Chùa Láng - giai thoại và triết học

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền Tự, tọa lạc cách trung tâm Hà Nội 7 km về phía Tây.

 

Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền Tự, tọa lạc cách trung tâm Hà Nội 7 km về phía Tây. Hiện nay chùa nằm trên đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Giai thoại chùa Láng gắn liền với hành trạng huyền bí của Thiền sư Từ Đạo Hạnh vào đời vua Lý Nhân Tông. Thiền sư là con của viên Tăng Quan Đô Án Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan ở làng Láng - tức làng Yên Lãng, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay.

Theo Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Em vua là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con, cùng với Đạo Hạnh nói việc cầu tự. Đạo Hạnh hẹn ngày kia khi phu nhân sắp sinh thì nên báo trước cho biết. Sau đó khi phu nhân sắp sinh, bèn đi báo. Đạo Hạnh tức khắc thay áo quần tắm rửa, vào trong động mà trúc xác. Người làng cho đó là lạ, đem thây bỏ vào trong khám mà thờ”. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép rằng: “Trước đó, phu nhân Sùng Hiền Hầu là Đỗ thị có mang đến lúc sinh cứ trăn trở mãi. Hầu nhớ lại lời của Đạo Hạnh ngày trước, sai người phi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo quần tắm rửa, vào trong hang núi trúc xác mà mất. Phu nhân bỗng chốc sinh một bé trai, tức là Dương Hoán”.

Qua hai sử liệu nêu trên, chúng ta thấy việc Dương Hoán (tức vua Lý Thần Tông, 1128-1138) là hậu thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh quả là thần bí với người chưa tin đạo. Tuy nhiên, với người Phật tử tin vào giáo lý Luân hồi thì việc chủ động đầu thai của bậc cao Tăng là chuyện bình thường. Do đó, đến đời vua Lý Anh Tông (1138-1175), nhà vua cho xây dựng chùa Láng để thờ vua cha và tượng nhục thân Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã thể hiện tinh thần Phật giáo nhập thế sâu sắc và điều đó còn minh chứng cho giáo lý Luân hồi nghiệp báo của Phật giáo là như thật.

Ngay trong tên gọi chùa Láng, chúng ta thấy nó mang một ý nghĩa đặc trưng theo lối đặt tên của người Việt Nam. Sở dĩ chùa có tên Chiêu Thiền Tự là “vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền”. Với tên gọi như vậy, nó bao hàm ý nghĩa về một sự kiện của lịch sử Phật giáo và dân tộc mà chúng ta thường gặp trong cách đặt tên các di tích trọng đại.

Chùa có quy mô kiến trúc rất lớn. Trước đây chùa tọa lạc giữa cánh đồng bao la và nằm thấp thoáng dưới những gốc đa cổ thụ to lớn, làm tăng thêm không khí trang nghiêm thanh tịnh trong chốn tòng lâm. Chùa có bố cục cân xứng theo trục giữa, tuy nhiên bên hông chùa còn có một giếng rộng lớn hình tròn theo kiểu giếng làng ngày xưa. Dấu ấn đầu tiên thoạt nhìn vào cổng chùa, chúng ta thấy hao hao giống kiến trúc cổng ở cung đình; vì được tạo bởi tứ trụ đơn giản, phía bên trên là những mái cong lướt nhẹ nhàng, có cao độ khác nhau mang đậm dấu ấn dân gian cổ điển.

Điểm nổi bật của chùa chính là Bát Giác Đình, nơi tôn trí tượng Thánh (tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh) vào ngày hội để dân chúng cúng dường hương hoa. Bát Giác Đình có kiến trúc theo sơ đồ bát quái trong kinh dịch, với hai tầng mái cong nhè nhẹ và hết sức thô sơ. Điểm trên cùng được kết thúc bởi stupa (hình tháp Ấn Độ).

Phía sau chùa là nhà Tổ mà bên trong có tượng thờ Mẫu chính là sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Sau cùng có mười ngôi tháp các vị cao Tăng, nhưng dòng chữ bị xoá mờ.

Toàn bộ chùa ngày nay được trùng tu năm 1666, sau đó có trùng tu lại nhiều lần, nhất là vào giữa thế kỷ XIX nhưng vẫn giữ lại nét kiến trúc xưa của nó. Đặc biệt, dân gian Việt Nam lấy ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (7 tháng 3 âm lịch) làm ngày hội chùa Láng. Và mọi người nhắc nhau rằng:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.

Tóm lại, với ý nghĩa kiến tạo và lịch sử như vậy, chùa Láng đã từng được xem là đệ nhất tòng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Đến nay chùa Láng gần như giữ lại được trọn vẹn nét kiến trúc sơ khai góp phần làm phong phú hơn trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đi thăm chùa Láng chúng ta sẽ ngạc nhiên vì bố cục hài hòa và cân đối của tổng thể các dãy nhà, thể hiện một vẻ đẹp kiến trúc vừa rộng lớn nhưng đơn sơ. Và sự thanh thản của nơi đây chính là môi trường nảy sinh những tình cảm tốt lành.

Quang Đức
[Tập san Pháp Luân - số 21, tr.86, 2006]