Sống đúng

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Lịch sử nhân loại trải qua bao thăng trầm theo thời gian, bao sự thịnh suy của thời đại.

Sự hiện hữu của con người trên cuộc đời chỉ thoáng chốc như những giọt sương treo đầu ngọn cỏ, tồn tại như một ánh chớp trong đêm rồi vụt tắt, thế nhưng ngay nơi bản thân con người, ngay trong cuộc sống của các cộng đồng đã hình thành nên những cách sống riêng, những phong tục tập quán riêng, sự phân tầng xã hội cũng theo đó mà thiết lập. Có triều đại phân chia giai cấp được xã hội công nhận, có triều đại còn đang tiềm ẩn chưa hiện ra. Chính điều đó đã làm xáo trộn những cái nhìn, những cách sống đến những tư tưởng nhận định khác nhau. Trước lúc đức Phật ra đời, xã hội Ấn độ phân  thành bốn giai cấp Bà-la-môn, Sát-đế-lị, Phệ-xá, Thủ-đà-la một cách rõ rệt, làm cho cuộc sống của con người lúc ấy phân vị theo từng giai cấp sang, hèn khác nhau. Đức Phật đã kịch liệt phản đối và chủ trương xóa bỏ xã hội mang nặng tính giai cấp này. Ngài cho rằng tất cả mọi người đều có dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn. Với tinh thần đó, đức Phật đã thiết lập một xã hội bình đẳng giữa con người với con người, khẳng định lại tính Chân Thiện Mỹ ngay nơi bản thân của một con người, một tính Phật hằng hữu mà mọi người đều có thể thành Phật nếu như thực hành và sống thuận theo sự vận hành của chân lý.

Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, cuộc sống con người được đặt ở một vị thế nhất định; cho dù bạn là người như thế nào, thì cuộc sống của bạn cũng được tôn trọng. Theo tinh thần duyên sinh của Phật giáo, thì cuộc sống là một tổ hợp kết dính với nhau. Nếu A có mặt thì B có mặt. Do vậy, cuộc sống của loài người là một mối liên hệ rất mật thiết. Đã là mối liên hệ với nhau thì cần phải bảo vệ và tôn trọng lẫn nhau. Nếu không tôn trọng lẫn nhau thì sẽ có những cuộc chiến tranh xảy ra. Chúng ta cũng từng chứng kiến qua thực tế, qua lịch sử những cuộc chiến tranh xảy ra làm cho nhiều người phải chịu cảnh tang thương, ly tán. Từ cách nhìn như vậy, ta thấy rằng, con người hiện hữu ở đời không chỉ một mình mình tồn tại mà còn có nhiều mối liên hệ tương duyên tương quan khác. Cho nên trong cuộc sống hằng ngày, bạn không nên áp đặt tư tưởng của mình lên một đối tượng khác, hay vì một lý do gì lại xem thường họ.

Thử hỏi, nếu bạn ở trên đỉnh cao của sự giàu sang, bạn không nghĩ đến nỗi khổ của người nông dân, thì hạt gạo mà bạn dùng hàng ngày ở đâu mà có? Nếu như không có những người lao động chân lấm tay bùn, thì thử hỏi bạn có thể tồn tại được không? Ở đây, người viết chỉ đề cập đến quan hệ đối xử giữa con người với con người thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày mà thôi. Bạn thử nghĩ xem, sống trên đời, ai không muốn mình hạnh phúc và tránh đi những khổ đau; ai không muốn mình được ăn sung mặc sướng, quyền cao chức vọng, nhưng không phải vì vậy mà người ấy lại đánh mất đi lòng tự trọng của chính mình.

Câu chuyện sau đây cho thấy lòng tự trọng của con người rất là cao. Một lần nọ, trên đường đi tôi gặp một bà cụ ăn xin tuổi ngoài bảy mươi. Trong lúc đi xin bà gặp một cô gái khoảng chừng 30 tuổi. Bà ta xin cô gái ấy 2000 đồng, cô gái vui vẻ cho, nhưng cô ta vô tình hỏi bà cụ một câu :

-“Bà cụ xin để làm gì vậy?”

- “Cho hay không là quyền của cô, cô cho tôi 2000 mà bắt tôi phải trả lời để làm gì thì 2000 của cô đắt quá”. Bà cụ đáp lại, rồi bỏ đi chỗ khác.

