Trang 3 / 3
1. Vào đề
Sự hình thành và phát triển trung tâm Phật giáo Luy Lâu là tiền đề cơ bản nhận định cho chiều dài 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam mà qua đó tạo cơ sở đánh giá nhiều mặt sinh hoạt Phật giáo Việt Nam như: Tính chất học lí Thiền-Mật buổi bình minh Phật giáo Việt Nam; quan niệm tín ngưỡng Phật giáo Giao Chỉ thời mới vào; vai trò nhà truyền giáo Phật giáo trong sinh hoạt xã hội Giao Châu; những đóng góp của chư Tăng và cư sĩ Phật giáo Giao Chỉ trong công cuộc vận động độc lập dân tộc; nguồn sức mạnh làm nên con người Việt Nam trước sự đồng hóa của nhà Hán. Nói chung là qua đó phác họa toàn cảnh chân dung Phật giáo Việt Nam - sinh hoạt thời mới vào. Trên cơ sở Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, Mâu Tử Lý hoặc luận và những tư liệu liên hệ, chúng ta thử tìm hiểu sự thành hình và phát triển của trung tâm Phật giáo Luy Lâu.
2. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu - sự thành hình
Luy Lâu hay Liên Lâu là vùng đất trung tâm chính trị, hành chánh hàng đầu của Giao Chỉ (Chiao Chih) dưới thời Hậu Hán (25-220). Chính nơi đây đã thành hình một trung tâm Phật giáo vào thời điểm đầu Công nguyên. Luy Lâu ngày nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
2.1. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, sự thành hình do từ những nhà sư Ấn Độ
Sự kiện Mâu Tử học Phật tại Giao Chỉ vào những năm 168-189 dưới thời Linh Đế nhà Hậu Hán và trở nên lãnh tụ Phật giáo Giao Châu cũng như thông tin ẩn chứa từ Lý hoặc luận, từ Lục độ tập kinh; từ Cựu tạp thí dụ kinh v.v… đã cho chúng ta một cái nhìn về sự có mặt của một trung tâm Phật giáo, nơi đã tạo nên những nhà Phật học danh tiếng, thông bác, lỗi lạc như Mâu Tử, Khương Tăng Hội (k. 200-280). Cũng từ Luy Lâu, hai dòng văn học Phật giáo Sanskrit - Hán được dùng rộng rãi trong giới nghiên cứu, và có người đã trở nên thông bác đến trình độ có khả năng biên soạn tác phẩm Phật học bằng chính tiếng Sanskrit. Nê hoàn Phạn bối của Khương Tăng Hội là một điển hình. Hiện tượng thông hiểu văn học Sanskrit - Hán trong giới Phật học Phật giáo Giao Châu nó không là một hiện tượng đơn lẻ, mà là một sự kiện mang tính phổ quát; nó đã trở thành truyền thống và sống khá lâu cho đến thế kỷ thứ 8, Phật giáo Việt Nam lại ghi nhận một bông hoa văn học Sanskrit - Hán tiêu biểu nữa đó là Đại thừa quang (cũng gọi là Đại Thừa Đăng). Từ đó, vấn đề được đặt ra là những bậc Thầy của Phật giáo Luy Lâu là ai? Thầy của Mâu Tử, Khương Tăng Hội là những ai? Có điều chắc chắn rằng trong số “Ba vị Thầy” (Tam sư) của Tăng Hội thì những bậc Thầy nầy, sử kiện không cho một thông tin nào để cho thấy rằng họ là Tăng sĩ bản xứ Giao Châu cả. Nếu như vậy thì những bậc Thầy trong buổi bình minh của Giao Châu đều là Tăng sĩ nước ngoài, họ phải là người Ấn Độ. Chính những nhà truyền giáo Ấn Độ trên đường dừng chân giáo hóa ở Giao Châu, đã định hình nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Từ khi Luy Lâu có mặt Phật giáo thì bộ mặt sinh hoạt xã hội Giao Châu dần dần đổi khác. Từ một đất nước bị đô hộ thì nay bên cạnh sự nghiệp giữ nước chống ngoại xâm, dân nước Giao Châu lại có mặt một vị Phật chống ngoại xâm đó là vị Đấu chiến Thắng Phật. Tinh thần nầy vươn cao như một cương lĩnh cho tư duy, cho thực tiễn hành động, điều mà được thấy điển hình ở bức hoành treo cao nơi điện thờ nữ tùy tướng của nhà Trưng (40-43) là Nàng Xuân (Xuân Nương) ở Thái Bình.
