Trang 1 / 3+ Bát bảo
Bát bảo (bát bửu) gồm tám món vật quý (thường sử dụng chỉ tám bảo bối của Tiên thường mang theo bên mình), có tác dụng trấn giữ ngôi thờ Đức chí tôn của Đạo giáo và đánh đuổi tà ma. Trong trang trí thường thấy gồm bầu (hồ lô), tháp bút, quạt vả, ống tiêu, giỏ hoa lam, cây kiếm (gươm), khánh, phất trần.
Là các trang trí mang tính chất Ðạo giáo, đôi lúc được sử dụng trong trang trí một số công trình chùa chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc như chùa Hoa, chùa người gốc Hoa xây dựng...
H28. Kiếm và quạt trong trang trí chùa ông Bổn.
+ Bát quả
Bát quả gồm tám loại trái cây đào, lựu, mận, lê, Phật thủ, nho, bầu bí. Trang trí này thường mang tính dân dã, đơn giản. Thường gặp trang trí ở các bệ đá, lan can, trên cốn các chùa cuối Nguyễn đến nay.
H29. Trang trí trên lan can chùa Vạn Niên - Tây Hồ - Hà Nội.
+ Tứ quý
Tứ quý (tứ thời, tứ thì, tứ hữu) thường là bốn loài cây mang biểu tượng cho bốn mùa. Thường gặp nhất là mai lan cúc trúc, tùng cúc trúc mai, mai sen cúc tùng. Trong đó, mai tượng trưng cho sự thanh cao và khí tiết của người quân tử. Trúc tượng trưng cho sự ngay thẳng và cương trực của người quân tử. Cúc biểu tượng cho lòng chung thủy. Tùng tượng trưng cho khí phách hiên ngang của người quân tử. Sen tượng trưng cho sự thanh cao trong sạch.
Khi được thể hiện trong trang trí, đề tài tứ thời thường được kết hợp với các con vật như chim trĩ, lộc, mã, hổ, kê, tượng. Ví dụ đồ án trang trí kết hợp mai điểu (hoa mai và chim), liên áp (hoa sen và vịt), cúc điệp (bướm vờn hoa cúc) mai hạc (hoa mai và con hạc), lan điệp (hoa lan và bướm), trúc yến (cây trúc và chim yến), trúc hổ (cây trúc và con hổ), tùng lộc (cây tùng và con hươu), tùng mã (cây tùng và ngựa) hay tùng hạc (cây tùng con hạc)… Thường được sử dụng trong trang trí chạm khắc các chi tiết kiến trúc như cửa võng, cánh cửa...
H30. Trang trí cúc điệp trên cánh cửa
+ Hoa sen kết hợp với hoa cúc, lá đề
Đây là loại hoa biểu trưng cho Phật giáo và xuất hiện rất sớm từ thời Lý. Hoa và lá sen được sử dụng với các mô típ trang trí khác tạo nên những tác phẩm vừa mềm mại vừa sống động.
Hoa sen kết hợp hoa cúc tượng trưng cho âm dương giao hòa. Thường gặp ở trang trí diềm bia, chạm khắc trang trí trên tháp cổ. Hoa sen kết hợp với lá đề, đây là hai biểu tượng cao quý của Phật giáo, thường được sử dụng ở diềm bia, bệ tượng.
H31. Trang trí hoa văn tháp Phổ Minh
+ Các mô típ mây trời, sóng nước
Được sử dụng từ thời Lý, Trần.
Sóng nước trong Phật giáo biểu hiện sự trong sạch. Những đầm nước có hình hoa sen thể hiện tâm Phật ở thế gian cao quý và thanh khiết. Sóng nước thường gặp ở trang trí hoa văn tháp cổ, bệ tượng Phật thời Lý, cốn gỗ. Mây trời thường thấy chạm trên các cốn gỗ, bệ thờ.
H32. Sóng nước trên chân bệ tượng chùa Phật Tích.
