Borobudur là một bảo tháp hùng vĩ và lớn nhất của Phật giáo thế giới và được xem là một trong 70 kỳ quan của thế giới được tổ chức UNESCO ghi nhận là một Thánh tích quan trọng và đã tài trợ để trùng tu vào năm 1973.
Bảo tháp hiện nay tọa lạc ở quận Borobudur, miền Nam Magelang, Trung tâm Java, Indonesia. Quần thể kiến trúc độc đáo này được xây dựng trên một ngọn đồi 27 mét (rộng 2 cây số rưỡi), với chiều cao của tháp 32 mét, gồm có 9 tầng, 1.600.000 phiến đá chạm trổ, 504 tượng Phật, 72 tháp hình quả chuông và 1500 tháp hình tứ giác. Bảo tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 7 và 8 Tây lịch. Theo các nhà khảo cổ thì công trình vĩ đại này phải mất 100 năm để xây dựng hoàn thành.
Ý nghĩa và tên gọi của bảo tháp Borobudur:
Ở Ấn Độ gọi tháp là Stùpa hay Thùpa, Trung Hoa gọi là phù-đồ hay phật-đồ, Tích Lan gọi là Dagola, Miến Điện gọi là Pagoda, Tây Tạng gọi là Chorten hay Tumulus, tiếng Anh gọi là Tower, v.v... Nghĩa là chỗ cao ráo trang nghiêm, nơi hội tụ công đức, ngôi lăng mộ lớn, nơi để tôn thờ xá lợi của Phật và các vị A-la-hán. Bảo tháp đầu tiên được xây dựng tại Ấn Độ ngay sau Phật nhập diệt tại thành Câu-thi-na và Ma-kiệt-đà và về sau nó trở thành một biểu tượng quan trọng của Phật giáo.
Danh hiệu Borobudur (Bà-la-phù-đồ) phát xuất từ nguyên ngữ Sanskrit, có nghĩa là: “Ngôi chùa ở trên đồi” (Buddhist Monastery on the hill), và nhiều nghĩa khác nhau là: “Borobudur là Borobudur”, nghĩa là Borobudur chỉ là một cái độc nhất vô nhị theo kiểu cách của chính nó, không giải thích, không bàn cãi được. Theo họa sĩ Nieuwenkamp thì cho rằng: “Borobudur như là một đóa sen lớn rực rỡ nổi lên giữa hồ” (a big lotus flower bud ready to bloom was floating on a lake). Ý kiến này được nhà khảo cổ N. Rangkuti (1987) đồng ý rằng hình ảnh của Borobudur trông nổi bật so với tất cả những phong cảnh bao quanh nó. Rồi từ những nghiên cứu về địa lý, các chuyên gia chứng minh rằng Borobudur vào thời điểm ấy được thiết kế ở giữa một cái hồ rất lớn, tất cả những, làng mạc xung quanh Borobudur đều ở độ cao 235m so với mặt biển. Mực nước này hiện nay vẫn giống nhau so với mực nước của một cái hồ cạnh Borobudur.
Rồi dựa trên bản khắc năm 842 TL, nhà khảo cổ Casparis cho rằng “Borobudur là một nơi để cầu nguyện” (a place for praying). Borobudur là “Vô lượng Phật” (Countless Buddhas), là “Núi công đức của các Bồ-tát” (A mountain of the virtues of the Bodhisattava). Đối với người Indonesia thì định nghĩa đơn giản hơn, Borobudur có nghĩa là “ngôi chùa ở Bobur” (Monastery at Budur), vì Budur là địa danh của Java (Indonesia cũ) và Boro được biến thể từ chữ Bara và Byhara, phát xuất từ chữ “Vihara” (chùa), một từ của Sanskrit.
Kiến trúc của Borobudur:
Borobudur quay mặt về hướng đông, có 4 cửa và 9 tầng; tầng thứ nhất được thiết tạo những tháp hình tứ giác với những hình tượng Phật và Bồ-tát được chạm trổ lên đó, đặc biệt là ghi lại toàn bộ lịch sử của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vị khai sáng đạo Phật, với những quan cảnh từ đản sinh, xuất gia, thành đạo, giáo hóa và Niết-bàn. Tầng thứ hai, chạm trổ những chuyện tiền thân của Phật Thích -ca được mô tả trong Jataka. Tầng thứ ba, bốn và năm là trình bày hình ảnh của các vị Bồ tát như Quan Âm, Địa Tạng, đặc biệt là chuyện Sudha gặp Bồ-tát Di Lặc (Maitreya) được diễn tả trong kinh Hoa Nghiêm. Và bốn tầng tháp còn lại phía trên là phần tháp hình quả chuông. Trong mỗi tháp đều có tôn trí hình tượng Phật. Toàn bộ 1.600.000 phiến đá lớn nhỏ của Borobudur được điêu khắc và chạm trổ một cách tinh tế, sắc sảo và đẹp đẽ đã tạo nên một vẻ đẹp hùng tráng cho Borobudur.
Về mặt tổng thể, Borobudur được nhìn từ trên cao xuống trông giống như một đồ hình Mandala, biểu trưng cho cấu trúc của vũ trụ theo quan niệm trời tròn đất vuông.
Thời gian xây dựng Tháp Borobudur:
Borobudur được xây dựng từ năm 750 đến 850 TL trong khoảng thời gian của hai triều đại Sailendra và Sanjaya.
