Đại Ca-diếp - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Đại Ca-diếp (Māha Kassapa)

Māha Kassapa là người làng Bà-la-môn mahā-Tiṭṭha, gần thành Rājagaha (Vương Xá) thuộc nước Magadha (Ma-kiệt-đà), Ngài còn có tên là Pippali-mānava, con bà vợ chánh của Bà-la-môn Kanila. Vị Bà-la-môn này tuy giàu có địch quốc (chỉ có thể đem so sánh với Bình Sa Vương, nước Ma-kiệt-đà), ông ta cùng kết giao với Bình Sa Vương, tạo ra rất nhiều tội ác. Mặc dù, Ngài sống trong cảnh giàu sang phú quí, nhưng tâm niệm lúc nào cũng nghĩ đến việc thoát ly gia đình. Tâm niệm này chúng ta tìm thấy trong cuộc đối thoại giữa Ngài và ngài Ananda trong kinh Tương Ưng: “Này Hiền giả, trong khi ta còn là gia chủ, ý nghĩ sau đây được khởi lên: Thật đẹp thay đời sống tại gia, đầy những bụi đời; còn xuất gia như đời sống lộ thiên. Thật không dễ dàng ở trong gia đình mà có thể sống phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo râu tóc, đắp ca sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”. Mặc dù Ngài có ý nghĩ như vậy, nhưng đối với song thân, Ngài là con nên mọi việc điều tùy thuận ở cha mẹ. Ngay đến việc lập gia đình, ban đầu không chịu nhưng rốt cuộc rồi ngài cũng chịu theo ý cha mẹ để làm vừa lòng song thân khi còn tại thế. Ngài cho làm một tượng thiếu nữ bằng vàng trẻ đẹp, mặc áo đỏ và đeo đồ trang sức. Ngài nói với song thân rằng, nếu cha mẹ tìm cho con được một thiếu nữ như vậy thì con sẽ chịu lập gia đình. Bà mẹ liền sai các Bà-la-môn đem tượng vàng ấy đi khắp nước, làm sao phải tìm cho được một thiếu nữ giống như vậy cho bà. Sau những ngày lặn lội tìm kiếm, một hôm, họ đến bên cạnh bờ sông nọ tại Sagāla ngồi nghỉ và đặt tượng vàng xuống cạnh bờ sông. Bỗng có một thiếu phụ từ dưới sông đi lên, thấy bức tượng, tưởng đâu là Bhaddā - người mà bà đã nuôi nấng lâu nay và nói Bhaddà sao lại thiếu giáo dục như vậy, đánh nàng nơi má và sau khi đánh mới biết được rằng đó không phải là Bhaddā mà là một bức tượng bằng vàng. Sau khi bà vú của Bhaddā biết được việc như vậy, mới dẫn các Bà-la-môn về nhà, cho thấy Bhaddā và họ nhận ra rằng bức tượng giống như đúc Bhaddā. Sau đó, họ đưa tin về Kapili. Nhưng cả hai người Pippali-mānava và Bhaddā đều không muốn lập gia đình, nên cả hai viết thư cho nhau để nói rõ quyết định của mình. Hai người đưa thư gặp nhau giữa đường, đưa thư cho nhau coi và hai bức thư được đánh tráo bằng hai bức thư khác. Do vậy, đám cưới được khởi hành. Nhưng trong đêm tân hôn, hai người nằm cách nhau bằng một tờ giấy hoa và cho đến khi cha mẹ Ngài mạng chung vẫn còn giữ như vậy. Do đó cho nên Ngài được nổi tiếng về hạnh thanh tịnh. Không những Ngài nổi tiếng về hạnh thanh tịnh mà còn nổi tiếng về học rộng tài cao, thông minh quán chúng.

Sau khi song thân Ngài qua đời, cả hai cùng quyết định xuất gia. Hai người cùng mặc áo vàng, cắt tóc, mang bình bát, trước cùng đi với nhau, sau thấy bất tiện nên từ giã nhau. Pippala-mānava đi về phía mặt, Bhaddā đi về phía đường bên trái. Trước quả đức như vậy, quả đất rung động và Thế Tôn biết được nguyên nhân, ra ngồi giữa đường. Từ Nalandā đến Rājagaha, tại đền Bahaputta gặp đức Thế Tôn, Mahā Kassapa cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn là bậc Thầy, tự nhận mình làm đệ tử. Khi đức Thế Tôn nghe Mahā Kassapa nói như vậy. Ngài nói với Mahā Kassapa: “Này Kassapa, những ai với tâm trọn vẹn đầy đủ, không thấy mà nói rằng ta thấy, đầu người ấy sẽ vỡ tan. Còn ta, này Kassapa, ta biết thời ta nói ta biết, ta thấy thời ta nói ta thấy! Do vậy này Kassapa, người phải học tập một tâm tàm quý thật sắc sảo sẽ được phải thiết lập giữa các vị Trưởng lão, niên thiếu và trung niên. Do vậy, này Kassapa, ngươi phải học tập ‘phàm pháp gì tôi nghe, liên hệ đến thiện, sau khi đặc biệt chú ý, tác ý, tập trung tất cả tâm lực, tất cả pháp ấy tôi đều lóng tai nghe’. Do vậy, này Kassapa ngươi phải học tập ‘phàm niệm gì thuộc về thân hành, câu hữu với hỷ ta sẽ không bỏ niệm ấy’”.

