Duyên khởi trong kinh Kim cang và kinh Nikaya

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Giáo nghĩa Đại thừa bao la rộng lớn như hải tạng, thế nhưng, như thế không có nghĩa là tách rời những lời dạy nguyên thủy của đức Phật.

Chúng ta thường quên mất rằng giáo lý của các bộ phái Phật giáo đều có quan hệ với nhau, cái này hình thành dựa trên nền tảng của cái kia. Do thế căn bản giáo lý không có khác nhau, có khác nhau chăng chỉ là nơi tu tập, hành trì giáo lý ấy mà thôi. Việc tương quan trong giáo lý căn bản của các bộ phái rất nhiều nhưng ở đây người viết xin giới hạn ở giáo lý Duyên khởi thông qua việc nhìn nhận danh từ Như Lai trong kinh Kim Cang, tiêu biểu cho giáo điển Đại thừa, và kinh Nikaya, tiêu biểu cho giáo điển Tiểu thừa, để thấy rõ hơn mối tương quan này.

Chúng ta biết rằng, đức Phật trước khi giác ngộ, Ngài đã quán sát sự sinh khởi của vô minh theo chiều duyên khởi và đoạn diệt một cách thuần thục và Ngài đã chứng ngộ. Đây cũng là giáo lý mà tất cả chư Phật ba đời tu tập. Do thế ta thấy được tầm quan trọng như thế nào của giáo lý này.

Xuyên suốt năm bộ kinh Nikaya, giáo lý Duyên khởi được đức Phật trình bày theo nhiều cách khác nhau phù hợp với từng căn cơ của các vị đệ tử. Nhưng tựu trung giáo lý ấy được tóm thâu trong bốn câu kệ sau:

“Cái này có thì cái kia có
 Cái này không thì cái kia không
 Cái này sinh thì cái kia sinh
 Cái này diệt thì cái kia diệt”

Tất cả các pháp đều trải qua bốn giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Không hay Sinh, Trụ, Dị, Diệt. Khi các duyên hợp lại thì tạo ra thế giới muôn hình vạn trạng; khi các duyên ly tán thì còn đâu hình dạng muôn vẻ của nó. Và như thế có ngu muội chăng khi chúng ta chấp lầm rằng tất cả các pháp đều là thật và bám víu vào nó?
Ngay cả thân tướng tốt đẹp của Như Lai cũng là thân giả huyễn. Đức Phật không tán thán những ai chiêm ngưỡng thân Ngài mà quên mất sự thật đó.


“Này Vakkali, có gì đáng thấy đối với thân hôi hám này. Này Vakkali, thấy Ta là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Ta”. (Tương Ưng Bộ kinh III)

Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Như Lai là do phước huệ trang nghiêm, hình thành nơi thân ngũ uẩn này. Nó đâu có tồn tại đẹp mãi như thế được. Nếu nhìn thấy tướng đẹp ấy mà trú vào, đắm nhiễm thì sẽ làm chướng đạo, không đúng với tinh thần đạo Phật.

“Ai thấy Duyên khởi thì thấy Pháp, ai thấy Pháp thì thấy Như Lai”

Chỉ khi nào nương nơi báo thân Như Lai thấy rõ duyên khởi thì lúc đó mới thấy được thân chân thật của Như Lai. Hay nói cách khác, thân chân thật mà Như Lai thường nhắc đó chính là pháp thân bàng bạc cùng khắp tam thiên đại thiên. Pháp thân ấy có mặt nơi làn gió nhẹ, nơi chậu bông lan, nơi những con chim sẻ ríu rít gọi nhau, nơi hòn đá trơ trọi giữa cánh đồng... có mặt trong tất cả các cảnh vật. Pháp thân vẫn hiển hiện như thế, nhưng nếu những ai không có tầm nhìn duyên khởi thì sẽ không thấy được thân Như Lai. Dù có thấy được ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Như Lai chăng nữa cũng chẳng thấy Như Lai.

Đây cũng là điểm cốt yếu mà kinh Kim Cang đề cập về Như Lai:

“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể ở nơi thân tướng mà thấy được Như Lai chăng?

“Thưa không, Thế Tôn! Không thể ở nơi thân tướng mà thấy được Như Lai.

Vì sao? Như Lai nói thân tướng đó tức chẳng phải là thân tướng.”

Phật bảo Tu Bồ Đề: “Phàm những gì có tướng, đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, thì thấy Như Lai”.

