Tiền thân Tam-di-đề

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Câu chuyện Tôn giả Tam-di-đề (Samidhi) hay Hoàn Mỹ này đã được Bậc Đạo Sư kể khi Ngài đang trú tại Ôn Tuyền Tinh Xá (Tapoda), gần thànhVương Xá (Rājagaha).

TIỀN THÂN TAM DI ĐỀ
(Samiddhi-Jātaka)

Khất thực Tỷ-kheo, thầy có hay v.v...

Câu chuyện này đã được Bậc Đạo Sư kể về Tôn giả Tam-di-đề (Samidhi), hay Hoàn Mỹ, trong khi Ngài đang trú tại Ôn Tuyền Tinh Xá (Tapoda), gần thànhVương Xá (Rājagaha),

Một lần, Tôn giả Hoàn Mỹ trọn đêm an trú trong thiền định. Vào lúc bình minh, thầy tắm rửa, sau đó quấn nội y, cầm thượng y trên tay, khi thầy đứng phơi khô, toàn thân thầy rực lên như vàng. Thầy giống như một bức tượng bằng vàng được tạc bởi một tay thợ thiện xảo, sự hoàn thiện của vẻ đẹp. Và đó là lý do tại sao thầy được gọi là Hoàn Mỹ.

Một Thiên nữ, nhìn thấy vẻ đẹp khác thường của Tôn giả, đã sanh lòng say đắm, và liền hỏi Thầy như thế này:

– Này Tỳ-kheo, thầy còn trẻ và đầy nhựa sống, chỉ là một thanh niên với mái tóc còn xanh, chao ôi! Thầy có tuổi xuân, thầy đáng yêu và khả ái trong mắt mọi người. Tại sao một người như thầy lại xuất gia mà không hưởng thụ khoái lạc cuộc đời? Trước tiên thầy hãy thọ hưởng lạc thú đã, rồi sau xuất gia và thực hành hạnh Sa-môn!

Thầy trả lời:       

– Này Thiên nữ, đến một lúc nào đó ta phải chết, và lúc nào chết ta không biết, thời gian đó đối với ta bị che kín. Do đó trong sự sung mãn của tuổi xuân, ta nguyện sống đời xuất gia, và mong muốn chấm dứt khổ đau.

Thiên nữ xét thấy không cám dỗ được Tôn giả, cô nàng lập tức biến mất. Tôn giả đến bạch chuyện đó với bậc Đạo sư. Thế rồi, bậc Đạo sư nói: Này Hoàn Mỹ, không phải chỉ bây giờ thầy bị một Thiên nữ cám dỗ. Vào thuở xưa, cũng như bây giờ, những thiên nữ đã cám dỗ những người xuất gia. Và theo lời thỉnh cầu của thầy, Bậc Đạo sư đã kể câu chuyện đời xưa.

***

Thuở xưa, khi Phạm Dư (Brahmadatta) là vị vua trị vì Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát sanh làm con trai trong một gia đình Bà-la-môn tại một ngôi làng ở nước Ca Thi (Kāsi). Đến tuổi trưởng thành, sau khi hoàn thiện tất cả việc học của mình, Bồ-tát đã xuất gia sống đời ẩn sĩ, và trú trong rặng Tuyết Sơn (Himalaya), cận bên một hồ nước tự nhiên, tu tập Thiền định và Thắng trí.

Bồ-tát suốt đêm an trú trong thiền định, và vào lúc bình minh, Ngài tắm rửa, mặc một chiếc y làm bằng vỏ cây, còn tấm y kia cầm tay, Ngài đứng lên, phơi thân cho khô. Vào lúc đó, một Thiên nữ nhận thấy vẻ đẹp hoàn thiện của Ngài, đã sanh lòng say đắm. Cám dỗ Ngài, cô nàng liền đọc bài kệ đầu tiên:

Khất thực Tỳ-kheo, thầy có hay
Những lạc thú gì giữa đời nay?
Đây chính là lúc, không lúc khác,
Trước hãy hưởng lạc, tu sau này!

