Sa-di đuổi quạ - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Sa-di đuổi quạ (Phần 1)

Theo qui chế nhà chùa, Sa di (danh từ gọi chung cho các chú tiểu) được chia làm hai hạng: hạng thứ nhất, tuổi từ 7 đến 12, gọi là Sa di Khu Ô; hạng thứ hai, tuổi từ 13 đến 19, gọi là Sa di Ứng Pháp. Hạng thứ hai được coi như đã thuần thục nhờ trải qua một thời gian tập sự trong chùa, phần khác vì ở trong lứa tuổi phát triển hoặc sắp trưởng thành, nên có thể giúp cho chùa nhiều việc quan trọng như tưới cây, quét dọn, lau chùi, làm việc đồng áng (nếu chùa ở vùng quê), tụng kinh, tiếp khách (khi thầy đi vắng) v.v... Chữ Ứng Pháp có thể hiểu nghĩa đen là có khả năng thích ứng, thực hiện nhiều pháp sự trong chùa. Còn hạng thứ nhất, Sa di Khu Ô, theo nghĩa đen thật đen, thì chỉ là Sa di Đuổi Quạ. Là vì ở cái tuổi quá nhỏ, các chú tiểu ở hạng này không vác nổi cái chổi cao hơn mình, không xách nổi thùng nước nặng bằng mình, không giơ nổi cây cuốc dài gấp đôi thân hình mình... Cái gì cũng không nổi, không xong, thì chỉ còn cách chia phiên các chú đuổi quạ, đuổi chim, không cho chúng ăn phá thóc lúa, đậu mè, hoa quả của vườn chùa. Công việc duy nhất và dễ nhất cho các chú hàng ngày là như vậy, cho nên gọi các chú là Sa di Khu Ô (đuổi quạ). Các thầy trụ trì khi nuôi các chú tiểu ở lứa “khu ô” biết rằng các chú không làm được việc lớn nên phải kiếm chút việc nho nhỏ nào đó mà giao cho các chú để các chú khỏi ở không. Điều đó, chẳng phải là chèn ép gì các chú - vì đuổi quạ cũng giống như chơi đùa, chẳng mệt nhọc chi hết - mà cũng là một trong những sự trau luyện của thiền môn đó thôi. Thứ nhất, sự làm việc của các chú (dù là việc nhỏ) cũng được xem như những đóng góp vào chuyện chung của chùa để các chú khỏi mang tiếng ngồi không mà ăn cơm bá tánh. Thứ hai, cắt chia công việc cho các chú cũng là cách tập cho các chú có trách nhiệm đối với công tác mà chùa giao phó.

Cứ theo qui chế nói trên mà xét thì lẽ ra không có những chú tiểu ở tuổi từ 4 đến 6, mà nhỏ nhất cũng phải là 7 tuổi. Có lẽ hồi xưa qui chế đó được áp dụng, nghĩa là chỉ nhận cho xuất gia những chú từ 7 tuổi trở lên. Còn thời nay, người ta thấy ở nhiều chùa sự có mặt của các chú tiểu ở lứa dưới 7 tuổi. Điển hình là chú Hiếu ở chùa Phước Tân. Chú Hiếu mới có 5 tuổi thôi. Như vậy, lý ra chú chưa đủ tiêu chuẩn để được xếp vào hạng Sa di Đuổi Quạ nữa. Nhưng thầy trụ trì cũng đã cắt việc cho chú, coi chú như là hàng Sa di Đuổi Quạ chính thức vậy. Có lẽ vì chùa cũng thiếu người làm công việc đuổi quạ nên thầy mới phải dành công việc đó cho chú. Được giao công việc, chú thích lắm. Chú cảm thấy mình được “lớn”, có khả năng làm việc. Công việc của chú, trước đây do chú Hân đảm trách, nhưng chú Hân bây giờ đã được 13 tuổi rồi, “đã qua khỏi cái tuổi Đuổi Quạ rồi”. Vì thế, chú Hiếu được “bổ nhiệm” sớm.

Chuyện đi tu của chú Hiếu cũng là một đề tài khá ly kỳ. Cha mẹ chú kể rằng từ hồi mới biết ăn, chú đã không ăn được cá thịt, cứ đòi ăn rau cải quanh năm suốt tháng. Nhiều lúc sợ chú bị thiếu dinh dưỡng, cha mẹ chú nghiền thịt hay cá để nấu chung với rau cho chú. Vậy mà chú cũng biết, bỏ ăn; có khi lỡ ăn thì ói thốc ra hết, không chịu được mùi tanh cá thịt. Cho đến tháng chạp năm ngoái, khi theo cha mẹ đến chùa, thấy chú Hân ngồi học kinh dưới gốc cây, chú Hiếu bèn nẩy ý xin đi tu. Chú xin nằng nặc đến độ giận lẫy, bỏ ăn, không tắm rửa, đủ thứ chuyện. Cuối cùng cha mẹ đành phải chịu thua, mang chú lên chùa.

