Các chương trình Video thuyết pháp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một số nhận định và đề xuất về các chương trình video thuyết pháp

Nhìn chung, các chương trình video thuyết pháp phổ biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây đã có những bước tiến lớn về mặt kỹ thuật: hình ảnh khá đẹp, âm thanh phần nhiều rõ, dễ nghe… Tuy chưa có thể nói là đã đạt tiêu chuẩn chương trình truyền hình chuyên nghiệp, nhưng dù sao, cũng đã đáp ứng được yêu cầu được xem các chương trình video thuyết pháp của Tăng Ni, Phật tử. Nhờ vậy, những buổi thuyết pháp chỉ có vài trăm người dự tại chính điện hay giảng đường các chùa đã có thể có đến vài ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người theo dõi qua màn ảnh TV.

Nhiều chương trình ghi lại các buổi thuyết pháp trong nước đã vượt qua khoảng cách không gian đến được với đông đảo Tăng Ni Phật tử ngoài nước, mở rộng hầu như không giới hạn số người có duyên lành thính pháp. Những chương trình thuyết pháp giá trị đã có thể lưu giữ để Tăng Ni Phật tử có thể xem đi xem lại nhiều lần, phục vụ hữu hiệu cho hoạt động tu học và tạo thuận duyên cho thế hệ mai sau có thể xem được các buổi thuyết pháp của những vị tôn đức hiện tiền. 

Tuy nhiên, vấn đề nâng cao kỹ năng và chất lượng ghi hình vẫn là yêu cầu lớn đối với việc thực hiện các chương trình video thuyết pháp. Có được chất lượng kỹ thuật tốt và ghi hình đúng kỹ năng, những bài pháp có nội dung giá trị mới trở thành những tác phẩm Phật học ghi hình toàn vẹn. Một tác phẩm Phật học in trên giấy nếu có thiếu sót về kỹ thuật chế bản in ấn, sau này lớp hậu học có thể đánh máy văn bản, thực hiện chế bản, trình bày lại, nhưng một chương trình video thuyết pháp của một vị Trưởng lão Hòa thượng, nếu chất lượng kỹ thuật và kỹ năng hình ảnh giới hạn (hình mờ, sai quy phạm, âm thanh không rõ, v.v… chẳng hạn) mà không có điều kiện thực hiện lại tốt hơn, thì vẫn phải chấp nhận lưu truyền cho thế hệ sau với tình trạng rất đáng tiếc như vậy. Cũng cần lưu ý rằng, hầu hết các chương trình video thuyết pháp Phật giáo đã thực hiện đều không theo trình tự ghi nhận một buổi thuyết pháp theo trình tự truyền thống kinh điển Phật giáo. Các chương trình băng dĩa thuyết pháp thường đi thẳng vào phần nội dung thuyết pháp, không có phần giới thiệu địa điểm, giai đoạn tập hợp người nghe pháp và giới thiệu đối tượng tham dự buổi thuyết pháp. Một số chương trình thuyết pháp còn không có ngay cả phần niệm Phật mở đầu và cắt bỏ phần hồi hướng cuối buổi thuyết pháp. Xin đề xuất, các chương trình video thuyết pháp nên có đầy đủ các bước truyền thống của kinh điển. Mở đầu, nên có hình ảnh giới thiệu địa điểm thuyết pháp theo trình tự từ rộng đến hẹp, từ bao quát đến cụ thể, hình ảnh giới thiệu người tham dự (chúng hội), hình ảnh cung thỉnh giảng sư, trang  nghiêm pháp hội, niệm Phật khai kinh… Ngoài ra, còn có thể giới thiệu thời điểm pháp hội bằng chữ hiện phía dưới, hoặc bằng bảng hiện thị… Để rõ ràng, phần chính văn kinh điển có thể thể hiện bằng bảng chữ để người xem tiện theo dõi và có ý thức rõ đâu là lời kinh, đâu là lời giảng sư.

