Vườn cảnh Nhật Bản

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một trong những hình thái độc đáo của nền văn hóa xứ Phù Tang là việc kiến tạo những khu vườn cảnh tự nhiên mang tính truyền thống sâu đậm và phản chiếu tính cách của người dân bản xứ nơi đảo quốc này.

 

Những khu vườn ấy biểu lộ vẻ đẹp thuần tịnh của thiên nhiên với những nét hài hòa, trầm lắng và bình dị, khơi nguồn cho những tư duy thâm thúy và gợi lên lòng thế nhân những cảm nhận về chân giá trị của cuộc đời này. Chính những xúc cảm nghệ thuật cùng những ý tưởng sáng tạo về nét đẹp thiên nhiên của các nghệ nhân là nguồn cảm hứng vô tận để tạo nên những tác phẩm kỳ diệu đó.

Ngay trong khoảnh khắc khi ngắm nhìn những khu vườn với những nét bình dị và thuần tịnh như thế, người ta có thể thấy ngay sự kỳ diệu của tạo hóa, của cuộc đời từ những sinh vật bé nhỏ nhất, tầm thường nhất. Kỳ quan trên thế gian này không phải chỉ là những cái gì đó thật lộng lẫy, vĩ đại mà còn là những cá thể bé nhỏ, tinh khôi hun đúc cho sự hiện hữu của mỗi loài hữu tình. Hiểu được điều đó, ta mới có thể cảm nhận niềm an lạc chân thật trong cõi lòng mình giữa thế giới đang quay cuồng và náo nhiệt hôm nay.

Trong cuộc sống kỹ thuật tất bật, nhộn nhịp và tràn ngập những lo toan ngày nay, chúng ta dễ dàng quên đi những tinh hoa của cuộc sống và thờ ơ trước những điều kỳ diệu mà cuộc đời và thiên nhiên đang hiến tặng. Sự hiện hữu của những khu vườn như thế sẽ làm cho chúng ta biết dừng lại để chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên mà con người hầu như đã quên lãng tự bấy lâu nay. Các thiền sư Nhật thường thổ lộ những nỗi niềm qua những vần thơ thiền thật thâm thúy và thanh thoát như:
Cái nhìn phủ khắp,
Cả cuộc sống này…

Hoặc:
Xem suối rì rào,
Nghe màu núi xanh…

Hay:
Lòng thêm lắng dịu,
Nghe thấu bao điều…

Với cõi lòng thư thái, bình thản, khi bước vào những khu vườn như thế, bạn sẽ nhận ra sự êm ái trên những phiến rêu xanh, sự huyền bí của tinh thần và truyền thống trong những cây đèn đá và sự chuyển biến của bốn mùa trong sắc màu của hoa lá, cỏ cây… Từng hạt cát, viên sỏi hay từng tảng đá cũng làm dấy lên trong lòng người xem một sự suy tư về mối tương duyên của cuộc sống hay sự ảo hóa của kiếp người. Chỉ khi nào thực sự đặt chân vào những nơi đó, con người ta mới thấu hiểu được giá trị của lối kiến tạo ấy. Rikyu (Lợi Hưu), vốn là một đại sư trà đạo và cũng là một nghệ nhân rất nổi tiếng sống vào Thế kỉ XVI. Có một lần ông được người ta mời thiết kế một khu vườn của một ngôi nhà nằm ven biển. Khi khu vườn được kiến tạo xong, người chủ nhà không hài lòng lắm vì dường như những hàng giậu bao quanh khu vườn đã che khuất tầm nhìn ra biển. Đến khi cúi xuống để rửa tay nơi một cái bồn nước trong khu vườn, chủ nhân cảm thấy bất ngờ vì lúc ấy ông thấy biển đã hiện lên thật đẹp nơi khoảng cách giữa những hàng giậu quanh vườn. Ông càng bất ngờ hơn khi nhận ra rằng ngay trong lúc ấy nước trong bồn và nước trong đại dương đã hòa vào nhau, và con người của ông đã quyện trong vũ trụ bao la, vô tận. Đến lúc đó, người chủ mới thấy cảm kích Rikyu bội phần.

Mỗi khu vườn như trên là một biểu hiện của thiên nhiên trong một hình thái hài hòa và nơi đó toát lên một sự bình dị, một vẻ đẹp thật toàn hảo. Ở Nhật Bản người ta thiết kế những khu vườn như thế theo một trong ba loại thông thường là: Tsukiyama (Trúc Sơn), Karesansui (Khô Sơn Thủy) và Chaniwa (Trà Đình). Mỗi loại mang một ý nghĩa và mục đích riêng. 