3. Các đề tài trang trí liên quan đến Phật giáo
Trong trang trí Phật giáo, không thể không kể đến sự góp mặt của các đề tài liên quan đến cảnh sinh ra, trưởng thành, tu hành và đắc đạo của đức Phật và một vài tích chuyện cổ liên quan đến Phật giáo. Những đề tài này thường gặp ở dạng tượng tròn và hội họa chứ không được đưa vào điêu khắc kiến trúc nhiều.
+ Cảnh đức Phật đản sinh
Biểu tượng bằng cảnh chín rồng phun nước tắm cho đức Phật trong hình hài một cậu bé, cảnh các thiên thần, vũ nữ, nhạc công tấu nhạc đón mừng, và cảnh đức Phật đứng trên hoa sen, giơ một tay lên trời, một tay chỉ xuống đất với câu nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.
H33. Tiểu cảnh đức Phật đản sinh tại chùa Vũng Tàu.
+ Cảnh đức Phật trưởng thành và trên con đường tu hành
Thường thấy là cảnh đức Phật gặp bốn cảnh sinh, bệnh, lão và tử. Cảnh đức Phật cắt tóc rũ bỏ bụi trần, cảnh đức Phật tu khổ hạnh ở Tuyết Sơn, thân thể gầy ốm chỉ còn da bọc xương.
H34. Đức Phật cắt tóc giũ bỏ cuộc sống trần tục
+ Cảnh đức Phật Ðại giác
Đức Phật trở thành Phật (giác ngộ được bản thân mình và thành đạo) gắn liền với hình tượng cây Bồ-đề và đài sen cùng vầng hào quang chiếu sáng.
H35. Ðức Phật đại giác dưới gốc Bồ-đề.
+ Cảnh đức Phật thuyết pháp
Gắn với bánh xe chuyển Pháp luân, Phật thuyết pháp ở vườn hươu, Phật thuần phục trâu điên...
H36. Tiểu cảnh voi khỉ dâng hoa cho đức Phật ở chùa Vũng Tàu.
+ Cảnh đức Phật nhập Niết-bàn
Thường gặp trong các chùa miền Nam và miền Trung, cảnh Phật nằm giữa hai cây sala, cảnh nhập Niết-bàn với hình Stupa, hoặc chỉ đơn giản là tượng nằm nghiêng về bên phải như đang ngủ, hiện tại lạc trú.
H37. Cảnh Phật nhập Niết bàn
Một số tích cổ gắn liền với sự tu hành và đắc đạo trong Phật giáo
+ Thập mục ngưu đồ (10 bức tranh chăn trâu).
Ðại thừa và Thiền tông có hai cách dẫn dắt bức tranh khác nhau nhưng mục đích chung là phải tự tu dưỡng lấy thân, tâm mình làm gốc.
H38. Phù điêu Thập mục ngưu đồ tại chùa Quảng Bá - Tây Hồ - Hà Nội.
+ Tích Tây Du Ký
Thường sử dụng làm phù điêu, hoạt cảnh trang trí trên mái các chùa có ảnh hưởng phong cách kiến trúc Trung Hoa như chùa Hưng Ký, chùa Long Tiên...
H39. Một cảnh Tôn Ngộ Không đả Nhị Lang Thần.
Theo dòng chảy của lịch sử mỹ thuật Việt, trang trí trên các công trình kiến trúc đã có nhiều thay đổi. Song một số đề tài được đề cập ở trên vẫn mang những ý nghĩa nhất định và không thay đổi theo thời gian. Những yếu tố vương quyền, tôn giáo, đan xen với tính dân dã và các tín ngưỡng dân gian được ông cha ta sử dụng nhuần nhuyễn trong trang trí, điêu khắc… đã để lại cho chúng ta một nền mỹ thuật vừa hòa đồng với các nền văn hóa khác lại vừa có những dấu ấn đặc trưng riêng biệt.
Nguồn hình:
H: 1a, H1b, H2, H8, H11, H12, H17-19, H21-30, H38, H39 (tác giả).
H: H3-7, H9, H10, H13-16, H20, H31-37 (Các ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam-Võ Văn Tường).
[Tập san Pháp Luân 28, tr.49, 2006]