Đại Ca-diếp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Đời Ngài Kassapa là cả một bài thơ, một bài thơ sống động giải thoát, một bài thơ đầy những hình ảnh khả ái, khả kính của một đại nghệ sĩ, một đại Thiền sư.

(Tiếp theo TSPL.3)

Trường hợp ở Sàvatthi, đức Thế Tôn đã lấy Tôn giả Mahà Kassapa để làm thí dụ điển hình mà giáo giới chúng Tỷ-kheo.

Thế Tôn đã lấy Tôn giả Mahà Kassapa để dụ như mặt trăng khi khuyên bảo các thầy Tỷ-kheo khi đi đến các gia đình. Thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường dột xông xáo giống như người nhìn một cái giếng cũ, hay sườn núi dốc, hay thác nước.

Thế Tôn lấy Tôn giả Kassapa dụ như bàn tay giữa hư không, để dạy các vị Tỷ-kheo khi đi đến các gia đình không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc và luôn luôn nghĩ rằng: “Những ai được lợi hay làm lợi, những ai muốn công đức, hay làm công đức!” như “mình hoan hỷ, thỏa mãn khi mình được lợi, hãy hoan hỷ, thỏa mãn khi người khác được lợi”.

Thế Tôn lấy Tôn giả Kassapa điển hình cho người thuyết pháp thanh tịnh, đức Thế Tôn bảo các thầy Tỷ-kheo có hai cách thuyết pháp:

* Thứ nhất là thuyết pháp không thanh tịnh: “Người nào thuyết pháp với tâm mong cầu chúng nghe được pháp ta giảng và sau khi nghe pháp mong chúng được hoan hỷ mong chúng làm cho ta hoan hỷ, này các thầy Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy, thuyết pháp không thanh tịnh”.

* Thứ hai là thuyết pháp thanh tịnh: “Người nào thuyết pháp với tâm: Pháp được Thế Tôn khéo giảng, pháp ấy liên hệ đến hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng được người có trí tự mình giác hiểu. Ai mong chúng nghe ta giảng, và sau khi nghe pháp, mong chúng được hiểu rõ pháp, và sau khi hiểu rõ pháp, mong chúng như vậy thực hành. Duyên pháp thiện pháp tánh, thuyết pháp cho các người khác. Duyên lòng từ bi, duyên lòng từ mẫn, khởi lòng lân mẫn thuyết pháp cho các người khác. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy là vị Tỷ-kheo thuyết pháp thanh tịnh”.

Với Kassapa này các Tỷ-kheo ta sẽ giáo giới các ngươi, hãy lấy đó mà thọ trì.

Cũng ở tại Sàvatthi, Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo: “Người như thế nào xứng đáng là người đi đến các gia đình và người như thế nào không xứng đáng để đi đến các gia đình”.

Bạch Thế Tôn: “Đối với chúng con các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Lành thay bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì”.

Vậy các Tỷ-kheo hãy nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ nói.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo vâng lời Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau: “Hãy lấy Tôn giả Kassapa làm gương là người xứng đáng đi đến các gia đình để khất thực. Này các Tỷ-kheo, người nào mang tâm niệm như thế này đi đến các gia đình mong chúng hãy cho ta, chớ có không cho. Mong chúng cho ta nhiều, chớ có ít. Mong chúng cho ta đồ tốt, chớ cho đồ xấu. Mong chúng cho ta mau chớ có cho chậm. Mong chúng kính trọng ta, chớ có không kính trọng.

Nếu những điều trên không đáp ứng mà bực phiền. Do nhân duyên ấy, cảm thọ khổ ưu. Những vị Tỷ-kheo như vậy không xứng đáng là người đi đến nhà các gia đình”. Và ngược lại Tôn giả Kassapa khi đi đến các gia đình: “Đối với các gia đình người khác, làm sao có thể mong như vậy, trường hợp nếu không cho, hay được cho người khác với ý muốn Tôn giả; Tôn giả không vì vậy mà bực phiền, không do nhân duyên ấy cảm thọ khổ ưu”.

“Với Kassapa này các Tỷ-kheo, ta sẽ giáo giới các ngươi, hay với ai như Kassapa, và được giáo giới các người hãy noi gương ấy mà thọ trì”.