2.2. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, thời điểm thành hình vào thế kỷ thứ I trước và sau Công nguyên
Vào thời điểm thế kỷ thứ I trước và sau công nguyên, đất Giao Chỉ đã đón nhận Phật giáo. Chính sự dừng chân của những nhà sư Phật giáo Ấn Độ trên bước đường truyền giáo ở đất Giao Chỉ (Chiao Chih) đã tạo nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Để rồi trải dài theo năm tháng, khi mà niềm tin Phật đã lớn mạnh trong tầng lớp đại chúng và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo lan rộng trong giới thượng lưu trí thức thì bấy giờ trung tâm Phật giáo được thành hình. Có ít nhất là ba trung tâm Phật giáo được thành lập trong đời Hậu Hán (25-220) đó là trung tâm Phật giáo Luy Lâu thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam; Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và Bành Thành thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn phải kể đến trung tâm Phật giáo Kauthara[1] trên vùng đất Chiêm Thành (Champa) nữa.
3. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu - Sự phát triển
Trong số những trung tâm Phật giáo được thành hình vào thời Hậu Hán (25-220) thì trung tâm Phật giáo Luy Lâu là lớn mạnh hơn cả. Do công hạnh truyền giáo từ những bậc Thầy trước, đồng thời và sau Mâu Tử, Khương Tăng Hội, đã tạo nên sự lớn mạnh cho trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Chính sự có mặt của Mâu Tử trong nghiên cứu học tập tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu, cùng với nội dung 37 điều của Lý hoặc luận đã cho chúng ta ngày nay thông tin cần thiết về sự lớn mạnh của trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Rằng chính nơi đây, Phật giáo Luy Lâu đã cung cấp thành quả Phật học chẳng những cho Phật giáo Giao Châu mà còn cho cả Phật giáo Viễn Đông (East Asia) nữa. Chính nơi đây, nhiều kinh điển được biên soạn chẳng những cho nhu cầu học Phật thông thường mà còn định hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc theo kiểu “trợ hóa” - như Chu Phù đã nhận định. Điển hình như ta thấy, kinh Bát nhã 8000 tụng (Astasahasrika - Bát-nhã bát thiên tụng) được chuyển ngữ tại Luy Lâu sớm nhất so với Phật giáo Viễn Đông. Chính nơi đây, Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, An ban thủ ý kinh và nhiều kinh điển khác cũng được biên soạn.
Theo thể tài Hỏi-Đáp như kinh Na-Tiên Tỳ Kheo (Di Lan Đà vấn đạo kinh), Mâu Tử đã làm ra sách Lý hoặc luận tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu, điều nầy cho thấy Phật giáo Luy Lâu đã đi những bước tiên phong trong giai đoạn sáng tác so với Phật giáo Lạc Dương, Bành thành và Viễn Đông. Cũng chính tại đất nầy, những nhà truyền giáo có tầm cỡ quốc tế được đào tạo mà thầy trò Khương Tăng Hội là một nhóm điển hình.
Như vậy, quá trình phát triển của trung tâm Phật giáo Luy Lâu trải dài qua nhiều thế kỷ, từ buổi bình minh của Phật giáo Asoka về Viễn Đông cho đến Phật giáo Thăng Long thành hình (1010), thì Phật giáo Luy Lâu là một quá trình phát triển trải dài hơn 10 thế kỷ. Có thể nói Luy Lâu (tỉnh Bắc Ninh) là cái nôi của Phật giáo, là trung tâm sinh hoạt Phật giáo Giao Châu qua nhiều thế kỷ. Những chốn Tổ nổi tiếng, nhiều Tổ đạo thuộc loại “tăng phòng tam thiên ốc, sái tảo thất thập phu”, nơi mà một thời vành đai “bố hóa” tỏa rộng khắp cả vùng đồng bằng miền Bắc. Rồi những bậc danh đức, cao tăng thuộc hàng “hạnh cao triều dã”, “danh chấn thanh phong”, những người mà thuộc hàng Thái sư, Tăng thống, Quốc sư, Thượng sĩ v.v… phần lớn cũng đều xuất thân từ đất Luy Lâu thuộc tỉnh Bắc Ninh nầy.
