Đặc Trưng của Kinh Điển Đại Thừa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Về vấn đề “đại thừa Phật thuyết/ phi Phật thuyết”, ở đây chúng ta có hai điểm cần xác nhận. Đó là, “mối quan hệ giữa chân lý và ngôn từ”, và, “thế nào thì gọi là Phật thuyết”. Và cả hai điều này có mối quan hệ hỗ tương mật thiết với nhau.


Điều có lẽ ai cũng biết, tôn giáo mà ta gọi là Phật giáo đã xuất hiện ở xã hội Ấn Độ cổ đại khoảng thế kỷ thứ 5 trước tây lịch, một con người lịch sử là thái tử Gautama Siddhārtha dòng họ Thích-ca, sau khi tu hành đã chứng được quả vị Vô thượng bồ-đề hay Niết-bàn, tức là khai mở ra sự thể nghiệm chân lý cá nhân và tự nội. Thái tử Siddhārtha người đã chứng niết-bàn và đã thành buddha được gọi là Thích tôn, với ý nghĩa là bậc giác giả xuất thân từ dòng họ Thích. Đối với những tôn giáo có đấng khai sáng thì những vị khai sáng rất chi là đa biện. Họ chủ trương rằng “tự mình đã giác ngộ chân lý” hay “thần đã khải thị chân lý cho họ” v.v... vốn để truyền với người khác cái chân lý mà chính bản thân họ đã đạt được. Nguồn gốc hành động của những vị này thì nhiều; nào là lòng từ bi muốn cứu mọi người thoát khỏi khổ đau, hay đó là mệnh lệnh của thần đã khải thị chân lý. Dù với trường hợp nào thì cũng có chung một đại tiền đề, đó là lý giải rằng “chân lý mà mình chứng ngộ được là cái có khả năng truyền đạt cho người khác bằng ngôn từ”.

Tuy nhiên với trường hợp Phật giáo thì khác. Niết-bàn mà đức Thích tôn đã đạt được, dù gì thì cũng là chân lý thể nghiệm một cách tự nội và cá nhân, điều đó không thể truyền đạt cho người khác bằng ngôn từ được. Tức là, ngài đã tự giác và phản tỉnh một cách căn bản về mối quan hệ của chân lý thể nghiệm và ngôn từ. Phật giáo đã được thành lập với những yếu tố như thế, và đây cũng là điểm đặc sắc lớn của Phật giáo mà không thể tìm thấy nơi các tôn giáo khác.
Vốn dĩ, việc “có thể truyền đạt ý nghĩ nội dung gì đó bằng ngôn từ” thì, giữa người truyền và người được truyền, bắt buộc phải có “mối quan hệ giữa ngôn từ và ý nghĩa nội dung mà nó diễn đạt”. Ví dụ, việc có thể hội thoại bằng tiếng Đức thì giữa những người nói chuyện với nhau bắt buộc phải có chung tri thức về tiếng Đức. Đối với người không biết tiếng Đức thì có lẽ cuộc hội thoại ấy chỉ là “một loạt những âm thanh không biết ý nghĩa là gì”. Người ấy cũng có thể sẽ phiền muộn vì không hiểu gì cả, hay là vị ấy đã cố gắng hiểu nhưng rốt cuộc là hiểu sai. Cũng giống như thế, đối với người không thể nghiệm về “sự chứng ngộ, niết-bàn, vô thượng bồ-đề” thì cũng không thể dùng ngôn từ để diễn đạt những điều đó là gì được. Ngược lại, để không làm phiền họ thì không nên cố gắng truyền đạt. Vì cái có thể truyền đạt nội dung ý nghĩa bằng ngôn từ là cái chỉ giới hạn giữa những người có chung sự thể nghiệm. Tuy nhiên, đương thời, ngoài đức Thích Tôn ra thì trong thế gian không có ai là bậc giác giả cả. Do đó, đức Thích Tôn đã phải im lặng về sự thể nghiệm chứng ngộ của mình. Việc đức Thích Tôn đã giữ im lặng một thời gian sau khi ngài chứng quả là vì ngài nhận biết một cách sâu sắc về mối quan hệ giữa chân lý thể nghiệm và ngôn từ như thế.

