Trang trí trong kiến trúc truyền thống

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Nhạc công thiên thần (Gandharva)

Hình ảnh nhạc công thiên thần được thấy từ những công trình kiến trúc Phật giáo thời Lý cho đến thời Mạc, mang nặng ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo của người Chăm. Thường gặp ở hình ảnh đoàn nhạc công tấu nhạc mừng Ðức Phật đản sinh, và luôn đi liền với cảnh tiên nữ múa hát. Các dạng trang trí có hình nhạc công được thấy trên điêu khắc đá và cấu kiện gỗ. 

H13. Trang trí tại chùa Phật Tích

Nữ thần đầu người mình chim 

(Kinnarri)

Hình ảnh nữ thần này được sử dụng trong thời Lý đến Mạc, ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo của người Chăm. Những nhân vật này có thể vừa ca múa và vừa tấu nhạc. Có thể gặp ở những dạng tượng người chim chùa Phật Tích, chùa Long Đọi, phù điêu nữ thần đầu người mình chim và trên cấu kiện gỗ.

H14. Nữ thần đầu người mình chim chạm trên cốn gỗ chùa Thái Lạc.

Tiên nữ (apsara)

Cũng giống như nhạc công thiên thần và nữ thần mình người đầu chim, tiên nữ xuất hiện từ thời Lý đến Mạc, và ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo của người Chăm. Ba nhân vật này kết hợp lại thành các nhân vật thần thoại chuyên lo việc ca múa, âm nhạc chào mừng Đức Phật.

Tiên nữ múa hát dâng hoa xuất hiện gắn liền với các sự kiện trong cuộc đời của đức Phật như đức Phật đản sinh, đắc đạo, nhập Niết Bàn... Ðiêu khắc hình tiên nữ thường thấy trên đá và cấu kiện gỗ.

H15. Tiên nữ cưỡi phượng chùa Thái Lạc

Chim thần Garuđa 

Chim thần Garuđa là vua của các loài chim trong thần thoại Ấn Độ, là hình tượng của Ấn Ðộ giáo sử dụng trong văn hoá Chăm. Trong kiến trúc truyền thống, các di vật hiện còn đến nay là các di vật trang trí trong kiến trúc Phật giáo từ thời Lý đến Mạc. 

Hình tượng chim thần Garuđa tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần và lòng ngưỡng vọng chân lý . Thường gặp ở tư thế nâng đỡ góc đền tháp và bệ tượng và chạm khắc trên các cấu kiện đá và gỗ.

H16. Chim thần bệ tượng chùa Bối Khê

Bánh xe pháp luân 

Trong kiến trúc truyền thống, hình bánh xe Pháp luân được sử dụng trong thời Nguyễn đến nay.

Bánh xe Pháp luân là biểu tượng cho chánh pháp, cho sự giác ngộ của Ðức Phật và lần thuyết pháp đầu tiên của ngài. Hình bánh xe Pháp luân được sử dụng nhiều nơi, trên mái các công trình, trên đầu đao...

H17. Bánh xe Pháp luân trang trí trên đầu đao viện đại học Vạn Hạnh.

Hồi văn chữ Vạn, chữ công

Hồi văn phổ biến trong trang trí thời Nguyễn.

Hồi văn hay còn gọi là hoa văn hình học dạng chữ Hán viết theo lối triện hoặc thậm chí là những hình tượng khác được sắp xếp theo một dải liên hoàn. Thường thấy trên bờ nóc mái, diềm bia, chạm trổ cửa…

H18. Chữ Vạn cách điệu cửa chùa Nành - Gia Lâm

Chữ Thọ, Hỉ

Chữ Thọ, Hỷ được sử dụng trang trí nhiều trong các công trình kiến trức từ thời Nguyễn.

Thường sử dụng là họa tiết chủ đạo trang trí cửa sổ , trang trí cửa đi cách điệu, kết hợp với ngũ Phúc, hoặc hình rồng ngậm, vờn hay chầu chữ Thọ …

H19. Cổng chùa Hưng Ký - Chữ Thọ cách điệu.