Bồ-tát lắng nghe lời nói của Thiên nữ, và sau đó trả lời, Ngài bày tỏ chí nguyện của mình bằng cách đọc lên bài kệ thứ hai:

Giờ phút mạng chung tôi không hay
Thời gian giấu che không hiển bày,
Giờ là đúng lúc, không lúc khác:
Xuất gia khất thực, chính lúc này.

Khi thiên nữ nghe những lời này của Bồ-tát, cô nàng lập tức biến mất.

***

Sau pháp ngữ này, Bậc Đạo sư đã nhận diện tiền thân : Thiên nữ là người như vậy trong cả hai câu chuyện, và vị hành giả đó chính là Ta vậy.

Nhận xét:

Vô thường là định luật tất yếu chi phối tất cả vạn vật. Con người không ngoại lệ, cũng phải trải qua quy trình thành, trụ, hoại, không. Con người sinh ra và hiện hữu trên cõi đời này kéo dài được bao lâu để rồi đi đến giai đoạn hoại diệt thì không ai rõ biết được. Cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có thể vào tuổi sáu mươi, bảy mươi nhưng cũng có thể xảy ra khi tuổi còn rất xuân xanh. Đây là một sự thật. Nhưng nhìn nhận sự thật này không phải để gieo vào lòng ta sự bi quan sợ hãi, mà thấy rõ sự thật đó để chúng ta có một thái độ sống đúng đắn.

Trong câu chuyện này, Tôn giả Tam-di-đề là người đã nhận thấy được điều đó, nên thầy đã chọn cho mình một lối sống đúng đắn – xa rời đời sống thế tục với đầy dẫy những khoái lạc để sống đời xuất gia phạm hạnh. Tôn giả là người hiểu rõ lời dạy của đức Thế Tôn, nhận biết sự vô thường của cuộc sống. Trong sự khoẻ mạnh và tươi trẻ của tuổi xanh, thầy nhận thấy sự vô thường có mặt ở trong đó. Sự vô thường đó có thế mang thầy đi bất cứ lúc nào, nó không hẹn với bất cứ người nào, trong đó có cả thầy. Bởi vậy, thầy quyết chí tu tập, vượt qua tất cả những cám dỗ, lạc thú của cuộc đời để hoàn thành chí nguyện của mình là mong muốn chấm dứt khổ đau.

Con người luôn nghĩ rằng, tuổi trẻ là lứa tuổi đẹp đẽ và hạnh phúc nhất, là lứa tuổi đem lại cho con người nhiều lạc thú. Việc xuất gia học đạo vào khi tuổi còn xuân là một sự phí phạm cuộc đời. Hãy thọ hưởng lạc thú cuộc đời, còn việc học đạo là việc về sau, việc khi tuổi đã già. Nhưng cuộc đời này ai dám bảo đảm mình sẽ sống được đến già để học đạo, cái chết luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi thế, việc học đạo là việc cấp thiết, không thể chờ đợi lần lữa được. Như cổ đức dạy:

“Mạc thị lão lai phương học đạo,
Cô phần đa thị thiếu niên nhân.”
(Chớ đợi tuổi già mới học đạo,
Mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh).

Hiểu như vậy, biết như vậy, bản thân của mỗi người chúng ta, phàm là xuất gia hay tại gia, phải có cái nhìn đúng đắn và cảnh tỉnh trong từng giây từng phút, sống sao cho có ý nghĩa để đem lại lợi lạc cho chính mình, cho tha nhân. Hạnh phúc không tồn tại ở một nơi nào đó xa xôi, không hứa hẹn ở một cảnh giới nào đẹp đẽ mà hạnh phúc tồn tại bên trong chúng ta, ngay trong từng hành động cử chỉ của ta, chỉ khi nào chúng ta thấy rõ cội nguồn của đau khổ, thấy rõ vô thường hiện hữu trong từng sát-na sinh diệt thì ta mới làm chủ được bản thân mình, không còn nô lệ và sợ hãi trước sự thay đổi của vạn vật, và lúc đó ta sẽ an nhiên tự tại; vô thường đến ta nhẹ nhàng thanh thản, vô thường đi ta mỉm cười nhận diện, cũng giống như “Hoa đào năm trước còn cười gió Đông.”

Quang Sơn dịch và giới thiệu.
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.73]