Đây là chuyện rất đơn giản nhưng nó lại thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Không phải bạn có quyền hay tiền bạc nhiều mà bạn xem thường người khác. Bởi vì bạn có tôn trọng người ta thì người ta mới tôn trọng lại bạn, đây là một quy luật tất yếu trong quan hệ đối xử. Một người tuy mang phận ăn xin nhưng họ vẫn có lòng tự trọng của chính họ. Vẫn biết rằng sự hiện hữu của chúng ta ở cõi đời đều do nghiệp báo riêng, nhưng mỗi khi đã sinh ra làm người thì con người đều bình đẳng như nhau.

Đông tây kim cổ, bất cứ một triều đại hay đế chế nào, cuộc sống của con người luôn được đặt lên hàng đầu. Một xã hội muốn cho tốt đẹp, thì những con người sống trong xã hội ấy phải có sự tôn trọng lẫn nhau, mỗi một cá nhân được tôn trọng lẫn nhau thì tập thể được cấu thành nên sẽ vững mạnh, một tập thể vững mạnh thì xã hội ấy ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Điều quan trọng trong cuộc sống là bạn phải có lòng vị tha và thông cảm với người khác. Đức Phật cũng vậy, trong 49 năm hoằng pháp độ sinh, Ngài đã cứu giúp không biết bao tâm hồn đang ở trong trạng thái sống say chết dỡ. Chính nhờ lòng từ bi rộng lớn mà Ngài đã đưa những tâm hồn đang còn lạc lõng giữa bến đời ô trược trở về với cuộc sống chân chánh, đến với chân lý, xây dựng một nền tảng đạo đức chân thật trong tinh thần duyên sinh vô ngã. Như trường hợp của Liên hoa Sắc, nửa đời dùng son phấn làm điên đảo nhiều người và gây nên bao tội lỗi nhưng khi quay đầu lại, nhận chân ra sự thật cuộc đời chỉ là tạm bợ, cuối cùng quyết định xuất gia vẫn chứng được quả vị A-la-hán. Từ sự tôn trọng con người, biết yêu thương và quý hóa sự sống, Ngài đã không bỏ bất cứ một ai, dù người ấy ở giai cấp thấp nhất như giai cấp Chiên-đà-la chẳng hạn, vẫn được Ngài thâu nhận vào sống trong Tăng đoàn; đây là một bước ngoặc lịch sử đánh đổ sự phân tầng xã hội một thời hằn sâu trong tiềm thức của những con người đương thời, mở ra đạo lộ thênh thang khẳng định tính chất nhân bản bình đẳng của đạo Phật. Trong suốt hành trình hoằng hóa độ sanh, đức Từ Phụ luôn rộng mở tấm lòng bao dung, vị tha để cảm hóa người khác. Ngài chỉ khuyên hàng đệ tử đến để thấy rồi tu chứ không bao giờ áp đặt.

Để có một cái nhìn đúng và thông cảm đến với người khác, bạn cần phải tôn trọng họ. Vì  bạn tôn trọng họ tức là bạn đang tôn trọng chính mình. Một cuộc sống mà biết tôn trọng lẫn nhau thì cuộc sống ấy sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn và chắc chắn sẽ giải quyết được những vấn đề rắc rối một cách triệt để hơn. Có một nhà hiền triết nói: “Muốn lãnh đạo phải biết người, muốn biết người phải nghe họ nói”. Lắng nghe họ nói là mình đang học hạnh lắng nghe của ngài Quán Thế Âm, nghe để mình thông cảm, nghe để biết được ý kiến của người mà chia sẽ nỗi niềm cũng như công việc của người đối với mình; chứ không phải chỉ nghe những tiếng nói của quyền lực và danh vọng rồi làm nô lệ cho miếng mồi ngon vô minh điên đảo khổ đau.

Vấn đề được đặt ra ở đây là mỗi người đang sống giữa cuộc đời tối thiểu cần phải có đủ hai điều kiện: Thứ nhứt là tôn trọng người và thứ hai là tôn trọng mình. Tôn trọng người để thông cảm với người, để từ đó mình có cái nhìn về mọi người một cách đúng đắn hơn; còn tôn trọng mình thì phải giữ thái độ và lời nói của chính mình. Nếu không làm được như vậy, bạn sẽ tự đặt mình vào một hoàn cảnh “cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Thế nên, mỗi khi xét đoán một việc gì tốt hơn là bạn hãy đặt mình vào trong hoàn cảnh của người ấy, thì may ra bạn mới có sự thông cảm với người khác được.

