Trang trí trong kiến trúc truyền thống

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

+ Bát bảo

Bát bảo (bát bửu) gồm tám món vật quý (thường sử dụng chỉ tám bảo bối của Tiên thường mang theo bên mình), có tác dụng trấn giữ ngôi thờ Đức chí tôn của Đạo giáo và đánh đuổi tà ma. Trong trang trí thường thấy gồm bầu (hồ lô), tháp bút, quạt vả, ống tiêu, giỏ hoa lam, cây kiếm (gươm), khánh, phất trần.

 

Là các trang trí mang tính chất Ðạo giáo, đôi lúc được sử dụng trong trang trí một số công trình chùa chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc như chùa Hoa, chùa người gốc Hoa xây dựng...

H28. Kiếm và quạt trong trang trí chùa ông Bổn.

+ Bát quả

Bát quả gồm tám loại trái cây đào, lựu, mận, lê, Phật thủ, nho, bầu bí. Trang trí này thường mang tính dân dã, đơn giản. Thường gặp trang trí ở các bệ đá, lan can, trên cốn các chùa cuối Nguyễn đến nay. 

H29. Trang trí trên lan can chùa Vạn Niên - Tây Hồ - Hà Nội.

+ Tứ quý 

Tứ quý (tứ thời, tứ thì, tứ hữu) thường là bốn loài cây mang biểu tượng cho bốn mùa. Thường gặp nhất là mai lan cúc trúc, tùng cúc trúc mai, mai sen cúc tùng. Trong đó, mai tượng trưng cho sự thanh cao và khí tiết của người quân tử. Trúc tượng trưng cho sự ngay thẳng và cương trực của người quân tử. Cúc biểu tượng cho lòng chung thủy. Tùng tượng trưng cho khí phách hiên ngang của người quân tử. Sen tượng trưng cho sự thanh cao trong sạch.

Khi được thể hiện trong trang trí, đề tài tứ thời thường được kết hợp với các con vật như chim trĩ, lộc, mã, hổ, kê, tượng. Ví dụ đồ án trang trí kết hợp mai điểu (hoa mai và chim), liên áp (hoa sen và vịt), cúc điệp (bướm vờn hoa cúc) mai hạc (hoa mai và con hạc), lan điệp (hoa lan và bướm), trúc yến (cây trúc và chim yến), trúc hổ (cây trúc và con hổ), tùng lộc (cây tùng và con hươu), tùng mã (cây tùng và ngựa) hay tùng hạc (cây tùng con hạc)… Thường được sử dụng trong trang trí chạm khắc các chi tiết kiến trúc như cửa võng, cánh cửa...

H30. Trang trí cúc điệp trên cánh cửa

+ Hoa sen kết hợp với hoa cúc, lá đề 

Đây là loại hoa biểu trưng cho Phật giáo và xuất hiện rất sớm từ thời Lý. Hoa và lá sen được sử dụng với các mô típ trang trí khác tạo nên những tác phẩm vừa mềm mại vừa sống động.

Hoa sen kết hợp hoa cúc tượng trưng cho âm dương giao hòa. Thường gặp ở trang trí diềm bia, chạm khắc trang trí trên tháp cổ. Hoa sen kết hợp với lá đề, đây là hai biểu tượng cao quý của Phật giáo, thường được sử dụng ở diềm bia, bệ tượng. 

H31. Trang trí hoa văn tháp Phổ Minh

+ Các mô típ mây trời, sóng nước 

Được sử dụng từ thời Lý, Trần.

Sóng nước trong Phật giáo biểu hiện sự trong sạch. Những đầm nước có hình hoa sen thể hiện tâm Phật ở thế gian cao quý và thanh khiết. Sóng nước thường gặp ở trang trí hoa văn tháp cổ, bệ tượng Phật thời Lý, cốn gỗ. Mây trời thường thấy chạm trên các cốn gỗ, bệ thờ.

H32. Sóng nước trên chân bệ tượng chùa Phật Tích.

