Quay về quê cũ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Con người từ đâu sanh ra và chết rồi sẽ đi về đâu là một câu hỏi khiến cho nhiều thức giả đã phải đau đầu nhức óc nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

Phải chăng do một niệm bất giác khởi lên mà có ra chúng sanh rồi không biết quê cũ quay về để rồi phải chịu khổ trầm luân trong luân hồi sanh tử.

Chúng ta người vạn bối, kẻ hậu sinh như muốn vươn lên để thong dong tấc dạ, há có phải là việc dễ dàng chăng? Có một tiền bối nói rằng: “sống kiếp hậu sinh thiếu đức, sanh đời mạt pháp ít duyên”. Tiền bối là bậc cao minh đương thời mà còn nói thế đủ, biết chúng ta cần cố gắng xiết bao. Và càng cố gắng, chúng ta mới thấy được mình còn thiếu rất nhiều, thiếu tri thức, thiếu đạo đức hay thiếu Bi Trí Dũng… Ở những con người cầu tiến mới thấy được mình còn kém cỏi mà tự sách tấn vươn lên hay là quay về với chính mình (tâm thanh tịnh) một thuở nọ để uống nước suối nguồn Tào Khê mong rửa sạch bao nỗi ưu phiền và mấy phen ô nhiễm bởi trôi lăn trong chốn hồng trần. Nếu không như thế thì e rằng ta lại trở thành kẻ nô lệ cho ngũ dục, thế lợi phù hoa sai khiến mà kết quả là chúng ta sẽ lầm đường lạc lối muôn kiếp nghìn đời khó có thể ra khỏi luân hồi. Thử hỏi, kẻ xuôi theo sự thế, vui cái vui giả tạm để tô bồi cho huyễn thân mà đắm mình trong cảnh mộng thời nay có nhiều chăng?

Dù rằng sanh đời mạt pháp nhưng cũng còn “rất may gặp được Từ thuyền, tốt phước đón nhằm pháp giá, mong Đạo sư giáo hóa, thấm nhuần lẽ đạo nhiệm mầu”. Những người con Phật chúng ta coi như rất may gặp được Từ thuyền và tốt phước đón nhằm pháp giá. Tuy nói thế vì lời trên là lời của bậc Tiền bối đương thời, còn chúng ta kẻ hậu sinh mới học, mỗi người cần xét kỹ thử xem mình đã gặp Từ thuyền chưa? Nếu gặp rồi thì khéo biết thiết tha mong Đạo sư giáo hóa để được thấm nhuần lẽ Đạo nhiệm mầu. Lẽ Đạo nhiệm mầu đâu chỉ học trên lý thuyết, dựa vào lời nói suông mà được hay chỉ tu sơ sơ theo thời khóa tụng còn ngoài ra thì buông lung theo huyễn cảnh chẳng tha thiết dụng công, hạ thủ công phu thì Niết-bàn cứ mãi còn cách xa diệu vợi. Đã là một hành giả dấn thân theo bước chân của đức Phật thì phải học lời dạy của Ngài và hoan hỷ tín thọ phụng hành với tâm thành thật tha thiết chẳng từ nan để vượt qua muôn ngàn thử thách của sự cám dỗ của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ngon vật lạ làm cho khoái khẩu, triền miên trong giấc ngủ nồng say cho thỏa thích.

Ngũ dục là thứ thuốc chuyên gây mê con người để dễ dàng sai khiến làm cho con người mất tự chủ, bỏ quên Chủ nhơn ông của tự mình. Tác hại của ngũ dục thật vô cùng đáng sợ cho nên cần phải có ý chí quyết tâm, nghị lực kiên cường và noi gương Phật Tổ mới có thể hàng phục tâm.

