Trang 2 / 4
(Tiếp theo TSPL.2)
Vì thương hại những Tỷ kheo giới luật chưa thuần, thiền quán chưa tinh, mà chạy theo thế tục thì sẽ chìm đắm vào thế tục không thể thoát ly được. Ngài dùng uy tín của Ngài, dùng cuộc sống thanh tịnh giải thoát của mình, mà khuyên giải các thầy Tỷ kheo. Chỉ vì lòng từ rộng lớn của Ngài đối với các Tỷ kheo đồng môn nói riêng và đối với sự nghiệp giải thoát chúng sanh nói chung.
“Có tuệ nói như thật
Khéo định tỉnh trong giới
Đạt được tâm an chỉ
Người ấy kẻ trí khen”.
“Không cống cao không động
Thận trọng, căn chế ngự
Chói sáng với tấm y
Được lượm từ đống rác
Chẳng khác con sư tử
Trong hang động núi rừng”.
Vì lòng từ đối với các vị Tỷ kheo và Tỷ kheo ni, đôi khi Ngài cũng bị các vị này không hoan hỷ không bằng lòng vì những lời nói ngay thật quá. Trường hợp Tỷ kheo ni Thullatissa đã phàn nàn rằng tại sao Tôn giả Mahà Kassapa lại kêu Ànanda, bậc thánh Vedeha là “đứa trẻ?” Rồi Tỷ kheo ni Thullatissa thốt ra những lời không hoan hỷ: “Sao Tôn giả Mahà Kassapa trước kia là người theo ngoại đạo lại nghĩ có thể không hài lòng và gọi Tôn giả Ànanda, bậc thánh Vedeha là đứa trẻ!” Hoặc trường hợp những Tỷ kheo ni Thullatissa khi Tôn giả Ànanda đến mời Tôn giả Mahà Kassapa đi đến giáo giới trụ xứ Tỷ kheo ni. Sau ba lần cầu thỉnh Tôn giả Kassapa mới đi, và lúc đến các Tỷ kheo ni này quanh Tôn giả Kassaapa đảnh lễ, Tôn giả Kassapa với pháp thoại giảng cho các vị Tỷ kheo ni đang ngồi một bên ấy khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Rồi Tôn giả Kassapa sau khi giảng cho các vị Tỷ kheo ni xong từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sau đó nhóm Tỷ kheo ni Thullatissa không bằng lòng nói lên những lời không hoan hỷ: “Làm sao Tôn giả Mahà Kassapa trước mặt Vehedamuni Ànanda lại nghĩ đến thuyết pháp. Ví như một người bán kim lại nghĩ có thể bán kim cho người làm kim? Cũng vậy Tôn giả Kassapa trước mặt Vedehamuni Ànanda lại nghĩ đến thuyết pháp”. Tôn giả Kassapa nghe được những lời này mới nói với Tôn giả Ànanda: “Thế nào hiền giả Ànanda, ta là người bán kim, ngươi là người làm kim, hay ta là người làm kim, ngươi là người bán kim?”
- “Hằng kham nhẫn, thưa Tôn giả Kassapa, ngu si là đàn bà” “Hằng đến, Hiền giả Ànanda, chớ để cho chúng Tăng truy cứu thêm về người”.
- “Hiền giả Ànanda, nhà ngươi nghĩ thế nào?”
- “Có phải trước mặt Thế Tôn và giữa chúng Tăng, người được đề cập đến như sau: Tùy theo mong muốn, này các Tỷ kheo, ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú nơi sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ kheo, Ànanda cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú nơi sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ?”
- “Thưa Tôn giả, không phải vậy”.
Tùy theo mong muốn, ta diệt tầm tứ v.v... thiền thứ hai thuộc trạng thái do định sanh không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
..., ta ly hỷ, trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự thọ lạc. An trú thiền thứ ba.
..., ta xả lạc, xả khổ v.v... thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Tùy theo ước muốn, ta vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không có tác ý với dị tưởng, ta nghĩ rằng: Hư không là vô biên, chứng đạt và an trú không vô biên xứ.
Tùy theo mong muốn, ta vượt lên mọi thứ, không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên” chứng đạt và an trú thức vô biên.
Tùy theo mong muốn, ta vượt lên mọi thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì” chứng đạt và an trú vô sở hữu xứ.
