Nó là một Tăng sinh khát khao tìm đọc những tác phẩm luận bàn về sự mâu thuẫn của kiếp người nên Nó không tin tưởng, không tạo một điểm tựa cho bước khởi đầu của suy tư.
Với Nó, mọi sự thật chỉ diễn ra ở một thời điểm nào đó trong mộng mị chiêm bao, rồi ra tất cả sẽ chìm vào khoảng trời xa xăm bất định. Thế vậy thì, có gì mà phải giữ gìn với xung quanh. Nó trở nên lập dị trong cách sống để chứng tỏ mình có một cá tính cô đọng của riêng mình. Thà sống thực sự còn hơn theo sự chiều chuộng cái nhìn của người khác. Nó ăn nói tùy tiện, vì con người đã ẩn mình sâu thẳm dưới đáy ngôn ngữ và xây dựng nền tảng của mình trên đó. Nó muốn phá vỡ nền tảng đó bằng thân hình mong manh của mình. Nó ăn mặc xuề xòa y như thể là người đứng ngã tư đường khinh khi phố thị. Nó thích nhìn phố thị đông đúc như nhìn lớp phấn bạc của lá sen hơn là nhìn đóa sen.
Nó ưa đứng soi gương bên cái tủ sắt thật lâu. Nó khẳng định hành động soi gương ấy không phải là muốn làm sáng tỏ ý nghĩa cầm đuốc vào ban ngày để đi tìm Con Người của người xưa. Hôm bữa, cách đây không lâu, Nó ngủ gật trong lớp. Nó mơ thấy mình lọt vào một thế giới huyền diệu với những âm thanh phá vỡ “sắc không” giải thoát. Nó thấy mình tồn tại trong một hữu thể lưu ly tự tại. Bất chợt tỉnh dậy, Nó thấy giáo sư đang giảng Trung luận. Nó ngớ người. Nó nhìn giáo sư ngơ ngác như thể là mới gặp giáo sư lần đầu tiên vậy. Nó tự hỏi giáo sư đang giảng hôm nay có phải là giáo sư của mấy bữa trước? Nó không tìm ra câu trả lời, vì đã có rất nhiều câu trả lời trong sách vở. Nó muốn trả lời cho chính Nó, chứ không phải trả lời cho xong để hợp thức hóa câu hỏi. Nó cảm thấy khuôn mặt của mọi người và của chính Nó bị chẻ đôi. Dường như trong người Nó có hai thực thể tương khắc nhau đang cùng tồn tại. Một thực thể mà Nó hiện mang, và một thực thể mà Nó cố công tìm gặp trong suốt thời gian còn lại của đời này và của cả những kiếp khác. Nó muốn thấy bộ mặt của Nó ra sao, nên Nó ưa đứng trước tấm gương ấy. Người ta phân biệt người này và kẻ khác mà ít lẫn lộn nhất là do thấy được Cái Mặt của mỗi người. Nhưng một sự vật cụ thể xúc chạm được, khi nhìn, người ta chỉ nhìn được cận ảnh của nó; huống hồ lại nhìn gián tiếp khuôn mặt của mình qua tấm gương soi. Vậy ra, khuôn mặt muôn đời không ai tự mình nhìn thấy được, chỉ xúc chạm mà thôi. Nó chưa bao giờ biết mình là ai, cũng chẳng ai trên đời hiểu nó là người thế nào. Nếu có điều ngược lại, tức là Nó là tất cả của chính mình trong mọi lúc, thì Nó không cần phải nói cho người khác biết cái người mà nó thật sự nghĩ Nó là, và hiển nhiên chẳng có điều ngộ nhận xảy ra từ người khác về Nó. Trong những người đui, què, câm, điếc,... Nó tội nghiệp cho người đui nhất, vì khả năng chống chọi với môi trường xung quanh để sinh tồn mong manh dễ vỡ. Nó thương cảm thằng mù vì Nó mang thân phận người mù, dù đôi mắt Nó vẫn sáng. Nó không bao giờ chơi được một nửa cung đàn còn lại, cũng chẳng bao giờ tụng được trọn vẹn câu kệ còn dở dang. Với Nó, một nửa không phải là một phần từ cái được chia hai. Không có khái niệm một nửa trong suy tư của Nó. Nếu hiểu được một phần vấn đề thì vấn đề chưa hiểu vẫn còn nguyên xi. Vì rằng, một phần đã hiểu là chuyện đã xong, nó là quá khứ; một phần còn lại chưa hiểu là chuyện còn ở phía trước, nó là tương lai. Một vấn đề vừa nằm ở quá khứ, vừa hiện hữu ở tương lai, mà hiện tại không thấy xuất hiện, vấn đề ấy không thể có. Không có vấn đề được hiểu một phần. Nó muốn tìm cái chân lý chuyên nhất, nhưng sự vật thì lại đưa đến chân lý tương hợp với những gì Nó tri nhận. Nhưng sự tri nhận của Nó không bao giờ trọn vẹn. Bằng chứng là cùng một quyển sách, trong những thời điểm khác nhau, Nó tri nhận khác nhau. Đằng trước của tri nhận này luôn có vô số chứng cứ của tri nhận khác. Thời gian, tuổi tác, kinh nghiệm chẳng có cơ sở gì để làm nền tảng cho một chứng cứ sau cùng. Dường như cuộc sống được cơ cấu trên nghịch lý nên Nó phải dại bước dấn chân vô định trên con đường khô rốc sau trận mưa rào, để tìm xem có còn một hạt mưa nào đọng trên bụi cỏ dại ven đường hay không. Thà thất vọng hơn là tin ẩu, Nó nghĩ thế. Dấu mặt sau cái cột nhà rồi nghĩ sẽ không ai thấy mình là hành động tự lừa dối. Thế nhưng để đừng vướng vào đám mây mù ấy không phải dễ. Hồn mộng bỗng chốc vợi đi, Nó dần tan rã trước khi cá tính cô đọng hiện hữu. Nó nghĩ, phải có một ước vọng thì mới cứu vãn được kiếp người ô trọc.
“Đốt nhang, nhang thơm thì phải có bụi, mà có bụi thì phải quét, chứ đừng có mong nhang thơm mà không có bụi”.
Bây giờ, Nó thấy một niềm khắc khoải mênh mang dâng lên trong người. Khi bản ngã chưa được nhìn rõ, thì nỗi khắc khoải của Nó cũng chính là của Tôi và của Con Người
Minh Hạnh.
[Tập san Pháp Luân - số 5]