Ôn Trí Thủ khai thị hậu sinh

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tôi còn nhớ vào một buổi chiều thật là duyên may kỳ thú. Từ xa trở về Sài Gòn, tôi đến ngay chùa Già Lam để vấn an Ôn Hòa thượng Viện chủ đồng thời chuyển một số lễ vật mà Phật tử gởi dâng cúng Ngài. Đây cũng là dịp tôi được diện kiến Ôn Hòa thượng, bậc Thầy cao minh, bậc tôn sư trưởng thượng đang lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.

Ôn tiếp tôi phía lầu nhà hậu; không hiểu kiếp xưa tôi có duyên phước gì mà hôm nay lại được Hòa thượng ân cần hỏi thăm nhiều vấn đề và đặc biệt Ngài đã từ bi ‘cập nhật’ đúng thời cuộc cho tôi bằng bài pháp ‘Tứ tất đàn’ tuyệt diệu. Ngài dạy thế nào là bốn pháp thành tựu viên mãn và cách ứng xử với hiện thực xã hội: Chánh kiến về thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn và đệ nhất nghĩa tất đàn[1]. Tôi lãnh hội đầy đủ bài pháp với lòng hân hoan vui sướng, thâm tâm cảm phục ơn Ngài, món quà cao quí mà Ôn đã rộng lòng bố thí cho lớp hậu sinh kém học, kém tu như bản thân tôi.

Đến đây bỗng có chú điệu thị giả bước vào chắp tay thưa: “Bạch Ôn, Ôn vừa gọi con!” Tôi giựt mình thầm nghĩ: “Chết thật, chú lãng tai quá, chắc đã nghe lầm. Ôn nào có gọi gì đâu, chú này mà gặp vị thầy khác chắc không sao tránh khỏi câu quát nạt khiển trách, có thể là: Bộ chú mày điếc sao, điệu hạnh gì mà ngố ngáo như vậy!” Tôi đang lo sợ giùm chú thì bỗng Hòa thượng cười lên bằng một giọng thương cảm: “Điệu hỉ! Vào rót thêm nước cho Thầy đi con!”

Chú điệu vẫn vô tư bước vào chắp tay xá lễ rồi nâng bình lên rót thêm nước cho khách. Chung trà ấm thêm, hương thơm phảng phất mùi sen cùng với đôi bàn tay khép lại như búp sen của chú thị giả cung kính xá mời. Tâm thức tôi bỗng sáng lên ‘Rót thêm nước cho Thầy đi con!’ Ôn Hòa thượng đã xuất thần chuyển ngữ một cách tế nhị hài hòa. Trong tình thế căng thẳng, Ôn đã dụng ngôn đột xuất một cách linh hoạt tuyệt vời cứu vãn được tình huống ngỡ ngàng lạc lỏng giữa chủ và khách. Nếu rầy la điệu thì phiền lòng khách Tăng và mất mặt đệ tử thị giả. Tuyệt vời làm sao! Ngài đã tự tại hạ câu chuyển ngữ vô cùng linh diệu bình yên cho cả đôi bên - vừa lòng khách lạ, đẹp lòng Điệu ta - tôi khâm phục đảnh lễ Ngài trong tâm để mãi mãi ghi nhớ một công án được khai phá kỳ diệu. Phải là một hành giả cao thâm công phu tới mức kiệt xuất mới chuyển ngữ xoay đổi tình thế từ địa ngục vô minh lên tịnh độ thanh bình an lạc như vậy.

‘Rót thêm nước cho Thầy đi con’ lời của Ôn như một vầng mây ấm áp sáng lên phá tan bầu trời si mê u ám để hương sen của lòng từ vô lượng tỏa ngát bay cao:

Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại thêm hương
Cũng vậy lời khéo nói
Có làm có kết quả.[2]

Tôi cúi đầu đảnh lễ hào quang trực giác của vị chân sư có thực học thực tu mới diệu dụng chuyển hóa được tình người tươi đẹp như vậy. Hòa thượng quả là bậc ‘Tất Đàn Thượng Sĩ’ xứng đáng để hàng hậu sinh muôn đời bái ngưỡng.

Thích Hạnh Thiền.

Chú thích:
[1] Tứ tất đàn là bốn phép thành tựu viên mãn Phật đạo. Trong cuộc đời thuyết pháp của đức Thế Tôn, Ngài luôn diệu dụng tứ tất đàn làm cho chúng sinh mau chứng ngộ.
· Thế giới tất đàn: Những điều Như Lai phương tiện tùy thuận chúng sinh mà nói (như người, vật, nhà, xe, núi, voi, mưa nắng v.v...)
· Vị nhân tất đàn: Như Lai tùy căn cơ trình độ của mỗi người mà dạy phép này phép khác khiến họ dễ tiếp thu, mau tiến hóa.
· Đối trị tất đàn: Như Lai tùy thuận chỗ mê lầm của chúng sinh mà nói những pháp đối trị như lương y tùy bệnh cho thuốc.
· Đệ nhất nghĩa tất đàn: Khi thấy cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục Ngài không dùng phép tương đối như trên nữa mà khai thị trung đạo thuyết cái thật tướng của các pháp khiến họ sớm đạt chân lý.
[2] Kinh Pháp Cú số 52.

[Tập san Pháp Luân - số 6]