Ở Jambunada, có một người sắp kết hôn khởi tâm nghĩ rằng: “Mong sao đức Phật hiện ra ngay trong lễ cưới”. Lúc ấy, đức Phật nghe được lời thầm khấn của chú rể, liền đến và Ngài nhận lời thỉnh nguyện.
Khi đức Thế Tôn xuất hiện cùng các vị Tỳ-kheo tùy tùng, Tín chủ ra tiếp đón nồng nhiệt với tấm lòng kính ngưỡng và niềm tin đối Phật pháp vô biên. Tuy nhiên, Tín chủ đã khởi tâm lo ngại vì các món ăn đơn giản, nội thất thiếu thốn trong căn phòng nhỏ hẹp trong lúc dâng lời bạch Phật: “Ngưỡng bạch đức Thế Tôn và tất cả Đệ tử của Ngài, hãy thọ dụng tùy sở thích”.
Kỳ lạ thay trong lúc thọ trai, các món ăn cũng như thức uống cứ còn nguyên vẹn không suy giảm chút nào, ông thầm nghĩ:“Điều này thật kỳ lạ ! Ước gì, ta có nhiều món ăn quý hiếm để cúng dường đức Thế Tôn và chư vị Tỳ-kheo. Sau đó mời tất cả họ hàng và bè bạn đến chung vui. Ước gì ta mời tất cả họ”.
Ý nghĩ vừa hiện khởi trong tâm trí của Tín chủ thì ngay lúc đó, tất cả họ hàng và bè bạn đang bước vào nhà. Và mặc dù phòng khách căn nhà nhỏ hẹp nhưng lại đủ chỗ cho tất cả mọi người. Họ ngồi vào bàn ăn và cùng nhau thưởng thức các món ăn trong niềm vui chân thật. Đức Phật rất hài lòng khi thấy nhiều vị khách đang tràn ngập niềm vui như thế, và sự hiện diện của đức Thế Tôn khiến họ càng hân hoan vui mừng hơn nữa.
Bằng lời lẽ chân thật, trang nghiêm từ ái, Ngài đã nêu lên niềm vui thật sự của người Phật tử đối với niềm tin Phật pháp: “Hạnh phúc quý báu nhất của người Phật Tử là có thể thành tâm khấn nguyện trong niềm tin Chánh pháp; chẳng khác nào trong hôn nhân, khi hai trái tim đã hòa nhập với nhau. Nhưng vẫn còn một niềm hạnh phúc lớn lao hơn, đó chính là sự thật, cái chết sẽ chia rẽ lẫn nhau, chỉ có sự thật luôn hiện hữu trong tâm thức của người con Phật và không bao giờ ảnh hưởng đến người nào”. Vì thế, hãy kết hôn trên “sự thật” và sống cùng “sự thật”.
Như vậy, đối với người Phật tử thuần thành sẽ thương yêu, chăm sóc gia đình trở nên đầm ấm và hạnh phúc mãi mãi. Niềm mơ ước của chú rể đã trở thành hiện thực, đó là sự hợp nhất bền vững, hãy trung thành và tin yêu lẫn nhau như chính sự thật. Trong tương lai, “Con cái sẽ trở thành như họ và sẽ xác nhận cho hạnh phúc của họ”. Thế nên đức Thế Tôn dạy: “Hãy biến khổ đau thành hạnh phúc thật sự, hãy để mọi người được kết hôn với tình yêu thiêng liêng và đạt được chân lý”. Khi kẻ hủy diệt đến để chia rẽ sự kết hợp cuộc sống nhìn thấy bằng mắt thịt của loài người, bạn sẽ mãi mãi còn lại tình yêu thương gia đình, cùng chia sẻ cuộc sống bất diệt; vì chân lý “sự thật” luôn bất tử.
Lời thuyết pháp của đức Thế Tôn vang vọng tam thiên đại thiên thế giới, chấn động khắp cõi hư không. Lúc bấy giờ, chủ nhà cũng như những vị khách đến tham dự thảy đều tín thọ phụng hành. Họ nhận ra vị ngọt của một cuộc sống công bằng, niềm tin vững chắc được nâng đỡ trong tinh thần vị tha, vô ngã và nhất là nương nhờ vào ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.
Mầu nhiệm thay! Ngôi nhà nhỏ bé ấy trở nên sáng chói dưới ánh từ quang của đức Phật.
Niềm tin Chánh pháp luôn gắn liền với những ai khao khát tình yêu thương nhân loại của một trái tim bất diệt.
Minh Nguyệt.
(Theo buddhist Srory, Voice of Buddhism)
[Tập san Pháp Luân - số 4]