Tìm hiểu về tục kỵ húy của người Việt

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tục kỵ húy là một nét văn hóa phổ quát trong phong tục tập quán của dân tộc Việt (HC)

Ngôn ngữ là vỏ âm chứa đựng nội dung thông tin, văn hóa và kinh nghiệm của một dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác nên nó mang tính xã hội và là nhân tố quan trọng phản ánh một nền văn hóa, phong tục tập quán, tư duy triết lý, lối sống, tín ngưỡng… của một dân tộc. Nói cách khác, ngôn ngữ ảnh hưởng đến tư duy, cách nhìn nhận thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng người cùng nói một thứ tiếng hay có cùng gốc ngôn ngữ. Cho nên, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng một phần được thể hiện qua ngôn ngữ của họ. Bởi vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng hai phạm trù ngôn ngữ và văn hóa của một dân tộc luôn có mối tương quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau.

Trong hệ thống tương quan ấy, chúng ta chiết trung ra một nét văn hóa đặc thù đó là “tục kỵ húy” để mổ xẻ và phân tích.

Cổ nhân có câu: “nhập môn vấn húy”, đó chính là phép xã giao đầu tiên. Người xưa trước khi đến thăm một gia đình thì thường tìm hiểu tên húy của người lớn trong gia đình đó để tránh tên húy gia tiên người ta trong khi nói chuyện hoặc xướng họa thơ từ. Đã gọi là “húy” đồng nghĩa với “kỵ”, tức là kiêng kỵ. Ngày giỗ còn gọi là húy nhật hay kỵ nhật. Tên húy là tên chính nhưng lại là tên kiêng nói đến, nếu phạm phải điều này thì cũng có nghĩa là xúc phạm. Tuy nhiên, người lớn có thể gọi con cháu bằng tên húy. Ngoài ra, trong ngôn ngữ thông thường có sự trùng âm nên phải nói tránh đi, nếu không sẽ bị xem là vô phép.

Ngày nay, phong tục này không còn ảnh hưởng nhiều trong thế hệ trẻ. Song ở các vùng nông thôn thì tục này vẫn còn ảnh hưởng, nhất là người lớn tuổi và thông thường họ vẫn hay gọi nhau bằng tên con trưởng hoặc tên cháu đích tôn.

Đứng trên quan niệm nền văn hóa cổ thì Việt Nam là cư dân nông nghiệp lúa nước, nền kinh tế gần như phụ thuộc vào sự ưu đãi của thiên nhiên. Mỗi khi gieo trồng, người ta thường trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm… để mong gặt được chút gì no ấm. Nhưng sự trông đợi ấy lắm khi “ông giời” cũng không thấu hiểu nên đã để thiên tai giáng xuống làm họ phải chịu nhiều mất mát. Mặt khác, đặc tính mưu cầu hạnh phúc trong quá trình sinh tồn là bản chất vốn có của con người. Do vậy, cùng với bản chất tôn giáo tín ngưỡng và ý thức tôn thờ đa thần giáo cùng với tâm lý sợ hãi ma quỷ đã phát khởi trong tư duy làm tiền đề cho tâm lý cầu thần linh ban phúc, né trách sự dòm ngó của ma quỷ đã sinh ra tâm thức kỵ húy trong con người cũng là điều dễ hiểu thôi. Như thế, phải chăng tục kỵ húy cũng là nét văn hóa được sinh ra từ những ý niệm này. Vì sao? Vì tục kỵ húy tức là tục kiêng gọi tên người bởi họ quan niệm cái tên đi kèm sẽ luôn gắn chặt với con người. Nói cách khác, cái tên là một bộ phận đại diện cho con người, đại diện cho tiểu ngã phân biệt với mọi sự vật hiện tượng khác. Đụng đến cái tên, cũng có nghĩa là đụng đến con người đó. Vào thời nguyên thủy con người đã đồng nhất tên gọi với người đó, cho nên nếu biết tên của một người thì có thể chi phối, chế ngự được họ và tất nhiên cũng có thể giúp cho họ tốt hơn hay hại họ đến chết.

Đứng trên quan niệm lịch sử, chúng ta thấy từ rất xưa tục kỵ húy đã có ảnh hưởng nhất định đến đời sống con người, nhưng người viết không có tư liệu chính xác để nói về niên đại khởi nguyên của nó nên chỉ dẫn ra đây vài tư liệu lịch sử cận đại để minh chứng tục này.

“Sau khi Lê Nghi Dân bị các tướng lãnh đảo chánh và lật đổ năm 1460, Lê Thánh Tông (trị vì 1460 -1497) được sử sách đánh giá là một minh quân, nhưng lại đi vào vết xe của nhà Trần. Vừa cầm quyền được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ húy của Cung Từ hoàng thái hậu. Bà này tên húy là Phạm Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lội Dương (Thanh Hóa), vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông. Nhà vua cho rằng bà nội của mình tên Trần nên yết thị cho dân chúng khắp nước, nơi nào có họ “Trần” đều phải đổi chép thành chữ “Trình.”[1]

Theo sử liệu này thì tại sao Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và cho đến Lê Nhân Tông không kỵ húy bà Cung Từ mà vua Lê Thánh Tông lại kỵ húy? Phải chăng sau một loạt những biến động triều chính từ khi Lê Thái Tông chết (1442), và Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân lật đổ (1459) thì vua Lê Thánh Tông đã dùng cách kỵ húy như Trần Thủ Độ trước đây, để tách ảnh hưởng của họ Trần trong ý thức tôn thờ minh chủ còn tồn lại trong con cháu họ Trần, đang nuôi dưỡng mộng phục hồi triều đại cũ. Như vậy, trên phương diện chính trị xã hội thì tục kỵ húy như là một phương pháp làm tăng lên sự tôn kính và tiêu diệt ý thức phản loạn.

Đến đời vua Minh Mạng (năm 1832) thì tục này được đẩy mạnh nên có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt ngôn ngữ toàn dân. Tên của vị quan nào kém phẩm trật hơn hay trùng tên sẽ phải đổi tên; nếu không đổi thì cũng phải bớt đi tên đệm, hoặc bớt nét chữ, hoặc đổi ra tên đồng âm khác chữ, khác nghĩa. Ở cấp làng xã, gia tộc cũng phải kiêng gọi tên những Thành hoàng làng, chức sắc, khoa bảng. Nhưng tục này không được tuân thủ thống nhất mà “Có thể nói, chữ kiêng húy là một thứ “vân tay” của niên đại văn bản Hán Nôm, một thứ chìa khóa để giải mã và nhận dạng loại văn bản này. Mỗi một triều đại phong kiến lại có một lệ kiêng húy chữ nhất định. Theo đó, có những chữ hoàn toàn không được dùng, một số chữ khác tuy vẫn được nhưng phải viết chệch sang chữ khác hoặc viết khác với hình dạng chữ nguyên.”

Còn trong văn bản Thiên Tải Nhàn Đàm, có chữ “Lan” bị kiêng nhiều nhất. Bởi đó là tên húy của Huy gia Từ phi Nguyễn Thị Lan, tức mẹ cả của vua Gia Long. Ở trang 9 ta thấy chữ “lan” đáng lẽ phải có bộ thảo ở trên, nhưng ở đây không có bộ thảo mà lại đổi thành bộ mộc ở phía trước. Các chữ “lan” khác trong bài, không chữ nào được viết đúng như chữ nguyên mà thường viết chệch đi bằng cách không viết nét chấm phía trên, bên trái, mà viết liền vai...

Có một điều rất lạ là chúng ta thấy ý thức kiêng gọi tên người để tránh rước họa vào thân do khế ước xã hội mang lại hoặc bị loài ma quỷ, những người có bùa phép khống chế hãm hại, nhưng với người chết thì lại được con cháu khấn thưa rõ ràng. Như thế thì việc xưng tên ở đây lại mang ý nghĩa giúp cho tổ tiên nhận ra con cháu để gia hộ cho được bình an.

Tìm hiểu về tục bốc bùa của người Dao ở Việt Nam, chúng ta thấy tục này cho rằng muốn trở thành một người có pháp thuật cao, thành thạo việc cúng, khấn vái và người đó phải có khả năng ngồi liên tục 24 giờ trở lên thì biết nói chuyện với thế giới ma quỷ. Người có khả năng ngồi khấn liên tục trong 72 giờ thì đó là thầy pháp biết kêu mưa, gọi gió. Nếu thầy pháp có thể ngồi liên tục trong 168 tiếng thì vị ấy có thể bắt người sống hoặc chết theo ý họ. Do đó, tục kỵ húy ở đây được người dân giữ gìn rất chu đáo.

Ngoài ra, còn có nhiều phong tục của các bộ lạc mà khi ra trận người ta tuyệt đối giữ bí mật tên gọi. Nhiều bộ tộc ở Ấn Độ, chỉ có những người đứng đầu làng có quyền đặt tên tộc cho một đứa bé và giữ bí mật tên đó. Từ việc giữ bí mật tên gọi như thế nên mới xuất hiện các trường hợp phải đọc chệch âm tên thật đi và có người còn có hai tên: tên giao tiếp và tên tục. Có trường hợp phải đọc chệch âm như bộ lạc Xelebes tuân thủ nghiêm ngặt việc gọi tên bố vợ, nếu tên bố vợ là Kalala. Vì Kawalo cũng có thể hiểu là con ngựa cái, cho nên người ta không gọi con ngựa cái mà gọi là “con vật để phi” (Sasa Kajan).

Tục kỵ húy có ảnh hưởng mạnh đến danh xưng trong Phật giáo. Danh xưng quí Ngài thường dùng theo địa danh cư trú hoặc dùng lối nêu lên chữ trên và dưới (thượng mỗ hạ mỗ). Ví dụ: Thầy tôi tên Thượng Tâm Hạ Nguyên (thầy Tâm Nguyên), ở chùa Liên Trì (thầy Liên Trì) tại núi Phiếu Nhiễu (ngài Phiếu Nhiễu)… Ngoài ra danh xưng còn tùy vào chức năng sử dụng nên mới có pháp danh, pháp tự, pháp hiệu, bút danh… Đây là đặc điểm mà các nhà sử học gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tra cứu, vì một người mà có đến gần chục danh xưng.

Tuy tục kỵ húy có nhiều quan niệm, nhưng chung quy thì chỉ có hai quan niệm chính: một là tránh hậu quả xấu do thế lực vô hình nào đó làm hại nên phải đặt tên “cúng cơm” hay một cái tên nào xấu đi để ma quỷ chê và không bắt đi; hai là vì lòng tôn kính hay để tránh phạm vào những tập quán lâu đời nên phải làm cho chệch âm đi.

Nói chung, tục kỵ húy là một nét văn hóa phổ quát trong phong tục tập quán của dân tộc Việt và của nhiều tộc người trên thế giới. Nó có ý nghĩa rất lớn trong sinh hoạt ngôn ngữ, tư duy,… Nó ghi dấu lên tâm thức của những tộc người và đặc biệt qua đó, chúng ta có thể nhận thấy những giá trị văn hóa riêng của từng dân tộc. Như thế, tập tục kỵ húy có thể nói là một nét văn hóa đặc thù, không những xuất hiện trong kho tàng văn hóa dân gian, trong ý thức tôn giáo, trong cách ứng xử hằng ngày mà ngay cả trong lịch sử chữ viết nữa.

Chú thích:
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, gọi tắt là Cương mục, bản dịch của Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr 1013.
[2] Thiên tải nhàn đàm của Đàm Nghĩa An qua lời xác nhận của PGS.TS Ngô Đức Thọ.

Huyền Châu
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.54, 2005]