Có lẽ không ít các bạn trẻ quan niệm rằng đạo Phật chỉ dành cho những người lớn tuổi. Các bạn trẻ ấy nghĩ rằng những người lớn tuổi vì đã “gần đất xa trời” nên phải lo chuẩn bị tư lương cho cuộc hành trình sắp đến, còn tuổi trẻ thì cuộc đời còn dài, đâu cần phải quan tâm đến chuyện sống chết làm gì.
Thật ra, đó không phải chỉ là quan niệm của các bạn trẻ, mà ngay cả những người lớn tuổi cũng nghĩ như vậy. Nhưng nếu chúng ta bình tâm mà xét thì sự thật không hẳn đã thế. Bởi vì, chuyện sống chết không ai biết trước, cũng không ấn định cho một loại người ở một lớp tuổi nào nhất định. Trên thế gian này, mỗi ngày có biết bao nhiêu người trở về với cát bụi! Trong số những người ra đi ấy, có biết bao nhiêu người ở tuổi thanh xuân! Sống chết là lẽ vô thường, không hẹn cùng ai, không chọn lựa người và cũng không ai, trong số những phàm phu vì nghiệp thọ sanh, có quyền chọn lựa.
Hơn nữa, đạo Phật không phải chỉ biết lo cho mấy “bà già trầu” mà còn lo cho tất cả chúng sinh, trong đó có các bạn trẻ. Sự thật lịch sử tồn tại của đạo Phật trên hai mươi lăm thế kỷ nay đã chứng minh rằng: Nếu đạo Phật không thể đáp ứng được những nhu cầu sai biệt và đa dạng của những hạng người trong các giai tầng xã hội thì đạo Phật đã không thể tiếp tục được truyền bá cho đến ngày hôm nay. Trong số các giai tầng xã hội ấy tất nhiên có thành phần trí thức, có giới trẻ. Một sự kiện thú vị mà người viết có dịp đọc trên các báo chí hải ngoại, xin kể cho quý độc giả nghe. Đó là mấy năm gần đây, tại Hoa Kỳ, chính quyền đã mời chư Tăng thuộc nhiều sắc tộc, trong đó có chư Tăng Việt Nam, vào giảng Phật pháp và hướng dẫn việc tu tập thiền trong các nhà tù dành cho lớp tuổi thanh thiếu niên. Vì những vị chức sắc này nhận thức rằng các pháp môn tu tập nhằm thanh tịnh hóa thân tâm của đạo Phật sẽ giúp ích thật sự trong việc chuyển hóa những thanh thiếu niên đang bị khích động bởi cuồng tín, bạo lực và vị kỷ để gây nên tội ác. Phương thức ấy đã mang lại những thành tựu đáng kể, cho nên, chương trình này vẫn được tiếp tục thực hiện. Trong một bản tin vào cuối năm 2003, đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 đã được mời đến giảng Phật pháp tại trường Võ Bị West Point, miền đông Hoa Kỳ. Hiện tại, trong chương trình huấn luyện của trường này có thời khóa thực tập thiền cho tất cả các sĩ quan thụ huấn.
Trở lại thực tế, đối với giới trẻ, đạo Phật giúp ích được gì? Chiều kích của câu hỏi thì rất bao quát, cho nên, người viết xin được phép tự giới hạn câu trả lời của mình trong lãnh vực nhận thức mà thôi. Ở đây người viết xin đưa ra hai câu chuyện về ngài La-hầu-la và Thiện Tài Đồng Tử, rồi từ nơi hai câu chuyện này mà chúng ta tìm hiểu về phương cách đạo Phật giúp tuổi trẻ xây dựng nền tảng nhận thức của mình ra sao?
Chuyện kể rằng, một hôm đức Phật đến chỗ của Tôn giả La-hầu-la. Sau khi Tôn giả đem nước đến, đức Phật rửa chân xong rồi hỏi Tôn giả:
- Này La-hầu-la, nước này có thể dùng để uống được không?
- Bạch Thế Tôn, nước này vì rửa chân, đã dơ, nên không thể uống được.
Đức Phật dạy Tôn giả La-hầu-la:
- Này La-hầu-la, nước sạch thì dùng để uống và làm sạch các vật dơ khác, nhưng nước dơ thì không thể dùng được. Cũng vậy, người xuất gia như ông, nếu không biết tu tập theo Chánh pháp của Ta để gạn lọc trần cấu nhiễm ô nơi thân, miệng, ý, mà dong ruổi theo thức tâm vọng động để làm động cơ cho ba nghiệp tạo tác thì cũng như chậu nước dơ này, là hạng người bỏ đi, không dùng được trong hàng ngũ Tăng già.
Tôn giả La-hầu-la xuất gia ở tuổi bé thơ, mặc dù được gần gũi đức Thế Tôn, nhưng tánh khí tuổi trẻ vẫn còn, cho nên ít quan tâm đến việc tu tập, chỉ thích đùa nghịch vui chơi, có khi chọc phá cả những vị Tỳ-kheo Trưởng lão. Đức Phật vì vậy mà khuyên dạy Tôn giả.
Tuổi trẻ nào cũng vậy, bản tính hồn nhiên vui tươi, không thích bị ràng buộc trong khung thước, trong quy luật. Là tuổi mới bắt đầu biết nhận thức, biết nhìn, nghe và hiểu các pháp chung quanh, cho nên, tuổi trẻ thích những điều mới lạ, sáng tạo, mạo hiểm, năng động, có khi dễ trở thành bạo động. Là tuổi có rất ít kinh nghiệm đối với cuộc đời, không có nhiều từng trải đau thương, tủi nhục, thất bại để làm bài học trui luyện, cho nên, tuổi trẻ ít có lòng kiên nhẫn, chịu đựng, ít có quyết tâm và dũng lực để vượt qua những trở ngại. Nhưng, tuổi trẻ có được một tiềm năng vô tận mà đời người không phải dễ có lần thứ hai, đó là một tâm hồn trong sạch, một trí tuệ tươi sáng, một khả năng thu nhận kiến thức dồi dào. Tuy nhiên, tâm hồn đó, trí tuệ đó, khả năng đó nếu không biết cách hướng dẫn, chỉ dạy, phát triển và sử dụng thì cũng rất dễ bị hoen ố, bị bôi đen, và bị lợi dụng cho những mục tiêu xấu ác. Giống như chậu nước đã dùng để rửa chân, cho nên, nước bị dơ, không còn trong sạch để dùng vào việc khác. Tâm trí của tuổi trẻ mà bị dơ thì cuộc đời sẽ bị bỏ đi, không làm được điều gì hữu ích cho mình và người.
Tâm trí bị dơ như thế nào? Có nhiều môi trường mà tâm trí tuổi trẻ bị ô nhiễm. Ô nhiễm trong đời sống gia đình. Ô nhiễm ở học đường. Ô nhiễm giữa sinh hoạt xã hội. Và ô nhiễm vì mang thân phận của một chúng sinh.
Ở tuổi măng non, lúc đứa bé coi gia đình là thế giới duy nhất của nó. Cái gì nó cũng lệ thuộc, cũng bị ảnh hưởng bởi cha mẹ, anh em. Trong giai đoạn này, mỗi hành tác của người thân có thể là một ấn tượng rất sâu sắc in đậm trong tâm trí và từ đó có sức tác động, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với cả cuộc đời của đứa bé mà không ai hay. Những bảng thống kê về tình trạng hư hỏng của tuổi trẻ đã cho thấy rằng hầu hết những em bé bất hạnh này đều lớn lên trong các gia đình không hạnh phúc như cha mẹ thường xuyên gây gổ, bạo hành, tình trạng ly thân, ly dị giữa cha mẹ.
Học đường là nơi giáo dục của tuổi trẻ, nhưng học đường cũng là nơi làm ô nhiễm tâm trí để biến tuổi trẻ thành công cụ phục vụ cho những mưu đồ của các tổ chức cuồng tín, các chủ nghĩa, các ý thức hệ. Các nền giáo dục học đường thiên trọng vào việc nhồi sọ các giáo điều, tín điều; các quan điểm cuồng tín, cực đoan, bạo động sẽ là môi trường ô nhiễm trầm trọng nhất cho giới trẻ. Ngay cả nền giáo dục chỉ chú trọng đến kiến thức chuyên môn khoa bảng mà không quan tâm đến vấn đề đạo đức và phương thức làm người, cũng sẽ làm nhiễm ô tâm trí của các em. Thảm trạng mà học sinh đem súng vào trường rồi bắn giết bừa bãi đã và đang xảy ra tại Hoa Kỳ trong mấy năm gần đây là một hiện tượng báo động. Tại một số nước Hồi giáo ở Trung Đông và Phi châu, người ta mở trường học để đào tạo cho học sinh các tư tưởng chống lại văn minh Tây phương, đào tạo lớp người xả thân vì “đạo” trong những vụ khủng bố hoặc ôm bom tự sát mà chúng ta đã và đang chứng kiến mỗi ngày trên các hệ thống thông tin toàn cầu.
Xã hội là môi trường sinh hoạt của con người. Tuổi trẻ lớn lên, trưởng thành trong cái môi trường xã hội ấy. Môi trường xã hội vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến tuổi trẻ. Nếu môi trường xã hội bị ô nhiễm bởi những tệ nạn như tham nhũng, xì ke ma túy, rượu chè, cờ bạc, nhà thổ, sida, và những hiện tượng tiêu cực khác thì tuổi trẻ chính là nạn nhân bi thảm nhất. Với một môi trường xã hội ô nhiễm bởi các tệ nạn thì tâm trí của tuổi trẻ tất nhiên cũng bị ô nhiễm theo. Không những thế, tuổi trẻ chính là thành phần bị ô nhiễm nặng nề nhất, bởi vì, tâm trí của tuổi trẻ còn non nớt, còn trong trắng cho nên những tác hại của môi trường xã hội càng trầm trọng.
Tất cả những ô nhiễm trên đều bắt nguồn từ sự ô nhiễm cơ bản nhất đó là sự ô nhiễm của chính thân phận chúng sinh mà tuổi trẻ cưu mang, cưu mang từ đời này sang đời khác, từ cõi này đến cõi khác. Bản chất của sự ô nhiễm mà một chúng sinh gánh chịu không gì khác hơn là vô minh và các phiền não như tham, sân, si, v.v.. Do vô minh và phiền não trói buộc chúng sinh trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi mà thân phận làm người hôm nay là một bằng chứng cụ thể. Như vậy, một cách căn để, muốn làm sạch tất cả những ô nhiễm, tuổi trẻ trước hết phải làm sạch vô minh và phiền não trong tâm trí. Bởi vì chính những ô nhiễm của vô minh và phiền não trong tâm trí đã che mất ánh sáng vi diệu của trí tuệ và đóng kín tâm hồn vốn thênh thang rộng mở của tuổi trẻ. Đây chính là ý nghĩa qua cung cách mà đức Phật đã chỉ dạy cho Tôn giả La-hầu-la phải gội rửa tâm trí để trở thành pháp khí trong Tăng già như câu chuyện đã kể ở trên.
Nhưng bằng cách nào đạo Phật có thể giúp làm thanh tịnh và khai mở tâm trí cho tuổi trẻ? Giải đáp cho câu hỏi này chúng ta phải gợi lại câu chuyện về Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm để làm chuẩn mực cho những suy nghiệm. Trong phẩm Nhập pháp giới của Kinh Hoa Nghiêm kể chuyện về một chàng trai trẻ tên là Thiện Tài có lòng muốn thăng hoa cuộc sống bình phàm vươn lên cảnh giới siêu việt ra ngoài khổ đau phiền não. Chàng trai trẻ này đến đảnh lễ Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi làm thầy để xin học đạo. Bồ-tát Văn Thù nhân đó khai thị để cho chàng phát tâm Bồ-đề hướng đời mình lên mục tiêu chí thượng. Rồi sau đó, ngài Văn Thù dạy chàng trai trẻ Thiện Tài nên đi về phương Nam tìm gặp chư vị thiện hữu tri thức khác để thọ giáo. Thiện Tài y chỉ lời Thầy dạy, cứ phương Nam mà đi trải qua 53 trụ xứ và được thọ học với 53 vị thiện tri thức, từ Tỳ-kheo Đức Vân, Bà-la-môn Thắng Nhiệt, Đồng nữ Từ Hạnh, vua Vô Yểm Túc, v.v…, đến Bồ-tát Di Lặc và sau rốt là Bồ-tát Phổ Hiền. Một quá trình học và thực nghiệm đạo để thể nhập vào pháp giới tánh, khởi đầu với đại trí và kết thúc với đại hạnh.
Bản chất ô nhiễm của vô minh và phiền não đã quá sâu dày vì bắt nguồn từ chuỗi vận hành của sinh tử mà không còn biết đâu là điểm khởi đầu, cho nên, muốn rửa sạch được chúng thì ngoài nguồn nước thanh lương bất tuyệt của trí tuệ siêu việt ra không còn cách nào khác. Ở đây chúng ta thấy rằng tuổi trẻ điều cần thiết và quan trọng nhất là cần phải khai mở và phát huy trí tuệ bằng con đường học tập, học tập tất cả những kiến thức chuyên môn thông dụng. Nhưng học không có nghĩa là biến mình thành một cái đãy đựng chữ nghĩa, chỉ biết suy tư theo chiều kích giới hạn của những phạm trù khái niệm hay luận lý mang tính nhất nguyên, nhị nguyên, hay đa nguyên. Hoặc nguy hại hơn nữa là biến cái học thành một thứ sở tri, chỉ biết xây dựng thành trì kiên cố cho một hình thái ngụy trang đầy giả tạo của bản ngã. Dạng thức của hai điều vừa đề cập trên chính là con đẻ của tri thức thường nghiệm, hoàn toàn không có khả tính siêu việt để vượt lên trên mọi trói buộc có khi thật vi tế của vọng tâm chúng sinh vốn là cội nguồn của bất an và khổ não. Cho nên, trí tuệ giác ngộ thì vượt thoát, còn tri thức thường nghiệm thì bị trói buộc. Tất nhiên, vượt thoát không có nghĩa là trốn chạy, vì trốn chạy thì không thể nhìn thấu suốt được bản chất của các pháp. Chính vì vậy mà trên đường học đạo của mình, Thiện Tài Đồng Tử luôn luôn được chỉ dạy các pháp môn vi diệu để khai mở tâm trí, rằng học rất nhiều nhưng trong cái học mênh mông bát ngát ấy lúc nào cũng hàm chứa và lưu lộ một thứ nội lực thù thắng, chuyển hóa mọi sở tri thành trạng huống liễu tri vượt thoát.
Sở dĩ được như vậy là nhờ sức gia trì của đại hạnh. Đại hạnh chính là năng lực của sự thực nghiệm trí tuệ trong từng giây phút của đời sống. Thực nghiệm bằng cách nào? Bằng sự lắng nghe vạn pháp với tâm bình thảng không một chút thành kiến, định kiến, thiên kiến, rũ bỏ mọi tham dự của tất cả những hậu cảnh tâm thức. Bằng sự tư duy mọi hiện tượng với nhất tâm sâu lắng không một chút tạp tưởng, loạn tưởng, điên đảo tưởng, mộng tưởng.
Bằng tâm thức trong sạch hết những nhiễm ô, tuổi trẻ đi vào đời với đôi mắt sáng của trí tuệ, với tấm lòng rộng mở của thương yêu, với đôi chân thực nghiệm vững vàng những điều mình đã học và sau cùng với đôi tay khả năng vi diệu phát ra từ nội lực thân chứng để kiến tạo tịnh độ nhân gian.
Ỷ THU AM.
[Tập san Pháp Luân - số 6]