Sau đó đức Thế Tôn cùng Mahā Kassapa trở về Māgadha. Ở đây, suốt bảy ngày Mahā Kasssapa tu tập theo hạnh đầu đà không gặp lại Thế Tôn. Thời gian này, Mahā Kasssapa đang còn phiền não, đến ngày thứ tám chánh trí khởi lên. Lúc này đức Thế Tôn cũng từ trên đường bước xuống và đi đến một gốc cây. Mahā Kasssapa liền gấp tư tấm y Tăng già lê làm bằng vải rồi bạch đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ngồi xuống ở đây, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài”. Sau đó, đức Thế Tôn ngồi xuống và nói với Mahā Kasssapa rằng: “Thật là mềm dịu, này Kasssapa, là tấm y Tăng già lê nầy làm bằng vải cắt của ngươi”. “Bạch đức Thế Tôn, mong rằng Thế Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫn đối với con”.

“Này Kasssapa, ngươi có dùng tấm y phấn tảo bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của ta không?”.

“Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y bằng vải thô đáng được quăng bỏ của Thế Tôn”. Như vậy, ngày ấy, Mahā Kasssapa đã chính thức thừa tự Chánh pháp của Như Lai. Cũng theo đoạn hội thoại giữa Ngài cùng Tôn giả Ananda trong kinh Tương Ưng (Pāli) thì Ngài kể rằng, sau tám ngày tu tập chánh trí đã khởi lên và Ngài đã chứng A-la-hán quả, thành tựu 9 định và 5 thắng trí (sau đây chúng tôi sẽ đề cập đến).

Trong hàng đệ tử của Thế Tôn có nhiều vị cùng mang tên Ca-diếp. Nên để phân biệt các vị kia, kinh thường gọi vị đệ tử nầy là Mahā Kassapa, hay là Đại Ca-diếp.

Lại nên biết rằng theo Bắc tông thì sau khi đức Phật nhập diệt, Mahā Kassapa là sơ Tổ và theo Nam tông thì chính Ưu-ba-ly mới là sơ Tổ. Chúng tôi nêu lên hai sử liệu này là để tiện nghiên cứu sau này chính xác hơn.

Sở nguyện của Ngài là tu theo hạnh đầu đà. Hạnh này Ngài khư khư giữ cho đến hơi thở cuối cùng.

Tu theo hạnh đầu đà thì cần phải giữ đúng mười điều sau đây:

1- Chọn vùng hoang vắng để ở.
2- Sinh hoạt bằng pháp trì bình.
3- Thường ở tại một nơi.
4- Ngày ăn một bữa (ngọ thực).
5- Khất thực không phân biệt giàu nghèo.
6- Không có tài sản nào khác ngoài ba y (Tăng-già-lê, Uất-đa-la, An-đà-hội) một bình bát và một ngọa cụ.
7- Tư duy dưới gốc cây.
8- Thường ngồi giữa đồng trống.
9- Mặc áo phấn tảo.
10- Sống tại các bãi tha ma.

Sinh hoạt theo hạnh đầu đà là một lối sinh hoạt rất đơn giản nhằm mục đích thanh tao hóa tâm hồn, cởi bỏ mọi trói buộc có thể có vì cuộc sống, rất thích hợp với những ai thích tu phạm hạnh như Ngài Kassapa. Tuy lối tu này có vẻ đơn giản nhưng không vì thế mà ai cũng có thể thực hành được. Vì muốn thực hành được chúng thì cần phải là người biết sống, có nghĩa là phải là người biết tri túc trong một giới hạn nào đó của cuộc sống và không đòi hỏi những điều ngoài khả năng của mình và của người. Bởi vậy cho nên lối sinh này cần phải tri túc. Ngài Kassapa có đầy đủ bốn loại tri túc này: thứ nhất về y, thứ hai về đồ ăn khất thực, thứ ba về sàng tọa, thứ tư về thuốc men trị bệnh. Theo Ngài với bất cứ loại y nào và không vì y mà Ngài sẽ làm điều bất chính, bất xứng. Nếu không được y thì Ngài sẽ không giao động và nếu được y thì Ngài sẽ dùng y ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy sự nguy hiểm, quán xuất ly với trí tuệ. Ngài sẽ tri túc với bất cứ loại đồ ăn khất thực nào với bất cứ loại sáng tạo nào v.v… Với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào và không vì chúng nếu không được sẽ không làm điều bất chính, bất xứng, không bị giao động và nếu được Ngài sẽ dùng chúng không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy tai hại và quán xuất ly với trí tuệ.

