Tính đến Xuân Bính Tuất 2006 này thì Sư ông của chúng tôi tuổi thọ vừa đúng bát tuần.
Tính đến Xuân Bính Tuất 2006 này thì Sư ông của chúng tôi tuổi thọ vừa đúng bát tuần. Nhưng phong thái của Ngài vẫn còn xuân, vẫn còn hùng tráng tươi tắn lắm. Bản tính lại hồn nhiên, giọng nói đầy hân hoan sảng khoái. Khi tâm đắc điều gì, Ngài thường cất cao tiếng cười, vang động cả thiền đường, làm mọi người bị cuốn theo như sắp được nghe một huấn thị gì. Quả nhiên là bài học “Bừng con mắt Tuệ ngay trong những công việc có vẻ hèn mọn nhất” – quét chùa, lau điện Phật, xách nước, tưới cây, bổ củi, lặt rau, rửa bát, vệ sinh nhà cầu, phòng tắm… đều là giác hạnh viên mãn. Sư ông dạy như thế và luôn luôn tiếp sức cho chúng tôi bằng những câu chuyện vui chay trong khi lao tác. Chúng tôi được phép ngưng tay dù là công việc cần khẩn trương cho kịp ngày Tết.
“Bạch Sư ông! Vì sao năm nay Sư ông lại cho treo lá phướn nhỏ có ba chữ ‘Vô Sở Trụ’ trên cành mai chung với các thiệp chúc Tết của các bậc thượng Tăng được vinh danh với nhiều màu sắc rực rỡ là ý gì?”, một thầy trong chúng thắc mắc.
Các ông chưa nhận ra sao? Năm nay chùa mình được quá nhiều thiệp chúc Tết của giới Tăng Ni các nơi gởi về. Thiệp mạ vàng chữ in nổi, pháp danh, hiệu chùa, chức vụ… nào là trưởng, chánh, phó, kiêm địa chỉ, số điện thoại, email, fax… Nếu những mỹ từ này mà có hình tướng thật thì chắc cây mai chùa mình gãy đổ ngay. Sư ông trả lời vậy cùng với tiếng cười hả hê của chúng tôi và nhanh chóng giải thích khi thấy điệu chúng hình như còn ngơ ngác nhìn những con bướm vàng đầy bản ngã đậu trên nhánh mai xuân tươi thắm không bao lâu rồi lại tàn phai rơi rớt.
Vô sở trụ - Tâm không dính chỗ nào. Cổ đức muốn nhắc nhở chúng ta “chớ có trụ tướng sanh tâm, chớ có làm bạn thân với khách trần lục dục (sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc lạc, pháp mừng) và chớ có đầu hàng bảy con yêu tình thức (mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn).” Đó là những ma chướng chận đường cản bước chúng ta đi. Nhưng đã mấy ai qua được bến bờ kia:
Diệt trừ sáu cướp bảy ma
Trăm năm trong cõi người ta dễ gì.
Đến đây, Sư ông chỉ tay về phía cổng tam quan, cất cao giọng phấn khởi như muốn cụ thể giáo pháp: “Đấy các ông thấy ba lối vào cửa: Giả quan, Không quan và giữa là Trung quan không. Các hình thái trên thế gian đều là giả danh chứ không có thực thể, không có bản ngã độc nhất bất khả xâm phạm. Nói vậy (Giả quan) mà không phải vậy (Không quan) nên tạm gọi là vậy (Trung quan), vì để tùy thuận chúng sanh, tùy duyên mà bất biến. Hiểu vậy thì đừng có bắt chước phô trương cái chức vụ như mộng huyễn, bào ảnh của mình để biểu dương với hàng Phật tử còn sơ cơ mắt tục.”
Một thầy bỗng ứng khẩu: “Bạch Sư ông! Liệu những con bướm vàng dững dưng kia có thể hiểu được thâm ý này không hay là chúng vẫn nhởn nhơ tung bay khoe khoan cái sắc diện không hương của mình. Nó vốn là sản phẩm ưa khoe danh sắc của một kiếp côn trùng thích bay lượn lòn lách từ bông hoa này đến bông hoa nọ để cầu cạnh tìm một chút hương thơm mật ngọt cho cuộc sống phù du ngắn ngủi của đời mình. Rồi như để tiếp tục chủ đề Vô Sở Trụ - Khuyên chúng đừng trụ tướng sanh tâm, tranh thủ lúc thư giản trước khi kiểng báo giờ thọ trai, Sư ông kể một câu chuyện vui, ra câu đố và ai trả lời đúng sẽ có giải thưởng giống như trên ti vi.
Câu chuyện tựa đề là “Phật ngắn Phật dài”. Mấy chú điệu nhỏ háo hức vì nghe có thưởng nên quyết dành chỗ ngồi gần Sư ông để nghe cho rõ, giải đáp cho đúng. Sư ông bắt đầu tươi nét mặt vừa mỉm cười vừa kể.
“Tại ngôi chùa nọ, một hôm đang quét nhà hậu tổ, điệu để chóp ngưng tay, cao hứng hỏi điệu đàn chị: ‘Mô Phật, này Hiền tỷ, chỗ thân tình, em mạn phép tò mò một câu nhé! Không hiểu sao Sư phụ mình mỗi khi tiếp khách đến chùa hình như có hai cách chào đón khác nhau. Khi sư phụ chào: Nam mô A Di Đà Phật… tiếng chào của Sư phụ nghe rất êm, rất ngọt và đặc biệt chữ Ph..ậ…t. kéo dài âm điệu rất hân hoan trân trọng. Nhưng có khi em nghe sư phụ chào gọn lỏn mỗi chữ, giọng yếu đi, chỉ có tiếng Phật mà thôi hay là do sức khỏe của sư phụ kém.
À! Em mới nhập chúng mà đã sớm khởi nghi tình quá quắc lắm đó. Thôi được! Đại nghi thì đại ngộ. Nếu chị không nói thì em khó mà hiểu được cái công án tối mật này. Đây nhé, chị đã quen bắt được tần số của sư phụ. Phải lưu ý khi sư phụ kéo dài câu A Di Đà Ph..ậ…t để chào ai thì ta biết được đối tượng đó là hạng khách sang xịn, từ bậc thượng nhân ngồi xe Mersedes hay VK hồi hương, hay là khi nghe phát sóng ngắn câu chào, ta cảm nhận được ngay đó là hạng Phật tử quèn, hạng bần dân đến xin cứu đói… Phải nhạy bén kịp thời bắt đúng tần số vi diệu đó. Nếu là thượng khách thì chúng hành đường thị giả phải khẩn trương y áo chỉnh tề, trang nghiêm bàn khách, ly tách thật xôm, bia lon thật xộp, thuốc hút thật xịn, trà pha cũng phải đậm đà hương vị, miễn sao cho vừa lòng khách đến đẹp lòng khách đi.
Điệu nhỏ mở tròn mắt, hất cái chóp ngược ra sau cười hi hi…. rứa à, rứa à. Thế còn câu chào ngắn gọn, giọng như bệnh nhân mới xuất viện thì sao hả Hiền tỷ?
Đó là công án thứ hai. Nó thuộc loại dĩ tâm truyền tâm, giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, chỉ có chị mới được sư phụ trao truyền tâm ấn. Này nhé, phải chánh niệm khi nghe tiếng chào ngắn gọn nhỏ yếu, đó là sư phụ bệnh mà không phải bệnh, tiếp mà không phải tiếp: tiếng A Di… Phật lúc đó tắt hẳn lạc lõng nghe như… quỷ vật… âm binh tới chi tới hoài; đủ biết đó là hạng mạt khách, đầu đường xó chợ, loại khất thực xã hội. Khi nghe mật hiệu này thì chị em thị giả mình cứ ung dung thư giản, bình thường tâm thị đạo, mọi sự đã có sư phụ tùy nghi ứng xử…
Điệu để chóp một lần nữa bịt miệng quay tròn trên nền phòng cười khúc khích sung sướng như vừa chứng ngộ diệu pháp.
Bỗng hai điệu giật mình, nghe tiếng chó sủa và tiếng dép lẹp xẹp bên vỉa hè chùa. Ngay sau đó là giọng của Sư phụ khác thường, chỉ có tiếng A… rồi tắt nghẽn. Hai điệu phân vân: “Hay là Sư phụ bị trúng gió” Thị giả nhìn qua cửa sổ bỗng thấy một vị sư khất sĩ tay không thấy ôm bình bát mà lại xách chiếc cặp da nặng nề như một quan chức đột xuất về thanh tra cơ sở. Sư phụ quá quẩn bách chỉ kịp truyền được tín hiệu A… và tiếng Phật sau đó thì hoàn toàn chìm khuất trong vô ngôn tịch tĩnh. Đến đây, điệu đàn chị vội vàng bước nhanh vừa hoảng hốt, giọng nói run rẩy: ‘Phật dài, Phật dài mau lên em ơi!...’”
Sau một tràng cười của đại chúng rung lên như động đất 30 giây, Sư ông bắt đầu ra câu hỏi: Vì sao mật hiệu của vị sư phụ chỉ mới có tiếng A… mà thị giả lại thông dịch là Phật dài. Sao không nói là Phật ngắn? Vậy thì mật hiệu nào đúng: Phật ngắn hay Phật dài? Ai gửi lời đáp đúng đầu tiên về trước ngày 30 Tết sẽ nhận được món quà Xuân bất ngờ đầy thú vị.
Các vị ở xa xin gởi về PNPD.
Thích Hạnh Thiền
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.87, 2006]