm, những triết thuyết của các Đạo sư đương thời. Một lần vua Ajàtasattu đến tham kiến Đạo sư Pùrava Kassapa, sau khi chào hỏi, chúc tụng thân hữu và xã giao, vua đặt câu hỏi với vị Đạo sư này và ông đã trả lời: “Này đại vương, tự mình làm hay khiến người khác làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, v.v... sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo v.v... những hành động như vậy không có tội ác gì, v.v... Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết v.v... cũng không vì vậy mà có tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ cũng không vì thế mà có phước báo”.

Cũng như một thí sinh trả lời câu hỏi lạc đề, vua Ajàtasattu hỏi về kết quả của hạnh Sa môn, thì Đạo sư Pùrana Kassapa lại trả lời thuyết vô nghiệp của mình. Quan niệm của Đạo sư Pùrana Kassapa cho rằng mọi việc làm như cứu người, giúp người v.v... hay độc ác giết người, cướp của v.v... đều không có tội phước gì. Thuyết vô nghiệp này thuộc trường phái Duy vật lúc bấy giờ. Triết lý Duy vật này cho ta thấy rằng tất cả vạn vật đều do vật chất làm chủ, thân người chỉ đơn thuần là do vật chất nhóm họp, sau khi chết trả về cho cát bụi, như thế thì mọi hành vi thiện ác của con người đều vô nghĩa v.v... Ta cứ thử xét một xã hội không chút ý hướng về tâm linh, thiện ác v.v... thì xã hội ấy sẽ như thế nào?

Trí Lộc. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.39]