Hại thay uống rượu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Uống rượu có sáu việc không tốt: một là đánh mất tài sản, hai là sinh bệnh, ba là gây gỗ đánh nhau, bốn là tiếng xấu đồn đãi, năm là dễ sinh nóng giận, sáu là trí tuệ ngày càng giảm.(kinh Trường A-hàm)

 

Một lần, sau khi trải qua kỳ an cư mùa mưa tại thành Xá-vệ, đức Thế Tôn đến khất thực tại một thị trấn có tên là Bạt-đà-việt (Bhaddavatika). Ở đó, những người chăn bò, chăn dê, nông dân và người đi đường đã đảnh lễ đức Thế Tôn và chặn Ngài lại. Họ nói:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không nên đến bến nước Cây Xoài, vì tại trú xứ của các đạo sĩ Lõa thể ở bến nước Cây Xoài ấy, có một con rắn thần rất độc. Nếu Ngài đến đó, nó sẽ làm hại Ngài.

Không để tâm đến lời họ nói - mặc dù họ lập lại lời cẩn báo này ba lần - đức Thế Tôn vẫn cứ lên đường đến đó. Rồi trong khi đức Thế Tôn trú tại một khu rừng gần Bạt-đà-việt, Trưởng lão Bà-kiệt-đà (Sāgata), một thị giả của Ngài, người có đủ các thần thông, đã đi đến trú xứ của các đạo sĩ Lõa thể, trải nệm cỏ tại chỗ rắn thần sống và ngồi kiết già ở đấy. Không thể che giấu  được bản chất xấu ác của mình, rắn thần phun khói ra ngùn ngụt. Thấy thế, Trưởng lão cũng phun khói ra. Thế rồi rắn thần liền phun lửa ra. Và Trưởng lão cũng phun lửa ra. Nhưng trong khi ngọn lửa của rắn thần không làm hại được Trưởng lão thì ngọn lửa của Trưởng lão đã gây hại cho rắn thần. Và vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, Trưởng lão đã nhiếp phục được rắn thần, khiến cho nó quy y Tam bảo và thọ trì năm giới. Nhiếp phục rắn thần xong, Trưởng lão trở lại chỗ đức Thế Tôn. Và đức Thế Tôn, sau khi trú một thời gian theo ý muốn tại Bạt-đà-việt, đã lên đường đi đến Kiều-thương-di (Kosambi). Bấy giờ, câu chuyện Trưởng lão Bà-kiệt-đà nhiếp phục rắn thần được lan truyền khắp xứ ấy. Thị dân xứ Kiều-thương-di đi đến nghênh đón đức Thế Tôn và đảnh lễ Ngài. Sau đó, họ đến đảnh lễ Trưởng lão Bà-kiệt-đà và thưa:

- Thưa Tôn giả, Tôn giả có thiếu thứ gì thì nói cho chúng tôi biết để chúng tôi cung cấp.

Trưởng lão giữ im lặng, nhưng nhóm Lục quần Tỳ-kheo đã trả lời như sau:

- Này các vị, đối với người xuất gia, rượu trắng là thứ rất được yêu thích. Các vị có thể kiếm cho Trưởng lão một ít rượu trắng được không?

- Chắc chắn là kiếm được. Các thị dân nói.

Rồi họ thỉnh đức Thế Tôn ngày hôm sau đến đó thọ trai. Sau đó, họ trở về thành, và người nào cũng chuẩn bị sẵn trong nhà rượu trắng để cúng dường cho Trưởng lão. Hôm sau, hết nhà này đến nhà khác, họ mời Trưởng lão vào uống rượu. Trưởng lão uống say túy lúy nên trên đường ra khỏi thành đã ngã gục nơi cổng thành và nằm ở đấy lảm nhảm những lời mê sảng. Sau khi thọ trai ở thành xong và trên đường trở lại tịnh xá, đức Thế Tôn bắt gặp Trưởng lão ở trong tình trạng như vậy, liền bảo các Tỳ-kheo mang Trưởng lão về tinh xá. Các Tỳ-kheo mang Trưởng lão về và đặt nằm xuống, để đầu Trưởng lão nơi chân đức Thế Tôn. Thế rồi đức Thế Tôn hỏi:

- Này các Tỳ-kheo, bây giờ Bà-kiệt-đà có còn biết kính trọng ta như trước đây không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỳ-kheo, hãy nói cho ta biết, ai là người đã nhiếp phục rắn thần ở bến nước Cây Xoài?
- Bạch Thế Tôn, chính Trưởng lão Bà-kiệt-đà.
- Với tình trạng hiện giờ, các thầy có nghĩ là Bà-kiệt-đà có thể nhiếp phục được một con rắn nước vô hại không?
- Không thể nhiếp phục được, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỳ-kheo, như vậy có thích hợp không khi uống một thứ gì đó mà nó làm cho ta mất đi lý trí?
- Không thích hợp, bạch Thế Tôn.

Sau khi nói với các Tỳ-kheo lời khiển trách Bà-kiệt-đà như vậy xong, đức Thế Tôn chế định học giới:

- Từ này về sau, ai uống chất gây say, người ấy phạm tội cần phải thú nhận và cầu xin sám hối.

Nói vậy xong, Ngài đi về hương thất của mình.

Thế rồi các Tỳ-kheo tập trung lại trong Chánh pháp đường và bàn luận về sự nguy hại của việc uống rượu:

- Thưa các Pháp hữu, uống rượu thật quá nguy hại, ngay cả một người có trí và thần thông như Trưởng lão Bà-kiệt-đà, mỗi khi uống rượu vào thì không thấy được công đức của đức Thế Tôn.

Lúc ấy, đức Thế Tôn đi vào và hỏi các Tỳ-kheo đang bàn luận điều gì. Khi nghe họ thưa lại vấn đề, Ngài nói:

- Này các Tỳ-kheo, không phải chỉ nay người xuất gia này mới uống rượu và đánh mất lý trí, mà đời trước, sự việc tương tự như vậy cũng đã từng xảy ra.

Nói vậy xong, đức Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ dưới đây.

***

Thuở xưa, khi vua Phạm Dự trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh vào một gia đình Bà-la-môn ở phía Bắc nước Ca-thi (Kāsi). Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát xuất gia làm vị tiên nhân ẩn sĩ. Ngài chứng được Thần thông và Thiền định, an trú trong hỷ lạc thiền định, sống cùng với năm trăm đệ tử ở Tuyết sơn (Himalayas). Một lần, khi mùa mưa đến, các đệ tử thưa với Ngài:

- Thưa Tôn sư, chúng con xin đến những nơi có dân chúng sống để kiếm muối và giấm.

- Này các con, ta sẽ ở lại đây một mình. Các con hãy đi và giữ gìn sức khỏe, rồi khi nào hết mùa mưa thì quay trở lại.

- Thưa vâng. Họ nói.

Rồi họ cung kính đảnh lễ Tôn sư của mình và đi đến Ba-la-nại. Ở đấy, họ chọn nơi cư trú trong ngự uyển của vua. Vào sáng hôm sau, họ đến một ngôi làng bên ngoài kinh thành để khất thực và nhận được nhiều đồ ăn ở đấy. Rồi ngày kế tiếp, họ trở về lại kinh thành. Dân chúng ân cần cúng dường thực phẩm cho họ và sau đó thưa với nhà vua:

- Tâu hoàng thượng, có năm trăm ẩn sĩ từ Tuyết sơn xuống đang trú trong ngự uyển, họ là những nhà khổ hạnh, tu hành tinh tấn, vô dục và giới hạnh.

Nghe đức hạnh của họ như vậy, nhà vua liền đi đến ngự uyển, ân cần mời họ ở lại đó bốn tháng. Họ chấp nhận lời mời của vua. Từ hôm đó, họ được mời ăn ở trong hoàng cung và cư trú ở trong ngự uyển.