“Từ trú xứ bước xuống     
Ta vào thành khất thực
Ta cẩn thận đến gần         
Một người cùi đang ăn
Với bàn tay lở loét         
Nó bỏ vào một muỗng
Khi bỏ vào muỗng ấy         
Ngón tay rời rơi vào
Dựa vào một chân tường     
Ta ăn miếng ăn ấy
Đang ăn và ăn xong        
Ta không cảm ghê tởm
Miếng ăn đứng nhận được     
Xem như thuốc tiêu hơi
Chỗ nằm dưới gốc cây         
Và y từ đống rác
Ai thọ dụng chúng được     
Được gọi người bốn phương”

Đời Ngài Kassapa là cả một bài thơ, một bài thơ sống động giải thoát, một bài thơ đầy những hình ảnh khả ái, khả kính của một đại nghệ sĩ, một đại Thiền sư. Cuộc đời của Ngài đã vượt lên trên mọi giới hạn của con người, không vợ, không con, không nhà cửa, không tiền tài danh vọng, Ngài đã chặt đứt mọi sợi dây trói buộc của thế gian, sống làm bạn với đất trời bao la, với cây đồng cỏ nội, với đồng núi cheo leo, với muôn cầm nghìn thú, với dòng suối chơi vơi. Đói thì đi xin ăn, rách thời tìm đến những đống rác nhặt lấy những mảnh giẻ rách được vất đi mang về giặt giũ vá chằm vá đắp cốt để che nắng che mưa cốt để khỏi bị bức bách vì thịt da giả tạm. Cuộc sống như thế, theo Ngài nó đã mang lại cho Ngài hai điều lợi ích. Hai điều lợi ích này Kassapa đã trình bày cùng đức Thế Tôn nhân khi về thăm Phật, và được đức Thế Tôn tán thán công hạnh của Ngài trước đại chúng: “Này Kassapa, ngươi thấy có lợi ích gì, mà ngươi đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng?”

“Bạch Thế Tôn! Con là người đã lâu ngày sống ở rừng, và tán thán hạnh ở rừng. Con là người đi khất thực, và tán thán hạnh khất thực. Con là người mang y phấn tảo, và tán thán hạnh mang y phấn tảo. Con là người mang ba y, và tán thán hạnh mang ba y. Con là người thiểu dục, và tán thán hạnh thiểu dục. Con là người tri túc, và tán thán hạnh tri túc. Con là người sống không giao thiệp, và tán thán hạnh không giao thiệp. Con là người tinh cần, và tán thán hạnh tinh cần.”

“Bạch Thế Tôn! Con thấy có hai lợi ích nên đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán những hạnh trên. Bạch Thế Tôn, con thấy tự mình được hiện tại lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, vì rằng các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước: ‘Đối với các vị đệ tử Phật và tùy Phật. Mong chúng trong một thời gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán tất cả những hạnh đó’. Chúng sẽ thực hành như vậy trong một thời gian dài, chúng sống hạnh phúc an lạc. Bạch Thế Tôn, vì thấy hai lợi ích này nên con sống hạnh đầu đà như vậy”.

“Lành thay, lành thay Kassapa! Thật vì hạnh phúc cho quần sanh, này Kassapa ngươi đã thực hành như vậy, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng từ mẫn đối với đời, vì lợi ích vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.

Do vậy này Kassapa hãy mang vải thô phấn tảo, đáng được quăng bỏ, hãy sống khất thực và trú ở rừng”.

Ngoài hai lợi ích trên, núi rừng bao la mang nhiều hấp dẫn khiến cho Ngài thích thú, thích thú những cuộc leo núi đá sau khi khất thực trở về:

“Đi khất thực trở về
Ca-diếp leo tảng đá
Ngồi thiền, không chấp thủ
Đoạn sợ hãi kinh hoàng.”

“Đi khất thực trở về
Ca-diếp leo tảng đá
Ngồi thiền, không chấp thủ
Đã đốt cháy thanh lương.”

