Thế gian hằng trôi chảy như những dòng thác đổ vào trăm sông rồi đi ra biển cả, chúng ta như những con thuyền cứ buông mái chèo để dòng nước cuốn trôi.
Chúng trôi đi đâu? Chúng trôi từ nơi cao đến nơi thấp bởi trong tự thân chúng đã cưu mang cái tính chất xuôi dòng, cũng như con người đã cưu mang trong lòng cái đọa tính để rồi lưu lạc đến những cảnh giới khổ đau.
Hành giả tu Phật bước đầu nhờ học hỏi chánh pháp mà đoạn trừ được ba phiền não: tà kiến, nghi và giới cấm thủ, đạt được Thánh quả Dự lưu (Tu đà hoàn, Skt: Śrotāpanna), quả vị thứ nhất trong bốn Thánh quả. Quả vị này còn được gọi là Nghịch lưu quả. “Dự lưu” là dự vào dòng Thánh, còn “Nghịch lưu” là muốn nói dòng chảy ấy ngược lại với thế gian, ngược lại với những quan niệm thường tình của cảnh giới chúng ta đang sống. Thế gian này lấy phiền não làm nền tảng, nó được xây dựng từ những chất liệu nhiễm ái như tham, sân, si, mạn, nghi…Thánh đạo thì diệt trừ những thứ đó.
Thế giới vận hành trong mối quan hệ qui định lẫn nhau. Vạn vật hỗ tương tác thành cho nhau, không có một cá thể nào đi ra ngoài qui luật ấy, nghĩa là không có một pháp nào tồn tại cá biệt. Đức Phật đã dùng hình ảnh lưới báu của trời Đế thích (Nhân-đà-la võng: Indra-jāla) để diễn đạt nguyên lý này và gọi là nguyên lý Duyên khởi (Skt. Pratītya-samutpāda). Mỗi cá thể trong vũ trụ là mỗi mắt lưới có đính viên ngọc, sự phản chiếu giữa chúng là trùng trùng điệp điệp không cùng tận, cá thể và toàn thể dung nhiếp lẫn nhau. Xã hội chúng ta luân chuyển trong cùng một mối quan hệ tương tự và mỗi thành viên luôn luôn chịu tác động của những xung động bắt nguồn từ tính chất nhiễm ái của tự thân và dòng chảy thác loạn của tha nhân. Thông thường, chúng ta chỉ phản ứng lại các xung động ấy một cách bị động, vô ý thức hoặc dễ dãi (tính chất xuôi dòng, bị động, hay là đọa tính) để rồi tạo ra xung động mới cho chu kỳ tương tác kế tiếp. Nói xung động mới bởi vì cái trước và cái sau không phải là một mà cũng không hoàn toàn khác nhau, chúng có tính chất kế thừa. Tất cả những xung động đó tạo nên cái toàn thể của dòng chảy và đó chính là thế gian (Skt: loka), gồm cả hữu tình và vô tình. Một lối sống như vậy rõ ràng là bị động, là vong thể, là bỏ quên giác tánh. Theo Duy thức tông (Vijñaptimātratā), xung động tạo ra dòng chảy này chính là Tư tâm sở (Skt: cetanā, một trong năm tâm sở biến hành) dưới sự giám sát của Ý thức (Skt. mano-vijñāna) và qua lăng kính Mạt-na thức (Skt. manas). Ý thức (thức thứ sáu) làm chủ sự phân biệt, Mạt-na thức (thức thứ bảy) là tâm lý chấp trước và nhiễm ô (nhiễm thức), cho nên những xung động này tự thân nó mang bản chất phiền não, hữu lậu và đọa lạc. Tính hữu lậu này chỉ được đoạn trừ khi hành giả chuyển thức thành trí, chứng đắc Chuyển y, tức thành tựu Phật vị.
Mỗi khi đứng trước đóa hoa, chúng ta không thực sự ngắm nhìn đóa hoa mà chỉ ngắm nhìn cận thể (phóng ảnh) của nó, ngắm nhìn biến thể tương tợ của thực tại. Nói theo ngôn ngữ thông thường, nghĩa là chúng ta nhận thức sự vật theo thiên kiến của mỗi người, tùy theo sở thích của mỗi người mà có sự yêu ghét khác nhau. Dựa trên tâm lý yêu ghét ấy, Tư tâm sở suy tư vạch tìm đường lối hành động, để rồi tạo nên xung lực cho hướng đi của mỗi cá thể. Nhiều cá thể như vậy tạo thành thác lũ cuộc đời có khả năng cuốn trôi đi tất cả những gì không kiên định đang chìm nổi giữa lòng nó. Thế mà, chúng ta bị dẫn dắt bởi những xung động ấy. Vì thế, để thoát khỏi dòng chảy của thế gian hay muốn cải hóa xã hội thì chúng ta phải tạo ra những xung động ngược lại đủ mạnh để tác động lên thế giới. Đó là lối sống nghịch lưu của bốn quả Thánh nói riêng và của Phật đạo nói chung, một lối sống hoàn toàn chủ động trong ánh sáng yêu thương và hiểu biết. Người đi theo con đường nghịch lưu coi thường tất cả những giá trị của thước đo thế gian, họ sống và làm việc bằng tất cả tấm lòng tha thiết với cuộc đời, không mặc cả thua thiệt. Người mang nặng tham ái thì xuôi theo dòng đời mà mưu cầu xây dựng kiên cố gốc rễ phiền não, đó là nhà cửa, vợ con, danh vọng…bởi thế gian cho những điều đó là nên làm, là thước đo giá trị của mỗi người ở đời; còn người sống Đạo, nỗ lực vượt qua những cám dỗ đời thường, không đắm chìm trong vị ngọt của các dục, đạp đổ thành lũy thế gian để xây dựng Bảo thành, như cá vượt Vũ môn để nâng cao kiếp sống.
Bằng con đường nghịch lưu, bằng lối sống đi ngược lại với thế gian thường tình, cuộc sống mới được thăng hoa, mới đạt được những cảnh giới tốt đẹp, cho đến cuối cùng là Niết-bàn thanh tịnh. Lấy tâm từ bi trí tuệ để soi sáng những tâm địa xấu xa, lấy xung động vô tham, vô sân, vô si mà tác động lên thế gian đang lưu chuyển. Đó chính là khả tính chuyển hóa thế giới của lý Duyên khởi, một giáo lý nền tảng của truyền thống tu tập Phật đạo.
Xã hội chúng ta đang xuôi chảy, xuôi chảy đến những nơi thấp mọn của thoái hóa nhân tính giống như dòng nước xuôi chảy đến những ao hồ úng trũng tù đọng. Chúng ta sống bị động và trôi nổi bởi chúng ta không dám vượt lên trên cái riêng tư của xã hội tính (cá tính do xã hội tạo thành). Mọi người bị xã hội qui định và tiêu chuẩn hóa, họ không còn làm chủ được mối thiện tâm cũng như cái hoạt tính ưu việt của chính mình. Vì thế, trong thế giới trùng trùng duyên khởi, trong xã hội tương liên, chúng ta hãy tạo nên những xung động hướng thượng, những dòng nghịch lưu, để ngăn lại dòng thác lũ hữu lậu đang cuốn trôi nhân tính, cải hóa thế giới trong ánh sáng từ bi trí tuệ, làm thăng hoa cuộc sống.
Hướng Thiên.
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.44]