Nhưng rồi một hôm, một lễ hội rượu được tổ chức ở kinh thành. Nhà vua nghĩ rằng những người xuất gia thì khó kiếm được rượu nên đã cúng dường cho năm trăm ẩn sĩ rất nhiều những thứ rượu ngon nhất. Các ẩn sĩ uống rượu và sau đó trở về ngự uyển. Ở đấy, phấn khích vì say rượu, một số người nhảy múa, một số người ca hát. Rồi sau khi chán ngán múa hát, họ đá tung những cái thúng đựng gạo cùng những vật dụng khác và nằm lăn ra ngủ. Sau khi hết say rượu, họ tỉnh dậy, nhìn thấy cảnh tượng do vì say rượu gây ra, họ khóc than và nói:

- Chúng ta đã làm điều không nên làm. Chúng ta làm điều xấu xa này bởi chúng ta ở xa Tôn sư.

Rồi ngay lập tức, họ rời khỏi ngự uyển và trở lại Tuyết sơn. Đem bình bát và các vật dụng cất đi, họ đảnh lễ Tôn sư và ngồi xuống. Tôn sư hỏi:

- Này các con, các con có an lạc tại những nơi có dân chúng sống không? Các con có mệt mỏi khi đi khất thực không? Các con có sống hòa hợp với nhau không?

- Thưa Tôn sư, chúng con an lạc, nhưng chúng con đã uống thức uống không được phép uống, để rồi chúng con mất hết lý trí, dẫn đến làm trò múa hát, không còn biết mình là ai.

Chúng con đã uống rượu
Múa hát và khóc than
Uống rượu mất lý trí
May chưa thành khỉ hoang!

Nghe thế, Bồ-tát nói:

- Sự việc xảy ra như vậy là do các con không được sống dưới sự săn sóc của Tôn sư.

Sau khi quở trách các ẩn sĩ xong, Bồ-tát khuyến giáo:

- Từ này về sau, các con không bao giờ được làm điều như vậy nữa.

Rồi Bồ-tát trọn đời tu tập thiền định không ngưng nghỉ, và về sau được sanh lên Phạm thiên giới.

***

Kết thúc pháp thoại, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:

- Thuở đó, đệ tử của ta là nhóm các ẩn sĩ, còn ta chính là Tôn sư của họ.

(Tiền thân Surāpāna, số 81, lược dịch từ bản tiếng Anh)

Lời bàn:

Nói đến tác hại của việc uống rượu, kinh Trường A-hàm viết: “Uống rượu có sáu việc không tốt: một là đánh mất tài sản, hai là sinh bệnh, ba là gây gỗ đánh nhau, bốn là tiếng xấu đồn đãi, năm là dễ sinh nóng giận, sáu là trí tuệ ngày càng giảm.”

Đoạn kinh trích dẫn trên đây đã đề cập đầy đủ những nguy hại do việc uống rượu đem lại. Trong cuộc sống, có không ít những trường hợp, chỉ vì say rượu mà anh em, bạn bè đã ẩu đả đâm chém lẫn nhau; chỉ vì say rượu mà gây ra những tai nạn đáng tiếc; chỉ vì say rượu mà gia đình đỗ vỡ, thanh danh tan nát... Chúng ta thấy, một người dầu có tư cách đạo đức đến đâu, mỗi khi đã quá chén thì không thể làm chủ được bản thân, mỗi khi đã say rượu thì có thể làm đủ mọi điều sai quấy.

Không riêng gì hạng người phàm phu như chúng ta, ngay cả những người đã đắc được thần thông, có đủ giới đức như những nhân vật ở câu chuyện trên đây, mỗi khi đã uống rượu vào thì cũng không còn làm chủ và kiểm soát được những hành vi của bản thân.

Bởi vậy, dù Phật tử hay không phải Phật tử, chúng ta cần phải lấy câu chuyện trên đây làm bài học để đừng bao giờ dấn thân vào một việc làm mà ta biết chắc rằng nó đem đến nguy hại nhiều hơn là lợi ích. ❑

Quang Sơn.
[Tập san Pháp Luân - số 14, tr.74, 2005]