Cuộc đời của Ngài tuy sống theo hạnh đầu đà ít giao thiệp nhưng qua những cuộc hội thoại giữa Ngài và các vị đại đệ tử, chúng ta thấy không vì thế mà Ngài cách biệt mọi người. Nếu nói rằng Ngài luôn luôn sống cách biệt với mọi người thì hơi quá. Chúng ta theo dõi qua tiếng rống sư tử của Ngài thì biết:

“Ta hầu hạ Bổn sư
Gánh nặng đã đặt xuống
Lời Phật dạy làm xong
Gốc sanh hữu nhổ sạch”.

Như vậy đối với Phật, Ngài là một đệ tử và nhiệm vụ của một đệ tử đối với bậc Đạo sư không thể thiếu. Chính Ngài đã nói ra điều đó qua kệ trên, như thế Ngài đã làm tròn sứ mạng của một đệ tử. Không như người hầu hạ Thế Tôn để đáp đền muôn một, mà điều đó ngay chính đức Thế Tôn có lẽ không bao giờ trách mắng Ngài, vì theo bản nguyện mà đâm ra thiếu sót, những điều quan trọng muốn đáp đền phải là lời Phật dạy phải làm cho xong, và điều đó chính Ngài đã làm xong. Đó chính là gánh nặng của kẻ muốn cầu giải thoát. Mà gánh nặng này Ngài đã đặt xuống rồi. Tức là mọi gốc rễ sanh hữu đã bị Ngài nhổ sạch tận gốc rễ đó chính là điều đức Thế Tôn mong muốn nơi Ngài nói riêng và tất cả hàng đệ tử nói chung.

Bấy giờ thì Ngài có quyền rống lên tiếng rống của một con sư tử. Tiếng rống này không phải là tiếng rống của một con khỉ đội lốt sư tử, mà tiếng rống đích thực của một con sư tử oai vệ trong hang động núi rừng:

“Trong đám ruộng đệ tử
Ngoại trừ bậc Tối tôn
Ta ưu việt đầu đà

“Không nhiễm dính y phục
Không thể trắc lường được
Như hoa sen trong sạch
Ý thiên về xuất ly.

“Với bậc đại ẩn sĩ
Tay dựa trên đức tin
Bậc đại trí luôn luôn
Những vị theo đức Phật
Đại ẩn sĩ Mâu-ni
Không ai bằng ta được.

“Chỗ nằm và chỗ ăn
Là bậc Gotama!
Không thể dính trước vào
Thoát ly cả ba giới.

“Cổ riêng trên niệm xứ
Với đầu là trí tuệ
Hành trì thật thanh lương”.

Phải chăng tiếng rống của Ngài là tiếng rống của kẻ kiêu mạn đội lốt sư tử của con khỉ chăng? Xin thưa, đó chính là tiếng rống của một con sư tử thật sự, là tiếng rống của “như thật”, tiếng rống của bậc đạt đạo. Điều này chính đức Thế Tôn đã minh thị trước hàng Tỷ-kheo ở tại trú xứ Sàvatthi; khi đức Đạo sư nói về chín thứ đệ định và năm thắng trí mà đức Thế Tôn đã chứng đạt; thì chính Tôn giả Mahà Kassapa cũng đã đạt được như Thế Tôn.

Khi đức Thế Tôn còn tại thế, mặc dù các đệ tử được Ngài thương yêu bình đẳng như nhau; nhưng đặc biệt Ngài rất thương yêu và chú trọng đến ngài Mahà Kassapa nhiều hơn vì ba lẽ: thứ nhất, ngài Kassapa là người sống gương mẫu về đạo hạnh vì nếp sống đầu đà của Ngài; thứ hai, vì nếp sống nhàn tịnh một mình không người giúp đỡ những khi đau yếu và nhất là khi về già; đức Thế Tôn thường an ủi và dỗ dành: “Này Kassapa, ngươi đã già rồi. Đồ cũ nát là những vải gai thô phấn tảo này của ngươi, đáng được quăng bỏ. Vậy, này Kassapa hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và ở gần bên ta”. Thứ ba, mặt dù các đại trưởng lão có chỗ sở tu, sở chứng độc đáo riêng. Nhưng theo đức Thế Tôn, tất cả đều không thể sánh đức hạnh với ngài Kassapa.

