Phật giáo Việt Nam sinh hoạt thời mới vào

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

đạo Phật đến Việt Nam theo 3 ngã đường: thủy, bộ và thủy-bộ. Trong khi đó, Giao Chỉ (old Vietnam) vốn là nơi gặp gỡ giữa hai dòng Phật giáo Nam-Bắc truyền, vì thế, ngay từ rất sớm, đạo Phật đã được “gieo hạt” trên vùng đất nầy.(TP)

(Tiếp theo TSPL.5)

3. Thời điểm đạo Phật đến Việt Nam

Đạo Phật đến Việt Nam vào lúc nào? Có 6 sử kiện cung cấp những thông tin làm sáng tỏ sự có mặt của Phật giáo A-dục (Asoka) (273-232 BC) ở Viễn Đông (Far East), để qua đó đi đến kết luận rằng Phật giáo A-dục cũng đã có mặt trên đất Giao Chỉ.

3.1. Phật giáo A-dục về Viễn Đông

Dưới thời Hoàng đế A-dục, có khoảng 9 đoàn truyền giáo với tên gọi là sứ giả Tổng Giám Chánh Pháp, gồm 256 Tuyên giáo sư do Hoàng đế A-dục đặc phái ra nước ngoài để truyền giáo, đã đến phương Tây, phương Đông và Đông Nam Á. Trong số đó, có 2 vị cao tăng là Sona và Uttara được phái đi đến Xứ Vàng (Suvannabhumi-Land of Gold). Theo nhiều tư liệu đáng tin cậy thì Xứ Vàng là vùng đất chạy dài từ bán đảo Miến Điện đến tận Đông Dương, có một phần của Mã Lai, và vị trí Việt Nam cũng nằm trong vùng đất này.

Để làm sáng tỏ thêm cho vấn đề nầy, chúng ta cần tìm lại dấu tích Phật giáo A-dục ở Đồ Sơn (Hải Phòng, Bắc Việt Nam).

3.2. Dấu tích Phật giáo A-dục ở Đồ Sơn

Đồ Sơn ngày nay nằm cách thành phố Hải Phòng 12 Km về hướng Đông Nam. Việc xác định dấu tích Phật giáo A-dục ở Đồ Sơn vẫn còn là đề tài đang được bàn cãi chưa đến hồi kết thúc. Có nhiều học giả tham gia nghiên cứu đề tài nầy, nhìn chung có thể xếp thành 3 nhóm:

Nhóm phương Tây có Ma-xít-pê-rô và Ma-đờ-rôn; nhóm Trung Quốc có Lưu Hân Kỳ, Lệ Đào Nguyên; nhóm Việt Nam có HT. Thích Đức Nghiệp, GS. Minh Chi; GS. Lê Mạnh Thát, v.v…

Về dấu tích Phật giáo A-dục ở Đồ Sơn, theo Giao Châu Ký của Lưu Hân Kỳ cũng như Thủy Kinh Chú của Lệ Đào Nguyên thì: “Thành Nê Lê ở phía Đông Nam huyện Định An, cách sông bảy dặm, tháp và giảng đường do vua A-dục dựng vẫn còn. Những người đốn hái củi gọi là kim tượng”. (Nê Lê thành tại Định An huyện, Đông Nam cách thủy thất lý, A-dục vương sở tạo tháp giảng đường thượng tại hữu, thái tân giả vân thị kim tượng). Tuy nhiên, thông tin nầy còn đang bàn cải chưa kết thúc.

Theo HT. Thích Đức Nghiệp, Hoàng Miễu Trai trong “8 bài thơ vịnh về Đồ Sơn” (Đồ Sơn bát vịnh) có nói đến tượng Phật cổ ở Đồ Sơn, thông tin nầy có liên hệ đến Phật giáo A-dục. GS. Lê Mạnh Thát thì cho rằng cụm từ “nê lê” trong Hán văn thường dùng như một phiên âm chữ naraka của tiếng Phạn, có nghĩa là địa ngục, và “nê lê” có liên hệ gần gũi đến chùa Địa Ngục (thuộc cửa Nam giới vùng núi Tam Đảo) trong vùng Đồ Sơn.