Con người

Hình ảnh con người xuất hiện trên các di vật từ thời văn hóa cổ xưa (được lưu giữ trên mặt trống đồng Đông Sơn). Trong trang trí kiến trúc truyền thống không thể không kể đến hình tượng con người. Không chỉ xuất hiện trong chạm khắc các đình đền miếu - các công trình mang đậm tính dân gian mà hình tượng con người còn xuất hiện trong kiến trúc Phật giáo, tuy rằng không phổ biến.

Sớm nhất được thấy ở một vài di vật thời Trần và thời Mạc.

Có thể gặp hình tượng con người ở các cấu kiện gỗ, người đỡ toà sen chùa Dương Liễu thời Mạc, vua đỡ bệ tượng Phật chùa Hoè Nhai…

H20. Chạm người chùa Thái Lạc.

2. Các đề tài trang trí phức hợp

Trong trang trí kiến trúc truyền thống, ngoài các đề tài trang trí đơn lẻ, chúng ta thường gặp nhiều đề tài phức tạp hơn, được nối kết với nhau thành một mô típ hoàn chỉnh, thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau. Thường gặp nhất là các mẫu trang trí mang tính cung đình và tôn giáo như tứ linh (long, lân, quy, phượng), bát vật (tám con vật), bát bảo (tám vật quý), bát quả (tám loại trái cây), tứ quý (bốn mùa) và các câu chuyện gắn liền với đạo Phật…

Tứ linh

Long, lân, quy, phượng như phần trên đã nói được kết hợp với nhau trong một đồ án gọi là tứ linh. Rồng tượng trưng cho uy quyền và tâm linh, mang mong ước mưa thuận gió hòa của một nền nông nghiệp lúa nước. Lân hiền hòa, biểu tượng cho sự mong ước thái bình. Rùa biểu trưng cho sự trường tồn của Phật giáo và bền vững xã tắc. Phượng tượng trưng cho tầng lớp trên và cái đẹp quý phái nữ tính. Không chỉ đứng đơn lẻ, các con vật này đã cùng được các nghệ nhân thể hiện dưới những bức cốn chạm khắc, quấn quanh cột một cách tinh tế và sinh động. Bộ đồ án Tứ linh được sử dụng rất nhiều vào cuối Lê cho đến thời Nguyễn với ý nghĩa lớn nhất là tượng trưng cho quyền lực và vương quyền. 

H21.Trang trí Tứ linh trên 1 bức cốn gỗ

Bát vật

Tứ linh (Long, lân, quy, phượng) kết hợp với ngư (cá), bức (dơi), hạc, hổ gọi chung là bát vật. Cá gắn với truyền thuyết về cá hóa rồng biểu hiện cho sự thành đạt, giàu sang, xã hội phồn vinh. Con dơi (bức) đồng âm với chữ “phúc” nên được coi là biểu tượng của phúc đức. Chim hạc là loài chim thanh cao, thường là vật cưỡi và gắn liền với hình ảnh các vị tiên. Con hổ tượng trưng cho sức mạnh vương quyền. Bát vật thường ít gặp trang trí cùng nhau trên các cấu kiện kiến trúc truyền thống.

H22. Trang trí tứ linh có kết hợp cá, hổ trong bát vật.

Con rồng trong các đồ án trang trí phức hợp

Hình tượng con rồng được sử dụng nhiều nhất và dưới nhiều dạng đề tài trang trí khác nhau liên quan đến vương quyền, thần quyền, như lưỡng long triều nhật, lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long tranh châu, long hàm thọ, long phượng tranh châu, lưỡng long chầu hổ phù đội bầu rượu, cá hóa rồng. Bài viết xin giới thiệu một vài mô típ trang trí điển hình.

+ Đề tài Long chầu

Lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu về mặt trời), lưỡng long tranh châu (hai con rồng tranh viên ngọc), lưỡng long triều nguyệt (hai con rồng chầu về mặt trăng)... được sử dụng và phát triển từ thời Nguyễn về sau này, đặc biệt thường gặp trên các bờ nóc công trình. 