Vì ba lý do trên, cho nên đức Thế Tôn đã trao truyền Chánh pháp nhãn tạng cho ngài Kassapa trong hội Linh Sơn. Đức Thế Tôn vì thấy nhân duyên hóa đạo của Ngài đã mãn, và tất cả những gì có thể giảng dạy thì Ngài đã dạy cho hàng đệ tử xong rồi. Riêng chỉ có “Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm; thật tướng vô tướng vi diệu pháp môn”, Ngài chưa chọn được người trao truyền. Hôm nay, nhân trong hội này, mặc dù trước đó đức Thế Tôn đã có ý định chọn Tôn giả Mahà Kassapa, nhưng Ngài vẫn đưa ra thử nghiệm sở chứng của mỗi người. Đức Thế Tôn bèn cầm cành hoa thị chúng tất cả đều không thấu hiểu, tất cả đều im lặng; duy chỉ có ngài Mahà Kassapa mỉm cười. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn mới tán thán ngài Mahà Kassapa rằng: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm thật tướng vô tướng vi diệu pháp môn nay ta phó chúc cho ngươi khéo mà giữ gìn. Ta nay sắp vào Niết-bàn dùng pháp sâu xa này phó chúc cho nhà ngươi. Nhà ngươi sau này nên kính thuận theo ta, mà truyền bá rộng rãi đừng để đoạn tuyệt”. Lúc ấy ngài Kassapa bạch rằng: “Con xin nhận lãnh lời dạy của Như Lai mà phụng trì Chánh pháp để làm cho đời vị lai được nhiều lợi ích, mong rằng Thế Tôn đừng lo lắng suy nghĩ”. Kể từ đó ngài Kassapa là vị Tổ thứ nhất thiền tông và sau này truyền lại cho Tôn giả Ànanda.

Khi đức Thế Tôn vào Niết-bàn, trong lúc ấy Tôn giả Kassapa đang ngồi thiền tại núi Kỳ-xà-quật, thì thấy những hiện tượng lạ xảy ra; hào quang chiếu khắp nơi đại địa chấn động. Ngài liền nghĩ rằng có lẽ đức Thế Tôn sắp vào Niết-bàn chăng? Tại sao có hiện tượng như vậy? Ngài nhập đại định tam muội dùng thiên nhãn quán sát và thấy đúng như vậy.

Ôi thôi! Thế Tôn đã vào Niết-bàn rồi. Lòng Ngài buồn rầu vô hạng. Ngài liền cùng chư Tỷ-kheo hướng về thành Câu-thi-na làm lễ. Xong Ngài cùng các thầy Tỷ-kheo ra đi. Trên đường đi Ngài gặp một Phạm chí tay hữu cầm cành hoa mạn đà la. Kassapa hỏi rằng: “Người từ đâu đến, có biết thầy ta chăng?”. Người ấy đáp rằng biết. Thầy của Tôn giả đã nhập Niết-bàn cách đây bảy ngày. Tất cả trời người đang bày biện để cúng dường. Tôi lấy được hoa này ở nơi đó. Lúc ấy các vị Tỷ-kheo nghe nói như vậy tất cả đều khóc lóc khổ sở nằm lăn xuống đất kêu trời kêu đất như mưa. Sau đó đoàn Tỷ-kheo do ngài Kassapa dẫn đầu đi đến rừng Ta-la song thọ nhiễu quanh ba vòng rồi làm lễ mà nói rằng: “Mong rằng bậc Tôn thắng trời người, hiện ra thân sắc vàng khiến cho mọi người thấy để khởi vô lượng nguyện”. Lúc ấy, Thế Tôn ở trong kim quan ló chân sắc vàng ra ngàn trượng ánh sáng chiếu tỏa như ban ngày. Tất cả mọi người thấy như vậy đều buồn rầu ảo não kêu khóc không thôi. Lúc bấy giờ ngài Kassapa ôm chân Phật mà làm lễ. Sau đó ngài Kassapa dùng dầu tưới lên cỗ quan tài và dùng gỗ chiên đàn làm lễ hỏa táng. Sau khi hỏa táng xong, ngài Kassapa đứng ra phân chia xá lợi của Phật để dựng tháp thờ phụng.

