(PLO) Đức Thích Ca Mâu Ni thị hiện tại cõi Ta-bà, giáng sinh làm thái tử con vua Tịnh-phạn và hoàng hậu Ma-da thuộc dòng họ Thích-ca.
Thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) hôm nay tưng bừng khác lạ, nhà nhà cùng nhau ca vui múa hát, muôn hoa thi nhau nở khoe sắc ngát hương, trên cây chim chóc líu lo ca hót. Khắp nơi trong kinh thành, mọi người đều hân hoan đón mừng sự ra đời của thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha) tức đức Thích Ca Mâu Ni Phật sau này. Sự kiện ấy xảy ra vào ngày rằm tháng 4 năm 624 trước Công nguyên, tính đến nay đã 2628 năm.
Đức Thích Ca Mâu Ni thị hiện tại cõi Ta-bà, giáng sinh làm thái tử con vua Tịnh-phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma-da (Mahamaya) thuộc dòng họ Thích-ca (Sakya), đang cai trị vương quốc Ca-tỳ-la-vệ. Theo phong tục, hoàng hậu Ma-da phải trở về quê nhà tại xứ Câu-li (Koli) để sinh con. Trên đường trở về, khi ngang qua vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) thấy hoa Vô-ưu đang nở Bà bèn vào xem thử. Khi hoàng hậu đưa tay chạm cành Vô-ưu thì thái tử chào đời.
Tin vui thái tử chào đời với những điềm lành được lan truyền khắp mọi nơi. Từ núi Tuyết, Đạo sĩ A-tư-đà (Asita) đã đến hoàng cung xem tướng thái tử. Nhà tiên tri thấy thái tử có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp nên đã nói: “Nếu thái tử ở tại gia sẽ là một vị vua trên hết các vị vua chúa trong hoàn cầu, ngự trị cả năm châu; nhưng chữ vạn nổi ở trên ngực là điềm báo trước thái tử sẽ xuất gia thành Phật, làm chủ cả tam giới, dắt đường chỉ nẻo cứu độ cho hết thảy chúng sanh”.
Sanh thái tử được bảy ngày thì hoàng hậu Ma-da (Mahamaya) qua đời, việc dưỡng nuôi thái tử đều do bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahaprajapati Guatami) là di mẫu của Ngài chăm sóc. Năm lên 7 tuổi, vua Tịnh-phạn cho mời các vị Đạo sĩ vào dạy thái tử tất cả các môn học đương thời. Với trí tuệ của mình, thái tử đã nhanh chóng tiếp thu tất cả mọi môn học khiến cho các vị giáo sư phải nể phục và không bao lâu Ngài trở thành một vị vương tử văn võ song toàn, thông thạo các môn luận nghị, triết lý, văn chương.
Theo dòng thời gian, thái tử dần dần trưởng thành. Vua Tịnh-phạn nhớ lời đoán xưa nên đã hỏi cưới công chúa Da-du-đà-la (Yasoddhara) cho thái tử, nhằm dùng vòng dây ân ái để trói buộc Ngài. Đồng thời cho xây dựng nhiều cung vàng điện ngọc cách ly thái tử với thực trạng khổ đau của nhân sinh, với mục đích muốn Ngài kế vị ngôi vua chứ không muốn Ngài xuất gia tu đạo. Lúc bấy giờ, thái tử vừa tròn 16 tuổi và sau 13 năm chung sống với nàng Da-du, Ngài có một người con trai đặt tên là La-hầu-la (Rahula).
Tuy sống trong cung vàng điện ngọc với đầy đủ mọi tiện nghi vật chất của một bậc đế vương, nhưng thái tử vẫn mang trong lòng bao nỗi ưu tư khắc khoải của kiếp người. Sau khi dạo chơi 4 cửa thành chứng kiến cảnh Sanh-Già-Bệnh-Chết, Ngài mới thấm thía hơn nữa nỗi đau của kiếp nhân sinh và quyết chí xuất gia tìm đường giải thoát cho mình và cho người.
Năm 29 tuổi, vào giữa lúc màn đêm buông trùm khắp kinh thành và mọi người đang chìm vào trong giấc mộng, thái tử đã đánh thức người hầu Xa-nặc (Channa) và cưỡi con ngựa Kiền Trắc (Chandaka) vượt sông A-nô-ma (Anomà) xuất gia tìm đạo. Từ đây, Ngài dứt bỏ tình thương của phụ vương, xa rời người vợ trẻ và đứa con thơ mà Ngài hết lòng thương yêu, áo mão vương vị xin gởi lại cho đời, quyết tìm con đường giải thoát khổ đau. Và nguyện rằng, nếu không tìm ra đạo mầu thì Ngài quyết không quay về Ca-tỳ-la.
Sau khi cắt bỏ mái tóc xanh, khoác lên mình mảnh áo tu hành, thái tử đã tìm đến học đạo với các Đạo sĩ đương thời như Alara Kalama và Uddaka Ramaputta và chứng đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Nhưng Ngài vẫn chưa thỏa mãn và tự tri rằng con đường thoát khổ chỉ do mình tự tìm mà thôi. Từ đó, Ngài ròng rã 6 năm khổ hạnh, ép xác cho đến nỗi thân thể gầy gò ốm yếu và suýt tử vong đến mấy lần. Nhận thấy khổ hạnh không phải là một phương pháp tốt nên Ngài nghĩ: “Thân thể có cường tráng thì tinh thần mới sảng khái. Quá sướng hay quá khổ đều không phải lối tu chân chính. Con đường dẫn đến giải thoát là phải tránh xa hai thái cực ấy”. Vì thế, Ngài nhận và dùng bát sữa của nàng Su-dà-ta (Sujata). Sau đó, Ngài một mình đến xứ Goya, trải cỏ dưới cây Bồ-đề (Bodhi), ngồi thiền định tại đây với lời thệ nguyện: “Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền bí của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta quyết không rời bỏ chỗ ngồi này”.