Để làm sáng tỏ dấu tích Phật giáo A-dục ở Đồ Sơn thì cần phải nghiên cứu tận nơi này. Có điều là không phải đơn thuần chỉ có dấu tích Phật giáo A-dục ở Giao Châu mà Phật giáo Trung Quốc cũng một thời nổi lên phong trào tìm chùa A-dục vào thế kỷ thứ 4 và 5. Phong trào nầy có sự tham gia của Thạch Lặc, Thạch Hổ và Đào Khản. Quan trọng hơn cả là thông tin về dấu tích Phật giáo A-dục do ngài Khương Tăng Hội cung cấp.

3.3. Khương Tăng Hội thông tin về Phật giáo A-dục

“Xưa vua A-dục dựng tháp đến tám vạn bốn ngàn ngôi. Phàm việc dựng xây chùa tháp là nhằm để làm rõ phong hóa còn sót lại ấy.” (Truyện Tăng Hội trong Cao Tăng Truyện của Huệ Hạo). Từ lược truyện Khương Tăng Hội (200-280) cho biết mối liên hệ về Phật giáo A-dục như trên. Vấn đề nầy có 2 cách lý giải: Một là trong thời của Ngài và trước đó đã có những bản kinh đề cập đến sự nghiệp Phật giáo của Hoàng đế A-dục. Hai là các nhà truyền giáo Phật giáo A-dục đã đặt chân đến vùng đất Văn Lang và đã để lại phong hóa rực rỡ trong truyền giáo.

Từ thời ngài Khương Tăng Hội trở về trước, nguồn Phật giáo Trung Quốc hay Phật giáo Giao Châu không thấy có một bản kinh nào đề cập đến vua A-dục cả. Như vậy, thông tin Phật giáo A-dục do Khương Tăng Hội cung cấp chỉ có thể giải thích là Phật giáo A-dục đã đặt chân truyền giáo đến Giao Chỉ.  

Nói đến Phật giáo A-dục truyền giáo về Viễn Đông, ngoài ngài Tăng Hội còn có ngài An Thiền (thế kỷ 19). Khi biên soạn “Đạo Giáo Nguyên Lưu” (ĐGNL), Ngài cũng dành riêng một chương để nói về Phật giáo Hùng Vương mà nội dung chương “Hùng Vương Phạm Tăng” liên hệ gần gũi với Phật giáo A-dục ở Giao Chỉ.

Như vậy, thông tin về Phật giáo A-dục được ngài Khương Tăng Hội cho biết là thông tin có giá trị lớn lao, có độ tin cậy cao, bởi người cung cấp thông tin nầy lại là một lãnh tụ Phật giáo Giao Châu.

3.4. Phật giáo Hùng Vương - Sư Phật Quang với Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Thông tin Phật giáo Hùng Vương với truyện sư Phật Quang, Chử Đồng Tử và Tiên Dung, nội dung truyện có nguồn gốc từ “Lĩnh Nam chích quái”  (LNCQ) của Trần Thế Pháp đời Trần. Sách được Kiều Phú giới thiệu lại vào năm 1490 và được Vũ Quỳnh san định lại vào năm 1493. LNCQ có truyện “Đầm một đêm” (nhất dạ trạch) đã cho ta thông tin vào đời vua Hùng thứ 3, có nhà sư Phật Quang nước ngoài đã có những đóng góp cho sự truyền giáo trên đất Giao Chỉ. Một trong những dấu ấn còn lại từ sư Phật Quang đó là đào tạo nên đệ tử Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

Trong ĐGNL, ngài An Thiền cũng có một chương nói về Phật giáo Hùng Vương. Từ LNCQ đến ĐGNL (thế kỷ 19), dù đã trải qua cả hơn ngàn năm nhưng thông tin Phật giáo vua Hùng nầy vẫn còn được nói đến. Điều nầy chứng tỏ nhiều thế hệ người học sau đều có chung một khát vọng là muốn tìm về sự thật lịch sử chung quanh sư Phật Quang, Chử đồng Tử và Tiên Dung. Bởi Phật giáo vua Hùng chẳng những là một nền Phật giáo sớm nhất của Phật giáo Viễn Đông mà còn là sớm nhất của Phật giáo Việt Nam nữa.

Mặt khác, LNCQ không phải là cuốn sách có nội dung hoàn toàn chuyển tải những thông tin quái đản mang tính thần kỳ (truyện quái đản của vùng Lĩnh Nam) mà trái lại nó còn cung cấp những thông tin có thật về mặt lịch sử nữa. Như về tên đất, núi Quỳnh Vi (Quỳnh Viên) trong truyện Chử đồng Tử. Tên này đã được GS. Lê Mạnh Thát xác định là núi Quỳnh Vi thuộc cửa biển Nam giới, cửa biển này còn được gọi nôm na là cửa Sót. Như truyện họ Hồng Bàng, nội dung nó nói về truyền thuyết Trăm trứng. Truyền thuyết này có nguồn gốc từ bản kinh “Bách tử đồng sản duyên”, nó cũng có nguồn gốc trong Lục độ tập kinh 3 ĐTK152 tờ l4a26-cl8 truyện 23 do Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán vào khoảng những năm 220-250; rồi truyện Tây Qua của LNCQ là một dị bản của truyện 7 trong Cựu tạp thí dụ kinh, ĐTK206 tờ 512al6-b7, cũng do ngài Khương Tăng Hội phiên dịch, v.v… (theo GS. Lê Mạnh Thát, sđd).

Một khi tên đất đã được xác định thì việc nêu tên người: Sư Phật Quang, người nước ngoài có những đóng góp truyền giáo cho Phật giáo Giao Chỉ là một sự kiện lịch sử có giá trị, để từ đó nó góp phần làm rõ nét về việc Phật giáo A-dục có mặt trên đất Giao Chỉ.

3.5. Dấu vết văn học Phật giáo trên vùng đất “Xứ Vàng”

Trên vùng đất “Xứ Vàng”, nơi mà 2 nhà truyền giáo Phật giáo A-dục là Sona và Uttara đặt chân truyền giáo, ngày nay người ta tìm được nhiều chứng tích cho sự thật lịch sử nầy. Một trong những sử liệu điển hình cho sự có mặt Phật giáo trên vùng đất nầy đó là:

1. Minh văn “Duyên Khởi Pháp kệ” chung quanh tháp Phật Thống ở Thái Lan.

2. Minh văn “Duyên Khởi Pháp kệ” trên lá vàng mỏng ở vùng Tỳ Mậu (Prone) thuộc Miến Điện.

3. Minh văn “Pháp Thân kệ” bản vàng ở Mạo Tra (Hmawza) thuộc Miến Điện.

4. Minh văn về “Pháp Thân kệ” trên lá vàng ở Gò Xoài (tỉnh Long An).

5. Minh văn “Pháp Thân kệ” bằng Sanskrit trên Phù Điêu ở Gia Lai.

Như vậy, “Duyên Khởi Pháp kệ” được tìm thấy: Ở Thái Lan có 1; Miến Điện có 2; Việt Nam có 2. Còn trên vùng đất Champa (miền Trung Việt Nam ngày nay) người ta tìm thấy ít nhất 2 nơi có dấu vết văn học Phật giáo bằng cả 2 thứ chữ Pàli và Sanskrit. Một ở Gia Lai, và một ở Gò Xoài (Long An). Năm tháng xưa nhất của cả hai thứ chữ nầy là vào thế kỷ thứ 5-7 TL. Bài kệ như thế này:

Chư pháp tùng duyên khởi
Như lai thuyết thử nhân
Bỉ pháp nhân duyên tận
Thị đại sa môn thuyết.
Các pháp do duyên khởi           
Như lai giảng nhân nầy            
Pháp ấy theo duyên diệt           
Đại sa môn là đây.

Từ minh văn “Duyên Khởi Pháp kệ” hay “Pháp Thân kệ” ở Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam đã cho thấy rõ dấu tích Phật giáo Asoka trên vùng đất “Xứ Vàng”. Qua đó chứng tỏ rằng: 2 nhà truyền giáo Asoka là Sona và Uttara đã để lại dấu tích về văn học Phật giáo Sanskrit ở Thailand, Myanma, thì dấu tích Phật giáo Asoka ở Đồ Sơn, Việt Nam cũng là nguồn thông tin có thể kiểm chứng được.

3.6. Về những bia đá chữ Phạn của Phù Nam (Fou Nan)

Trên vùng đất Chiêm-Lạp (Champa), người ta đã tìm thấy những tấm bia đá chữ phạn Sanskrit: Bia Võ Cạnh, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa); bia trên mặt tường trụ đá ở Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp); bia Bati, tỉnh Takeo Campuchia và bia Grailamor ở Ninh Phước, Ninh Thuận v.v…

Bia Võ Cạnh, Nha Trang. Nội dung bia cho thông tin có câu:

“Lòng trắc ẩn đối với muôn loài… trận chiến thắng thứ nhứt… ngày trăng tròn, người tuyên bố trong buổi họp theo vị quốc vương ưu tú của tất cả quốc vương rằng… khi con trẩm và em trẩm cùng người nào khác được thỏa mãn ý muốn chiếm tài sản làm ý riêng… những gì tạo thành kho tàng của trẩm, bạc vàng, những vật hay dời đổi và bất động, tất cả món ấy, trẩm cúng hiến cho họ với niềm vui sướng và sự lợi ích (cho muôn loài).”

Bia Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp). Nội dung bia cho thông tin mà thông tin đó có những liên hệ đến Phật giáo A-dục.

 Bia Bati (tỉnh Takeo Campuchia). Nội dung bia cho thông tin có câu:

“Chức thanh tra tài sản”; “và có nhiều hạng Tổng giám của Chánh pháp, tùy theo thành phần này hay thành phần khác mà có hạng tổng giám này hay tổng giám khác phù hợp”.

Nhóm từ “Chức thanh tra tài sản”; nhóm từ “Tổng giám của Chánh pháp” mà bia đá Bati, tỉnh Takeo Campuchia ghi lại, thông tin chức vụ nầy cũng được thấy ở pháp lệnh 7 khắc trên trụ đá Hồng ở Benares của vua A-dục. Như vậy, đây là bằng chứng sứ giả Tổng giám Chánh pháp của Asoka đã đặt chân đến tỉnh Takeo Campuchia.

Từ thông tin bia đá chữ Phạn Sanskrit trên vùng đất Phù Nam (Founan), các học giả có nhận định rằng:

Theo Lê Hương, (Sđd) thì bia Võ Cạnh, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), “Tinh thần của Phật giáo A-dục thể hiện trong bản văn này”.

Chức “Thanh tra tài sản” ở bia đá Bati với chức “Tổng giám của Chánh pháp” ở pháp lệnh vua A-dục (pháp lệnh 7) khắc trên trụ đá Hồng ở Benares là có liên hệ cùng một nguồn (Phật giáo A-dục) với nhau.

4. Nhìn chung về vấn đề ngã đường, thời điểm đạo Phật đến Việt Nam

Ngã đường, thời điểm Phật giáo vào Việt Nam có thể đề ra mấy nhận định như sau:

Có 3 ngã đường và 3 đợt để đạo Phật vào Việt Nam.

4.1.  Ba ngã đường đạo Phật vào Việt Nam:

Ngã Nam truyền: theo đường thủy, đường biển. Các nước Phật giáo nằm trên con đường phương Nam này được gọi là Phật giáo Nam truyền hay Phật giáo Nam tông.

Ngã Bắc truyền: theo đường bộ. Các nước Phật giáo nằm trên con đường phương Bắc này được gọi là Phật giáo Bắc truyền hay Phật giáo Bắc tông.

Ngã Đông truyền: đây là con đường cả thủy-bộ. Các nước Phật giáo nằm trên con đường này được gọi là Phật giáo Đông truyền.

Ba ngã đường thủy, bộ và thủy-bộ là cửa ngõ để Phật giáo đến Việt Nam, trong đó con đường thủy (Phật giáo Nam truyền) đóng vai trò chủ lưu.

4.2. Ba đợt đạo Phật vào Việt Nam

Theo thông lệ chung, Phật giáo đến các địa phương đều theo lịch trình diễn tiến có nhiều đợt; cũng thế, Phật giáo vào Việt Nam có thể hình dung làm 3 đợt.

Đợt 1: Truyền rộng niềm tin Phật.

Đây là giai đoạn Phật giáo quyền năng. Chính do phong hóa, nhà truyền giáo đã tạo nên niềm tin Phật-Pháp-Tăng nơi lòng người. Hình ảnh Tăng sĩ du phương giáo hóa chợt đến, mau đi, không để lại dấu vết. Tất cả đã để lại dấu ấn tâm thức tin Phật sâu bền trong lòng người. Hình ảnh ngài Phật Quang với Chử Đồng Tử và Tiên Dung; ngài Khâu-đà-la (Ksudra) với nàng Mán và Tu Định là những điển hình.

Đợt 2: Hoằng hóa, dịch thuật, biên soạn.

Trong giai đoạn này, Phật giáo “tùy duyên tiếp độ” chú trọng dịch thuật kinh sách, phát huy lớn mạnh niềm tin Phật rộng khắp cho mọi người nơi “vùng đất mới” này. Tăng sĩ du phương trong hình ảnh chiếc y vàng khất thực có thể sống được qua niềm tin Phật nơi người bản xứ. Đây là thời điểm mà đạo Phật mặc nhiên công nhận, có đủ pháp lý truyền giáo, được hầu khắp các tầng lớp xã hội biết đến và ủng hộ. Điển hình như tính chất Phật giáo trước và sau đời nhà Trưng (40-43).

Đợt 3: Phát triển Tăng-Viện “Độ Tăng”.

Trong giai đoạn này, đạo Phật đã “bén rể sâu bền trong lòng người dân bản xứ” và nhu cầu tín ngưỡng được mở rộng, qua đó cần xây dựng phát huy cơ sở cũng như nhu cầu chọn người bản xứ làm Tăng, định hình giáo đoàn, thống kê Tăng-Viện. Cũng từ đây, trung tâm Phật giáo được thành hình để mở rộng sự nghiệp hoằng pháp đến các khu vực chung quanh.

4.3. Con đường Tơ Lụa (the route silk) là một trong những ngã đường truyền giáo của đạo Phật. Qua đó, Phật giáo Ấn Độ truyền rộng ra các nước mà trong đó có Việt Nam.  

4.4. Thời điểm Phật giáo A-dục về Viễn Đông cũng là lúc đạo Phật đến Việt Nam.

Như vậy, với 6 sử kiện điển hình trên cho thấy từ khi Phật giáo A-dục về Viễn Đông cũng là lúc Phật giáo đến Việt Nam.

Một khi Phật giáo Giao Chỉ đã có thời gian dài tương đối đủ bén rể, xanh tươi cành lá, nở hoa và nền giáo học phát triển lớn mạnh. Tiếp sau đó, những trung tâm Phật giáo được thành hình mà điển hình là trung tâm Phật giáo Luy Lâu.

Vậy sinh hoạt Phật giáo Giao Chỉ ra sao và trung tâm Phật giáo Luy Lâu biểu hiện nét sinh hoạt như thế nào?

Tâm Phương.(Còn tiếp)

[Tập san Pháp Luân - số 6]