Con người từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi thiện ác luôn là vấn đề được mọi người quan tâm và đưa ra nhiều nhận định khác nhau, hiểu biết khác nhau. Dù bạn cho rằng mình đang sống, đang làm, đang giúp cho người nhưng thật ra những điều bạn đang sống đang làm đang giúp cho người đó lại là những điều mà bạn làm cho chính bản thân của bạn nhiều hơn. Trong Luận Bảo Vương Tam Muội dạy rằng: “Thi ân đừng cầu mong đáp trả, vì mong đáp trả là thi ân có mưu tính.” Con người chưa phải là một thánh nhân cho nên chưa thật sự hoàn hảo, do đó con người cần phải học hỏi nhiều để làm cải đổi cuộc sống tươi đẹp hơn, hoàn thiện hơn.

Bạn không nên áp đặt họ vào một quy trình, hay răn dạy họ theo một “giáo điều” tự bạn đưa ra. Hãy xem họ như là người thân của chính mình, là cha mẹ anh em ruột thịt của mình, có như vậy thì bạn mới dễ dàng gần gũi để khuyên dạy hay hướng dẫn họ theo lẽ thiện. Vì những yếu tố để tạo thành một con người thiện mỹ, một xã hội tốt đẹp không chỉ có bản thân bạn, mà cần phải có sự tương quan giữa người này và người khác. Ngay cả những người đem lại cho chính bạn nhiều chướng ngại nhất, cũng chính những người đó đã xây dựng cho bản thân bạn trở thành một con người có tính kiên nhẫn thương yêu nhất. Bởi thế trong bất cứ phương diện nào, một hoàn cảnh nào, một xã hội nào thì vấn đề đạo đức xây dựng con người cần phải đưa lên hàng đầu, được xem là trọng tâm, là mấu chốt để thiết lập một xã hội thăng tiến văn minh hơn. Do đó trong cuộc sống hiện tại, con người cần phải tôn trọng và quý hóa lẫn nhau, hãy trải rộng tấm lòng bao dung không chỉ cho con người mà cho cả muôn loài để cùng nhau chung sống một cuộc sống không còn sợ hãi, hận thù hay đau khổ.

Bởi vậy khi nhìn nhận một con người bạn phải nhìn họ với cái nhìn hiểu biết và cảm thông, theo đạo Phật đó là cái nhìn vô ngã, cái nhìn không có ta và người, không có ngã và ngã sở; phải thương xót cho những con người kém may mắn. Ở Tây Tạng người ta luôn đưa vấn đề này lên hàng đầu, như đầu mỗi giờ học thì học sinh phải học những điều răn sau: “Hãy lấy ân báo oán. Hãy siêng học kinh điển và giáo lý. Hãy giúp đỡ đồng loại. Không ăn hiếp những kẻ thế cô, hiền lành. Luật pháp nghiêm khắc với kẻ giàu sang để dạy họ sự thông cảm và công bằng. Luật pháp khoan hồng với kẻ  nghèo để an ủi họ.”

Trên đây là một số thiển ý mà người viết đưa ra mong bạn đọc hãy đón nhận với một tâm trạng thoải mái để rồi nhìn đời bằng cặp mắt yêu thương và thông cảm đối với mọi người. Hãy nên nghĩ rằng nếu không có mọi người thì ta sẽ không bao giờ tồn tại. Bởi cuộc đời này không bao giờ tồn tại bạn nếu như không có người khác. Tinh thần duyên sinh của Phật giáo cũng đã nói lên vấn đề này. Đức Phật, Ngài cũng đã nêu cao tinh thần tôn trọng sự sống của người. Do vậy, trong cuộc sống của chúng ta, mỗi người cần phải có sự thông cảm cho nhau. Cuộc sống của con người cần phải được tôn trọng đúng theo giá trị của họ. Chúng ta phải tôn trọng và xây dựng sự sống trên tinh thần nhân bản. Đừng để cuộc đời xảy ra tranh chấp, gây thù kết oán, mà phải học hạnh từ bi lấy tình thương mà hóa giải hận thù thì hận thù mới tiêu tan như trong kinh Pháp cú Phật dạy: “Hận thù diệt hận thù, đời này không có được; không hận diệt hận thù, là định luật ngàn thu.”

Phổ Tuệ
[Tập san Pháp Luân - số 3]