Từ đó, trong suốt 49 ngày, Đạo sĩ Go-ta-ma tư duy thiền định, dùng trí tuệ đoạn trừ tất cả các lậu hoặc và trong đêm cuối cùng khi ánh sao mai vừa ló dạng thì Ngài chứng thành đạo quả, được nhân thế tôn xưng hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật. Năm ấy, Ngài vừa tròn 35 tuổi.
Sau khi thành đạo, đức Phật đã rời cội Bồ-đề đi đến vườn Nai tại Ba-la-nại (Benarès) thuyết pháp độ năm anh em ông Kiều-trần-như (Kondanna) những người bạn cùng tu thuở xưa với Ngài. Tại đây, đức Phật thuyết Tứ thánh đế: “Này các Tỳ Kheo, đây là Khổ, đây là Khổ Tập, đây là Khổ Diệt và đây là con đuờng Diệt Khổ”. Sau khi nghe xong thời pháp, năm anh em Kiều-trần-như quy y với đấng Đạo Sư và trở thành những Tỳ kheo đầu tiên trong Tăng đoàn của Phật. Ngay nơi đây, Phật-Pháp-Tăng ba ngôi cao quý nhất ở thế gian được thành lập. Sự kiện này xảy ra vào ngày rằm tháng 2, sau khi đức Phật thành đạo 2 tháng.
Từ đó, đức Thế Tôn đi khắp mọi nơi ở vùng sông Hằng giáo hóa chúng sanh. Với giáo thuyết “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành” Ngài không từ chối một ai khi họ đến học đạo. Từ bậc quyền quý như vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) cho đến kẻ thấp hèn như Ưu-ba-ly (Upali), từ những đạo sĩ thông tuệ như Xá-lợi-phất (Sariputta), Mục-kiền-liên (Moggalana) cho đến tướng cướp Vô-não (Angulimala), dâm nữ Liên-hoa-sắc (Ambapaly) đều bình đẳng như nhau trong giáo pháp của Ngài. Ngài cũng đã trở về Ca-tỳ-la thuyết pháp độ vua cha Tịnh-phạn cũng như tất cả những người thân trong hoàng tộc, lên cung trời Đao-lợi độ mẫu thân Ma-da v.v… Các tinh xá Trúc-lâm (Venuvana), Kỳ-viên (Jitavana) là những trung tâm truyền bá Chánh pháp đương thời. Đồng thời đức Phật còn thiết chế giới luật để duy trì sự tồn tại của chánh pháp. Khắp nước Ấn-độ, từ cực Bắc dưới chân núi Hy-mã-lạp-sơn (Hymalaya) đến cực Nam bên dòng sông Hằng (Gange), từ thành thị cho đến nông thôn khắp nơi đều được thấm nhuần trong giáo pháp Từ bi vô ngã của Ngài. Giống như ánh sáng chiếu rọi khắp tất cả mọi nơi không có sự phân biệt.
Kể từ khi chuyển vận bánh xe pháp tại vườn Lộc-uyển, đức Thích Ca với tâm nguyện độ sanh nên trong suốt 45 năm thuyết giáo không hề ngơi nghỉ. Đến năm 80 tuổi, Ngài quyết định nhập Niết-bàn. Ngài từ Vệ-xá-ly (Vaisali) đi đến rừng cây Sa-la (Sala) tại xứ Câu-thi-na (Kusinara) để nhập diệt. Trên đường đi, Ngài nhận bữa cúng dường cuối cùng của người thợ rèn Thuần-đà (Cunda). Đến Câu-thi-na, Ngài thuyết pháp độ ông Tu-bạt-đà-la (Subhadda)-Người đạo sĩ trên 100 tuổi này, là người đệ tử cuối cùng của đức Bổn Sư. Tại nơi đây, Ngài đã ân cần thống thiết di ngôn cho hàng đệ tử: “Này các con, hãy tôn kính tịnh giới, tịnh giới còn, đạo ta còn. Những kinh luật ta đã dạy từ khi ta thành Phật tới giờ, sẽ là nơi nương tựa, che chở cho các con”. Vào cuối canh ba đêm rằm tháng 2 năm 544 trước Công nguyên, Ngài đã nhập Vô dư Niết-bàn. Lễ trà tỳ nhục thân đức Phật được tiến hành dưới sự chủ trì của tôn giả Ma-ha Ca-diếp (Maha Kassapa). Sau khi trà tỳ, thu được vô số xá lợi và phân chia ra làm 8 phần phân phối khắp nơi xây tháp cúng dường.
Đức Thích Ca thị hiện tại cõi Ta Bà với mục đích dẫn dắt chúng sanh quay về bến giác, vượt thoát luân hồi khổ đau. Kể từ khi khơi nguồn Thánh đạo tại vườn Lộc Uyển cho đến nhập diệt tại Câu-thi-la cả thảy là 45 năm. Trong khoảng thời gian ấy, đức Phật đã để lại cả một kho tàng Pháp bảo vô giá, là kim chỉ nam cho những ai khát khao tìm cầu sự hạnh phúc đích thực của đời người. Và bánh xe pháp đã được các thế hệ đệ tử kế thừa của Ngài vận chuyển quay mãi, quay mãi bởi vì chúng sanh vẫn còn đau khổ, ngụp lặn trong biển nghiệp thức luân hồi.
Viên An.
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.12]