Để tạo sự sinh động thay đổi, một số chương trình thuyết pháp có xen những đoạn hình ảnh minh họa, thí dụ nói đến cảnh địa ngục thì xen hình ảnh đóng giả cảnh ma quái, khi bài nội dung bài pháp đề cập đến việc bất hiếu thì cho xen hình ảnh đóng cảnh con chửi mắng cha mẹ… Theo chúng tôi, cần nên dè dặt, vì có thể những minh họa được sử dụng có thể đơn giản, ấu trĩ, hời hợt, không phù hợp giá trị bài thuyết pháp. Chỉ cần tập trung thực hiện chương trình video thuyết pháp theo quy phạm một chương trình thu hình một buổi diễn thuyết thông thường là đủ. Chú ý thể hiện, với thời lượng thích hợp, toàn cảnh buổi thuyết pháp, trung cảnh, trung cận cảnh, cận cảnh, đặc tả đối tượng giảng sư, hình ảnh thính giả tham dự buổi thuyết pháp để đạt mục tiêu phản ánh một cách trung thực, đầy đủ trọn vẹn buổi thuyết pháp, giúp người xem cảm nhận một cách chính xác, lãnh hội được nội dung và tinh thần buổi thuyết pháp.

Hiện nay, tuyệt đại đa số các chương trình thuyết pháp là các chương trình thuyết giảng một chiều, chỉ một người giảng sư nói với đông đảo người tham dự, thiếu hẳn các chương trình đối thoại, tham vấn, tọa đàm, nhiều phía qua lại. Chúng ta nhớ rằng, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong kinh điển là các cuộc đối đáp giữa đức Phật với nhiều đối tượng là đệ tử Phật trong Tăng đoàn, đệ tử cư sĩ, vua chúa, quan lại, vương công quý tộc, thương nhân, nô lệ, thậm chí người ngoại đạo… Và đó đều là những bài pháp.

Ngày nay, ở truyền hình, các chương trình diễn thuyết một chiều được xem là không thu hút bằng các chương trình đối thoại, phỏng vấn, tranh luận... Thiết nghĩ, các chương trình video thuyết pháp nên chú trọng nhiều hơn đến hình thức tọa đàm, luận đạo tham vấn… Ở đó, giảng sư trả lời câu hỏi của Tăng Ni Phật tử, hay của những người chỉ mới bắt đầu tìm hiểu Phật giáo… Trên các kênh truyền hình Phật giáo Đài Loan, Thái Lan và các chương trình truyền hình Phật giáo trên các kênh sóng quốc gia của Myanmar, Campuchia… cũng rất phổ biến thể loại phỏng vấn, tọa đàm, không phải thuyết giảng một chiều từ đầu đến cuối, mà đan xen những câu hỏi/trả lời, cấu thành một chương trình giảng pháp sinh động, thu hút khán giả có thể có mặt tại giảng đường, chánh điện, phim trường, v.v… trực tiếp phát biểu câu hỏi, hoặc nêu câu hỏi qua người dẫn chương trình, biên tập viên, hoặc không có mặt tại chỗ mà gởi thư, fax, gọi điện, gởi email, v.v… để nêu câu hỏi. Việc trả lời có thể do một giảng sư, hay nhiều giảng sư cùng trả lời, bàn luận một câu hỏi, một đề mục…

Hầu như các chương trình video thuyết pháp Phật giáo Việt Nam đều được ghi hình tại lớp học, giảng đường, chánh điện, lễ đài. Đề xuất, có thể bổ sung các hình thức khác để tạo sự phong phú, như thuyết pháp trong vườn, ngoài trời khi đi hành hương... Chương trình không giới hạn ở phương thức ghi hình một buổi diễn giảng được tổ chức sẵn, mà có thể tổ chức thuyết giảng trong studio (các kênh truyền hình Phật giáo Đài Loan sử dụng nhiều phương thức này), tổ chức thuyết giảng để ghi hình trong giới hạn hẹp (số người nghe tượng trưng). Tuy nhiên, việc ghi hình tại lớp học, giảng đường… là những chương trình dễ thực hiện, chi phí thấp vẫn là phương thức nên ưu tiên khai thác.

Thực hiện chương trình video thuyết pháp: rất đơn giản

Không cần phải qua lớp học quay video, mà chỉ cần thực tập vài lần với camera, thì đã có thể thực hiện được các chương trình video thuyết pháp.