Chùa Phước Tân là một chùa ở thôn quê. Cái tên của chùa, thầy trụ trì nói rằng nó chẳng mang chút thiền vị nào hết mà chỉ có ý nghĩa gắn bó với ngôi làng nhỏ này mà thôi - chùa Phước Tân của làng Phước Tân. Và vì là chùa làng, mọi sinh hoạt đều mang tính cách của làng xã địa phương. Dân trong làng làm ruộng làm vườn thì chùa cũng có ruộng có vườn để canh tác hàng ngày. Chùa có cả thảy sáu người: thầy trụ trì, thầy tri sự, chú Hân, hai dì vãi già dưới bếp và chú Hiếu. Hàng ngày, thầy trụ trì và thầy tri sự cùng vác cuốc ra ruộng. Lúa cấy xong, hai thầy vác cuốc ra vườn trồng rau, đậu. Ruộng vườn của chùa nhiều lắm nên hết khoảnh ruộng này lại xoay qua miếng đất khác, chẳng biết lúc nào hai thầy mới nghỉ việc được ngoại trừ các ngày Tết, ngày lễ vía, hoặc ngày rằm, mùng một. Chú Hân cũng đi theo hai thầy từ khi có chú Hiếu đảm trách việc đuổi quạ. Nhưng chú Hân chẳng làm được gì ngoài ruộng vườn trừ việc đem nước uống hoặc đem “bữa lỡ” (bữa ăn xách ra tận ngoài ruộng để ăn qua loa mà làm việc tiếp) cho hai thầy. Có khi chú giúp các thầy trỉa đậu, trồng rau lang, những việc tương đối dễ dàng và không cần phải dùng nhiều sức. Buổi sáng sớm sau khóa lễ khuya, chú Hân mang chổi ra quét sân, rồi vào quét tổ đường trong khi thầy trụ trì quét dọn chánh điện, còn thầy tri sự thì tưới các chậu kiểng. Hai dì vãi già dưới bếp thì nấu ăn, quét dọn quanh bếp và vườn sau. Hai dì cũng lo việc xắc khoai lang khoai mì để phơi khô, có khi các dì phơi lúa, phơi đậu ở mảnh sân xi măng bên hông chánh điện. Ai cũng có nhiều việc để làm trong ngày. Duy có chú Hiếu là rảnh rang nhất, chỉ làm mỗi công việc đuổi quạ mà thôi.

Công việc của chú chỉ bắt đầu khi nào hai dì vãi khiêng bao bắp hay lúa ra sân, trút ra phơi khi nắng bắt đầu rọi đến khoảnh sân đó. Chiều, khi trời sắp tắt nắng, hai dì vãi ra sân hốt lúa vào bao là chú hết trách nhiệm. Ai cũng cho rằng việc đuổi quạ là việc nhàn rỗi, dễ nhất. Ban đầu chú Hiếu cũng nghĩ vậy. Nhưng khi bắt tay vào việc rồi, chú mới thấy rằng nó không đơn giản. Trước đây, khi chú Hân còn làm việc đuổi quạ, cứ mỗi lúc ngồi trông coi đồ phơi thì mang kinh ra học, có khi đem giấy bút ra tập viết chữ Hán nữa. Còn chú Hiếu chưa biết chữ, chẳng biết phải học hay làm gì cho đỡ chán suốt thời gian ngồi trông coi bắp đậu. Ngoài ra, chú Hân có cái thanh quản rất tốt, nói năng lớn tiếng như ễnh ương kêu. Khi nào thấy có chim đến phá, chú Hân chỉ la lên một tiếng là chim bay hết. Còn chú Hiếu, giọng nhỏ xíu như con gà con mới chui ra khỏi trứng, hét mãi mà chim cứ nhảy qua nhảy lại, tung tăng mà mổ. Nội hai chuyện đó không đã thấy rằng việc đuổi chim quạ của chú Hiếu đã không phải là đơn giản rồi. Rất chán! Chán quá không biết làm gì, chú đâm ra buồn ngủ. Chú ngồi dựa vào cây tùng, ngủ rất ngon. Chim chóc tha hồ đáp xuống mà ăn bắp, ăn lúa. Hao của chùa quá. Chỉ có hai dì vãi mới biết chuyện hao hụt đó. “Chẳng phải lúa bắp teo khô lại mà thấy ít đi đâu! Tại chim ăn nhiều quá đó,” hai dì vãi nói với thầy tri sự như vậy khi thầy giúp hai dì vác các bao lúa vào kho. Thầy tri sự tuổi trẻ mà tẩn mẩn, chăm chút từng thứ li ti. Có lẽ thầy trụ trì giao cho thầy làm chức tri sự cũng vì biết cái tính ý tỉ mỉ của thầy. Thầy tri sự không muốn làm rơi rớt bất cứ hột thóc nào. Hẳn nhiên là ở chùa xưa nay ai cũng học bài học vỡ lòng là phải biết trân quý hạt cơm như hạt ngọc, do công lao khó nhọc của người nông phu làm nên. Nhưng trân quý đến cỡ thầy tri sự này thì chữ “cơm chùa” sẽ không còn ý nghĩa nữa. Cũng bởi thầy tri sự quá trân quý vật sản của chùa, dù là do bẩm tánh hay do tinh thần trách nhiệm, thầy không thể tha thứ cho chú Hiếu được.