Tùy theo mong muốn, ta vượt lên mọi vô sở hữu xứ, chứng đạt và an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tùy theo mong muốn, ta vượt lên mọi phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú diệt thọ tưởng định.
Tùy theo tâm mong muốn, ta chứng đạt các loại thần thông một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình biến hình đi ngang qua vách qua tường, qua núi, đi ngang qua hư không, độn thổ đi ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim. Với bàn tay ta chạm rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
Tùy theo mong muốn, ta với thiên nhĩ thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư thiên và loài người xa gần.
Sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh của loài người với tâm của mình, ta có thể biết như sau: “Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không tham biết là tâm không tham, tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân v.v... tâm có si v.v... tâm không si v.v... tâm chuyên chú v.v... tâm vô thượng v.v... tâm thiền định v.v... tâm giải thoát v.v...
Ta nhớ đến đời sống quá khứ như một đời, 2, 3, 4, 5, 10, 20, 30, 40, 50, 100, 200, 300, 100.000.000 đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp, và nhớ ra rằng: Tại chỗ kia ta có tên thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia ta được sinh nhà nọ, ta được sinh ra ở đây. Như vậy ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Ta với Thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy các chúng sanh những kẻ hạ liệt, kẻ giàu sang, người đẹp kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Những bậc chúng sanh ấy làm những ác hạnh vế thân, ngữ, ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những bậc chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý. Không phỉ báng các vị Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời. Trên đời với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân ta thấy sự sống chết của chúng sanh và ta. Này các Tỷ kheo, với đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí, ta chứng được vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát chứng đạt và an trú”.
- “Thưa Tôn giả, không phải vậy”.
- “Chính ta này Hiền giả, trước mặt Thế Tôn và giữa chúng Tỷ kheo được đề cập đến như vậy”.
Một đời Tôn giả Mahà Kassapa trú tại Ràjagaha (Vương Xá) Veluvana (Trúc Lâm) tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ànanda đang đi du hành ở Pakhinàgine (Nam Sơn) cùng với đại chúng Tỷ kheo.
Lúc bấy giờ có độ 30 Tỷ kheo đệ tử của Tôn giả Ànanda, phần lớn còn trẻ tuổi, từ bỏ sự tu học, và hoàn tục.
Sau khi đi du hành về, và đi đến Tôn giả Mahà Kassapa đảnh lễ. Tôn giả Kassapa nói với Tôn giả Ànanda: “Duyên bao nhiêu lợi ích. Thế Tôn chế đặt điều luật ‘chỉ 3 người ăn’ đối với các gia chủ, để ngăn chận các người phá giới, vì sự lạc trú của các Tỷ kheo chánh hạnh, chớ để cho ai dựa vào bọn ác tưởng phá hoại chúng Tăng, và vì lòng từ mẫn đối với các gia đình. Thưa Tôn giả Kassapa vì duyên 3 lợi ích này nên Thế Tôn chế đặt điều luật ‘chỉ 3 người ăn’ đối với các gia chủ”.
- “Thời vì sao, nhà ngươi lại cùng du hành với những tân Tỷ kheo này, những người không hộ trì các căn, không tiết lộ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác? Ta nghĩ người hành động thật là kẻ giẫm đạp ngũ cốc! Ta nghĩ người hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của ngươi đang sụp đổ! Đồ chúng niên thiếu của ngươi đang tan rã! Đứa trẻ này không lượng sức mình”.
- “Thưa Tôn giả Kassapa, trên đầu tôi, tóc bạc đã sanh! Tuy vậy hôm nay, Tôn giả gọi tôi là đứa trẻ, chúng tôi không có phật lòng”.
Chúng ta thấy mặc dù Tôn giả Ànanda được mệnh danh là người đa văn đệ nhất nhưng làm việc gì đi ra ngoài phạm vi giải thoát đều được ngài Kassapa chiếu cố dạy bảo ngay. Và chính Tôn giả Ànanda cũng thấy được việc làm của mình là không phải; trái với điều luật mà Phật đã dạy. Ngay đến Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta) là người trí tuệ đệ nhất; cũng phải nhờ Tôn giả Kassapa giải tỏa những thắc mắc của mình. Trong Tương Ưng kinh có đề cập đến điều đó khi Tôn giả Sàriputta hỏi ngài Kassapa về sau khi chết: “Này hiền giả Kassapa, có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết không?” “Này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố “Như Lai có tồn tại sau khi chết” Như vậy này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không?”