Camera cần đặt trên chân máy, ở vị trí cách giảng sư vài mét. Nên bố trí trực diện để có thể có được hình ảnh vị giảng sư nhìn thẳng vào ống kính, không để nguồn ánh sáng lớn (từ đèn, cửa chính cửa sổ…) trong khuôn hình thu được hoặc phía sau vị giảng sư, vì những nguồn ánh sáng này có thể làm hình ảnh khuôn mặt vị giảng sư tối lại (camera tự động điều chỉnh ánh sáng, căn cứ vào nguồn ánh sáng đó chứ không theo mức độ ánh sáng khuôn mặt vị giảng sư). Tốt hơn nữa, nên có một nguồn sáng chiếu vào vị giảng sư.

Khung ảnh vị giảng sư có thể lấy từ nút áo ngực thứ nhất trở lên (như ảnh 3x4) hay từ nút áo thứ 3.

Âm thanh nên lấy từ micro đặt ngay trước mặt, hoặc cài trên áo vị giảng sư

Thu hình một buổi thuyết pháp là thu hình hoạt động của một người suốt tại một địa điểm cố định với nguồn ánh sáng ổn định nên dễ dàng, đơn giản hơn nhiều so với tất cả các trường hợp ghi hình khác. Do đó, mỗi chùa, mỗi Tăng Ni đều có thể tự thực hiện. Chi phí cho thiết bị chất lượng tốt có thể chỉ từ 5-10 triệu đồng. Nếu chùa có thiết bị để tự thực hiện chương trình video thuyết pháp thì sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều so với việc đi thuê dịch vụ bên ngoài.

Nếu cần thấy được hướng dẫn thêm, quý độc giả có thể nêu yêu cầu với tòa soạn, chúng tôi sẽ có bài chỉ dẫn chi tiết.

Ngoài tác dụng phục vụ hoạt động hoằng pháp, các chương trình video thuyết pháp còn có giá trị như là kỷ niệm của các vị tôn túc trưởng lão để lại cho môn đồ. Nếu trong các dịp húy kỵ các bậc tiền bối đã viên tịch, môn đồ pháp quyến qua TV có dịp thấy lại được hình ảnh các ngài và nghe lại lời các ngài giảng, thì đó sẽ là một điều rất có ý nghĩa.■ 

[Tập San Pháp Luân.32.Tr,43.2006]


 

Công nghệ truyền hình là phương tiện hiệu quả chuyển tải các buổi thuyết pháp đến với Tăng Ni Phật tử

Thuyết pháp là một trong những hoạt động cơ bản, chủ yếu của hoạt động hoằng pháp. Trên các kênh truyền hình Phật giáo Đài Loan, Thái Lan… các chương trình truyền hình thuyết pháp chiếm một tỷ lệ thời lượng rất cao và được quan tâm đầu tư đặc biệt. Trên các kênh truyền hình tôn giáo nói chung, nhất là các kênh Tin Lành, Hồi giáo và Ấn Độ giáo, thuyết giảng cũng là nội dung chính (chương trình của kênh truyền hình Tin Lành Miracle Net hầu hết đều là giảng đạo bằng nhiều hình thức và lặp đi lặp lại).

Các chương trình truyền hình thuyết pháp trên các kênh truyền hình Phật giáo cũng như các chương trình thuyết giảng trên những kênh truyền hình tôn giáo nói chung thường có hai loại: thuyết giảng một chiều (chỉ một diễn giả nói trong buổi thuyết giảng với một bài giảng đã chuẩn bị sẵn) và đối thoại (thuyết giảng lồng vào hình thức vấn đáp, hoặc người thuyết giảng giao lưu với người nghe qua nhiều phương tiện truyền thông).