4. Nét đặc thù của trung tâm Phật giáo Luy Lâu
Phật giáo chính là sản phẩm “từ bên ngoài vào” so với vùng đất mới Giao Châu mà nó đặt chân đến. Tuy nhiên, buổi đầu Phật giáo Giao Châu, sinh hoạt Phật học luôn đi những bước song hành cùng vận nước, để rồi qua đó Phật giáo đã trở nên Phật giáo Việt Nam, Phật đã trở thành Phật Việt Nam. Đó cũng chính là nét đặc thù của Phật giáo điều mà nó được thể hiện rõ nét trên đất Giao Châu. Trong bối cảnh Giao Châu bị trị như một chư hầu của đế quốc phương Bắc, trong bối cảnh mà dân nước Giao Châu bị xem như là đám dân man rợ qua cách nhìn của quan lại tham tàn nhà Hán, người dân Giao Châu, sự sống, sống trong cảnh ngộ lầm than, mạng người bị xem như cỏ rác, thì tinh thần thông điệp “Từ Bi” cứu độ của Phật giáo đã được giới thiệu như thế nào trên đất Giao Châu? Nhìn lại, tôn chỉ Phật giáo là giác ngộ chúng sinh thành Phật, lý tưởng Bố-tát là con đường bước lên quả Phật; lý tưởng Bố-tát trong kinh Phật luôn được đề cao và ca ngợi. Ở đây trong bối cảnh Giao Châu, “Bố-tát là người luôn xông vào nơi hiểm nạn để cứu chúng sinh lầm than”[2], đó là cương lĩnh đạo Bố-tát có nguồn từ Lục độ tập kinh. Chính từ cương lĩnh nầy, những vấn đề Phật học Phật giáo Giao Châu phần lớn đều được giới thiệu qua cách nhìn Dân-Nước đồng lao cộng khổ, “Đạo pháp trong lòng dân tộc”.
Đặc thù hơn cả là An ban thủ ý kinh, một thể loại thiền trong văn học Phật giáo nguyên thủy thì nay trên đất Giao Châu, kinh nầy lại được giới thiệu qua cách nhìn của Phật giáo đại thừa: “An ban là Đại thừa của chư Phật để cứu độ chúng sinh trôi nổi”[3]. Bên cạnh đó, một số kinh điển Phật giáo đã đi vào văn hóa Việt Nam. Qua kinh Bách tử đồng sản duyên, nó được hư cấu để trở nên nguồn cảm hứng làm tiền đề cho việc biên soạn nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua truyện “Trăm Trứng”.
Như vậy, xét về nhiều mặt như: Vị trí địa lý, con đường thông sứ, giao lưu kinh tế khu vực Ấn - Hoa, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo v.v… so với những trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Bành Thành của Trung Quốc, thì trung tâm Phật giáo Luy Lâu của Giao Châu có sức thu hút những học giả tìm về với Luy Lâu trong nghiên cứu, học hỏi và tu tập hơn. Mâu Tử, Vu Pháp Lan, Vu Đạo Thúy, Huệ Lâm, v.v… là những điển hình trong số ấy. Bên cạnh đó, Giao Châu còn là đất “tạm yên” cho những bậc dị nhân phương Bắc tìm sang lánh nạn. Nó cũng là đất dung thân cho hào kiệt, anh hùng chờ đợi thời cơ để “làm lại cuộc đời”. Chính những điều kiện đa dạng, phong phú như thế đã tạo cho Giao Châu nói chung, Luy Lâu nói riêng một bộ mặt xã hội đặc thù để qua đó những bài học lịch sử cũng được diễn ra, những anh tài trong và ngoài Phật giáo cũng tìm về và tinh hoa văn hóa: “thâu hóa sáng tạo” của “ngã tư các văn tộc và văn minh” (cross road of people and civilization = carrefour de peuples et de civilisation” (Olov Janseù, E.F.E.O, france, Asie, Tokyo)[4] cũng được giới thiệu tại đây. Tất cả những nhân tố trình bày trên đã tạo cho Phật giáo Luy Lâu thành hình và nhanh chóng phát triển.
Đã có không ít những thành quả nghiên cứu, giới thiệu về chung quanh chủ đề nầy như: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận; Lý Khôi Việt, Phật giáo và Quốc Đạo Việt Nam[5]. Trong số những điển hình trên thì những giới thiệu của Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát về Phật giáo Việt Nam và những chủ đề liên hệ là những công trình chủ đạo tiêu biểu. Tri ân những bậc thầy sử học Phật giáo Việt Nam, những người đã giới thiệu những công trình nghiên cứu sử học Phật giáo Việt Nam, đã tạo sự phong phú trong cách nhìn, đã hình thành nhận thức mới về sử học Phật giáo Việt Nam cho người học sau.
