Bài ca cho con

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

À ơi… tiếng mẹ nhẹ nhàng/ Mênh mang mở lối thiên đàng cho con...

À ơi… tiếng mẹ nhẹ nhàng,
Mênh mang mở lối thiên đàng cho con.

Một sự lựa chọn tự nhiên, ngay tức khắc của lí trí và trái tim con người về bài ca đầu tiên hay nhất thế gian: Bài hát ru.

Và mẹ chính là người thầy dạy nhạc, dạy yêu thương đầu tiên cho mỗi người. Bài ca cho con của mẹ vì thế mang những sắc thái độc đáo riêng biệt. Trước nhất nó gắn liền với ngôi nhà thân thương của mỗi chúng ta nên nó còn mang nặng cái hồn quê hương xứ sở. Sau nữa, nó còn là những lời hát trĩu nặng tâm trạng trong một mối quan hệ gần gũi, ấm áp, thiêng liêng: Mẹ-Con. Sữa mẹ thì nuôi phần xác, còn lời hát nuôi phần hồn. Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con bằng ngôn ngữ của trái tim. Lời lẽ vì thế đầy trìu mến yêu thương:

Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…

Rồi người mẹ âu yếm dỗ dành với lời lẽ chất phác nhưng chân tình sâu sắc như tấm lòng của mẹ:

Ru con con théc cho muồi
Mẹ đi chợ Truồi mua bánh con ăn.

Lời hứa gợi niềm vui chờ mẹ đi chợ về, trước và trong giấc ngủ là một sự chờ đợi thật thú vị: thấp thỏm nhất, háo hức nhất, hạnh phúc nhất. Và sau giấc ngủ sẽ là gặp gỡ, mừng vui. Trong vòng tay êm ấm của mẹ, cả một thế giới thần tiên hiện về chập chờn quanh trẻ. Cùng với lời hát ru, mỗi động tác vỗ về khi nhanh, mạnh khi đều đều, chậm rãi, êm dịu v.v… đều gởi gắm không chỉ tình yêu mà còn cả nỗi lòng. Đứa trẻ mặc dù chưa thể hiểu, nhưng người mẹ vẫn coi con là chỗ tựa, là người bạn tin yêu nhất, là nguồn sức mạnh để người mẹ sẵn sàng đương đầu với những cơn phong ba bão táp của cuộc đời:

Ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Đường học của con thì nhiều hoa thơm trái ngọt, còn đường đời của mẹ thì thật lắm chông gai. Nhưng mẹ sẵn sàng đánh đổi để cho con luôn có được bầu trời hạnh phúc. Và vì thế lời hát ru của mẹ không chỉ chất chứa bao nỗi đắng cay mà còn truyền cho con tình yêu, niềm tin và nghị lực. Trong guồng quay vô tận của thời gian, những vất vả, đoạn trường của mẹ cứ chất chồng đến nghiệt ngã:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ vừa năm…

Thế nhưng lời ru con thì mãi mãi mang giai điệu êm ái. Bao nhiêu sóng gió của cuộc đời đã được mẹ nén chặt trong lòng để bày lên mặt hồ phẳng lặng những tháng ngày đầy mộng đẹp cho con. Không có gì có thể lý giải nổi sự kiên nhẫn, sức chịu đựng phi thường ấy, ngoài tình thương con của mẹ. Đây chính là “huyền thoại mẹ” trong hát ru. Gọi là huyền thoại vì sự kiên nhẫn và sức chịu đựng ấy âm thầm mà thật khổng lồ, đẹp và lung linh lắm! Trong ý nghĩa này hát ru cũng là lời đánh thức mọi lãng quên.

Cuộc đời mẹ lắm đắng cay. Lời ru của mẹ vẫn ngọt ngào cho trẻ ngủ. Âm điệu lời ca giúp trẻ ngủ sâu, còn mẹ thì vẫn thức, thức cho những nỗi niềm không bao giờ vơi cạn:

Khóc làm chi hài nhi con hỡi
Cha con rày bạc ngỡi thì thôi

Hỡi chàng chàng ơi, hỡi chồng chồng ơi
Sao tệ bấy hỡi chàng, sao tệ bấy hỡi chồng?

Trong biển đời đầy bất trắc, cũng có khi lỡ bước sa chân, bài ca mẹ cho con còn là lời nhắn nhủ lẽ sống thanh cao:

À ơi…Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Nếu phải chọn một trong hai cái chết, người mẹ sẵn sàng chọn cái chết trong sạch để cho đàn con không đau lòng trong tủi nhục. Không chỉ nuôi dưỡng hình hài, mẹ còn chú trọng hun đúc cho con cái phần thiêng liêng, hoàn mỹ nhất trong cõi tinh thần: PHẨM CHẤT CON NGƯỜI. Con người có thể chết chứ quyết không thể nhục.

Rõ ràng, hát ru là tượng đài bất tử của lòng mẹ, tình mẹ. Tình thương con đã giúp những người mẹ vượt lên mọi hoàn cảnh, nỗi đau, sống cho con, vì con. Bài ca cho con, vì thế phải xem là nước mắt, là máu…

Lời ru của mẹ vốn đã hay lại được bao bọc trong ánh sáng thiêng liêng của tình mẫu tử nên càng lung linh, vi diệu. Nhân loại trong cuộc hành trình vạn kỷ để tìm kiếm những giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng, chắc chắn trong hành trang của mỗi người sẽ luôn cần có những lời hát ru, bởi vì:

Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
(Nguyễn Duy)

Tusita
[Tập san Pháp Luân - số 5]