Tại Việt Nam, từ khi băng video cassette VHS phổ biến, đã bắt đầu lưu hành theo kiểu chuyền tay các chương trình video thuyết pháp. Đến khi công nghệ dĩa VCD phát triển rộng rãi, các chương trình thuyết pháp được phổ biến cả bằng hai công nghệ video 

cassette VHS và VCD. Nhiều Phật tử ấn tống (in sang để hiến tặng) những bộ băng giảng có đến mười mấy cuộn băng VHS E-180 (thời lượng 180 phút/cuộn cho hệ PAL), ghi lại các buổi thuyết pháp của các vị cao tăng nước ngoài thuyết minh tiếng Việt, ghi hình tại Đài Loan, Singapore… Nhiều chương trình thuyết pháp ghi trên dĩa VCD do nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức trong nước thuyết giảng cũng đã được các đơn vị có chức năng xuất bản, phát hành rộng rãi.

Công nghệ truyền hình trong thực tế đã là phương tiện hết sức hiệu quả để chuyển tải các buổi thuyết pháp đến đông đảo Tăng Ni Phật tử.

Các chương trình video  thuyết pháp là những tác phẩm Phật học

Cho đến nay, dù là các phương tiện ghi âm và ghi hình đã trở nên phổ biến, vẫn có định kiến cho rằng các tác phẩm văn hóa chỉ là những tác phẩm vật thể, việc trước tác, sáng tác phải là viết và thể hiện bằng văn bản hoặc các chất liệu thích hợp.

Cũng từ quan điểm sai lầm này, một số nhà nghiên cứu tôn giáo, nhất là từ các tôn giáo bạn, đã cho rằng đức Phật đã không biên soạn một tác phẩm nào cả và kinh Phật là những tác phẩm được các đệ tử Phật viết lại về sau. Lập luận này rõ ràng là không ổn, vì từ xa xưa, trong điều kiện truyền thông chỉ sử dụng văn bản giấy, thì một bài nói được một người không phải là người nói ghi lại vẫn được xem là tác phẩm của chính người nói. Việc nhìn nhận một bài nói, cũng có thể một cuộc đối thoại, là một tác phẩm, đã được ý thức từ rất lâu, đặc biệt là trong Phật giáo (với nhiều tác phẩm dạng ngữ lục). Trong điều kiện chưa có các phương tiện ghi âm và ghi hình, việc dùng giấy ghi lại các bài nói, các cuộc đối thoại là điều bắt buộc với tất cả sự giới hạn của nó, vì phải loại bỏ những yếu tố kèm ngôn ngữ. Trên thế giới, từ lâu đã phổ biến quan niệm về sáng tác phi vật thể, chẳng hạn, Stanilavski, đạo diễn người Nga nửa đầu thế kỷ XX, đã tổng kết rằng, một tác phẩm sân khấu thực sự (vở diễn), phân biệt với một kịch bản văn học, là một tác phẩm “sinh trong đêm và chết trong đêm”. Việc sáng tạo và cảm thụ tác phẩm sân khấu (tức vở diễn) được chấm dứt khi vở diễn kết thúc trên sàn diễn (trong điều kiện chưa có phương tiện ghi hình như hiện nay).

Trong cách nhìn như vậy, không có lý do gì để coi một buổi thuyết pháp, cũng như một buổi tọa đàm Phật giáo, không có giá trị là một tác phẩm học thuật Phật giáo. Chúng ta đang dần dần trong  quá trình ý thức, đúng hơn là ý thức lại điều này, với việc sử dụng ngày càng nhiều các phương tiện ghi âm, và gần đây là các phương tiện ghi hình, để phổ biến các chương trình thuyết pháp. Và ngày càng có đông người tiếp nhận tư tưởng Phật giáo, không phải từ sách vở hay tham dự trực tiếp các buổi thuyết giảng, mà thông qua các phương tiện ghi âm, ghi hình.

Các bài kinh Phật đã là các kịch bản chương trình truyền hình hoàn chỉnh

Từ cơ sở kiến thức truyền hình hiện đại, khi đọc lại những bài kinh Phật, cả kinh Bắc tông lẫn Nam tông, chúng tôi hết sức ngạc nhiên về dáng dấp một kịch bản truyền hình chi tiết của phần lớn các bài kinh. Mỗi bài kinh đều bắt đầu bằng sáu điều chứng tín hay sáu điều thành tựu là tín (pháp được nghe nội dung của bài kinh sẽ được thuật lại), văn (người thuật lại pháp chính mình đã nghe), thời (thời điểm thuyết pháp), chủ (chủ tọa thuyết pháp), xứ (nơi thuyết pháp), chúng (khán thính giả). Sáu điều ấy là một trong những phần cấu tạo nên hệ thống của toàn bài kinh, xác định sự tồn tại của bài kinh đó giúp cho tín tâm của người học Phật phát khởi, thâm nhập giáo nghĩa mầu nhiệm dễ dàng.

Trong một chương trình truyền hình, dù là một bản tin, phóng sự, ghi nhanh, phim tài liệu…, yếu tố giới thiệu không gian bao giờ cũng là yếu tố mở đầu. Trong các bản kinh Phật (nói chính xác hơn là văn bản ghi các bài thuyết pháp của Phật), giới thiệu không gian bao giờ cũng là một trong những nội dung mở đầu bản kinh, và thường theo thứ tự từ rộng đến hẹp, từ lớn đến nhỏ, không khác ngôn ngữ điện ảnh. Thí dụ, Kinh A-di-đà: “…Phật tại Xá Vệ quốc” (đơn vị lớn rộng), “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên” (đơn vị hẹp hơn). So sánh với ngôn ngữ điện ảnh (trừ những trường hợp sáng tạo phá cách) để giới thiệu sự việc, các kịch bản đều thể hiện yêu cầu giới thiệu địa điểm thể hiện, từ rộng đến hẹp, thí dụ sự việc diễn ra ở giảng đường một trường đại học, thì trước tiên thể hiện toàn cảnh ngôi trường (hoặc có thể đại toàn cảnh, nhấn mạnh đến ngôi trường trong hình ảnh của một góc thành phố), rồi dẫn vào giảng đường (hẹp dần) rồi bục giảng (hẹp hơn nữa)... Nguyên tắc giới thiệu không gian này được vị tôn giả kết tập kinh điển tuân thủ rất chặt chẽ, chứng tỏ ý muốn của người xưa muốn phản ánh chân thực và đầy đủ bối cảnh của buổi thuyết pháp, không khác gì ngôn ngữ hình ảnh động (điện ảnh và truyền hình) hiện đại.

Sau đó, nội dung các bài kinh điểm qua khung cảnh và nhân vật tham dự buổi thuyết pháp (tổng quan số người dự nghe, giới thiệu danh sách chi tiết một số nhân vật đáng chú ý…). Trình tự này cũng là trình tự ngôn ngữ truyền hình (thể hiện toàn cảnh, dẫn vào trung cảnh, trung cận cảnh của bối cảnh và giới thiệu nhân vật nơi diễn ra sự việc…).

Đi vào phần chính, phần lớn các bài kinh tập trung miêu tả cử chỉ, hành động, đặc biệt là lời nói của đức Phật. Với cách thể hiện như vậy, ngày nay, chúng ta có thể đóng diễn lại một cách khá chính xác diễn tiến của từng buổi thuyết pháp mà đức Phật đã thực hiện thuở xưa.

Trình bày vấn đề một cách dông dài như vậy, chúng tôi muốn nhằm vào mục tiêu chứng minh rằng, ngày nay, nếu chúng ta tổ chức sản xuất các chương trình video thuyết pháp, thì vấn đề cũng không phải là mới, mà chúng ta cũng chỉ kế thừa tiếp tinh thần, tư duy của đại tôn giả Anan, người tiên phong trong sự nghiệp hoằng pháp cách đây XXV thế kỷ mà thôi. Có điều ngày ấy, do chưa có camera thu hình, nên hoạt động phản ảnh các buổi thuyết pháp chỉ dừng lại trên văn bản kinh, mà dáng dấp một kịch bản truyền hình đã là rất rõ, như vừa được trình bày.