3. Các đề tài trang trí liên quan đến Phật giáo 

Trong trang trí Phật giáo, không thể không kể đến sự góp mặt của các đề tài liên quan đến cảnh sinh ra, trưởng thành, tu hành và đắc đạo của đức Phật và một vài tích chuyện cổ liên quan đến Phật giáo. Những đề tài này thường gặp ở dạng tượng tròn và hội họa chứ không được đưa vào điêu khắc kiến trúc nhiều.

+ Cảnh đức Phật đản sinh

Biểu tượng bằng cảnh chín rồng phun nước tắm cho đức Phật trong hình hài một cậu bé, cảnh các thiên thần, vũ nữ, nhạc công tấu nhạc đón mừng, và cảnh đức Phật đứng trên hoa sen, giơ một tay lên trời, một tay chỉ xuống đất với câu nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. 

H33. Tiểu cảnh đức Phật đản sinh tại chùa Vũng Tàu.

+ Cảnh đức Phật trưởng thành và trên con đường tu hành

Thường thấy là cảnh đức Phật gặp bốn cảnh sinh, bệnh, lão và tử. Cảnh đức Phật cắt tóc rũ bỏ bụi trần, cảnh đức Phật tu khổ hạnh ở Tuyết Sơn, thân thể gầy ốm chỉ còn da bọc xương. 

H34. Đức Phật cắt tóc giũ bỏ cuộc sống trần tục

+ Cảnh đức Phật Ðại giác

Đức Phật trở thành Phật (giác ngộ được bản thân mình và thành đạo) gắn liền với hình tượng cây Bồ-đề và đài sen cùng vầng hào quang chiếu sáng.

H35. Ðức Phật đại giác dưới gốc Bồ-đề.

+ Cảnh đức Phật thuyết pháp

Gắn với bánh xe chuyển Pháp luân, Phật thuyết pháp ở vườn hươu, Phật thuần phục trâu điên...

H36. Tiểu cảnh voi khỉ dâng hoa cho đức Phật ở chùa Vũng Tàu.

+ Cảnh đức Phật nhập Niết-bàn

Thường gặp trong các chùa miền Nam và miền Trung, cảnh Phật nằm giữa hai cây sala, cảnh nhập Niết-bàn với hình Stupa, hoặc chỉ đơn giản là tượng nằm nghiêng về bên phải như đang ngủ, hiện tại lạc trú. 

H37. Cảnh Phật nhập Niết bàn

Một số tích cổ gắn liền với sự tu hành và đắc đạo trong Phật giáo

+ Thập mục ngưu đồ (10 bức tranh chăn trâu).

Ðại thừa và Thiền tông có hai cách dẫn dắt bức tranh khác nhau nhưng mục đích chung là phải tự tu dưỡng lấy thân, tâm mình làm gốc. 

H38. Phù điêu Thập mục ngưu đồ tại chùa Quảng Bá - Tây Hồ - Hà Nội.

+ Tích Tây Du Ký

Thường sử dụng làm phù điêu, hoạt cảnh trang trí trên mái các chùa có ảnh hưởng phong cách kiến trúc Trung Hoa như chùa Hưng Ký, chùa Long Tiên...

H39. Một cảnh Tôn Ngộ Không đả Nhị Lang Thần.

Theo dòng chảy của lịch sử mỹ thuật Việt, trang trí trên các công trình kiến trúc đã có nhiều thay đổi. Song một số đề tài được đề cập ở trên vẫn mang những ý nghĩa nhất định và không thay đổi theo thời gian. Những yếu tố vương quyền, tôn giáo, đan xen với tính dân dã và các tín ngưỡng dân gian được ông cha ta sử dụng nhuần nhuyễn trong trang trí, điêu khắc… đã để lại cho chúng ta một nền mỹ thuật vừa hòa đồng với các nền văn hóa khác lại vừa có những dấu ấn đặc trưng riêng biệt. 

Nguồn hình:

H: 1a, H1b, H2, H8, H11, H12, H17-19, H21-30, H38, H39 (tác giả).

H: H3-7, H9, H10, H13-16, H20, H31-37 (Các ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam-Võ Văn Tường).

