Lần chuỗi đúng pháp được tiêu tội

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Theo quan niệm thông thường của Phật giáo, lần chuỗi niệm Phật sẽ giúp hành giả đoạn trừ tiêu sạch tội chướng, và đạt được giải thoát.

Cho nên trong kinh Niệm Châu có dạy: “Hành giả nếu muốn niệm Phật hãy để trên đảnh mà niệm thì tiêu sạch được tội vô gián địa ngục. Còn như thường đeo nơi cổ thì tiêu sạch được tội tứ trọng (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối). Như cầm trong tay thì tiêu sạch các tội chướng.”

Như vậy, chúng ta đã biết công đức và sự lợi ích của xâu chuỗi rất lớn, có năng lực khiến cho người tu hành đặng mau phản vọng quy chơn, mau đạt đến cảnh giới thanh tịnh. Sự cầm chuỗi, đeo chuỗi còn được lợi ích như vậy, huống gì chúng ta trong khi niệm Phật hay trì chú mà biết ứng dụng tay trái kiết ấn để ngang ngực còn tay mặt cầm chuỗi ghi nhớ số lần niệm thì công đức vô lượng vô biên.

Vừa rồi, quý vị đã thấy lợi ích của xâu chuỗi. Kế đây, chúng tôi xin hướng dẫn quý vị thực tập hành trì. Khi vào chánh điện, hay ở trước bàn Phật, quý vị nên tưởng bài niệm chuỗi như sau:

Thăng trầm tam giới thật khả thương
Luân hồi lục đạo khổ nan đương
Lục tự Di Đà thường quán tưởng
Duy tâm tịnh độ mạc tư lương.

Kế đó, quý vị nhìn vào tượng Phật Di Đà mà xưng tán. Xưng tán ở đây có nghĩa là tán dương công đức, khen ngợi ánh hào quang và y báo, chánh báo vô biên, vô lượng của Ngài. Vì vậy, bất cứ người  nào tu pháp môn Tịnh độ cũng đều phải tán thán.

A-di-đà Phật đức Y vương
Thọ mạng thân vàng sống không lường
Nguyện độ chúng sanh qua khổ ải
Dắt dìu vạn loại đến Tây phương.

Chín phẩm sen vàng làm Tịnh độ
Rước người niệm Phật hóa Lạc bang
Độ chúng Ta-bà quy An dưỡng
Đồng về cực lạc cõi Tịch Quang.

Thật vậy, quý vị đã từng đọc tụng kinh Di Đà, chắc còn nhớ rõ câu “thâm tín chi pháp” và bốn mươi tám lời nguyện của Ngài, nhất là lời nguyện thứ mười tám: “Nếu tôi thành Phật, chúng sanh mười phương hết lòng tin ưa, muốn vào nước tôi, cho đến niệm chừng mười niệm, nếu không được như thế thì tôi nguyện không thành Chánh giác, chỉ trừ những người nào tạo tội ngũ nghịch, bài báng Chánh pháp.” (kinh Vô Lượng Thọ, Đại 12268 thượng ghi). Vì thệ nguyện của đức Phật A-di-đà cao cả như thế, nên người nào xưng danh hiệu Phật có đủ tâm chí thành và phát nguyện hồi hướng thì người đó nhất định sẽ được Phật tiếp dẫn. Vì thế, chúng sanh nào nếu muốn không còn luân hồi sanh tử, thì phải nên nhất tâm niệm Phật.

Vì vậy, trong tiến trình tu học Phật, xâu chuỗi một trăm lẻ tám hạt hay mười tám hạt là những phương tiện không thể thiếu đối với người tu đạo giải thoát. Vì sao vậy? Bởi vì thân tâm phàm phu của chúng ta hiện nay duyên trần bận buộc, nghiệp chướng sâu dày, trong cuộc đời thường bị các trần cảnh làm nhiễm ô, vọng tưởng điên đảo chi phối, nên sự niệm Phật khó đạt được sự nhất tâm bất loạn, do đó cần phải nhờ đến xâu chuỗi làm phương tiện để nhắc chúng ta tấn tu đạo nghiệp.

Sau đây, chúng tôi xin trình bày về nguyên nhân có xâu chuỗi 108 và ý nghĩa của nó.

Nguyên nhân có xâu chuỗi 108 hạt:

Thuở xưa, khi đức Phật còn tại thế, có một vị quốc vương tên là Ba Lưu Ly, lãnh thổ nhà vua cai trị là một tiểu quốc thuộc nước Ấn Độ. Nhưng không may, gặp năm mất mùa, lúa gạo đắt đỏ, giặc cướp nổi lên, bệnh tật lan tràn cả nước; trước cơn thiên tai loạn lạc như thế, nhà vua vô cùng lo âu, không biết tìm cách nào để cứu vãng tình thế? Bỗng nhà vua nhớ đến đức Phật và thầm nghĩ: “Đức Phật là đấng Từ bi, Ngài có thể hiện thân cứu hộ tất cả chúng sanh, vậy chắc chắn Ngài có thể cứu khổ được nhân dân ta lúc này”. Vua liền cho sứ giả đến chỗ Phật ngự và trình bày tất cả những việc đã xảy ra trong nước đồng thời nhờ đức Phật tìm phương cứu độ.

Đức Phật dạy: “Nếu muốn thoát khỏi cơn hoạn nạn này cũng như để diệt trừ ba chướng thì phải tìm cho được 108 hột cây trai rồi xâu lại thành chuỗi để niệm cho hết một ngày một đêm như vậy, cứ niệm danh hiệu Tam bảo: Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng và một lần niệm thời lần qua một hạt, dần dần cho đến 108 hạt, nếu như niệm được 108 lần thì trừ được 108 kiết sử phiền não, khi được định tâm rồi sẽ chứng được bốn Thánh quả (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán) và cuối cùng sẽ thành Phật.” Sau khi nghe đức Phật dạy xong, sứ giả trở về thuật lại cho nhà vua nghe những gì đức Phật đã chỉ dạy. Nhà vua vô cùng mừng rỡ nên lập tức ra lệnh cho dân chúng trong nước tìm cho được hạt cây trai và xâu lại thành chuỗi để niệm Phật.

Thế rồi chính nhà vua, mặc dù quốc sự đa đoan nhưng Ngài vẫn rất siêng năng trì niệm trong những giờ rảnh việc. Bỗng một hôm, đức Phật hiện ra trước mặt và nói: “Nhờ nhà vua siêng năng niệm chuỗi cho nên trong nước được thoát nạn, dân chúng được an cư lạc nghiệp.”

Về sau, nhà vua phát tâm xuất gia học đạo, tu hành phạm hạnh cuối cùng được làm một vị Bích Chi Phật ở thế giới Phổ Hương.

Qua sự việc trên, chúng ta thấy được nguyên nhân xuất hiện xâu chuỗi 108 hạt và hiệu quả của sự lần chuỗi thật là to lớn.

Ý nghĩa của xâu chuỗi 108 hạt:

Trong khi nhãn căn tiếp xúc với lục trần dễ khởi đắm say, từ chỗ đắm say nên sáu tên giặc phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) có cơ hội phát sanh; nhĩ căn và các căn sau (tỷ, thiệt, thân, ý) cũng thế. Mỗi căn tiếp xúc với trần cảnh đều tạo ra sáu tên giặc nên sáu căn tạo ra cả thảy 6 x 6 = 36 tên giặc phiền não. Nếu cộng chung ba thời kỳ quá khứ, hiện tại, vị lai thì có ra một trăm lẻ tám giặc phiền não. Như vậy, một trăm lẻ tám hạt châu Bồ-đề ở đây nếu được ta dùng vào việc niệm Phật thì có công năng tiêu mòn hết các tội chướng, hay nói khác hơn là chuyển hóa một trăm lẻ tám giặc phiền não kiết sử, nhờ đó hành giả được an vui, giải thoát hoàn toàn. Khi cầm xâu chuỗi 108 hột chúng ta nên đọc câu kệ:

Thủ trì nhất bá bát
Diệt tội đẳng hà sa
Viễn ly tam đồ khổ
Xích sắc biến liên hoa.

Dịch nghĩa:

Tay cầm trăm tám Bồ-đề
Tiêu mòn các tội đặng về Tây phương
Khỏi nơi chốn khổ ba đường
Lửa hồng liền biến liên hương nhiệm mầu.

Nam mô Định Tâm Vương Bồ-tát

Tóm lại, mỗi chúng ta đều nên có một xâu chuỗi 108 hoặc 18 hạt để nhắc nhở chúng ta luôn luôn nhớ niệm Phật. Nhờ nương vào xâu chuỗi mà niệm Phật dần dần ta đạt được nhất tâm tức là niệm niệm liên tục không có niệm khác. Đó chính là vào chánh định và từ đó trí huệ sẽ phát sanh. Nhưng có một điều cần chú ý là muốn niệm Phật mau được định thì chúng ta cần phải nghiêm trì giới luật, chớ một mặt thì niệm Phật, một mặt thì buông lung phóng túng, phá trai phạm giới thì không biết đến bao giờ mới có kết quả. Việc này cũng giống như trong một gia đình, người vợ thì lo buôn tảo bán tần để tích lũy của cải gia đình, còn người chồng thì chỉ lo cờ bạc hút sách gây nợ nần chồng chất thì gia đình đó chỉ có tan nát mà thôi.

Thích Tâm Viên.
[Tập san Pháp Luân - số 9]