- Chú Hiếu lại biểu, thầy tri sự nghiêm giọng gọi.

Chú Hiếu rón rén bước đến gần thầy, tay vân vê chéo áo vạt hò nâu, chưa biết chuyện gì mà trông như đã muốn khóc.

- Hôm nay chú làm gì ở chùa?

- Dạ... dạ đuổi quạ.

- Có con quạ nào không?

- Dạ không, con không biết con quạ.

- Con quạ cũng giống con chim, nhưng nó lớn hơn, màu đen. Mỏ nó hơi dài như vầy. Ngưng một lúc thầy tiếp: Không biết, không thấy con quạ nào nên chú chẳng làm gì hết hả? Dì Bảy nói chú ngồi ngủ mà, phải không?

- Dạ đâu có.

- Vậy chớ chú làm gì mà lúa mất đi đâu muốn hết?

- Dạ... có mấy con chim nhỏ nhỏ như vầy nè, tụi nó ăn đó.

- Sao chú không đuổi chớ!

- Dạ... con đuổi nó hổng chịu bay. Với lại... đâu phải quạ đâu mà đuổi.

- Phật Tổ ơi! Quạ hay chim gì cũng đuổi hết, nhớ chưa? Còn đuổi thì nó phải bay chớ. Chắc chú ngồi một chỗ rồi xì xì mấy tiếng có lệ thôi nên chúng không sợ chớ gì! Chú đuổi sao làm lại tui coi thử coi.

Chú Hiếu ngập ngừng một lúc rồi vung hai tay lên la: “Huớ... huớ!” Thầy tri sự bật cười, rồi nhăn mặt than:

- Trời thần ơi! Đuổi như vậy làm sao nó sợ chớ! Huớ huớ gì như thằn lằn chặc lưỡi vậy trời!

Thầy trụ trì nghe được câu chuyện, bước ra vừa cười vừa nói:

- Kiếm cho chú một cái thùng thiếc nhỏ với hai cái dùi. Khi nào chim chóc tới thì cứ gõ rân trời lên là chúng hoảng kinh bay hết chứ lo gì. Giọng chú ấy đâu có lớn được như giọng chú Hân, mà la hét suốt ngày cũng khan cổ chết, ai mà chịu nổi.

Thầy tri sự dù sao cũng là hàng đệ tử nên nghe thầy trụ trì nói vậy cũng không bàn cãi gì thêm, liền đi tìm một cái thùng thiếc cho chú Hiếu. Chú đứng lại đó như trời trồng, chẳng dám bước đi đâu. Thầy trụ trì thấy thương, gọi chú lại:

- Con làm việc có mệt không?

- Dạ không.

- Có chán không?

- Dạ... không chán.

- Không chán? Thiệt không nè? Xuất gia không được nói dối. Thầy hỏi lại, đuổi chim quạ có chán không?

- Dạ... chán.

- Phải vậy chứ! Chán chứ sao không! Con chưa học nghề mà bắt đi làm thì sao không chán được. Ở chùa, việc nào cũng có ý nghĩa riêng của nó, cho nên việc nào cũng phải học hết. Ngồi xuống đây, thầy dạy con cách đuổi quạ. A, có thùng thiếc đến cho con rồi kìa. Tốt lắm. Lại có hai cái dùi đẹp như vầy, sướng quá! Lại đây.

Chú Hiếu bước đến gần thầy trụ trì. Thầy tri sự cũng đứng một bên để lắng nghe thầy trụ trì dạy chú cách đuổi quạ. Thầy trụ trì nói với thầy tri sự:

- Cái thùng thiếc này tốt lắm rồi, nhưng nếu chú ấy phải mang đi bằng hai tay thì không còn tay đâu mà gõ. Cho nên, thầy hãy đục hai lỗ ở hai bên miệng thùng, mắc vào đây một sợi dây cho chú đeo trước bụng.