Tuy nhiên, cho đến nay, trung tâm Phật giáo Luy Lâu - sự thành hình và phát triển, một chủ đề còn đang bỏ ngỏ chưa được giới thiệu đến nơi đến chốn. Mặc dù nó luôn là chủ đề lôi cuốn sự quan tâm, chẳng những nhà chuyên môn trong và ngoài Phật giáo, mà còn là khát vọng nghiên cứu học tập của Tăng, tín đồ trong việc tìm về cội nguồn Phật giáo Việt Nam nữa. Công trình giới thiệu đầy đủ về chủ đề nầy vẫn còn đang mời gọi những nhà chuyên môn.
5. Nhận định chung
Phải nói rằng trung tâm Phật giáo Luy Lâu là nơi hội tụ hai dòng Phật giáo Nam-Bắc truyền, chính nơi đây đã đào tạo nên những học giả chẳng những lỗi lạc về kinh điển, thông bác về biện luận mà còn tài hoa về biên soạn sáng tác văn chương cho việc truyền giáo nữa. Dù có nhiều thành quả nghiên cứu đã được công bố giới thiệu về chủ đề “Trung tâm Phật giáo Luy Lâu sự thành hình và phát triển”, nhưng đề tài này cho đến nay hầu như vẫn còn bỏ ngỏ và luôn mời gọi những nhà chuyên môn.
Từ những giới thiệu trên, có thể đề ra mấy điều suy nghĩ như sau:
Sự thành hình và phát triển của trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã tạo nền tảng cho sự phát triển, chẳng những Phật giáo Giao Chỉ mà còn cho cả Phật giáo Viễn Đông (East Asia).
Song hành với ba trung tâm Phật giáo thời Hậu Hán là Luy Lâu, Lạc Dương, Bành thành, Phật giáo trên vùng đất Chiêm-Lạp cũng đã thành hình những trung tâm Phật giáo khác có tầm cỡ và có những đóng góp quan trọng cho ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam, mà một trong những điển hình ấy là trung tâm Phật giáo Kauthara.
Nhân tố hình thành và phát triển trung tâm Phật giáo Luy Lâu thì không thể không kể đến những đóng góp từ Phật giáo Champa mà những nhân tố từ trung tâm Phật giáo Kauthara là một điển hình.
Nhà Sơn Nam cho rằng Phật giáo Thạch Liêm-Nguyễn Phúc Chu là Quốc Đạo Phật giáo Nam Hà[6]. Rồi từ đó có học giả cho rằng Phật giáo Sài Gòn 1698 là do từ Phật giáo Huế 1601; Phật giáo Thăng Long 1010 là do từ Phật giáo Luy Lâu. Nhận định này là có cơ sở và có sức thuyết phục.
2000 năm Phật giáo Việt Nam đã qua, rằng không thể có được một dân tộc Việt Nam lầm than trong một Phật giáo Việt Nam phát triển; cũng không thể có được một Phật giáo Việt Nam hưng thịnh trong một Dân-Nước lạc hậu đói nghèo. Phải nói rằng Phật giáo Việt Nam phát triển trong một Dân tộc Việt Nam phú cường. Phật giáo Sài Gòn đến từ Phật giáo Huế - Phật giáo Thăng Long - Phật giáo Luy Lâu. Hay nói cách khác, Quốc Đạo Phật giáo Nam Hà được định hình từ Phật giáo Thăng Long qua Quốc sư Vạn Hạnh, và nó có nguồn gốc từ Quốc Đạo Phật giáo Luy Lâu qua Mâu Tử. Một nhận định như thế nó đang mời gọi những nhà chuyên môn cùng tham luận để qua đó định hình một cương lĩnh để xây dựng Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Phật giáo Sài Gòn - Huế - Thăng Long - Luy Lâu
2000 năm Quốc Đạo Phật giáo Việt Nam
Xây dựng Phật giáo Việt Nam ngày nay
Luy Lâu, thành hình và phát triển, bài học cương lĩnh là đây.
Tâm Phương. (Còn tiếp)
Chú thích:
[1] Thông Thanh Khánh, sđd
[2] Lê Mạnh Thát, Lục độ tập kinh, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd
[3] Lê Mạnh Thát, tựa kinh An ban thủ ý. Sđd. Tp HCM 2000
[4] Nguyễn Đăng Thục, lịch sử tư tưởng Việt Nam, T. 2. Tp HCM 2000
[5] Viện triết học, California, Hoa Kỳ 2000
[6] Sơn Nam, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Đinh-Sài Gòn-Thành Phố HCM
[Tập san Pháp Luân - số 7]
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu - Sự thành hình và phát triển - Phần 1
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode