Trang 2 / 3
(Sa-di đuổi quạ, phần tiếp theo TSPL.6)
Kể từ hôm được trao “vũ khí” và bài học “chiến đấu”, chú Hiếu đã thấy hăng hái hơn nhiều. Chú không còn thấy chán và buồn ngủ nữa. Buổi sáng không đợi dì vãi kêu nhắc, chú đã túc trực sẵn ở sân phơi lúa với cái thùng thiếc đeo trước ngực. Chim chóc chỉ mới đậu trên cây chưa kịp sà xuống sân là chú đã gõ thùng xua đuổi. Vừa gõ vừa chạy sấn tới, hăng say như lính cảm tử. Chỉ một thời gian ngắn chừng vài ba tháng, chim chóc đã có vẻ như hết dám bén mảng đến sân phơi. Chúng chỉ tập trung trên các cành cây xa thật xa ở ven rào của chùa để chờ cơ hội thuận tiện. Nhưng chú Hiếu đã không cho chúng một cơ hội thuận tiện nào để ăn lúa bắp trên sân phơi nữa. Chú không những là một chiến sĩ anh dũng, mà còn là một chiến sĩ siêng năng, tinh tấn, biết trách nhiệm nữa. Dần dần, chú rút được những kinh nghiệm trong nghề đuổi quạ của mình khiến chú có thể thong thả, ít cực nhọc hơn, không cần phải dùng sức nhiều quá, không cần phải làm “cảm tử”, không cần phải quá siêng năng như lúc đầu nữa. Chẳng hạn khi cần phải đi tiểu tiện hay đại tiện, chú không phải kêu gào nhờ dì vãi trông coi thay mình: chú cởi áo ra, máng trên một nhánh cây trong chậu kiểng gần sân phơi nhất; cái thùng thiếc cũng được treo lên, lủng lẳng bên cạnh cái áo. Cành mềm làm cho cái áo và cái thùng đu đưa, đu đưa y như chú hãy còn đứng đó vậy. Cho nên, chim chóc cũng chẳng dám đến. Lúc đầu, chú chưa dám thực hiện cái mẹo đó vội. Chú treo áo, treo thùng lên cành cây xong, chạy vào nhà kho gần đó núp đợi. Thấy thật lâu mà vẫn không có con chim nào dám đáp xuống, chú mới yên tâm áp dụng. Bây giờ thì chú ăn chắc kết quả của mưu mẹo đó rồi. Muốn đi đâu, chú cứ việc treo áo treo thùng lên rồi đi. Quen rồi, sáng kiến càng nẩy ra nhiều hơn. Chẳng hạn, thay vì phải cởi áo mình ra, chú lấy cái áo cũ rách đã bỏ của thầy tri sự, treo lên; thay vì cứ ngồi mãi bên sân phơi mà không thấy quân thù nào xuất hiện, chú ra vườn sau hì hục làm sào để thọc ổi xuống mà ăn; thay vì cứ chăm chăm nhìn ngó bóng chim, chú nằm đại xuống bậc thềm bước lên chánh điện mà ngủ ngon lành. Hai thầy và chú Hân ra đồng, có khi chiều tối mới về; có khi về vào giấc trưa để thọ trai và nghỉ ngơi đâu chừng một tiếng rồi đi lại. Như vậy, chú có ngủ lén một hai giờ đồng hồ cũng chẳng ai hay. Hai dì vãi thì cứ lui cui làm việc dưới bếp, có rảnh rỗi đâu mà kiểm soát công việc của chú. Chú nằm chèo queo nơi bậc thềm, ngủ dưới làn gió mát hây hây dễ chịu từ ruộng đồng thổi vào. Lâu lâu giật mình thức dậy, chú vói tay lấy hai cái dùi gõ vào thùng một tràng rôm rả, rồi ngủ tiếp. Ấy vậy mà chim chóc cũng không dám đến. Có lẽ chúng đã thực tình sợ hãi và tránh xa vườn chùa dưới sự canh gác gắt gao nghiêm ngặt của “chiến sĩ đuổi quạ” này rồi.