“Đi khất thực trở về
Ca-diếp leo tảng đá
Ngồi thiền, không chấp thủ
Xong việc không lậu hoặc.”

Những tảng đá cheo leo là nơi an trú của Ngài, là chỗ thanh vắng mát mẻ để cho Ngài ngồi thiền. Cảnh rừng núi hoang vu vắng vẻ này là một trợ duyên lớn trong việc an trú tâm vào định, khi đã có định thì sự sợ hãi kinh hoàng cũng bị bẻ gãy, và tất cả những gì mà thế gian gọi là mát mẻ tươi vui của vật chất đều bị Ngài đốt cháy tận gốc rễ và để tiến tới việc chọc thủng màn lưới vô minh. Cảnh rừng núi làm trợ duyên như thế trong việc chặt đứt cội rễ vô minh thì ai trong chúng ta lại không thích huống chi là Ngài. Ngoài trợ duyên này, rừng núi biết bao nhiêu là những trợ duyên cho Ngài, đã từng hấp dẫn và cuốn hút Ngài trong suốt cuộc đời. Những cụm hoa rừng tuyệt diệu đã được những mảnh đất khả ái nuôi dưỡng như chính đất đá đã nuôi dưỡng tâm tính của Ngài:

“Khu đất thật khả ái
Với những vòng tràng hoa
Hoa tên Ka-rê-hi
Trải rộng ra cùng khắp
Với voi rú khả úy
Đồi núi ấy ta thích.”

“Tràn đầy hoa cây gai
Như trời phủ làm mây
Đầy mọi loài chim chóc
Đồi núi ấy ta thích.”

Làm sao Ngài không thích với cảnh trí thanh tú đẹp đẽ của núi rừng, những tràng hoa được trải rộng ra, đủ mọi thứ đã che chở tâm tình của Ngài, giống như những làn mây phủ kín trang hoàng trú xứ của Ngài. Những tràng hoa, tiếng kêu ríu rít của chim muông, và tiếng khỉ vượn hú là những bản nhạc thiên nhiên đầy thi vị đã giải khuây cho Ngài trong những giờ nhàn tản. Trong trú xứ này đều được Ngài thi vị hóa tất cả, những đồi núi đối với Ngài là những đồi mây xanh biếc, những tòa tháp đẹp lâu đài. Những con nai, con vượn là những bạn hữu thân thiết của Ngài. Những dòng suối nước chảy róc rách dưới đá băng hòa với tiếng gió reo dào dạt đã khiến cho tâm hồn Ngài trở nên bình lặng an lành. Những hồ nước trong mát soi bóng mây xanh. Tất cả đã tạo nên một thế giới vừa linh động vừa yêu kiều khiến tâm hồn Ngài cũng vui lây, cũng thích thú với tạo vật thiên nhiên này:

“Những hồ nước trong mát
Tuyệt đẹp màu mây xanh
Che kín bởi loài bọ
Tên “kẻ chăn Inda”
Những ngọn núi đá ấy
Làm tâm ta thích thú.”

“Giống đồi mây xanh biếc
Ví tháp đẹp lâu đài
Với vượn hú khả úy
Đồi núi ấy ta thích.”

“Dưới tảng đá băng đá
Có nước suối trong chảy
Có khỉ và có nai
Lai vãng sống gần bên
Cỏ cây bao trùm nước
Đồi núi ấy ta thích.”

Tất cả những tạo vật thiên nhiên đó, đối với Ngài không những thân thương mà còn là trợ duyên trên đường giải thoát của Ngài. Tất cả đối với Ngài bao nhiêu tạo vật đó đã đủ làm trợ duyên cho Ngài tu thiền quán rồi, không cần một điều chi nữa.

“Vừa đủ ta chánh niệm
Hăng hái muốn tu thiền
Vừa đủ ta, Tỳ-kheo
Hăng hái muốn phước lợi.”

“Vừa đủ ta, Tỳ-kheo
Hăng hái muốn an lạc
Vừa đủ ta, Tỳ-kheo
Hăng hái tu Du-già.”

Vì lập hạnh như vậy nên quanh năm suốt tháng, ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, Ngài Kassapa chỉ thích sống trong rừng sâu, khi thì ngồi tư duy trên tảng đá, khi thì ngồi dưới bóng cây to, hoặc quán sát các cây khô ở các bãi tha ma, chẳng bao giờ ngơi nghỉ, cũng không sợ hùm beo rắn rít, coi thường tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên có thể xảy ra. Mặc ai khuyên can, Ngài vẫn khư khư giữ chặt không hề lay chuyển.

LT. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.12]