Nơi đây cũng nói lên rằng không nên nhìn Như Lai qua ba mươi hai tướng, bởi lẽ tướng tốt ấy cũng chỉ là do nơi ta đặt ra mà thôi. Ở địa phương này là tướng tốt nhưng sẽ không phải là tướng tốt khi ở địa phương khác. Do thế, tướng tốt ấy đâu là chân thật, ngoài việc do sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhóm họp mà thành, nó còn phụ thuộc vào cái nhìn sai biệt của thế nhân. Ngay cả việc cho rằng Như Lai có đến có đi cũng là không thật. Bởi vì “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh như lai”.

Đức Như Lai có đến có đi, có đi từ tinh xá vào thành khất thực, và có về chỗ ngồi, đó chỉ là hóa thân của Như Lai, còn Như Lai thật chính là Pháp thân.

“Khứ lai hóa thân Phật
Như Lai thường bất động
Thị pháp giới xứ
Phi nhất diệc phi dị”.
(Bồ-tát Di Lặc)
(Hóa thân Phật thì có đi có lại, còn Như Lai thì thường hằng bất động, trong pháp giới chẳng phải chỉ có một, cũng chẳng phải có nhiều).

Trong kinh Kim Cang khi đề cập một vấn đề gì, thì đức Phật lại phủ định vấn đề ấy, vì Ngài sợ đại chúng dính mắc vào các khái niệm, khởi lên vọng tưởng để suy xét.

Như Lai chỉ là một danh từ mà thôi. Khi đức Phật nói Như Lai thì đại chúng sẽ liên tưởng Như Lai có tướng như thế này, có dáng đi như thế này, có lời nói như thế này... Thực tế, những cái nhìn, cái nghe, cái suy nghĩ ấy đã bị vọng tưởng làm sai lạc, không còn nguyên vẹn nữa. Giống như khi ta nhìn cảnh vật, ta đeo kính màu nào thì ta sẽ thấy cảnh vật màu đó. Và đức Phật cũng khẳng định:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã     
Dĩ âm thanh cầu ngã       
Thị nhân hành tà đạo      
Bất năng kiến Như Lai”.

(Nếu lấy sắc mà thấy ta
Lấy âm thanh mà cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai).

Mục đích của đức Phật phủ định tất cả những gì Ngài nêu để giúp cho đại chúng không bị dính mắc vào đó, không bị luồng vọng tâm suy diễn. Ta biết đại chúng nghe pháp lúc ấy là những vị phát tâm thực hành đạo Bồ-tát. Nếu như các vị ấy chưa chứng ngộ được vô tướng của các pháp thì làm sao độ chúng sanh được giải thoát. Mà nếu không chứng ngộ vô tướng thì tất cả các việc làm đều dính mắc vào bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả và như thế Bồ Đề tâm của các vị đó đâu có vô lượng được. Nên trong suốt thời pháp đức Phật giúp cho đại chúng chứng được vô tướng. Vô tướng ấy có được từ việc quán sát duyên khởi mà ra. Do duyên khởi mà đoạn chấp thủ chứng Niết-bàn.

Do vậy, ta biết rằng giữa Nikaya và Kim Cang có mối quan hệ với nhau. Cả hai đều có giáo lý nền tảng giống nhau, tức là giáo lý duyên khởi đều đưa hành giả thoát ly khỏi tham ái và chấp thủ. Tuy nhiên, theo tên của bộ phái, bộ phái Đại thừa và Tiểu thừa, ta thấy bộ phái Tiểu thừa cũng tu theo pháp như vậy để đoạn trừ lòng tham ái và tự chứng tự ngộ và tự trú trong Niết-bàn an tịnh. Còn Kim Cang thì các vị hành giả ngoài việc chứng ngộ cho bản thân mình ra, các Ngài còn thấy rõ mối quan hệ giữa các Ngài và chúng sanh, Ngài thấy Ngài và chúng sanh không khác nên Ngài vào đời để độ thoát chúng sanh đưa chúng sanh về giác ngạn. Các Ngài độ chúng sanh và làm Phật sự trên tinh thần vô trụ, vì thế lợi lạc của các Ngài cho chúng sanh rất là lớn.

“Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.

Tóm lại, qua việc nhận định sơ khởi trên ta thấy giáo lý Tiểu thừa và giáo lý Đại thừa không phải là một cũng không phải là khác. Cả hai góp phần làm vườn hoa Phật giáo tươi đẹp thêm. Nếu thiếu Nikaya thì Kim Cang không tồn tại, nếu thiếu Kim Cang thì Nikaya khó phát triển sâu trong nhân loại. Do thế ta hãy luôn xem xét khôn ngoan cẩn thận đừng vội phê bình bất cứ giáo điển nào của đạo Phật để rồi sau này ân hận. Tất cả đều hỗ tương quan hệ với nhau.

An Linh.
[Tập san Pháp Luân - số 3]