Thầy tri sự cười dòn một tràng, mang thùng thiếc đi ngay. Một chốc sau là thầy ấy đã mang cái thùng thiếc với sợi dây làm quai, trở lại. Chú Hân cũng theo thầy tri sự đến nghe thầy trụ trì dạy. Thầy trụ trì tròng dây vào cổ mình, sửa cho thùng thiếc nằm ngay ngắn trước ngực. Ai cũng cười. Chú Hiếu chẳng dám cười, ngó thầy trụ trì lom lom ý chừng không muốn bỏ sót động tác đuổi quạ nào mà thầy dạy cho. Thầy vừa gõ thùng vừa nói:

- Đuổi quạ cũng như quét rác. Quét rác là quét cho sạch những phiền não (thầy ngưng một lúc để tìm chữ dễ hiểu cho chú Hiếu), tức là những cái tánh xấu ác của mình, thì đuổi quạ cũng có nghĩa là đuổi đi những thứ tầm bậy tầm bạ phá hoại đời sống tu hành của mình. Cái gì là tầm bậy tầm bạ, biết không? Là ham ăn, ham ngủ, ham chơi, lười biếng học hành, lười biếng kinh kệ, ganh tị, ghen ghét, sân si, ác độc... (tùng tùng) Nói tóm lại là đủ thứ xấu xa của mình (tùng tùng). Người tu là một chiến sĩ anh dũng, xông ra trận, chiến đấu với các thứ ma quỷ dơ nhớp xấu xa, đuổi cho chúng chạy, đánh cho chúng tan, không chịu thua một thứ phiền não nào hết. Quạ đâu, chim đâu! Tụi bây là ma vương, là phiền não đến đây quấy phá chùa chiền phải không? (tùng tùng! tùng tùng!) Có ta đây! Ta đuổi bây! Mau chạy, mau bay! Đừng xớ rớ đến vườn chùa thanh tịnh của ta nữa! Bay đi, bay đi! (tùng tùng! tùng tùng!).

Thầy tri sự bụm miệng cười. Chú Hân cũng cười ngặt nghẽo. Thầy trụ trì ngó chú Hiếu, hỏi:

- Sao, con đã học được cách đuổi quạ chưa?

- Dạ chưa... dài quá con không nhớ hết!

- Ai bắt con học những gì thầy nói đâu mà dài với ngắn! Khi thấy chim quạ tới, con chỉ việc chạy u đến, vừa chạy vừa gõ thùng là được rồi, đâu cần phải nói hay đọc cái gì!

Mắt chú Hiếu sáng rỡ lên, chú nói:

- Dạ, vậy thầy để con làm thử coi.

Nói rồi chú đón cái thùng thiếc từ thầy, tự tròng dây vào cổ mình. Vừa chạy chú vừa gõ “tùng, tùng” một cách khoái chí. Chú chạy riết tới bãi phơi lúa. Chú Hân phân bì:

- Bạch thầy, hồi trước con đuổi quạ thầy đâu có dạy con như vậy.

Thầy trầm ngâm một lúc:

- Mỗi người có một tính nết, một căn cơ riêng. Con sẽ giống như thầy tri sự. Lau chùi, quét dọn, giữ gìn cho sạch đất chùa, tích chứa công đức, không để sơ tán, làm gương mẫu giới hạnh cho đồ chúng mai sau.

Chú Hân nghe thầy dạy như vậy có vẻ thích ý lắm, tin tưởng tương lai của mình sẽ vững vàng suông sẻ như đường đi của thầy tri sự. Chú hỏi:

- Chú Hiếu không phải vậy hở, bạch thầy?

- Không, thầy chỉ nói vậy.

Lúc này chú Hiếu đã trở lại với mặt mày sáng rỡ. Thầy nói với chú trước khi trở vào phương trượng:

- Mỗi ngày khi làm việc đuổi quạ, con hãy nghĩ rằng con là một anh hùng, một chiến sĩ, chiến đấu với những điều xấu xa ác độc của cuộc đời. Nhớ chưa? Vũ khí của con là cái thùng thiếc đó. Gióng nó lên để đuổi giặc như là hồi xưa đức Phật nói giáo lý trung đạo để phá tà ma ngoại đạo vậy. Không hiểu hả? Thôi, đại khái là phải hết sức chiến đấu không chịu thua bao giờ hết. Được chưa? Hiểu chưa?

- Dạ, hiểu, chú Hiếu đáp nhanh, tay không quên gõ “tùng tùng”.

Nguyễn Phước. (Còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 6]