Phật nhập Niết-bàn rồi. Trong hàng đệ tử của Phật sinh ra kiến giải bất đồng về giáo pháp và giới luật của Ngài, vì sự nghiệp tối quan trọng của Phật giáo, nên ngài Mahà Kassapa liền thống lãnh 500 vị A-la-hán, họp khoáng đại hội nghị tại thành Sàvatthi để kết tập lại lời giáo huấn của đức Thế Tôn. Lần kiết tập này không có bút ký mà chỉ họp tụng. Lần kiết tập này là lần kiết tập thứ nhất (cũng gọi là Vương Xá thành kiết tập, hay Ngũ bách kiết tập).

Nguyên vì, sau khi Thế Tôn diệt độ, trong hàng Tỷ kheo, có ông thốt ra rằng: “Trong thời Thế Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc. Trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do, ngày nay đức Thế Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động, không còn bị giới luật ràng buộc”. Ngài Kassapa nghe thấy thế liền nghĩ rằng đức Thế Tôn mới diệt độ 7 ngày mà trong hàng Tỷ-kheo đã thốt ra những lời phá hoại Chánh pháp như vậy. Ngài sợ giáo pháp của Thế Tôn sẽ bị tà thuyết pha trộn, nên quyết định triệu tập hội nghị để trùng tuyên lại những lời đức Thế Tôn đã dạy. Trong kỳ kiết tập này được vua A-xà-thế, nước Ma-kiệt-đà (Magadha) ủng hộ. Hội này được kiết tập tại hang Thất Diệp. Thành phần hội nghị gồm có ngài Kassapa làm thượng thủ. Ngài Upàli (trì luật đệ nhất) được cử tụng các điều giới luật. Ngài Ànanda (đa văn đệ nhất) cử tụng pháp và cùng 500 vị A-la-hán. Sau khi tụng xong tất cả đều thừa nhận là đúng với lời Phật. Vậy hai tạng Kinh và Luật có bắt nguồn từ đây. Thời kỳ kiết tập này chỉ trong thời gian là 7 ngày.

Sau kỳ kiết tập kinh điển này, ngài Kassapa bèn nhập nguyện trí tam muội quán xét lại việc kết tập pháp tạng này có chỗ nào khiếm khuyết hay không. Sau khi thấy không có điều chi thiếu sót. Ngài mới tự nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn là bậc Thiện tri thức của ta vì thế ta nên báo đền ân đức đó trong muôn một. Việc mà đức Thế Tôn đã trao truyền cho ta thì nay ta đã làm xong, ta đã dùng Chánh pháp vì chúng sanh mà làm những lợi ích lớn lao”. Giờ đây thân tứ đại đã mỏi mòn sắp hoại diệt, Ngài cũng sắp vào Niết-bàn. Ngài Kassapa kêu Tôn giả Ànanda bảo rằng: “Trưởng lão Ànanda, đức Thế Tôn đã dùng pháp tạng phó chúc cho ta, ta nay muốn vào Niết-bàn nên đem pháp này phó chúc lại cho ông. Ông nên khéo mà hộ trì”. Tôn giả Ànanda chấp tay đáp rằng: “Tôi xin thọ lãnh lời dạy của Tôn giả”, và sau đó Tôn giả Kassapa nói bài kệ sau đây:

“Pháp pháp bổn lai pháp 
Vô pháp vô phi pháp 
Hà ư nhất pháp trung
Hữu pháp hữu phi pháp”.

(Xưa nay pháp pháp vốn là
Không pháp không cả cái mà pháp không
Làm gì còn có mảy lông?
Có pháp cả cái không pháp trần).

