Đi tìm hạnh phúc

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cuộc sống ngày nay vốn rất thuận tiện trong việc thực hiện những dự tính và hoài bão của chúng ta.

Thế nhưng có một thực tế là con người càng có xu thế đánh mất mình hay nói cách khác, con người dường như không biết mình là ai, đang làm gì… cuộc sống thường nhật cứ cuốn họ vào dòng xoáy của nó, con người thường chạy theo những tiện nghi bên ngoài mà vô hình trung không ngó ngàng gì đến thế giới nội tâm vốn đã rất phức tạp. Từ sáng tới tối, công việc cứ chất chồng lên đôi vai, họ không còn thì giờ để thưởng thức một tách trà nóng, để nhìn một chiếc lá rơi, hay cảm nhận cuộc sống xung quanh và nhất là không biết mình đang làm gì. Ngày qua ngày, từng phút từng giây như thế, họ rơi vào trạng thái mất cân bằng trong cảm xúc, trong tư duy, trong tình cảm… dẫn đến việc khủng hoảng tâm lý.

Ai cũng biết rằng để một con người sống đúng với sự sống, chứ không phải vì là tồn tại như một cái xác, thì cần phải có cả tinh thần lẫn vật chất. Ta không vin vào vật chất đời thường mà quên đi phần tâm hồn nhạy cảm của chúng ta. Phần tâm hồn ấy, ta không thể thấy, cũng không thể nắm bắt, thế nhưng khi tách nó ra khỏi con người thì con người chỉ tồn tại như một thực vật không hơn không kém. Có thể hiểu phần hồn ấy như nội tâm của con người, như những suy tư, trăn trở, như những tình cảm vui buồn, giận hờn, hạnh phúc, khổ đau… một khi con người thiếu vắng những thứ ấy thì sao nhỉ? Những tình cảm ấy khiến con người gần với con người hơn, và khi ấy con người mới thật là con người. Còn cuộc sống ngày nay đã đào tạo ra những “Robot” của thời đại, những con người chỉ biết lao vào những cuộc mưu sinh, gạt bỏ những chướng ngại trên đường tiến đến công danh mà không từ một thủ đoạn nào, trong họ dường như thiếu vắng tình cảm của loài người, họ đúng thật là sản phẩm của cuộc sống hiện đại, không có quá khứ để hoài niệm, tương lai thì chỉ là cuộc sống đầy đủ sung túc, gia đình hạnh phúc, chăn êm nệm ấm… Đó cũng chính là những gì mà một con người sinh ra để hướng đến đó sao? Khi sanh ra ta chẳng mang một thứ gì vậy sau khi chết ta mang được những gì ngoài cái thân xác nằm đó. Có một câu ngạn ngữ nói rằng: “Chúng ta sống như thế nào để đến khi chúng ta mất đi thì người bán quan tài cho chúng ta cũng khóc thương”.

Con người thường quan niệm, hạnh phúc là phải đấu tranh. Đấu tranh để có việc làm, đấu tranh để có vợ đẹp, đấu tranh tìm kiếm những tiện nghi cho chính mình… Đó mới thực sự là hạnh phúc. Còn những thứ khác họ không màng tới. Họ không cần biết tâm hồn là gì, hình thù của nó ra sao, nó có mang lại ích lợi gì cho cuộc sống hay không; tại sao phải có lợi ích mới quan tâm tới nó, cái tâm hồn nhạy cảm tinh tế ấy mặc dù nó không thấy được nhưng nó hiển hiện khắp nơi, khi ta rung động trước một cảnh đau thương nào đó, thích thú khi nghe một bản nhạc hay, xúc động trước một tấm chân tình, thích ngắm nhìn hoàng hôn đang trôi dần về cuối chân trời, tại sao ta lại có thể thờ ơ với cảnh sắc mùa thu với những lá cây bàng bạc, vàng vọt, trời trong xanh không gợn một chút mây, gió hây thổi khiến lòng thêm rộn rã v.v… tại sao không cúi xuống nhìn đám cỏ vệ đường mơn mởn xanh tươi của mùa xuân, đàn én chao nghiêng trên cánh ruộng mãi phân vân v.v… vô tình lắm khi không còn được cái cảm xúc thật của con người. Ta cứ phải đi tìm hạnh phúc xa vời ở tận đâu ngoài tầm với, cứ vật lộn với cuộc sống làm tâm hồn vốn nhạy cảm, tinh tế trở nên chai sạn, thờ ơ với sự sống của muôn loài, muôn cảnh đang diễn ra. Con người cuối cùng là đi tìm cái thoải mái, nhẹ nhàng cho mình thì tại sao không một lần vứt bỏ những phiền muộn, những lo toan vất vả, nhất là làm chậm đi cuộc sống hối hả do chính mình tạo ra, để tìm cho mình những giây phút an nhàn, thư thái v.v…  đó mới là hạnh phúc mà ta mãi mong cầu. Thực tế cũng chứng minh, con người sống trong một núi vàng nhưng vẫn cảm thấy bất an, lo lắng, nỗi sợ hãi “mất của” lúc nào cũng ngự trị trong lòng, sống như thế thì sướng ích gì chẳng bằng không có gì thì hơn. Hạnh phúc thật giản dị, mộc mạc, chỉ vì ta không nhận ra nó mà thôi. Hạnh phúc đích thực là nụ cười luôn nở trên môi, bước chân thanh thản giữa cuộc sống với bao bộn bề; chúng ta đừng tự trói mình trong những tiện nghi vật chất tầm thường để rồi lao mình theo nó, càng chạy theo thì càng thấy xa vời. Nó chỉ là ảo giác khi hiện tại không đáp ứng kịp nhu cầu. Sống đừng tự lừa dối mình, khi buồn thì hãy nói là buồn, khi vui thì hãy nói là vui. Chính chúng ta là người hiểu rõ ta nhất mà còn dối gạt thì sao có được niềm vui khi đem lại niềm vui hạnh phúc cho kẻ khác.

Hạnh phúc sẽ đến khi con người biết nhận thức rõ mình đang làm gì, đang suy nghĩ gì, đang cần những gì. Không nên chạy theo những phù phiếm xa hoa bên ngoài để một khi tỉnh lại thấy mình chẳng có gì, có chăng chỉ còn lại một tâm hồn rỗng tuếch. Hạnh phúc sẽ không mỉm cười với những ai chỉ biết vật lộn với những toan tính đời thường, không biết tìm cầu ánh sáng của chân tâm.  ❑

Trúc Lam.
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.71]