[Tập san Pháp Luân 28, tr.49, 2006]


 

Nhạc công thiên thần (Gandharva)

Hình ảnh nhạc công thiên thần được thấy từ những công trình kiến trúc Phật giáo thời Lý cho đến thời Mạc, mang nặng ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo của người Chăm. Thường gặp ở hình ảnh đoàn nhạc công tấu nhạc mừng Ðức Phật đản sinh, và luôn đi liền với cảnh tiên nữ múa hát. Các dạng trang trí có hình nhạc công được thấy trên điêu khắc đá và cấu kiện gỗ. 

H13. Trang trí tại chùa Phật Tích

Nữ thần đầu người mình chim 

(Kinnarri)

Hình ảnh nữ thần này được sử dụng trong thời Lý đến Mạc, ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo của người Chăm. Những nhân vật này có thể vừa ca múa và vừa tấu nhạc. Có thể gặp ở những dạng tượng người chim chùa Phật Tích, chùa Long Đọi, phù điêu nữ thần đầu người mình chim và trên cấu kiện gỗ.

H14. Nữ thần đầu người mình chim chạm trên cốn gỗ chùa Thái Lạc.

Tiên nữ (apsara)

Cũng giống như nhạc công thiên thần và nữ thần mình người đầu chim, tiên nữ xuất hiện từ thời Lý đến Mạc, và ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo của người Chăm. Ba nhân vật này kết hợp lại thành các nhân vật thần thoại chuyên lo việc ca múa, âm nhạc chào mừng Đức Phật.

Tiên nữ múa hát dâng hoa xuất hiện gắn liền với các sự kiện trong cuộc đời của đức Phật như đức Phật đản sinh, đắc đạo, nhập Niết Bàn... Ðiêu khắc hình tiên nữ thường thấy trên đá và cấu kiện gỗ.

H15. Tiên nữ cưỡi phượng chùa Thái Lạc

Chim thần Garuđa 

Chim thần Garuđa là vua của các loài chim trong thần thoại Ấn Độ, là hình tượng của Ấn Ðộ giáo sử dụng trong văn hoá Chăm. Trong kiến trúc truyền thống, các di vật hiện còn đến nay là các di vật trang trí trong kiến trúc Phật giáo từ thời Lý đến Mạc. 

Hình tượng chim thần Garuđa tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần và lòng ngưỡng vọng chân lý . Thường gặp ở tư thế nâng đỡ góc đền tháp và bệ tượng và chạm khắc trên các cấu kiện đá và gỗ.

H16. Chim thần bệ tượng chùa Bối Khê

Bánh xe pháp luân 

Trong kiến trúc truyền thống, hình bánh xe Pháp luân được sử dụng trong thời Nguyễn đến nay.

Bánh xe Pháp luân là biểu tượng cho chánh pháp, cho sự giác ngộ của Ðức Phật và lần thuyết pháp đầu tiên của ngài. Hình bánh xe Pháp luân được sử dụng nhiều nơi, trên mái các công trình, trên đầu đao...

H17. Bánh xe Pháp luân trang trí trên đầu đao viện đại học Vạn Hạnh.

Hồi văn chữ Vạn, chữ công

Hồi văn phổ biến trong trang trí thời Nguyễn.

Hồi văn hay còn gọi là hoa văn hình học dạng chữ Hán viết theo lối triện hoặc thậm chí là những hình tượng khác được sắp xếp theo một dải liên hoàn. Thường thấy trên bờ nóc mái, diềm bia, chạm trổ cửa…

H18. Chữ Vạn cách điệu cửa chùa Nành - Gia Lâm

Chữ Thọ, Hỉ

Chữ Thọ, Hỷ được sử dụng trang trí nhiều trong các công trình kiến trức từ thời Nguyễn.

Thường sử dụng là họa tiết chủ đạo trang trí cửa sổ , trang trí cửa đi cách điệu, kết hợp với ngũ Phúc, hoặc hình rồng ngậm, vờn hay chầu chữ Thọ …

H19. Cổng chùa Hưng Ký - Chữ Thọ cách điệu.