Tác hại của ngũ dục nó làm chướng ngăn Thánh đạo và nó dẫn dắt con người đi đến đường mê nẻo dữ; một khi bị lạt vào con đường mê, nẻo bất thiện ấy thì biết bao giờ mới có cơ hội hồi tâm chuyển ý hay gặp thiện duyên, kỳ ngộ Thiện-tri-thức chỉ bảo đường ngay lối thẳng mà về với chánh đạo. Chúng ta vượt qua sự cám dỗ của ngũ dục là một điều rất là khó khăn và vô cùng gian nan đầy thử thách. Do đó tự bản thân của mỗi người tu cần phải sáng suốt tư duy để lựa chọn cho mình những phương pháp hành trì, phòng hộ thân tâm để dần dần hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát.

Đức Phật dạy: “Người thông minh thì đừng làm việc gì khiến mình hối hận” (Trích Pháp cú Nam Tông, Trí Quang biên dịch). Sau đây thử đưa ra mấy điều để chúng ta cùng nhau suy gẫm.

Trong khi đọc lịch sử của chư vị Phật Tổ, chúng ta sẽ thấy được cuộc đời của quý Ngài sau khi đắc đạo đã toát lên niềm an lạc vô biên và những ai có được thiện duyên cũng sẽ hưởng được sự cảm hóa từ quý Ngài và sống cuộc sống luôn luôn được an lành. Chúng ta thấy được điều ấy sẽ sanh tâm hoan hỷ và thiết tha mong muốn chính mình cũng đạt được kết quả như vậy. Rồi từ đó, chúng ta ra công tu tập thân tâm một cách nghiêm túc và giữ gìn giới luật một cách trọn vẹn. Một khi thực sự đi vào con đường tu tập, nghiêm trì thánh pháp thì không còn lạc vào con đường sa đọa để tận hưởng ngũ dục nữa.

Để có được kết quả là giác ngộ giải thoát thì quý Ngài đã phải trải qua biết bao gian nan khó nhọc, suốt ngày luôn đêm không ngừng nghỉ tọa thiền quán chiếu nội tâm, thể nhập tự tánh chơn như. Và cuối cùng quý Ngài đã ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc giữa khổ đau. Giác ngộ giải thoát như chư Phật, Tổ sư là điều mong muốn của tất cả người tu chúng ta. Chúng ta lẽ nào không ra sức hạ thủ công phu, ra công hành trì miên mật để đạt được điều mà mình mong muốn.

Tất cả các pháp môn mà đức Phật đã dạy không ngoài việc “tức tâm tức Phật”. Nếu ai thích hợp với thiền thì quay về quán chiếu nội tâm, nhận ra cái tâm chơn thật thường hằng sáng suốt. Một khi nhận ra tâm ấy và hàng ngày sống với tâm ấy thì không còn sợ ngũ dục cám dỗ. Nếu ai có duyên với Tịnh độ thì “đem tâm hoàn toàn Phật ấy, niệm Phật hoàn toàn nơi tâm, thì thật có oai đức thần lực, quả Phật toàn phần nơi tự tâm âm thầm gia bị” (Khai Thị Niệm Phật-Triệt Ngộ Đại Sư-Việt dịch Thích Minh Thành). Nếu ai có duyên với mật tông thì hãy hành trì đến tam mật tương ưng - tức thân thành Phật. Các pháp môn khác cũng đều dung thông.

Mọi người ai cũng muốn hạnh phúc an vui; không ai muốn khổ đau. Muốn hết đói cần phải ăn là điều tất nhiên; cũng như muốn có kết quả tốt đẹp như ý thì trước hết phải tạo chánh nhân, và điều quan trọng nhất là hạnh phúc không cần chạy đi tìm cầu ở đâu xa vời, chính ngay bản tâm ta đã sẵn có, kho báu ở trong nhà không cần tìm đâu xa và thị phi đều ở trong lòng.

Những ai cất bước trên đường thẳm,
Chi bằng dừng lại nhận ra tâm,
An nhiên tự tánh Phật từ đó,
Tâm Phật nhất như muôn sự thành.

Thông Hải.
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.76]