Nếu đức Thích Tôn cứ giữ im lặng như thế thì có lẽ đã không có sự đản sinh của Phật giáo trên cõi đời này. Không những thế, sẽ không ai vào đời sau này biết có sự tồn tại của ngài trong cõi đời này cũng như việc ngài là đấng Phật-đà, tức là ngài đã không là một thành phần lịch sử, và chắc chắn đã biến mất vĩnh viễn trong cõi đời này. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Ngày nay Phật giáo vẫn được tín phụng, được thực hành trên thế giới, và sự tôn sùng đối với đức Thích Tôn vẫn tồn tục chưa bao giờ chấm dứt. Nói cách khác, đức Thích Tôn đã từ bỏ sự im lặng và đã thuyết pháp.

Đức Thích Tôn đã do dự việc thuyết pháp và im lặng trong một thời gian, sau thời gian do dự rằng liệu làm như thế này là tốt hay không, cuối cùng ngài đã quyết định thuyết pháp. Văn học Phật truyện đã mô tả sự do dự này của đức Thích Tôn bằng câu chuyện “Phạm thiên thỉnh vấn”. Sau khi quyết định thuyết pháp, ngài đã tính thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 vị sa môn đã từng tu hành chung với mình, nên ngài hướng về Lộc Dã Uyển ở ngoại thành Baranasi nơi 5 vị này đang sống.

Tuy nhiên, nói là ngài đã quyết định thuyết pháp, thế nhưng, đức Thích tôn lại không có phương tiện gì để truyền dạy chân lý cả. Tức là vẫn cứ là bất khả năng. Thế thì lần đầu tiên chuyển pháp luân đức Thích tôn đã nói gì? như chúng ta đều biết, nội dung của lần sơ chuyển pháp luân là giáo lý tứ thánh đế. Nếu giải thích từ này là “4 chân lý” thì bản chất của giáo lý tứ đế và bản chất giáo thuyết trong Phật giáo sẽ bị hiểu nhầm. Như ý nghĩa của từ satya, nguyên ngữ của “đế” biểu hiện, tứ thánh đế phải được hiểu là “4 sự thật”. Đó là khổ (khổ là sự thật), tập (sự thật về nguyên nhân của khổ), diệt (sự thật về việc chấm dứt khổ), đạo (sự thật về phương pháp dẫn đến việc chấm dứt khổ). Với giáo lý tứ thánh đế này thì ngài chỉ nói đến (1)sự nhận thức hiện thực, (2)sự truy cứu nguyên nhân [của hiện thực đó], (3)về khả năng tánh trong tương lai, và (4)phương pháp dẫn đến điều đó. Ngài tuyệt nhiên không nói đến cảnh địa niết-bàn hay chân lý cứu cánh. Càng về sau, chân lý cứu cánh tức pháp niết-bàn vô thượng bồ-đề vốn cần phải chứng đắc được triển khai là “thắng nghĩa đế, chân lý, đệ nhất nghĩa đế”, còn giáo thuyết là “tục đế, thế tục đế”, tức là giáo lý nhị đế. Trong giáo lý nhị đế này cũng tái xác nhận rằng ngôn từ hoàn toàn không thể là chân lý cứu cực. Đây cũng là điều cần chú ý.

Trong Phật giáo, ngôn từ không thể là chân lý theo ý nghĩa đích thực của nó. Điều này là điểm khác biệt vô cùng lớn giữa thánh điển Phật giáo và thánh điển của các tôn giáo được khải thị như Islam, Ki-tô, Do Thái v.v.... Những tôn giáo dựa vào sự khải thị của một đấng sáng tạo chủ duy nhất thì, vì thánh điển là lời của đấng sáng tạo chủ, nên thánh điển đã được xem như là chính chân lý tuyệt đối. Chúng ta có thể thấy trong thánh điển Ki-tô giáo, tức Thánh Thư Tân Ước ghi: “trước tiên có ngôn từ, ngôn từ là đồng nhất với thần linh, ngôn từ là thần linh” (「ヨハネによる福音書」(*Phúc Âm Gioan 1.1)), là điển hình cho điều này. Ngôn từ của thánh điển trong những tôn giáo được khải thị là lời của đấng sáng tạo chủ, là chân lý cứu cực. Và ở đó, việc pha lẫn lời được trước thuật bởi con người là điều tuyệt đối không thể tha thứ. Nền học vấn văn bản học cung cấp phương pháp luận cơ bản cho ngành Phật giáo học ngày nay là cái được sanh ra từ sự nhiệt tâm phế bỏ nguỵ điển, truy tìm tân ước thánh thư là cái gì của tín đồ Ki-tô giáo. Điều này đã là sự thật được biết đến từ trước đến nay.