Con người

Hình ảnh con người xuất hiện trên các di vật từ thời văn hóa cổ xưa (được lưu giữ trên mặt trống đồng Đông Sơn). Trong trang trí kiến trúc truyền thống không thể không kể đến hình tượng con người. Không chỉ xuất hiện trong chạm khắc các đình đền miếu - các công trình mang đậm tính dân gian mà hình tượng con người còn xuất hiện trong kiến trúc Phật giáo, tuy rằng không phổ biến.

Sớm nhất được thấy ở một vài di vật thời Trần và thời Mạc.

Có thể gặp hình tượng con người ở các cấu kiện gỗ, người đỡ toà sen chùa Dương Liễu thời Mạc, vua đỡ bệ tượng Phật chùa Hoè Nhai…

H20. Chạm người chùa Thái Lạc.

2. Các đề tài trang trí phức hợp

Trong trang trí kiến trúc truyền thống, ngoài các đề tài trang trí đơn lẻ, chúng ta thường gặp nhiều đề tài phức tạp hơn, được nối kết với nhau thành một mô típ hoàn chỉnh, thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau. Thường gặp nhất là các mẫu trang trí mang tính cung đình và tôn giáo như tứ linh (long, lân, quy, phượng), bát vật (tám con vật), bát bảo (tám vật quý), bát quả (tám loại trái cây), tứ quý (bốn mùa) và các câu chuyện gắn liền với đạo Phật…

Tứ linh

Long, lân, quy, phượng như phần trên đã nói được kết hợp với nhau trong một đồ án gọi là tứ linh. Rồng tượng trưng cho uy quyền và tâm linh, mang mong ước mưa thuận gió hòa của một nền nông nghiệp lúa nước. Lân hiền hòa, biểu tượng cho sự mong ước thái bình. Rùa biểu trưng cho sự trường tồn của Phật giáo và bền vững xã tắc. Phượng tượng trưng cho tầng lớp trên và cái đẹp quý phái nữ tính. Không chỉ đứng đơn lẻ, các con vật này đã cùng được các nghệ nhân thể hiện dưới những bức cốn chạm khắc, quấn quanh cột một cách tinh tế và sinh động. Bộ đồ án Tứ linh được sử dụng rất nhiều vào cuối Lê cho đến thời Nguyễn với ý nghĩa lớn nhất là tượng trưng cho quyền lực và vương quyền. 

H21.Trang trí Tứ linh trên 1 bức cốn gỗ

Bát vật

Tứ linh (Long, lân, quy, phượng) kết hợp với ngư (cá), bức (dơi), hạc, hổ gọi chung là bát vật. Cá gắn với truyền thuyết về cá hóa rồng biểu hiện cho sự thành đạt, giàu sang, xã hội phồn vinh. Con dơi (bức) đồng âm với chữ “phúc” nên được coi là biểu tượng của phúc đức. Chim hạc là loài chim thanh cao, thường là vật cưỡi và gắn liền với hình ảnh các vị tiên. Con hổ tượng trưng cho sức mạnh vương quyền. Bát vật thường ít gặp trang trí cùng nhau trên các cấu kiện kiến trúc truyền thống.

H22. Trang trí tứ linh có kết hợp cá, hổ trong bát vật.

Con rồng trong các đồ án trang trí phức hợp

Hình tượng con rồng được sử dụng nhiều nhất và dưới nhiều dạng đề tài trang trí khác nhau liên quan đến vương quyền, thần quyền, như lưỡng long triều nhật, lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long tranh châu, long hàm thọ, long phượng tranh châu, lưỡng long chầu hổ phù đội bầu rượu, cá hóa rồng. Bài viết xin giới thiệu một vài mô típ trang trí điển hình.

+ Đề tài Long chầu

Lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu về mặt trời), lưỡng long tranh châu (hai con rồng tranh viên ngọc), lưỡng long triều nguyệt (hai con rồng chầu về mặt trăng)... được sử dụng và phát triển từ thời Nguyễn về sau này, đặc biệt thường gặp trên các bờ nóc công trình. 

Rồng chầu hoa cúc, hoa hướng dương đều là các dạng của lưỡng long triều nhật. Mỗi thời kỳ, biểu tượng về mặt trời có khác nhau như vòng tròn, chữ Phật, quầng lửa bao quanh… lưỡng long triều nhật luôn mang một ý nghĩa là ngọn lửa thiêng bảo vệ sự an lành nơi linh thiêng khỏi mọi sự xâm nhập của tà ma. Ngoài ra, các dạng long triều nhật nguyệt đều mang ý nghĩa cầu trời mưa, mong ước mùa màng bội thu. Còn lưỡng long tranh châu thì dựa theo tích cũ bên Trung Quốc biểu trưng cho sự tranh đấu.

Thời Nguyễn, có thể nhận thấy sự khác nhau giữa các đề tài trang trí này như sau, mặt trời thường có quầng lửa, tranh châu thường hai con rồng ở tư thế tranh đấu, chầu mặt trăng thì hai con rồng ở tư thế bình ổn và phục tùng.

H23. Mô típ lưỡng long triều nhật trên bờ nóc.

+ Đề tài Hóa Long

Các đề tài hóa rồng được ưa thích nhất là “ngư hóa long”, cây lá hóa long. Các đề tài khác như mã hóa long (rồng do ngựa biến thành), tượng hóa long (rồng do voi biến thành) ít gặp hơn.

Cá hóa rồng: thường gặp thời Nho học thịnh đạt, thời Nguyễn. Trong điêu khắc, hình “cá hóa rồng” xuất hiện sớm nhất trong một số chùa cuối thời Trần. Truyền thuyết cá vượt Vũ Môn hóa rồng rất phổ biến trong dân gian. Hình ảnh này gợi nhớ đến sự đỗ đạt trong các kỳ thi và được Vua phong chức tước. Ðây là một minh chứng cho việc ảnh hưởng sâu sắc của trang trí đề tài Nho học vào Phật giáo. 

H24. Cá hóa long bằng gốm thường gặp ở đình chùa miền Nam.

Trúc hóa long, cúc hóa long, thông hóa long: đây là các hình thức phổ biến của dạng cây lá hóa rồng. Thường được chạm nổi ở các ô hộc gỗ trang trí thời Nguyễn. 

H25. Mô típ cây hóa rồng

+ Đề tài Ngư long hí thủy, rồng vờn mây, giỡn sóng

Ngư long hí thủy (rồng và cá chép vờn nhau trong sóng nước). Đây là mô típ trang trí khá phổ biến trong trang trí đình chùa Bắc Bộ. Cảnh rồng bay trong mây, hay giỡn sóng mang ý nghĩa là dù ở hoàn cảnh nào (rồng có ở biển sâu sóng cả hay vẫy vùng trên trời cao), có hiển đạt hay không đều nên thi thố chí mình.

H26. Trang trí ngư long hí thủy trên cốn 

+ Phúc khánh, Phúc thọ, Ngũ phúc

Các trang trí có hình dơi phổ biến từ thời Nguyễn. Chữ bức (con dơi) đọc gần giống chữ phúc, nên người xưa lấy biểu tượng con dơi tượng trưng cho sự phúc đức. Hình con dơi ngậm chiếc khánh có tua có nghĩa là hạnh phúc và sung sướng. Hình con dơi kết hợp với chữ thọ biểu tượng cho sự hạnh phúc và trường thọ. Năm con dơi trên một bức chạm, tượng trưng cho sự chúc tụng đầy đủ nhất về hạnh phúc. Ngũ phúc gồm: Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh. Ngũ phúc hàm thọ (5 con dơi ngậm chữ thọ) tượng trưng cho hạnh phúc và trường thọ. 

H27. Trang trí ngũ phúc trên cánh cửa

(còn tiếp)

[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.46, 2006]


 

Trong các công trình kiến trúc gỗ truyền thống tại Việt Nam, nhất là đối với các công tình mang yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu, v.v… thì mảng điêu khắc được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất tạo nên vẻ đẹp cho công trình. Hoa văn trang trí trong đó có họa tiết trang trí trong các công trình kiến trúc truyền thống, có thể coi là một di sản khổng lồ của ông cha ta để lại từ ngàn xưa, là hiện thân của cái đẹp, thẩm mỹ, tư tưởng, sự tài hoa khéo léo của ông cha ta qua từng thời kỳ. 

Bài viết giới thiệu khái quát về các hình tượng trang trí thường gặp trong kiến trúc cổ truyền thống từ Bắc tới Nam, mang đậm ảnh hưởng của Phật giáo và một số đạo khác như Đạo giáo, Nho giáo. 

1. Các hình tượng trang trí đơn lẻ 

Con rồng

Hình tượng con rồng xuất hiện rất sớm qua các truyền thuyết xa xưa trong tâm thức của mỗi người con đất Việt chúng ta. Trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, hình tượng con rồng được gìn giữ đến nay qua những di vật còn lại từ thời Lý. Trải qua từng thời kỳ, trang trí điêu khắc hình rồng đều mang những đặc điểm mỹ thuật khác nhau.

Theo quan niệm phong kiến, hình ảnh con rồng gắn liền với hình ảnh Thiên tử, tượng trưng cho uy quyền. Trong quan niệm dân gian, con rồng thể hiện cho tâm linh, biểu hiện ước mong mưa thuận gió hòa. Trang trí hình rồng được bát gặp ở hầu hết mọi nơi, trên bệ tháp, cấu kiện gỗ, bờ nóc, v.v…

(H1a, H1b)

Con lân

Được gọi đầy đủ là kỳ lân (bao gồm con đực và con cái theo cách gọi của người Trung Quốc), còn gọi là con ly và dân gian gọi là con sấu. Hình tượng con Lân được định hình từ thời Lý và phát triển cho đến suốt thời Nguyễn.

Kỳ lân là phát triển của long mã, biểu tượng cho sự kết hợp thời gian và không gian, cho sự tốt lành, cho mùa xuân và cho sự an bình. Trang trí thường gặp trên cấu kiện gỗ, thành bậc, tượng tròn, v.v… 

(H2)

Rùa 

Rùa làm bệ đỡ chân bia được lưu giữ đến nay được phát hiện từ một số di tích chùa thời Lý Trần. 

Hình tượng con rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn và bất diệt trong tư tưởng phong kiến cung đình và sự sống lâu, trường thọ trong quan niệm dân gian. Rùa cũng được coi là biểu trưng trường tồn trong Phật giáo. Thường thấy sử dụng như con vật đội bia,  đỡ hạc, trong cấu kiện gỗ (ít gặp trong kiến trúc Phật giáo).  

(H3)

Chim Phượng 

Hình tượng chim Phượng ít gặp trong điêu khắc Phật giáo. Hình chim Phượng trong trang trí kiến trúc còn thấy được là từ thời Lê và phát triển ở thời Nguyễn sau này.

Thường thì hình tượng chim Phượng không gắn nhiều với Phật giáo mà chỉ tượng trưng cho vũ trụ, cho tầng lớp trên, cho điềm lành (mỗi khi xuất hiện thì báo hiệu đất nước thái bình, phồn thịnh) và cho vẻ đẹp của nữ tính... Hình Phượng thường được chạm khắc trên cốn, thành bậc, đầu dư, đầu đao, trang trí lá đề, v.v...

 (H4)

Hoa sen 

Hình tượng hoa Sen là hình tượng quen thuộc và phổ biến trong điêu khắc dân gian. Không chỉ xuất hiện thành phần trang trí kiến trúc, ngay từ thời Lý có những công trình đã sử dụng hoa sen là biểu tượng kiến trúc như chùa Diên Hựu, đủ thấy hình tượng hoa sen được coi trọng thế nào trong tâm tưởng người Việt.

Hình tượng hoa sen biểu hiện cho sự trong sạch thanh cao, cho chữ Tâm, và là biểu tượng cho sự thanh tịnh, cho đặc tính nhân quả trong Phật giáo. Trong các công trình kiến trúc truyền thống, hình hoa sen thường gặp ở chạm khắc gỗ, đỉnh tháp, chân tảng, bệ tượng Phật, diềm bia, phù điêu.

 (H5)

Hoa cúc

Hình trang trí hoa cúc cũng được bắt gặp rất sớm trong các công trình kiến trúc. Từ thời Lý Trần, hoa cúc thường thể hiện với dạng dây lượn hình sin. Về sau thường gặp trong các đồ án phức hợp tứ quý (sẽ được đề cập ở phần sau) 

Lúc đầu hoa cúc phổ biến ở Trung Quốc với biểu trưng Ðạo giáo, về sau ảnh hưởng vào Phật giáo như một biểu tượng bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền. Hoa cúc còn là biểu tượng của mùa thu, sự chung thủy của người nữ. Hình hoa cúc thường thấy trang trí tại các cấu kiện gỗ, diềm hoa văn, trên bia đá…

(H6)

Lá đề 

Hình tượng lá đề gắn liền với Phật Giáo. Các hiện vật lá đề còn lại cho đến nay là những trang trí hết sức tinh vi, đẹp đẽ từ thời Lý và sau đó là thời Trần.

Đức Thích-ca thiền định dưới cội Bồ-đề (phiên âm chữ Phạn, nghĩa là Giác ngộ đạo lý) và trở thành Phật. Do đó, trong Phật giáo, cây Bồ-đề biểu trưng cho sự đại giác của đức Phật. Hình Lá đề được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc như vòm cửa chùa tháp, trang trí lá đề, ván bưng, trang trí diềm mái... 

(H7)

 Hình cá

Hình cá chép vượt vũ môn, cá hóa rồng là những hình tượng khá phổ biến ở nước ta (ảnh hưởng của Nho giáo). Trong điêu khắc, hình “cá hóa rồng” được thấy sớm nhất trong một số ngôi chùa cuối thời Trần.

Hình cá chép tượng trưng cho sự giàu có, phồn thịnh, mang lại phúc lành cho con người. Trang trí hình cá hay gặp trong trang trí cấu kiện gỗ cùng sóng nước trên các điêu khắc gỗ, trang trí trên cổng đình chùa. 

(H8)

Con trâu

Hình tượng trâu cũng xuất hiện từ thời nguyên thủy trong văn hóa Hòa Bình. Và hình tượng trâu còn thấy được ở kiến trúc Phật giáo sớm nhất bắt đầu từ thời Lý. 

Con trâu rất có ý nghĩa trong nhà Phật, thể hiện rõ nét nhất qua bức tranh “thập mục ngưu đồ” . Hình con trâu thường gặp trong chạm khắc tượng tròn, lan can đá, v.v… 

H9. Hình tượng con trâu lan can đá chùa Bút Tháp

Sư tử: 

Hình tượng sư tử là đề tài trang trí phổ biến ở thời Lý hơn các thời sau này.

Hình tượng sư tử biểu hiện sức mạnh tinh thần, nhà Phật thường lấy hình ảnh sư tử để tượng trưng cho chánh pháp, sư tử hí cầu nghĩa như vật bảo vệ giáo pháp. 

Có thể gặp tượng sư tử ở chùa Hương Lãng, bệ có 2 con sư tử đỡ ở chùa Bà Tấm. Các chòm lông và đuôi sư tử thường xoắn lại theo kiểu trôn ốc hoặc xoè ra. 

Con hổ

Nền văn hóa Ðông Sơn cách đây trên dưới 2500 năm đã xuất hiện rất nhiều tượng hổ. Các di vật sớm nhất thấy được là các di vật thời Trần.

Cũng như rồng, hổ là một biểu trưng của vương quyền. Trong tín ngưỡng của dân ta thì hổ tượng trưng cho vị thần bảo vệ, trấn giữ các phương chống lại mọi tà ma, đảm bảo cho cuộc sống phát triển. Hổ có mặt ở nhiều nơi như bệ đá tam bảo, chạm khắc trên cấu kiện gỗ, lối vào (thường thấy một bên thanh long và một bên bạch hổ) 

Nguồn: Tập san Pháp Luân 26, tr.41, 2006