Cho đến trưa hôm nay, đang khi ngon giấc bên hiên chùa, chú bỗng nghe tiếng kêu của một giống chim lạ. Tiếng kêu lạ và lớn đến nỗi chú phải vùng thức dậy, dụi mắt, dáo dác nhìn quanh. Chú không thấy con chim đó đâu. Có lẽ nó đang đậu trên một cây cao nào đó gần sân phơi. Chú nhìn quanh sân. Hôm nay chùa phơi một món rất đặc biệt: đậu phụng. Món đậu phụng này rất đắt tiền, đắt hơn lúa bắp, có thể đem ép dầu và làm món muối đậu, ăn rất ngon miệng cho bữa cơm chay. Vì vậy, thầy tri sự dặn chú phải trông coi cho kỹ. Thầy dặn thì dặn, chú thấy chẳng có gì thay đổi trong công việc của chú. Lúa hay bắp cũng gõ tùng tùng, mà đậu phụng thì cũng gõ tùng tùng thôi, có gì khác đâu. Khác chăng là khi phơi lúa bắp, chú không hề đụng chạm gì đến những thứ đó. Còn đậu phụng thì trước khi đánh giấc, chú đã ních cho một bụng đã đời rồi. Cái thứ đậu này quỷ thật! Chú đâu có ý ăn chi cho nhiều, vậy mà cứ lột, cứ bóc vỏ, hết trái đậu này đến trái đậu khác. Dòn dòn, ngọt ngọt, béo! Ăn xong, đem vỏ đi ném tận bờ rào. Trở vô, lại muốn ăn, rồi lại đem vỏ đi vứt thật xa nữa. Thật là phiền quá, mất công quá! Vậy mà cứ ăn. Bây giờ, ngồi dật dờ chưa tỉnh hẳn, chú vừa suy nghĩ chuyện đậu phụng, vừa thắc mắc không biết con chim gì đó có thực không hay là chỉ có trong giấc mộng của chú. Đang vật vờ muốn thiu thiu ngủ trở lại, chú bỗng nghe tiếng con chim đó kêu lần nữa: “Kụ..a.! Kụ..a.!” Chú đứng hẳn dậy, tay che trán, nhướng mắt nhìn lên cây bồ đề, chỗ phát ra tiếng kêu. Chú thấy rõ ràng một con chim lớn hơn con chim sẻ rất nhiều, mỏ nó dài và hơi cong, lông nó đen mun, dễ sợ. Chú thấy ớn lạnh trong người. Con chim có cái vẻ gì rùng rợn ma quái lắm. Chú nhớ lại lời mô tả của thầy tri sự. “A, đúng rồi! Đây là con quạ! Chết rồi, làm sao đây?” Chú run. Chú sợ. Chú nép vào mé tường rồi len lén rút ra, nấp sau chậu kiểng, nơi chú treo cái áo rách và cái thùng thiếc. Chú nhìn lên cành cây xem con quạ có thấy chú không. Nó thấy. Nó nhìn chú. Nó theo dõi chú. Chú sợ quá, không dám động đậy. Chú ngồi yên sau chậu kiểng, len lén ngước mắt lên nhìn nó.
“Kụ..a.! Kụ..a.!” con quạ lại kêu lên những tiếng ghê rợn. Rồi bỗng chốc, hai con quạ khác từ đâu bay ào tới. Ba con cùng đậu trên một cây, lúc lắc đầu cổ như nói với nhau điều gì. Rồi cả ba con cùng cúi đầu ngó xuống chỗ chú nấp. Chú xanh mặt, đổ mồ hôi, run lên, rồi chú vụt bỏ chạy. Chú chạy bán mạng vào Tổ đường, chui xuống dưới bàn thờ, ngồi thở dốc. Ba con quạ thấy chú vùng dậy thì giật mình tính bay đi nhưng nhìn lại thấy chú chạy xa, bèn hớn hở rủ nhau sà xuống ăn đậu phụng. Ăn thoải mái. Ăn tại chỗ, khỏi cần phải tha đi đâu.
Dưới bàn thờ Tổ, chú hãy còn run cầm cập. Chú không ngờ con quạ lại có cái vẻ hiểm ác, dữ tợn như vậy. Chú suy tính cách chống trả lại nó. Trốn như vầy lỡ các thầy về biết được thì chết. Chú ăn đậu phụng hồi sáng đã hao lắm rồi, bây giờ để cho quạ ăn thì còn hao nhiều nữa. Quạ mà đáp xuống ăn tỉnh bơ thì những con chim nhát cáy mọi hôm cũng sẽ rủ nhau ùa xuống cho xem. Chú thấp thỏm ngồi không yên, định mò ra lại thì nghe tiếng chân chạy rần rật ngoài sân, rồi nghe tiếng chú Hân hét lên nữa:
- Huớ! huớ! Xịt! xịt! Chú Hiếu đâu! Sao để chim quạ xuống cả bầy cả đàn vậy trời!
Thấy có chú Hân tiếp cứu chú mừng quá vụt chạy ra:
- Tui đây nè! Mới chạy ra sau chút xíu à!
- Xạo! Tui đi từ xa nhìn vào thấy chú bỏ chạy rõ ràng!
- Đâu có!
- Thôi đừng có cãi. Nói tui nghe, sao chú bỏ chạy? Chú sợ cái gì?
- Đâu có sợ cái gì đâu?
- Chút nữa tui méc thầy tri sự cho coi.
- Đừng có méc mà, năn nỉ chú đó.
- Vậy chú nói nghe, chú sợ cái gì mà bỏ chạy?
Ngập ngừng một hồi, chú đáp:
- Con quạ đó.”
- Mô Phật! Người mà sợ quạ! Đời thuở nào có cái chuyện này nè trời! Sợ cái gì chớ. Thùng của chú đâu sao không gõ?
- Kia kìa.
- Sao không đeo vô người mà treo trên đó?
Chú không trả lời, đứng phụng phịu, vịn cành cây rồi vân vê vạt áo. Chú Hân thấy tội nghiệp bèn đổi giọng:
- Thôi đừng sợ nữa, tui không méc thầy đâu. Còn cái thứ quạ quỷ quái đó lần sau có thấy chú lượm cục đá chọi nó một cái là xong, có gì đâu mà sợ chớ!
- Lỡ không trúng nó thì sao?
- Đâu có cần phải trúng. Chọi gần gần nó thôi là nó hoảng kinh bay tuốt hết rồi chớ lo gì!
- Lỡ trúng nó thì sao?
- Trúng nó? Thôi chú à, tui đứng đây chú chọi thử coi trúng không mà đòi chọi trúng con quạ biết bay. Làm như chú chọi giỏi lắm vậy. Lo cái chuyện gì đâu. Hao đậu của chùa không lo! Đeo thùng vô đi. Lượm sẵn mấy cục đá để một bên. Ném hết đá thì đi lượm lại. Không có đá thì cứ chạy sấn tới, cầm hai cái dùi quơ quơ lên là chúng bay hết. Quạ cũng giống như chim chứ khác gì đâu. Nó nhỏ xíu như vậy mà cũng sợ!
Nói rồi chú Hân xuống nhà bếp lo bới xách cơm trưa ra ruộng cho các thầy. Còn lại một mình, chú Hiếu lững thững đi lượm vài cục đá trong sân. Chú thấy phục chú Hân hết sức. Nhờ chú Hân mà chú lấy lại được tự tin. Quyết chiến đấu anh dũng trở lại chứ không để mất nhuệ khí như khi méc.
Khi chú Hân trở ra, chú Hiếu níu tay chú Hân lại nói:
- Cám ơn chú bày tui đuổi quạ. Chú nhớ đừng méc hai thầy nghe.
- Không méc đâu ông Sa-di đuổi quạ à! Ủa quên, ông Sa-di quạ đuổi chớ, ha ha, Sa-di quạ đuổi. Vừa nói vừa cười, chú Hân đi tuốt.
Chú Hiếu ngồi lại nơi sân, thấy nhột nhạt, quê quê. Chú lượm cục đá ném mạnh lên cây bồ đề, nhưng cục đá lại bay ra sau lưng chú, trúng vào vách chánh điện nghe “bụp” một tiếng. Chú giật mình, quên mất rằng từ nhỏ tới giờ chú chưa hề lấy đá chọi ai. Bây giờ phải tập. Vậy là nghề đuổi quạ cũng cần phải biết thêm chuyện chọi đá nữa.
Chiều hai thầy và chú Hân về, chú Hiếu len lén lủi đi chỗ khác, tránh mặt họ. Dù chú Hân hứa là không méc chuyện hồi trưa, chú Hiếu vẫn cứ sợ. Chú không biết chắc là chú Hân có giữ lời hay không. Thực ra tính ý chú Hân cũng bất thường lắm. Nội chuyện đái dầm của chú Hiếu không là đủ biết chú Hân chẳng quan tâm gì chuyện giữ lời hứa. Chú Hân hứa không nói thầy nghe, vậy rồi thầy nào cũng biết chú Hiếu đái dầm. Cả hai dì vãi cũng biết nữa. Cũng may là thầy trụ trì thương nói vớt cho chú rằng lúc thầy mười hai tuổi thầy vẫn còn đái dầm mỗi tuần hai ba lần.