Sau khi ngài Kassapa phó pháp cho Tôn giả Ànanda rồi. Tôn giả Ànanda sợ nếu không ở bên cạnh Tôn giả Kassapa thì lúc Ngài vào Niết-bàn thì sẽ không gặp mặt, cho nên Tôn giả Ànanda luôn ở bên cạnh Ngài. Tôn giả Kassapa nói với Tôn giả Ànanda rằng: “Tôn giả nên một mình vào thành Vương Xá mà khất thực. Ta cũng sẽ đi một mình vào thành khất thực”. Tôn giả Ànanda vâng lời đi. Và Tôn giả Kassapa cũng đi, trên đường đi Tôn giả nhớ rằng vua A-xà-thế muốn gặp ta trước khi ta vào Niết-bàn. Ta nay nên đến vua A-xà-thế, và nói với người giữ cửa: “Vào thưa lại với vua rằng có ngài Mahà Kassapa ở ngoài cổng muốn gặp vua”. Người giữ cổng nói rằng nhà vua đang ngủ. Tôn giả nói rằng nhà ngươi nên đánh thức vua dậy. Người giữ cửa thưa không dám đánh thức, nếu không khi nào nhà vua thức dậy thưa lại dùm là có Mahà Kassapa đến nói là Ngài muốn vào Niết-bàn.

Sau đó Tôn giả Kassapa đi thẳng đến núi Kê Túc ngồi kiết già nghĩ rằng: “Nay ta mặc y phấn tảo của Phật và bình bát mang theo phải giữ thế nào đến đức Di Lặc cho khỏi hư hoại và khiến cho đệ tử Di Lặc thấy ta sanh lòng yểm ác”. Trước khi vào đại định Tôn giả nghĩ rằng: “Nếu Ànanda và vua A-xà-thế đến núi này thì núi phải mở ra cho họ vào, lúc họ ra về rồi thì núi phải tự đóng lại”. Lúc ấy Thích Đề Hoàn Nhơn cùng muôn vạn chư thiên dùng hoa trời mạn đà la và mạc hương cúng dường xá lợi Tôn giả Mahà Kassapa rồi thì núi tự nhiên khép lại. Nhìn cảnh phóng xả thân mạng ngài Mahà Kassapa, Thích Đề Hoàn Nhơn lòng lo buồn bã vô cùng, vì đức Thế Tôn mới vào Niết-bàn; nỗi buồn chưa vơi, nay kế đến Tôn giả Ca Diếp cũng vào Niết-bàn nỗi khổ đau chồng chất khó nguôi. Trong khi đó thần núi Tất-bát-la cũng hay tin Tôn giả vào Niết-bàn mà không được thấy bèn nghĩ như vầy: “Bắt đầu hôm nay hang động này sẽ vắng tanh và nước Ma-kiệt-đà điều không tịch”. Kẻ giàu sang nghèo hèn đều rơi lệ buồn thương vì họ nghĩ rằng từ nay không còn ai là người hướng dẫn dìu dắt ban vui cứu khổ cho họ, giáo pháp từ nay cũng lu mờ. Trong khi đó thiên ma đang cười vui trên nỗi đau khổ của chúng sanh vì tất cả người trời ai ai cũng đều rơi lệ.

Nói về Tôn giả Ànanda sau khi đi khất thực trở về đang ngồi tư duy thì trong lúc ấy vua A-xà-thế cũng đang nằm mộng thấy một chiếc cầu lớn bị sụp đổ, thức dậy lòng rất lo sợ. Khi đó người giữ cửa vào báo: “Khi nãy có Tôn giả Mahà Kassapa đến báo tin vua là Tôn giả sắp vào Niết-bàn”. Vua liền nghe khóc òa lên và đi đến Trúc Lâm tìm Tôn giả Ànanda thưa rằng: Tôn giả Ca Diếp nay muốn vào Niết-bàn? Tôn giả Ànanda đáp rằng: Ngài đã vào Niết-bàn rồi. Vua hỏi hiện tại thân Tôn giả Kassapa ở đâu ta muốn cúng dường. Rồi hai người cùng hướng về núi Kê Túc thẳng đến. Hai vị vừa đến thì núi tự mở ra, vua cùng Ànanda thấy được Tôn giả. Bấy giờ vua A-xà-thế dùng gỗ chiên đàn và các loại hương hoa định hỏa táng Tôn giả Kassapa. Tôn giả Ànanda can không cho hỏa táng vi Tôn giả dùng định trụ thân đợi Phật Di Lặc ra đời để trao lại y bát của Thế Tôn cho Ngài. Sau khi hai vị cúng dường cả hai cùng lui về trú xứ mình và từ từ núi khép lại. Giờ đây thân ngài Kassapa đã cách biệt thế gian bỏ lại tất cả ở bên ngoài vào đại định. q

Long Tường. (Hết)
[Tập san Pháp Luân - số 4]