- Cũng vậy này Hiền giả, Thế Tôn không tuyên bố: “Như Lai không tồn tại sau khi chết” “Như vậy này Hiền giả, có phải Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết không?”
- “Này Hiền giả, Như Lai cũng không tuyên bố: Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”. “Vậy này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết không?”
- “Cũng vậy này Hiền giả, Thế Tôn không tuyên bố: Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”
- “Và vì sao này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố như vậy! Vì không đưa đến lợi ích, không đưa đến cứu cánh phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy Thế Tôn không tuyên bố như vậy.”
- “Vậy này Hiền giả, Thế Tôn tuyên bố cái gì?”
- “Đây là khổ,” Thế Tôn đã tuyên bố. “Đây là khổ tập,” Thế Tôn đã tuyên bố. “Đây là khổ diệt,” Thế Tôn đã tuyên bố. “Đây là con đường đưa đến khổ diệt,” Thế Tôn đã tuyên bố.”
Vì sao Thế Tôn tuyên bố như vậy? Vì đưa đến lợi ích, đưa đến cứu cách phạm hạnh, đưa đến yểm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy Thế Tôn đã tuyên bố như vậy.
Một hôm, Tôn giả Sàriputta từ thiền định độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa.
Sau khi chào đón thăm hỏi và nói lên những tán thán Tôn giả Sàriputta liền ngồi xuống một bên và nói Tôn giả Mahà Kassapa rằng: “Thế nào là không nhiệt tâm với nhiệt tâm? Thế nào là không biết sợ và biết sợ?”.
Tôn giả Kasapa đáp: “Người không nhiệt tâm là không biết sợ sẽ không có giác ngộ, không có Niết-bàn, không thể đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách”.
Vì sao? “Vì các ác, bất thiện pháp không khởi lên nơi ta, nếu chúng khởi lên chúng có thể đưa đến bất lợi”. Vì chúng khởi lên mà không có nhiệt tâm để đoạn diệt chúng. Ngược lại. “Nếu các thiện pháp không khởi lên, nếu chúng không khởi lên nơi ta, có thể đưa đến bất lợi”. Vì không khởi nhiệt tâm. Ngược lại “Nếu các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi”, vì không khởi nhiệt tâm để tăng trưởng.
Cũng vậy, “Người nhiệt tâm và biết sợ, sẽ đưa đến giác ngộ; có thể có Niết-bàn”.
Vì sao? “Vì các ác pháp bất thiện, không khởi lên nơi ta”. Nếu chúng khởi lên ta có nhiệt tâm, ta có biết sợ để đoạn diệt chúng. Ngược lại “các thiện pháp không khởi lên nơi ta nếu chúng khởi lên ta có nhiệt tâm để làm tăng trưởng chúng”.
Qua những mẫu pháp thoại giữa ngài Mahà Kassapa và Tôn giả Ànanda và Tôn giả Sàriputta. Chúng ta thấy Ngài vì lòng ưu ái đối với những vị đồng môn mà chỉ dạy hoặc mở gút thắc mắc cho họ. Đó là chúng ta chỉ đề cập đến những vị đại đệ tử của Phật đã mang trong mình một sở học, sở tu, sở chứng, đặc biệt còn phải nương vào Tôn giả Kasapa để học hỏi thêm cho mình, huống chi những vị tân Tỷ kheo hoặc những người trong Tăng đoàn chưa có những sở hữu đặc biệt nào cho mình. Ngoài đức Thế Tôn ra, Tôn giả Kassapa và các Tôn giả nổi tiếng trong hàng đại đệ tử của Thế Tôn phải cáng đáng công việc dạy dỗ thay đức Thế Tôn những khi vắng Ngài. Đặc biệt, Tôn giả Kassapa được đức Thế Tôn nêu lên làm thí dụ điển hình để dạy các thầy Tỷ kheo trong chúng hội, và cũng thường được Thế Tôn ưu ái bảo Ngài giáo giới các Tỷ kheo cùng đức Thế Tôn.
Thích Đức Thắng.
[Tập san Pháp Luân - số 3]
Đại Ca-diếp - Phần 3
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode