Trên cuộc đời này, không có nỗi đau nào của người con lớn bằng nỗi đau khi mất cha mất mẹ
Thiết nghĩ, trên cuộc đời này, không có nỗi đau nào của người con lớn bằng nỗi đau khi mất cha mất mẹ, và cũng không có nỗi xót xa nào bằng nỗi xót xa khi hồi tưởng lại những năm tháng cha mẹ còn sống, mình đối xử chưa trọn vẹn đối với cha mẹ. Vì thế ngày nào còn cha còn mẹ, chúng ta hãy nên ý thức điều đó, để nâng niu niềm hạnh phúc tột cùng, và hãy sống sao cho tròn bổn phận làm con, để sau này khi cha mẹ trăm tuổi, tránh khỏi nỗi giằn vặt hai chữ bất hiếu, đi theo năm tháng suốt cả cuộc đời mình.
Thật chính xác khi người xưa ví ân đức cha cao như núi Thái sơn, nghĩa tình mẹ sánh như nước trong nguồn chảy ra. Núi Thái sơn cao ngất muôn trùng làm sao có thể đo được, nước trong nguồn chảy hoài không bao giờ cạn làm sao có thể dò được; cũng vậy, ân cha nghĩa mẹ làm sao có thể đo, có thể dò được.
Suốt cuộc đời cha mẹ, là cả một sự hy sinh trải dài vô tận đối với con cái, kể từ khi mang thai vất vả, sanh con khó nhọc, cho đến khi dãi nắng dầm sương nuôi con khôn lớn. Bao nhiêu công sức và tâm huyết của cha mẹ đều đổ dồn vào con. Do vậy khi con cái lớn khôn, thì tấm thân của cha mẹ đã sớm rệu rã theo cùng năm tháng, bóng dáng cha mẹ cũng đã oằn xuống trên bước đường vinh hoa phú quý của người con.
Bổn phận làm con trước hết là phải biết báo đền ân đức cha mẹ, cần hết lòng phụng dưỡng về mặt vật chất cũng như tinh thần, có như vậy mới có thể chút nào báo đáp công đức sâu dày của cha mẹ. Nhất là trong giai đoạn cha mẹ già bịnh, người con cần có thái độ quan tâm đặc biệt, phải biết cách săn sóc người lớn tuổi. Phận làm con phải biết thương cha kính mẹ, luôn vâng lời cha mẹ và hiểu được những nhu cầu, sở thích của cha mẹ, để tùy nghi đáp ứng, ngõ hầu cha mẹ có được niềm vui trong những năm tháng cuối cuộc đời.
Việc thể hiện hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ không ngoài hai phương diện đó là vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, khi cha mẹ già bịnh, người con phải hết lòng phụng dưỡng. Làm con phải biết sở thích ăn uống của cha mẹ, để tùy khả năng nấu những món ăn cha mẹ ưa thích dâng lên cho cha mẹ. Với việc nấu thức ăn cần chú ý, với người lớn tuổi, răng đã yếu, bao tử không còn tiêu hóa tốt, vì thế khi dâng thức ăn cần phải mềm, chọn thức ăn dễ tiêu hóa, có đầy đủ chất bổ và nấu hợp với khẩu vị của cha mẹ. Về áo mặc người lớn tuổi sức chống chọi với thời tiết rất yếu, do vậy người con phải lo lắng quần áo tùy thời cho cha mẹ, mùa đông có áo bông, hạ về có áo vải, để thân thể cha mẹ được an ổn tránh khỏi sự ấm lạnh thất thường. Về giấc ngủ lại càng đặc biệt quan tâm, người lớn tuổi rất khó ngủ và dễ tỉnh giấc khi có tiếng động, vì thế người con phải để ý đến mền chiếu, đắp che trước khi cha mẹ ngủ, cần tạo sự an tịnh trong khi cha mẹ an giấc, phải ngủ sau và dậy trước cha mẹ.
Làm người không ai không thể tránh khỏi sanh, già, bịnh, chết. Vì thế khi cha mẹ bịnh con cái phải săn sóc chu đáo, mời thầy thuốc khám bịnh, lo thuốc thang đầy đủ. Có nhiều người lớn tuổi mắc những chứng bịnh như bán thân bất toại, không thể tự sinh hoạt cá nhân, ăn uống, đi cầu một chỗ. Với người con có cha mẹ bịnh tình như thế, chúng ta đừng ngại chuyện bưng phân đổ đái, nên nghĩ rằng ngày xưa cha mẹ đâu có ngại chuyện bưng phân đổ đái cho mình.
Người xưa nói phận làm con cái đối với cha mẹ phải “Quạt nồng ấp lạnh, sáng viếng tối thăm”. Quạt nồng là mùa hạ trời nóng phải thức suốt đêm quạt cho cha mẹ được mát mẻ an giấc, ấp lạnh là mùa đông thời tiết giá rét, giường chiếu rất lạnh vì thế trước khi cha mẹ ngủ, người con phải lên giường nằm trước, để hơi ấm từ cơ thể tỏa ra giường chiếu, khiến cha mẹ lên nằm khỏi lạnh. Sáng viếng tối thăm, do vì người già không như người trẻ tuổi, cơ thể thay đổi bất thường. Người già buổi tối có thể khỏe nhưng sáng mai lại bịnh, sức khỏe thường không ổn định, vì thế người con phải sáng viếng tối thăm để kịp thời theo dõi sức khỏe cha mẹ, tiện bề lo toan việc thang thuốc.
Đó là báo hiếu về phương diện vật chất còn phương diện tinh thần, làm con cần phải báo đáp trọn vẹn. Chúng ta phải hiểu tâm lý của người lớn tuổi là rất dễ mặc cảm tự ti, rất dễ tủi phận khi con cái không biết quan tâm thăm hỏi. Vì thế, với người già bịnh con cái cần phải chu đáo chăm sóc, thường xuyên đến thăm hỏi. Nếu ở xa không có điều kiện thường xuyên thăm viếng, thỉnh thoảng điện thoại về hỏi thăm tình hình sức khỏe của cha mẹ, bởi khi cha mẹ còn sống không thăm hỏi, thì khi cha mẹ chết rồi thăm hỏi có ích gì?
Thứ nữa, người lớn tuổi rất sợ cảnh phiền muộn và không muốn những việc trái ý nghịch lòng xảy ra, bởi mỗi khi có nỗi buồn phiền, họ rất khó quên vì nỗi buồn đó cứ lận vào con tim. Do đó người con phải cố gắng tránh làm những điều sai trái khiến cha mẹ buồn bực không vui.
Cổ nhân nói: “Đất sanh cỏ, già sanh tật”, cha mẹ tuổi già thân thể đau nhức, đầu óc đôi khi lú lẫn, vì thế phần nhiều thường sanh chướng, đôi khi vô cớ la nạt con cái, hoặc nổi chướng ăn rồi bảo chưa ăn… Làm con phải hiểu biết và thông cảm mỗi khi cha mẹ nổi chướng, không được trách móc hờn oán. Đạo hiếu của con cái, trước hết là phải biết vâng lời cha mẹ và đừng làm cho cha mẹ buồn phiền về mình.
Phải cố sống cho có đạo đức và siêng năng học hành để làm niềm vui cho cha mẹ. Bởi vì cha mẹ tuổi già thường lấy sự ngoan ngoãn và thành đạt của con cái làm niềm hạnh phúc của mình. Sự chuẩn mực trong đời sống, thành đạt trong học vấn của con cái, luôn là những món quà vô giá dâng lên cha mẹ, là niềm vui và tự hào của cha mẹ lúc tuổi xế chiều.
Người con cần phải biết tôn trọng những thú vui và sở thích của cha mẹ, bởi người trẻ có niềm vui của tuổi trẻ, thì người già họ cũng có niềm vui và sở thích của người già. Ví như khi cha mẹ rời quê quán, vào xứ khác làm ăn, tuổi già thường ưa về thăm quê, phận làm con phải gắng dành dụm tiền bạc, tạo điều kiện để cha mẹ được thỏa mãn ước nguyện. Nghĩa là bổn phận làm con phải tôn trọng những sở thích và tùy sức đáp ứng để cha mẹ được vui lòng.
Ngoài việc báo hiếu về mặt vật chất, cao hơn nữa báo hiếu về mặt tinh thần, người con thật sự có hiếu đạo trọn vẹn là phải tạo điều kiện cho cha mẹ mình tuổi già có nơi nương tựa tinh thần. Đó là biết quy hướng Tam bảo, bỏ ác làm lành, ăn chay niệm Phật. Nếu cha mẹ trước đây đã biết quy hướng Phật pháp, chúng ta nên tạo điều kiền đầy đủ để cha mẹ đi chùa tụng kinh niệm Phật, cũng như thường xuyên cung cấp tiền bạc để cha mẹ có điều kiện làm các việc phước thiện. Đối với cha mẹ chưa biết quy hướng Tam bảo, làm con cần phải khuyến khích cha mẹ đi chùa quy y Tam bảo, khuyên cha mẹ tụng kinh niệm Phật, để cha mẹ có sự an ổn về đời sống tâm linh, ngõ hầu sau này trăm tuổi chết được nhẹ nhàng và tái sanh về cảnh giới an lành.
Ân đức cha mẹ như trời cao biển lớn, phận làm con dù suốt đời báo đáp vẫn không trả được. Với tinh thần niệm ân phụ mẫu vô lượng, chúng ta là người Phật tử, cần phụng hành theo lời Phật dạy, sống phải có hiếu đạo với cha mẹ. Và nhất là khi cha mẹ già bịnh cần quan tâm săn sóc về mặt vật chất cũng như tinh thần, ngõ hầu đền đáp thâm ân trong muôn một. Có làm được như thế, chúng ta sau này khi cha mẹ lìa đời, mới khỏi than vãn: “Cây muốn lặng mà gió không ngừng, con muốn báo đền ân đức nhưng cha mẹ không còn”.
Nguyên Liên
[Tập san Pháp Luân - số 25, tr.54, 2006]