Trong khi đó, trong Phật giáo thì ngôn từ của đức Phật không thể đồng nhất với cứu cực chân lý niết-bàn, hay vô thượng bồ-đề được. Chân lý là cái mà mỗi người đều phải tự mình chứng ngộ và tự mình thể nghiệm lấy, đối với người không thể thể nghiệm sự giác ngộ thì cho dù dùng ngôn từ để truyền đạt sự giác ngộ ấy thế nào, cũng là điều không thể. Ngôn từ của đức Phật trong Phật giáo không phải là chân lý, mà chỉ là công cụ để chỉ ra con đường đạt đến chân lý. Điều được xem là quan trọng nhất trong Phật giáo là không cần phải bàn, đó là việc chứng đắc niết-bàn bồ-đề vô thượng và trở thành buddha. Trong đó, ý nghĩa của ngôn từ hay giáo thuyết của buddha không thể là ý nghĩa của chân lý về mặt tuyệt đối hay mục tiêu tối chung được. Tuy nhiên, cho dù niết-bàn, tối chung mục đích địa là quan trọng đi chăng nữa mà nếu không chỉ ra con đường đến đó, thì cho dù đi đến bao giờ, cũng không thể đạt đến mục đích địa. Mục đích địa càng quan trọng thì tính trọng yếu của con đường đi đến đó càng lớn. Ngôn từ của Buddha trong Phật giáo là để dẫn dắt chúng sanh đến niết-bàn vô thượng bồ-đề, là thứ hoàn toàn không thể thiếu, là phương tiện vô cùng quan trọng. Giáo thuyết, ngôn từ được đức Phật nói ra như là phương tiện để dẫn dắt chúng sanh này được gọi là upāya. Chữ upāya: phương tiện cũng có khi được hiểu là phương pháp tiện ích để dẫn dắt chúng sanh bằng lời dạy chân thật, nhưng vốn dĩ, giáo thuyết/ngôn từ được đức Phật nói ra, tất cả đó chỉ là phương tiện, chân lý đích thực chỉ có trong sự thể nghiệm chứng ngộ mà thôi.

Vì trong những tôn giáo khải thị, có công thức lý giải là “thánh điển = lời của thần linh = chân lý”, nên những giáo thuyết được thánh điển ghi cũng chính là chân lý, việc con người ghi thêm vào là điều tuyệt đối không thể tha thứ. Còn trong Phật giáo thì vì có công thức lý giải là “kinh điển = lời của đức Phật = phương tiện chân thật đưa chúng sanh đến chân lý”, nên nếu là phương tiện đưa chúng sanh đến chân lý thì cho dù điều đó là do ai thuật đi chăng nữa, nếu đã được chấp nhận thì được xem như là “kinh điển”. Ngày nay chúng ta đều thừa nhận rằng không chỉ kinh điển đại thừa mà cả kinh phi đại thừa là A-hàm, hay Nikāya, cho đến luật, tất cả giáo điển của Phật giáo hiện còn ngày nay vốn không phải Phật mà Phật giáo đồ thuật lại sau khi đức Thích Tôn diệt độ(1). Cho dù Sutta-nipāta được xem là phần cổ nhất đi chăng nữa thì cũng không thể bảo chứng rằng đó đích thực là lời của đức Thích Tôn. Chỉ có một điều đó là, những Phật điển ấy là phương tiện chân thật đưa chúng sanh đến chân lý được thừa nhận trong Phật giáo đồ.
Mối quan hệ giữa ngôn từ và chân lý trong Phật giáo là hoàn toàn khác với trong những tôn giáo được khải thị. Trong Phật giáo, tất cả những lời dạy chân thật đưa chúng sanh đến chân lý đều được xem như lời Phật và việc biên tập kinh điển là điều được công nhận. Những ai chỉ vì kinh điển đại thừa xuất hiện sau mà đề xướng “đại thừa phi Phật thuyết” thì nên biết đặc trưng căn bản này của Phật giáo.


“Nếu là lời dạy chân thật đưa chúng sanh vào chân lý thì lời dạy đó là lời của đức Thích Tôn” (Anguttara Nikāya quyển 4, 163).

 

(TN. Thanh Trì trích dịch từ 仏教の事典 (Encyclopedia of Buddhism), do SUEKI Fumihiko 末木 文美士, SHIMODA Masahiro 下田 正弘, HORIUCHI Shinji 堀内 伸二 biên, Asakura Shoten 朝倉書店 xuất bản năm 2014. Phần bài viết của 鈴木隆泰 SUZUKI Takayasu, trang 22−25)

(1) Ý nói những lần kết tập đều là sau khi Thích Tôn bát-niết-bàn (người dịch).