Loại vườn Tsukiyama biểu trưng cho những cái đẹp to lớn của thiên nhiên như núi, đồi, sông, suối…thông qua những vật thể thu nhỏ. Ngắm những vật thể bé nhỏ như thế người ta có thể hình dung được sự kỳ vĩ và hoàn hảo của những hình thể vĩ đại trong thiên nhiên.

Loại vườn Karesansui, một biểu hiện của tinh thần Thiền tông, rất phổ biến dưới thời Muromachi. Nét đặc trưng của loại vườn này là sự giản dị, thâm trầm. Người ta thường khắc những phiến đá để biểu thị cho núi cao và sắp xếp những viên sỏi để biểu thị cho dòng nước đang trôi chảy. Những hòn đảo thường hiện ra giữa biển sỏi như thế vì chúng là biểu tượng quan trọng của văn hóa Nhật Bản. Người Nhật quan niệm rằng những hòn đảo ấy không chỉ là của thiên nhiên mà còn là của những linh hồn bất tử, biểu trưng cho sự trường thọ và hùng mạnh. Loại vườn này cũng được gọi là vườn thiền trong văn hóa Tây phương. Nó không đơn thuần chỉ biểu lộ của cái đẹp mà còn là nhân tố hỗ trợ cho việc quán chiếu và tu tập thiền định.

Đối với người Nhật, thiền là một nghệ thuật sống, là thế giới rỗng rang nhưng gồm thâu mọi triết lý thâm huyền về cái nhìn, cái nghe, sự phản chiếu và tỉnh thức tự nội. Dựa trên tinh thần đó, những khu vườn thiền được kiến lập để tạo nên một không gian thích hợp cho sự hành trì của các thiền sinh. Những khu vườn này thường gợi lên trong lòng người xem một hình thái trống vắng, rỗng rang và vô biên. Những đặc tính như thế vốn đã được  kinh Bát-nhã diễn tả một cách sâu sắc, đầy đủ. Nhưng không phải mục đích của thiền sinh khi bước vào những khu vườn này là để cho dòng tư tưởng của mình chìm trong những triết lý thâm huyền ấy, mà chính là để nhận ra những vẻ tự nhiên, bình dị và sống động trong sát-na hiện tại.

Loại vườn Chaniwa là một yếu tố trong nghi lễ của những buổi trà đạo nên chúng thường được tạo xung quanh hoặc kế cận một gian nhà tranh đơn sơ, nơi mà người ta thường tổ chức trà đạo, ngôi nhà đó được gọi là trà thất. Rikyu là người đã biến nghệ thuật uống trà của Nhật Bản thành một nghi lễ rất độc đáo mà người ta thường gọi là trà đạo. Trà đạo là nghệ thuật pha trà, uống trà, cảm nhận hương vị của trà. Cách uống trà như thế không phải là một nếp sinh hoạt bình thường mà đó là một nghệ thuật sống, là phương pháp thực tập để trở về và hòa nhập vào tự tánh thanh tịnh và bao la vô ngại của chính mình. Sự hài hòa, đồng cảm, trang nhã của trà chủ, trà khách, trà thất trong vườn trà nói lên sự dung thông vô ngại giữa người và người, người và cảnh. Và như thế vườn trà không phải là không gian để dung chứa những vật vô tri mà nó đã tạo một sức sống, một không gian tâm linh lý tưởng.   

Người Tây phương gọi loại vườn Chaniwa là vườn trà. Loại vườn này có dáng vẻ rất tự nhiên và  mang những yếu tố đặc trưng của những khu vườn truyền thống Nhật Bản. Mỗi một yếu tố như thế thường mang một ý nghĩa riêng biệt góp phần tạo nên sự trịnh trọng của buổi trà đạo. Những cây đèn đá, những chậu nước, hàng rào tre, những viên đá nối tiếp nhau…luôn tạo cho vườn trà một nét truyền thống cổ kính.