Rồng chầu hoa cúc, hoa hướng dương đều là các dạng của lưỡng long triều nhật. Mỗi thời kỳ, biểu tượng về mặt trời có khác nhau như vòng tròn, chữ Phật, quầng lửa bao quanh… lưỡng long triều nhật luôn mang một ý nghĩa là ngọn lửa thiêng bảo vệ sự an lành nơi linh thiêng khỏi mọi sự xâm nhập của tà ma. Ngoài ra, các dạng long triều nhật nguyệt đều mang ý nghĩa cầu trời mưa, mong ước mùa màng bội thu. Còn lưỡng long tranh châu thì dựa theo tích cũ bên Trung Quốc biểu trưng cho sự tranh đấu.

Thời Nguyễn, có thể nhận thấy sự khác nhau giữa các đề tài trang trí này như sau, mặt trời thường có quầng lửa, tranh châu thường hai con rồng ở tư thế tranh đấu, chầu mặt trăng thì hai con rồng ở tư thế bình ổn và phục tùng.

H23. Mô típ lưỡng long triều nhật trên bờ nóc.

+ Đề tài Hóa Long

Các đề tài hóa rồng được ưa thích nhất là “ngư hóa long”, cây lá hóa long. Các đề tài khác như mã hóa long (rồng do ngựa biến thành), tượng hóa long (rồng do voi biến thành) ít gặp hơn.

Cá hóa rồng: thường gặp thời Nho học thịnh đạt, thời Nguyễn. Trong điêu khắc, hình “cá hóa rồng” xuất hiện sớm nhất trong một số chùa cuối thời Trần. Truyền thuyết cá vượt Vũ Môn hóa rồng rất phổ biến trong dân gian. Hình ảnh này gợi nhớ đến sự đỗ đạt trong các kỳ thi và được Vua phong chức tước. Ðây là một minh chứng cho việc ảnh hưởng sâu sắc của trang trí đề tài Nho học vào Phật giáo. 

H24. Cá hóa long bằng gốm thường gặp ở đình chùa miền Nam.

Trúc hóa long, cúc hóa long, thông hóa long: đây là các hình thức phổ biến của dạng cây lá hóa rồng. Thường được chạm nổi ở các ô hộc gỗ trang trí thời Nguyễn. 

H25. Mô típ cây hóa rồng

+ Đề tài Ngư long hí thủy, rồng vờn mây, giỡn sóng

Ngư long hí thủy (rồng và cá chép vờn nhau trong sóng nước). Đây là mô típ trang trí khá phổ biến trong trang trí đình chùa Bắc Bộ. Cảnh rồng bay trong mây, hay giỡn sóng mang ý nghĩa là dù ở hoàn cảnh nào (rồng có ở biển sâu sóng cả hay vẫy vùng trên trời cao), có hiển đạt hay không đều nên thi thố chí mình.

H26. Trang trí ngư long hí thủy trên cốn 

+ Phúc khánh, Phúc thọ, Ngũ phúc

Các trang trí có hình dơi phổ biến từ thời Nguyễn. Chữ bức (con dơi) đọc gần giống chữ phúc, nên người xưa lấy biểu tượng con dơi tượng trưng cho sự phúc đức. Hình con dơi ngậm chiếc khánh có tua có nghĩa là hạnh phúc và sung sướng. Hình con dơi kết hợp với chữ thọ biểu tượng cho sự hạnh phúc và trường thọ. Năm con dơi trên một bức chạm, tượng trưng cho sự chúc tụng đầy đủ nhất về hạnh phúc. Ngũ phúc gồm: Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh. Ngũ phúc hàm thọ (5 con dơi ngậm chữ thọ) tượng trưng cho hạnh phúc và trường thọ. 

H27. Trang trí ngũ phúc trên cánh cửa

(còn tiếp)

[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.46, 2006]