Vài nét về Phật giáo đất phương Nam - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

VÀI NÉT VỀ PHẬT GIÁO ĐẤT PHƯƠNG NAM

Nét chính
I. Giới thiệu
II. Thời điểm và Ngả đường thành hình Phật giáo Đất Phương Nam
III. Đất Phương Nam
IV. Người Phương Nam
V. Phật giáo Đất Phương Nam

Nội dung
I. Giới thiệu

Định hình nên dòng chảy Phật giáo Việt Nam có thể phân làm bốn vùng không gian:
• Phật giáo Đất Luy Lâu
• Phật giáo Đất Thăng Long
• Phật giáo xứ Huế (cũng có thể gọi là Phật giáo Thuận Quảng: Thuận Hóa - Quảng Nam)
• Phật giáo Đất Phương Nam

Nội dung bài nầy nói về Phật giáo Đất Phương Nam.

Bức tranh toàn cảnh Phật giáo Đất Phương Nam có màu sắc đặc thù mang tính dung hợp, dung hợp tộc người đa chủng dung hợp văn hóa giao lưu, dung hợp văn minh quần tụ và đặc sắc hơn cả là dung hợp tông phái Phật giáo. Từ trước, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, kể cả cán bộ chuyên trách về tôn giáo, v.v… tất cả, họ đã phác họa nên nhiều nét về Phật giáo Đất Phương Nam qua nhiều tham luận, hội thảo, sách báo v.v... như, nhiều tác giả, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh, Nxb TP. HCM; Trần Văn Giàu - Lịch sử phát triển tư tưởng Việt Nam T.1 & 2, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1975; Lê Cung - Phong trào Phật giáo 63, Trần Hồng Liên - Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb KHXH 2004, Trần Trọng Kim - Phật giáo thuở xưa và nay, Sài Gòn 1953; Hòa thượng Thích Thiện Hoa - 50 năm chấn hưng Phật giáo, Sài Gòn 1971, Vân Thanh - Lược khảo Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn 1974, Quốc Tuệ - Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn 1964; Gia đình Phật tử miền Liễu Quán - Kỷ yếu 50 thành lập gia đình Phật tử, Hoa kỳ 2000; Kim Đạt - Lịch sử gia đình Phật tử, Phật học viện quốc tế Hoa Kỳ 1981; Nguyễn Hiền Đức - Lịch sử Phật giáo Đàng trong. Học giới nói về chủ đề nầy riêng có Nguyễn Hiền Đức là cây bút đã phác họa nên những nét cốt lõi của Phật giáo Đất Phương Nam. Từ đó, sinh hoạt Phật giáo Đất Phương Nam qua nhiều mặt đã được bàn đến như: Chấn hưng Phật giáo, Chùa xưa Phật giáo, Giáo dục Phật giáo, Hình thái Tổ chức các hội Phật giáo, Phong trào Phật giáo, Văn hóa Phật giáo, mà trong đó chủ đề cốt lõi là Truyền thừa Phật giáo (hay dòng-phái Phật giáo). Để góp phần tìm hiểu chân xác hơn về Phật giáo Đất Phương Nam trong bối cảnh không gian và thời gian mà công hạnh Tổ đạo đã dày công trải rộng thông điệp tình thương Phật đà trên vùng đất mới; cũng để từ đó định ra một hướng đi hoằng pháp trong thời đại mới trên nền tảng kế thừa truyền thống 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam đã đề ra: Đạo Pháp trong lòng Dân tộc.

Với đôi điều suy nghĩ như thế, vài nét về Phật giáo Đất Phương Nam được giới thiệu theo mấy tiêu đề như sau:

II. Thời điểm & ngả đường thành hình Phật giáo Đất Phương Nam
1. Thời điểm thành hình Phật giáo Đất Phương Nam

Năm 1698 là mốc thời gian chính thức thành lập vùng đất Sài Gòn -Gia Định, từ đó mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển trên vùng Đất Phương Nam. Đi những bước song hành cùng với đoàn người mở đất, Phật giáo cũng đã gieo hạt trên vùng đất mới. Cũng ví như mạch nước ngầm, thêm sức sống cho sự sống, khi mà đất cho mùa, vụ, làng được dựng lên, thì cũng là lúc niềm tin Phật nở hoa trong lòng người xa xứ theo âm điệu mõ sớm với chuông chiều: “Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo, của làm duyên chớ ngại bao nhiêu, phép thiêng biến ít thành nhiều, nhờ trên Tôn giả chia đều cho chúng sanh”. Tuy nhiên trước thời điểm làng xã được thành hình thì người dân đi mở đất cũng như bước chân truyền giáo của bậc Tổ đạo đã có mặt trên vùng đất mới từ bao đời rồi. Thời điểm Phật giáo vào Đất Phương Nam được biết là vào đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 Tây Lịch.

2. Ngả đường thành hình Phật giáo Đất Phương Nam

Trước đời Gia Long (1802-1819) Đất Phương Nam có tên là Gia Định thành. Đến đời Minh Mạng (1820-1840) đất Nam Kỳ được chia làm sáu tỉnh, từ đó đất nầy còn có tên gọi là Nam Kỳ lục tỉnh.

NHÀ NGUYỄN NAM KỲ
Lục tỉnh:
1.    BIÊN HÒA
2.    GIA ĐỊNH
3.    ĐỊNH TƯỜNG
4.    VĨNH LONG
5.    AN GIANG
6.    HÀ TIÊN

Ngả đường Phật giáo định hình nên vùng Đất Phương Nam có bốn nguồn chính, đó là:

• Phật giáo Huế vào:

Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Hóa, năm 1601 chúa cho dựng chùa Thiên Mụ (chùa được dựng trên nền chùa cũ của người Champa). Quốc chúa là người dùng Phật giáo để trợ hóa trong chính sách An Dân, do đó Phật giáo sớm phát triển và trải rộng vào Nam. Phật giáo Đất Phương Nam đón nhận Phật giáo Bắc tông từ nguồn Phật giáo Huế mà bên cạnh đó có pha trộn ít nhiều tính chất Phật giáo cung đình. Đào Duy Từ một công thần của đất Nam Hà, ông học Phật, hiểu sâu tư tưởng Phật giáo thâm thúy. Ông có soạn vở tuồng Đấu Chiến Thắng Phật, từ đó cho thấy bằng loại hình sân khấu qua con đường văn nghệ ông muốn Phật hóa Nam Hà.

• Từ Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) Trung Hoa đến.

Trần Thắng Tài là một trong những tướng lưu vong của nhà Minh, không về phục nhà Thanh, ông đã cầm đầu đoàn thuyền sang Đại Việt lánh nạn, nhóm người nầy được chúa Nguyễn cho định cư ở vùng Đồng Nai - Biên Hòa. Trong số đoàn người di cư nầy có cả những nhà sư Phật giáo. Chính vì thế đoàn người Trần Thắng Tài đã có người đóng vai trò “lật đá khơi ngòi giếng” cho hoa từ bi chớm nở trên vùng Phật giáo Đất Phương Nam vào thế kỷ 17.

• Từ Campuchia xuống, thuộc Phật giáo Nam tông.

Năm 1936, Hòa thượng Hộ Tông đem Phật giáo Nam tông từ Campuchia vào vùng Đất Phương Nam. Từ đó Phật giáo Nam tông định hình trên vùng đất này.

• Yếu tố Phật giáo bản xứ trên vùng Đất Phương Nam.

Nhiều nơi trên vùng Đất Phương Nam còn sót lại dấu vết chùa cũ trên vùng đất Chân Lạp của người Khơ me trước khi Phật giáo Huế vào đây, điển hình là chùa Gò (Phụng Sơn) Gia Định được dựng trên nền chùa cũ của người bản xứ. Rải rác nhiều chùa khác, người ta đào được tượng Phật, chuông đồng, đồ dùng trong nhà chùa, kể cả phù điêu có nội dung Phật giáo; điển hình là Pháp thân kệ khắc trên lá vàng mỏng được tìm thấy ở gò Xoài, Long An. Như vậy yếu tố bản địa từ Phật giáo Chân lạp (Founan) còn sót lại trên vùng Đất Phương Nam, nhân tố nầy đã duy trì niềm tin Phật cho cư dân nơi đây trước khi Phật giáo Bắc tông truyền vào xứ này.

ST. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.8]