So sánh việc tiếp thụ một buổi thuyết pháp thông qua văn bản, qua phương tiện ghi âm và phương tiện ghi hình

Nhược điểm nổi bật nếu tiếp thụ một bài thuyết pháp qua các phương tiện ghi âm hoặc ghi hình là tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều so với đọc trên văn bản. Một buổi thuyết pháp 90 phút, qua bản ghi đầy đủ, người đọc có thể lãnh hội được nội dung chỉ trong khoảng chưa tới 10 phút. Theo trình tự ngược lại, nếu đóng diễn lại các buổi thuyết pháp của đức Phật ngày xưa theo các bản kinh và thể hiện theo ngôn ngữ điện ảnh truyền hình hiện đại, một chương trình truyền hình thuyết pháp cũng có thể tốn thời gian ước lượng  gấp 5-7 lần thời gian đọc bản kinh.

Nhưng, xem một buổi thuyết pháp trực tiếp tại chỗ, hoặc qua màn hình TV, ngoài sự sinh động hấp dẫn của màu sắc, âm thanh, người xem sẽ cảm nhận những yếu tố ngoài ngôn ngữ, vốn rất quan trọng trong việc hoằng pháp. Đây chính là điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh.

Chỉ khi xem một chương trình video thuyết pháp hoặc có mặt tại chỗ, người Phật tử mới có thể thấy được ánh mắt, nụ cười, nét mặt, thần thái, cử chỉ… của vị giảng sư. Đối với những vị tôn túc có đạo lực thâm sâu, thì điều này càng có ý nghĩa. Nghe băng, có thể nghe được giọng nói giảng sư, theo dõi và cảm thụ “màu sắc” và những quãng lặng ngữ điệu, nhưng, nếu có thêm hình ảnh, người xem mới cảm thụ, lãnh hội hoàn toàn nội dung của buổi thuyết pháp, mà phần quan trọng của nó có thể nằm ngoài ngôn từ. Chẳng hạn, khi đề cập đến khái niệm giải thoát trong đạo Phật, phải chăng cốt cách, phong thái thật sự giải thoát của nhà sư lại hàm chứa nội dung truyền đạt sâu sắc, có giá trị không kém nội dung thuyết giảng bằng ngôn ngữ? Giá trị của công nghệ truyền hình hiện đại chính là ở chỗ này. Nó có thể ghi lại những ánh mắt, những động thái, vẻ mặt đi kèm với ngôn ngữ và tạo động lực cho sự thăng hoa của ngôn ngữ. Thực tế, có những điều ngôn ngữ không nói được, mà chỉ có cử chỉ ánh mắt, cốt cách, phong thái của vị giảng sư trên pháp tòa mới nói lên được, và ghi lại điều đó cho nhiều người cùng xem, cho con cháu nhiều thế hệ vẫn có thể xem là điều hết sức cần thiết. Rất may, hiện nay, chúng ta đã có các phương tiện truyền hình, ghi hình để làm điều đó.

Cảm nhận một bài thuyết pháp qua việc đọc những bản ghi trên những trang giấy và qua có mặt trực tiếp tại giảng đường (hoặc qua màn ảnh TV) là khác hẳn. Nhưng việc cảm nhận bài thuyết pháp với những yếu tố kèm ngôn ngữ như đã phân tích, so sánh giữa việc có mặt tại chỗ và thông qua màn hình TV, thì trong một số trường hợp, việc tiếp thu qua màn hình TV với các phương tiện ghi hình lại có ưu thế nhất định. Có mặt tại giảng đường, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngồi gần vị giảng sư, nhưng camera truyền hình có thể giúp chúng ta ghi nhận đến từng cái chớp mắt, từng tia nhìn của vị giảng sư, mà đối với những vị đạo cao đức trọng thì mọi ánh mắt, cử chỉ trong lúc thuyết pháp đều không tách rời với nội dung bài thuyết pháp. Có những cử chỉ, ánh mắt… mà xem lần đầu qua băng, đĩa, chúng ta chưa thể cảm nhận được gì, nhưng với lần thứ 2, lần thứ 3, chúng ta mới có thể hiểu và cảm nhận. Với những bài thuyết pháp ghi hình, ưu thế của nó là giúp người xem đến gần giảng sư và xem lại rất nhiều lần. Chính ưu thế này sẽ giúp rất nhiều cho việc hiểu, tin và thực hành Phật pháp. 

(còn tiếp)

[Tập San Pháp Luân.31.Tr,47.2006]