Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường gặp nhiều câu nói liên quan tới đạo Phật: đạo Phật là đạo “Từ bi”, là đạo của “Tình thương”.
Thế nhưng, để hiểu những danh từ ấy một cách đúng đắn, điều đó không phải là chuyện dễ dàng. Trong bài này, người viết xin trình bày vài suy nghĩ của mình về hai vấn đề ấy.
Từ bi theo quan niệm thế gian:
Từ bi là lòng thương xót, nghĩa là tình thương của một người đối với một người hay đối với nhiều người, khi người đó gặp hoàn cảnh bất như ý, hay họ gặp phải nỗi bất hạnh đau thương mà họ phải gánh chịu.
Từ bi theo quan niệm xuất thế (hay từ bi theo quan niệm đạo Phật) :
Là lòng thương yêu chúng sanh, mang lại cho họ niềm an lạc hạnh phúc gọi là “Từ”. Đồng cảm nỗi khổ, thương xót chúng sanh, trừ bỏ nỗi khổ cho họ gọi là “Bi”. Đây là hai yếu tố trong bốn vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) (Từ Điển Phật Học Hán Việt-xb 1994). Yếu tố thứ hai quan trọng luôn luôn song hành cùng với từ bi đó là trí tuệ.
Trí tuệ có hai lãnh vực:
Trí tuệ của thế gian: là danh từ khác của tri thức, hầu chỉ cho những người học cao hiểu rộng, có óc sáng tạo, có thể phát minh ra những dụng cụ tối tân hiện đại phục vụ cho nhu cầu sống ngày một tiến triển của con người.
Trí tuệ xuất thế: còn gọi là trí tuệ của nhà Phật. Thuật ngữ Jñāna (Nhã-na) dịch là trí; Prajñā (Bát-nhã), dịch là tuệ. Trí tuệ nầy là một chi trong tam vô lậu học, trí tuệ do sự công phu tu tập mà đạt được, trí nầy là sự hiểu biết đúng đắn Chánh pháp, tôn trọng và bảo vệ Chánh pháp (Phật học từ điển- xb 1994). Hai yếu tố Bi-Trí đóng vai trò quyết định đời sống tâm linh con người.
Bi-Trí, hai yếu tố lành mạnh của đạo Phật.
Từ bi là lòng thương vô điều kiện.
Trí tuệ là trí biết không nhiễm ô.
Từ bi là một đức hạnh giúp con người trở nên thánh thiện. Trí tuệ là năng lực kiến thiết cho con người toàn mỹ. Có nền tảng từ bi thì trí tuệ mới xây dựng được những gì lành mạnh tốt đẹp. Có lòng thương chân thật mới tương thân tương ái, mới có lòng thương xót rộng lớn trước những khổ đau của chúng sanh. Nhờ lòng từ bi vô lượng, thái tử Siddhārtha mới rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ đi tìm chân lý. Xuất phát từ lòng bi mẫn sâu xa đối với cuộc đời, cái tâm bi ấy là động lực vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ, đã thôi thúc nâng gót Siddhārtha làm nên cuộc cách mạng tâm linh, tìm phương pháp giúp nhân loại thoát khỏi khổ đau. Tình thương trong đạo Phật là chất liệu chính tạo sức mạnh cho hàng đệ tử thực hiện hoài vọng “tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự”. Người có lòng thương vô điều kiện mới cảm thông được tình cảnh của người khác. Người có trí tuệ thanh tịnh mới có ý nghĩ sáng suốt để băng bó vết thương lòng, để an ủi những tâm hồn yếu đuối, để hướng những người lầm lạc bước ra khỏi bến mê.
Bi-Trí, hai yếu tố không thể tách lời.
Bi của đạo Phật là tình thương nhưng mà tình thương sáng suốt, gắn liền với trí. Một tình thương phân biệt rõ ràng thiện ác, chánh tà chứ không mù quáng gây thêm tai hại cho nhau. Ngài Narada nói rằng: “Nếu người ta phát triển mặt tình cảm mà bỏ rơi mặt lý trí, người ta có thể trở thành kẻ ngu si có lòng tốt…”. Còn trí của nhà Phật không phải chỉ là trí thức, mà trí tuệ đó còn bao gồm cả ý nghĩa đạo đức. Đại đức Narada lại nhận xét: “Nếu chỉ phát triển mặt tri thức, thì người ta có thể trở thành người trí thức với lòng sắt đá không có cảm xúc đối với những người khác” - (Đức Phật và Phật pháp). Loại trí nầy chỉ đưa trình độ khoa học phát triển cao, đáng lẽ đưa ra phục vụ chúng sanh thì ngược lại, sử dụng khoa học kỹ thuật trong mục đích tiêu diệt loài người. Do đó, tình thương và sự hiểu biết trong đạo Phật phổ cập, thanh tịnh, sáng suốt, thẩm thấu tận tường, sự lý viên dung.
Với kinh nghiệm bản thân, đức Phật dạy: “Người tu hạnh Bồ-tát phải lấy từ bi làm gốc. Cây Bồ-đề có lớn mạnh là nhờ bám sâu gốc rễ vào lòng đất. Người tu hành lấy Từ bi và Trí tuệ làm mục tiêu, làm chuẩn mực tu hành ắt rằng tâm Bồ-đề sẽ lớn mạnh trong tâm địa của mình”.