Những cây đèn đá được đặt trong những khu vườn trên không phải vì mục đích trang hoàng mà là để soi đường cho người ta vào trà thất vì những buổi lễ uống trà thường được tổ chức vào buổi tối. Còn những chậu đá tạo cho con người sự khiêm cung và  tâm niệm chân chính. Những chậu đá này đựng nước trong vắt được rót vào từ một ống tre, ống tre này có tên là kakei. Trước khi bước vào trà thất khách phải rửa tay, súc miệng nơi  chậu đá được bày trí sẵn, và điều đó biểu trưng cho sự thanh lọc thân, tâm. Để nói lên sự phân định giữa  vườn trà và thế giới bên ngoài, người ta làm hàng rào tre để biểu trưng cho sự cách biệt ấy. Những viên đá lót đường đưa đến trà thất được đặt một cách cân đối khiến cho những ai đang đến trà thất đều có được những cảm giác an lạc trong từng bước chân của mình.

Những khu vườn không đơn thuần chỉ là một biểu hiện của óc thẩm mỹ mà chúng xuất hiện từ nguồn cảm hứng của hai tôn giáo lớn tại Nhật là Thần đạo và Phật giáo.

Từ thời xa xưa, người Nhật cho rằng những khu vực có núi đá bao quanh, những bụi cây rậm rạp, những nguồn nước thiêng là nơi cư trú của thần thánh. Đó cũng là những quan niệm trong tín ngưỡng Thần đạo.

Vào TK VI, Phật giáo du nhập đến Nhật, nguồn tư tưởng mới này đã ảnh hưởng đến lối tư duy của những người thiết kế vườn. Ý tưởng đầu tiên mà người ta nghĩ đến đó là những khu vườn thanh thoát, trầm tĩnh - một biểu hiện cho cảnh giới cực lạc. Rồi sau đó, vào khoảng TK XIV tư tưởng Thiền đã gợi lên, một trong những khái niệm quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật thiết kế vườn của Nhật: sự biểu trưng mang tính hình tượng của cả vũ trụ trong không gian vô tận. Người ta đã dùng những vật thể thích hợp để tạo nên những hình tượng này: những viên đá hay sỏi biểu hiện cho dòng sông hay đại dương, vài phiến đá biểu trưng cho hải đảo hay núi non và những bụi cây nhỏ tượng trưng cho rừng xanh. Sự trang nhã của những khu vườn như thế dường như có một sự khác biệt đối với những khu vườn của người phương Tây vốn ưa chuộng sự đa dạng về màu sắc. Người Tây phương thường có tham vọng chinh phục thiên nhiên để tự mình có thể điều khiển tất cả, còn người Đông phương xem trọng sự tương hệ giữa mình và thiên nhiên, xem thiên nhiên là một phần của đời sống mình, và do đó họ có khuynh hướng hòa nhập với nét tự nhiên, bình dị của thiên nhiên.

Vào TK XVI, khi nước Nhật trở lại giai đoạn thanh bình sau những năm dài đau thương vì nội chiến, giới hiệp sĩ đã thể hiện sự tự tin của họ qua việc thiết kế những khu vườn mang tính uy nghiêm, hùng dũng: những viên đá cuội với những sắc màu nổi bật nằm trong những tư thế độc đáo, bao quanh là những loại thảo mộc quí hiếm. Lối thiết kế có vẻ phô trương ấy đã bị Rikyu phê phán. Dù lối thiết kế vườn với  những nét bình dị, thanh nhã của Rikyu được xem là hợp với tinh thần vườn truyền thống của Nhật Bản, nhưng một số nơi ở Nhật Bản ngày nay, đặc biệt là ở khu vành đai ngoại ô Tokyo người ta vẫn còn giữ lối thiết kế hỗn hợp, cầu kỳ.

Trong suốt giai đoạn thịnh vượng của thời Tokugawa một loại thiết kế vườn mới đã xuất hiện (vào khoảng đầu TKXVII): sự tổng hợp của những hình thái đã có trước đó. Cách thiết kế thông thường của loại này là người ta tạo nhiều loại vườn khác nhau bao quanh một hồ nước, và như thế du khách có thể đi bách bộ vòng quanh để xem những khung cảnh khác nhau.

Theo dòng thời gian Văn hóa Phật giáo và Văn hóa dân gian của người Nhật đã hòa quyện vào nhau để bồi đắp cho những giá trị văn hóa tâm linh của người dân bản xứ. Tư tưởng và tinh thần của Thiền tông đã trở thành một đặc trưng trong các sinh hoạt hằng ngày của người Nhật. Từ việc uống trà, cắm hoa cho đến việc tạo vườn, bắn cung, dư âm của Thiền, bóng dáng của Thiền vẫn luôn vang vọng, hiện hữu tạo nên một nét đẹp, một niềm tin hay một sức mạnh nội tại của mảnh đất kỳ lạ ấy.

Đồng Thành
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.51, 2007]