Triều vua Sailendra trị vì một phần lớn ở Sumatra và tầm ảnh hưởng của hoàng gia này kéo dài đến miền Đông Ấn Độ. Các vị vua của triều đại này đều là tín đồ thuần thành của Phật giáo Đại thừa, một tông phái Phật giáo xuất phát từ Bắc Ấn Độ, kinh điển viết bằng ngôn ngữ Sanskrit. Triều đại này đã phát tâm kiến tạo công trình vĩ đại này vào năm 750 TL như để đánh dấu sự vững mạnh của Phật giáo tại Indonesia vào thời bấy giờ.
Thời gian khám phá và trùng tu tháp Borobudur:
Bảo tháp Borobudur được khám phá vào năm 1814 do công của Toàn quyền Anh quốc tại Indonesia, ông Thomas Stanford Raffles, trong một tình trạng bị đổ nát và chôn vùi dưới một vùng cây cối um tùm. Người ta tin rằng bảo tháp đã bị mất tích sau cơn núi lửa xảy ra tại vùng này vào thế kỷ thứ 14. Sau đó, toàn quyền Raffles đã cho dân làng khai quật và mọi người đều sửng sốt trước “một ngôi vườn tháp” của Java vĩ đại như thế mà bấy lâu họ không hề biết.
Đến năm 1900, chính quyền Hòa Lan tiếp thu Indonesia và họ đã thành lập một Ủy ban bảo trì Borobudur, một dự án trùng tu lại Borobudur được thực hiện ngay lập tức vào năm 1907 đến 1911 bởi tiến sĩ Th. Van Erg, một kỹ sư quân sự Hòa Lan, công trình trùng tu này đã bị ngưng lại vì những biến động của thế chiến thứ nhất (1913-1917). Trong hai thập niên 1950 và 1960, chính quyền Indonesia có nhiều chương trình trùng tu nho nhỏ. Đến năm 1967, giáo sư Soekmono, chủ tịch Viện Khảo cổ Indonesia, kêu gọi tổ chức UNESCO cứu vãn Borobudur và tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc này đã ghi nhận Borobudur là một di tích lịch sử quan trọng của thế giới và đã tài trợ để trùng tu lại thánh tích này từ năm 1973 đến 1983. Công việc đại trùng tu này kéo dài ròng rả 10 năm, với 700 công nhân làm việc toàn thời, sáu ngày mỗi tuần, để khai quật, cạo rửa, tô đắp và sắp xếp lại phiến đá bị đánh cắp... đặc biệt hãng máy tính IBM đã tài trợ cho ban trùng tu một máy điện toán để giúp tính toán đo đạt và thay thế những phiến đá chạm trổ bị đánh cắp vào những chỗ trống sao cho cân xứng.
Cuối cùng công việc trùng tu đã hoàn mãn với tổng chi phí là 25 triệu đô la, tăng gấp ba lần so với dự tính ban đầu. Trong ngày khánh tạ Borobudur, 23 tháng 2 năm 1983, Tổng thống Indonesia, ông Suharto đã phát biểu rằng: “Chính quyền Indonesia luôn quan tâm đến những di sản của lịch sử và có những kế hoạch để bảo trì. Từ nay Borobudur đã có thể chịu đựng với thời gian một ngàn năm nữa...”
Lời kết:
Nhiều nhà khảo cổ học và sử học tin rằng ngôi bảo tháp vĩ đại này được xây dựng bởi vua Sailendras như để biểu dương sức mạnh chính trị của mình. Cũng có ý kiến cho rằng Borobudur chỉ là sản phẩm của những vị vua Phật giáo chuyên chế, tự nhận mình là những vị Bồ-tát để thực hiện công trình vĩ đại này để tôn vinh Phật giáo và cũng để tôn vinh chính mình. Cho dù mục đích của người tạo dựng ra nó là gì, Borobudur vẫn là Borobudur như thuở nào mà người Phật tử Indonesia thường gọi như vậy để nói lên niềm tự hào của mình.
Borobudur được xem là hòn ngọc của vùng Nam bán cầu, rõ ràng Borobudur đã trở nên nổi tiếng từ khi tổ chức UNESCO biết đến, hằng năm có nhiều chục ngàn người đổ xô về chiêm bái Thánh tích này. Bốn khách sạn lớn được dựng lên ở một thành phố gần Borobudur để cung ứng cho nhu cầu du lịch nơi vùng này.
Ngày nay Borobudur nằm giữa một thung lũng được bao quanh bởi những ngọn đồi thấp, và đặc biệt là nằm ở giữa hai con sông lớn của Indonesia là Progo và Elo. Borobudur cách 90 km về hướng Đông Nam của tỉnh Semarang và khoảng 42 km hướng Tây Bắc của thành phố Yogyakarta. Du khách có thể chọn xe Taxi hoặc xe buýt để viếng thăm Thánh tích nổi tiếng này.
Thích Nguyên Tạng.
Tổng hợp theo các tài liệu:
- Chris Scarre (1999), The Seventy Wonders of the Ancient World, Thames and Hudson Ltd, London.
- Robert Storey (1992) Indonesia, A Travel Survival Kit, Lonely Planet, Australia.
- Gerald Cubitt and Christopher Scarlett (1995), This is Indonesia, New Holland Publishers, Sydney.
- Bedrich Forman (1980) Borobudur, The Buddhist Legend in Stone, Octopus, London.
- Mitra, D (1971), Buddhist Monuments, Culcutta, India.
[Tập san Pháp Luân - số 6]