Người học Phật nên thấu triệt Bi-Trí.
Chúng ta là những người đại diện cho đoàn thể Phật giáo, từ bỏ gia đình sống không gia đình, là những người tiêu biểu làm chỗ dựa tinh thần cho chúng sanh, nên chúng ta phải nhìn nhận sự vật vượt hẳn phàm tình, không bị hạn cuộc, không kẹt trong tri kiến chủ quan. Tại sao có người rất giỏi, có tri thức cao, có học vị rộng nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn khổ đau. Vì tri thức của họ chỉ nhằm phục vụ cho cuộc sống cá nhân, chỉ thấy lợi ích hiện tại mà không lo nghĩ đến hậu quả của tương lai. Ta có thể nói rằng trí thế gian là con dao hai lưỡi, đó là thứ trí được hình thành trong điên đảo, vọng động nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của tâm tưởng. Phải chăng sự văn minh ngày một bành trướng của nhân loại luôn vận hành cùng sự sa đọa của lương tri? Nó là hai mặt của một vấn đề, nếu con người không biết dụng lòng từ trong trí tuệ thì nó sẽ gieo rắc cho con người nhiều khổ đau trong cuộc sống.
Là những người con tinh thần của Phật, chúng ta phải vận dụng tình cảm và lý trí sao cho hợp lý, phải đạo; thương cho rốt ráo vô tư, công bằng thì mới quang minh vô ngại. Biết để mà thương thì biết cho thấu triệt, cho cùng khắp, cho viên dung, không ích kỷ, không thiên vị, không hư ngụy, không gây bi lụy cho nhau.
Giá trị thiết thực của Bi -Trí.
Những bậc làm cha mẹ lúc nào cũng hết lòng vì con, thương yêu con, luôn vì con, nuông chiều theo bản năng của con mà không uốn nắn, để con cái tự do theo ý muốn, rốt cuộc hậu quả gánh chịu khôn lường. Tình thương và lý trí của cha mẹ chính là nấc thang tạo dựng tương lai, là hành trang cho con bước vào cuộc sống. Thế nên, cha mẹ phải thương yêu răn dạy và giáo dục con bằng kinh nghiệm sống của đời mình, đừng để con mắc phải sai lầm. Bố mẹ luôn là tấm gương sáng để con em mình soi rọi, từ cách ăn nói, cư xử và hành động trong phạm vi nhỏ hẹp của gia đình cho đến rộng ra toàn xã hội. Ca dao tục ngữ từng ghi: “Thương cho roi cho vọt”, nghĩa là thương phải có sự giáo dục, không mù quáng. Đức Phật cũng thế, Ngài thương môn đệ vô cùng nhưng Ngài luôn nhắc nhở các vị Tỳ-kheo hãy quán xét mọi sự vật bằng sự hiểu biết sáng suốt, và tuệ tri tận cùng bản chất của sự vật thì ta không bị sầu, bi, khổ, ưu, não ràng buộc, bức bách. Tình thương và trí tuệ là chất liệu đặc thù không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi con người, là hai yếu tố luôn cùng vận hành trong cùng một bước chân của từng thành viên trong giáo đoàn Phật giáo kiến tạo cõi “Cực lạc” tại nhân gian. Ngoài ra, hai yếu tố ấy còn là tiêu chuẩn của mỗi công dân để trang bị cho mình vẻ đẹp hoàn hảo từ bản chất bên trong đến hình tướng bên ngoài.
Có lẽ chính nhờ tình thương và trí tuệ siêu việt, thẩm thấu toàn bộ nguồn cội những sự vận hành của kiếp sống nhân sinh vượt thời gian vô tận, không gian vô cùng này mà đức Phật đã hàng phục được rất nhiều đạo giáo đương thời đã tác oai tác quái tại Ấn Độ. Có Bi mà không có Trí như người có chân mà không có mắt, có Trí mà không có Bi như người có mắt mà không có chân. Vậy đã có chân đi, có mắt dẫn đường, cả hai đầy đủ trọn vẹn ắt hẳn chúng ta sẽ về đến “Bảo sở” mà không bị kẹt lại ở “Hóa thành”. Cuộc đời của mỗi chúng ta có tươi đẹp hay không là tùy vào khả năng nhận thức dựa trên nền tảng của Bi-Trí, nên biết mình biết người, biết hoàn cảnh xung quanh, quán xét trên tinh thần công bằng vô tư thì không điều gì làm ta nhụt chí hay nản lòng, vì bản chất của sự vật là không nhiễm ô nhưng do tâm tưởng, tâm tạo tác của con người mà nhìn nhận sự vật trở nên nhuốm màu, thành ra muôn hình vạn trạng, có tướng thiện ác, có tướng sai biệt, có nhân ngã bỉ thử, có Phật có chúng sanh, có tướng yêu ghét khen chê v.v… Thật ra bản chất của muôn sự muôn vật đến cả vũ trụ vẫn là thể “Như Như” bất động, thường hằng từ vô thỉ vô chung vậy.
Lam Yên.
[Tập san Pháp Luân - số 4]