Việc chăm sóc và giáo dục cũng như bảo vệ tuổi thơ không phải là dễ, đó luôn luôn là vấn đề ‘nóng hổi’ của người lớn chúng ta: Của cha mẹ đối với con trẻ, thầy cô giáo đối với học sinh của mình, anh chị huynh trưởng đối với các em đoàn sinh, và ngay cả quý thầy đối với các chú điệu của mình.(TM)
Kính thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Là huynh trưởng GĐPT, đối tượng giáo dục của chúng ta là các em Oanh Vũ, các em ngành Thiếu..., nói chung là tuổi trẻ. Có nhiều huynh trưởng có thể dạy và chơi với đoàn sinh ở mọi lứa tuổi, có huynh trưởng lại chỉ quen dạy và chơi với các em Oanh Vũ hay ngành Thiếu, có người lại chỉ quen và thích nói chuyện, tiếp xúc với ngành Thanh... Hôm nay, nhân trong mùa trăng trung thu, chúng ta thử tìm hiểu về tuổi thơ.
Tất cả chúng ta ai cũng đã từng là trẻ con nhưng khi nói về tuổi thơ, ai cũng đề cập đến như về một thế giới bí mật, xa lạ nào đó như chúng ta chưa bao giờ là một đứa con nít vậy!!☺☺!! Hình như đó là tâm lý chung của mọi người. Từ thuở xa xưa, trong đồng dao, ca dao Việt Nam đã có chuyện Chú Cuội với Hằng Nga rồi. Theo truyền thuyết đó, Cuội là một thiếu niên mới lớn, nhà nghèo nhưng không ham cơm áo, gạo tiền mà ham mơ mộng. Đi chăn trâu không lo chăm chú theo dõi trâu lại lo chạy theo những hình bóng của tiên nga với vũ khúc nghê thường làm say mê lòng người (mà chỉ có Cuội là có thể nghe và thấy được Hằng Nga và bầy tiên nữ chứ đâu có ai thấy được!) Kết quả là bỏ trâu ăn lúa của người ta, về nhà bị đánh đòn. Nhưng ai nói gì thì nói Cuội vẫn ‘giữ vững lập trường’ là thật có nghe khúc hát của tiên nữ, thật có thấy Hằng Nga và không có bài hát nào ở trần gian có thể so sánh được cũng như không có cô gái nào trong làng đẹp như nàng Hằng Nga mà Cuội đã ‘thấy’. Không biết cậu bé đã thấy thật hay chỉ thấy trong lúc mơ màng nhưng kết quả tai hại tiếp theo là Gái - vợ chưa cưới của Cuội mà gia đình đã hỏi cho - cũng cho rằng Cuội đã mắc bệnh tâm thần (nói theo ngôn ngữ mới) và từ bỏ Cuội. Phần Cuội, chàng trai đúng như đang sống trên mây, không buồn vì mọi người cho mình điên, bị đánh đòn, bị Gái bỏ, trái lại vẫn đi tìm bầy tiên nga, vẫn lắng nghe ‘tiếng hát Thiên Thai’ và một ngày kia chàng trai đã bỏ làng đi biền biệt. Người ta đồn rằng chàng đã lên cung trăng với cô Hằng...
Câu chuyện bịa đặt nhưng thật nên thơ, nói lên cái đặc tính của tuổi thơ - đó là sự nhạy bén với cái đẹp, sự mơ mộng đến những phương trời xa lạ nhưng hấp dẫn khác hẳn với cuộc sống thực tế đơn điệu hằng ngày. Tuổi thơ quả thật thiếu thực tế nhưng vô cùng can đảm, không biết e sợ mà trái lại ưa khám phá những vùng đất mới, khung trời mới... Chỉ có tuổi trẻ mới ‘nghe’ được những âm thanh tuyệt vời, mới ‘thấy’ được ‘thế giới thần tiên’. Thế giới ngày nay có phong phú hơn, có muôn màu muôn vẻ hơn là cũng nhờ những bàn tay và khối óc của tuổi trẻ: dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân... như chàng thanh niên Tất-đạt-đa năm xưa dám bỏ cuộc đời thường - dù đó là cuộc sống cao sang của một vị vương giả - để dấn thân vào một phương trời vô định với muôn vàn khó khăn, thử thách... tưởng chừng như không thể vượt qua. Chính vì Chàng cũng đã ‘nghe’ được tiếng gọi ‘bí mật’ của lòng từ bi, gọi là ‘bí mật’ vì đâu có ai nghe được; người ta chỉ nghe tiếng đàn hát, nói cười,... thường tình mà thôi. Cuối cùng, Chàng đã chiến thắng chính mình để đem lại đạo giải thoát cho nhân loại hôm nay.
Đó là một cách nhìn, một lối suy nghĩ, một cách nói biểu tượng của chúng ta về tuổi thơ. Chúng ta nói trẻ thơ sống trong thế giới thiên thần, chúng ta nói cuộc đời của trẻ con ‘mỗi trang là một bài thơ’... nhưng chúng ta phải thấy rằng thế giới ấy chỉ thần tiên trên mặt nổi; thực chất, thế giới ấy cũng đầy cạm bẫy, đầy cám dỗ nguy hiểm. Thật vậy, nếu trẻ con không được người lớn chăm sóc, giáo dục và bảo vệ thì nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Này nhé, các em đâu có biết lửa các em đốt từ một que diêm nhỏ xíu có thể gây nên hỏa hoạn? Các em đâu biết leo cây thì có thể bị té bể đầu gảy cổ. Các em đâu biết đi vào những chỗ cỏ rậm có thể bị rắn cắn; ăn trái cây bậy bạ có thể bị độc chết người; tự động bước xuống nước gặp chỗ sâu là chết đuối liền, v.v…
Nói tóm lại, tuổi thơ sống thường xuyên trong nguy hiểm đe dọa, đó là chưa nói đến những đe dọa do chính người lớn gây ra. Như có một bà mẹ bỏ quên con nhỏ trong xe đi công chuyện, khi ra xe thì em bé đã chết vì nóng và ngạt; hay có ông cha uống rượu say cũng bỏ quên con mình cả đêm trong xe, sáng ra khi người cha tỉnh rượu sực nhớ đi tìm con thì em bé đã chết cóng từ lâu!
Còn ‘người lớn’ thì sao? Chúng ta tự cho mình khôn ngoan, biết phân biệt điều gì nguy hiểm, điều gì không. Có thật thế hay không đây? - Thưa không! Chúng ta vẫn thường xuyên chơi những trò chơi nguy hiểm nhưng tự hào mình khôn ngoan, không coi những trò chơi này là dại dột. Thí dụ, như chiến tranh. Trò chơi này không nguy hiểm sao? Nhưng cả những bậc được tôn là Thánh nhân vẫn tán thành chiến tranh, cho đó là hành xử khôn ngoan để giải quyết những vấn đề khó giải quyết. Trẻ con không ý thức được những nguy hiểm rình rập quanh mình vì chưa nhận thức đầy đủ về thế giới quanh nó. Còn chúng ta, chúng ta đã biết rõ quy luật thiên nhiên và xã hội quanh ta chưa? Tất cả những công trình nghiên cứu về khoa học cũng như về nhân văn không có định luật nào là vĩnh cửu, định luật cũ được thay bằng những định luật mới, sai lầm trước được điều chỉnh bởi ‘sự thật’ sau; để rồi một thời gian sau sự thật này cũng ‘không còn thật’ nữa. Đúng như lời than thở của một nhà thơ nào đó: ‘Sự thật hôm nay không thật đến ngày mai’. Nói cách khác, ‘người lớn’ chúng ta cũng không biết gì nhiều về thế giới quanh mình, và do đó không ý thức hết được những nguy hiểm đang rình rập và vì vậy, những điều ta làm và tự cho là ‘đỉnh cao trí tuệ’ biết đâu lại là trò chơi nguy hiểm của trẻ thơ?
Tuy nhiên, trước mắt, bằng những hiểu biết kém cỏi của mình, chúng ta vẫn phải bảo vệ tuổi thơ bởi vì chúng ta là ‘người lớn.’ Muốn có ‘thiên đường tuổi ngọc’ thì phải có những thiên thần canh giữ thiên đường, thế giới trẻ thơ mới là thiên đường, còn không thế giới ấy sẽ là địa ngục. Mà thiên thần và ác quỷ là ai? Chúng lẫn lộn đấy, thưa các bạn! Bởi vì cả hai tồn tại ngay trong tâm mỗi người chúng ta. Cho nên, có những điều ta tưởng làm tốt cho trẻ nhỏ, hóa ra làm xấu. Trẻ con không phải là Bồ-tát; mà ngay cả Bồ-tát khi chưa giác ngộ vẫn còn những tham lam, ích kỷ, và nhiều tật xấu. Chúng ta chăm sóc các con em của chúng ta tránh bị ảnh hưởng của những thói hư, tật xấu của xã hội; nhưng bên cạnh đó còn những tật xấu bẩm sinh, đúng là ‘nội ma ngoại chướng’. Do vậy, việc chăm sóc và giáo dục cũng như bảo vệ tuổi thơ không phải là dễ, đó luôn luôn là vấn đề ‘nóng hổi’ của người lớn chúng ta: Của cha mẹ đối với con trẻ, thầy cô giáo đối với học sinh của mình, anh chị huynh trưởng đối với các em đoàn sinh, và ngay cả quý thầy đối với các chú điệu của mình.
Tâm Minh.
[Tập san Pháp Luân - số 6]