Thấy chú Hân ra giếng, chú Hiếu chạy ra theo:
- Chú Hân, chú có méc hai thầy không vậy?
- Không. Không nói gì hết. Yên tâm chưa ông Sa-di quạ đuổi?
- Chú đừng kêu tui như vậy nữa mà. Kêu như vậy cũng giống như méc thầy rồi.
- Nhiều chuyện quá! Vào trong đi.
- Chú hứa đi, hứa đừng méc đừng nói quạ đuổi nữa đi!
Chú Hân bỗng nổi quạu lên:
- Phiền quá hà! Bắt tui hứa nữa! Sợ cái gì chớ! Chú Hân to tiếng lên, cố tình la thật to. Bị quạ đuổi thì nói là quạ đuổi chứ sợ gì chớ hở Sa-di quạ đuổi! Sa-di quạ đuổi...i!
Biết bịt miệng chú Hân không được, chú Hiếu ôm đầu ôm cổ vùng chạy về phòng mình, ngồi ôm gối khóc thút thít. Tức chú Hân quá sức. Khóc chưa hả cơn bỗng thấy thầy trụ trì bước vào phòng. Chú khóc òa ra. Chú biết thầy trụ trì xuống dỗ dành chú chứ không phải xuống để la rầy đâu. Quả vậy, thầy ngồi bên cạnh chú, vuốt cái chóp nhỏ xíu của chú, an ủi:
- Đừng khóc như vậy mất hết tinh thần chiến đấu bây giờ. Hồi nhỏ thầy cũng như con vậy thôi. Lúc đó chùa có nuôi con gà trống để nó gáy mỗi khuya mà thức dậy tụng kinh. Con gà đó to lắm, dữ dằn lắm. Chùa phơi bắp, thầy ngồi coi. Thấy con gà tới là thầy bỏ chạy để nó muốn ăn bao nhiêu bắp thì ăn. Thực ra, nó đâu có đói gì. Nó có phần bắp đem đến tận nơi cho nó ăn nhưng nó cứ thích ăn bắp phơi ngoài sân ngoài trời vậy. Nó muốn ăn đồ có vẻ thiên nhiên hay sao đó mà. Thì cho nó ăn bắp phơi cũng chẳng sao, nhưng nó ăn được thì gà quanh xóm cho tới chim, quạ, cũng xúm xít bu lại, rất là phiền! Cho nên phải đuổi luôn cả nó. Ăn uống phải có trật tự, nề nếp chớ. Mà đuổi nó thì thầy không dám. Chẳng biết sao thầy cứ sợ nó mà không sợ bất cứ con gà nào khác. Nó đuổi thầy chạy te thì có. Riết rồi mỗi lần muốn ra sân ăn lúa bắp là nó lo đuổi thầy trước rồi ăn sau. Vừa ăn vừa rủ rê gà vịt chim quạ hàng xóm, làm như nó là chủ nhà muốn đãi tiệc láng giềng vậy. Thầy trụ trì hồi đó, tức là sư ông của con, biết được chuyện mới vót cho thầy một cây roi tre mỏng. Bảo thầy xông đến quất cho nó một trận. Thầy đành liều mà làm theo. Chỉ quất xem xém thôi chứ không cố tình quất ngay nó. Vậy mà cũng trúng đuôi nó một chút, bay mấy cái lông. Nó kêu quang quác, bỏ chạy trối chết. Từ đó về sau, thấy mặt thầy là nó lủi thủi né đi chỗ khác. Vậy đó, đối với chim quạ, hay bất cứ loại nào, con cứ coi chúng như những phiền não quấy phá mình, thầy dạy con điều đó rồi, phải không? Mình phải quyết tâm thắng nó, phải biết rõ là nó vốn sợ mình, phải biết rõ là mình chắc chắn thắng nó, thì con mới không sợ nó. Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Chưa biết rõ kẻ thù thì còn có lúc thắng lúc thua, nhưng khi đã biết rồi thì trăm trận trăm thắng chớ. Cũng như khi con chưa biết con quạ thì con sợ, bây giờ biết nó rồi, đâu có sợ nữa, phải không? Con lại có vũ khí nữa, nào đá, nào dùi, nào thùng, nào tay chân to lớn. Nó nhỏ xíu chỉ có cái mỏ thì làm gì thắng được con. Phải không? A lê, nín khóc. Ngày mai ra trận đánh đuổi nó một lần, con sẽ làm chủ tình hình, không ai hơn con được nữa.
Nguyễn Phước. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 7]
Sa-di đuổi quạ - Phần 3
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode