Hằng năm, vào ngày Rằm tháng 11 âm lịch, Phật tử khắp nơi trong đảo quốc Sri Lanka hành lễ tưởng niệm Trưởng lão ni Sanghamitta, là vị nữ tu sĩ cùng với anh trai của Bà là Trưởng lão Mahinda đã mang Phật giáo truyền vào đảo quốc hơn 2300 năm trước, vào triều đại vua Davanampiya Tissa. Một điều quan trọng đáng ghi nhận là khi ngài Mahinda hoằng pháp tại vùng Anuradhapura, đa số cư sĩ lắng tâm chuyên chú thính pháp là phụ nữ trong Hoàng gia lẫn thường dân. Sự kiện đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, số nữ cư sĩ tham gia vào các cuộc lễ Phật giáo bao giờ cũng đông hơn số nam cư sĩ.
Sau khi nghe Trưởng lão Mahinda thuyết giảng, Hoàng hậu Anula, vợ của Phó vương Mahanaga, phát tâm tín thành nơi lời dạy của đức Phật và ngỏ ý muốn xuất gia để trở thành một vị Tỳ-kheo-ni. Khi biết được ý định này, ngài Mahinda nói với vua rằng theo đúng giới luật tu sĩ, Ngài không thể truyền giới cho phụ nữ. Ngài đề nghị nhà vua gửi văn thư đến vua Asoka (A-dục) của xứ Maurya, Ấn Độ, yêu cầu vua Asoka gửi con gái của vua là Trưởng lão ni Sanghamitta sang đảo quốc và đem theo một nhánh của cây Bồ-đề tại Bồ-đề Đạo tràng, nơi đức Phật đã thành đạo.
Lúc bấy giờ, bang giao giữa hai triều đình rất tốt đẹp, nên vua Devanampiya Tissa không ngần ngại gửi một vị quan là ngài Arittha đến thành phố Pataliputra (bây giờ là Patna) của xứ Ấn Độ để gặp vua Asoka, chuyển đạt lời thỉnh cầu ấy.
Lúc đầu, vua Asoka ngần ngại không muốn gửi con gái mình ra đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng vì Trưởng lão ni Sanghamitta cương quyết yêu cầu nhà vua cho phép Bà xuất dương đi hoằng đạo, nên sau cùng, vua Asoka đồng ý. Một đoàn Tỳ-kheo-ni cùng lên thuyền đi với bà Sanghamitta, vượt biển sang đảo quốc, mang theo nhánh cây Bồ-đề với sự hướng dẫn của quan Arittha. Đây là một việc làm dũng cảm của bà Sanghamitta, vì vào thời đó, khi người ta vẫn còn có thành kiến xem thường phụ nữ thì bà Sanghamitta đã có đủ nghị lực và can đảm để thực hiện cuộc hành trình vượt biển đầy nguy hiểm, mà không có người trong hoàng tộc cùng đi để bảo vệ Bà.
Tại cảng Jambukolapattana (nay là cảng Pedro, bán đảo Jaffna), vua của đảo quốc cùng với Trưởng lão Mahinda và rất đông các tín đồ Phật tử đã ra nghênh đón Trưởng lão ni cùng với Ni chúng từ Ấn Độ sang mang theo nhánh cây Bồ-đề. Nhà vua đã tổ chức buổi lễ tiếp rước rất long trọng và rất đông dân chúng đã tham gia cùng với phái đoàn truyền giáo đưa nhánh cây này về kinh đô Anuradhapura. Cuộc hành trình kéo dài 14 ngày bằng đường bộ. Nhánh cây này được trồng trong vườn Mahamegha tại một nơi tôn nghiêm. Từ ngày ấy cho đến nay, trong suốt 23 thế kỷ qua, vua chúa và dân chúng đảo quốc Sri Lanka tiếp tục gìn giữ, bảo vệ và tôn quý cây Bồ-đề này như là một bảo vật quốc gia. Cổ thụ Bồ-đề ngày nay được xem như là một trong những cổ thụ lâu năm nhất trên thế giới.
Trưởng lão ni Sanghamitta đã thực hiện một công tác quan trọng nhất tại đảo quốc là truyền giới và hướng dẫn tu tập cho Hoàng hậu Anuladevi và các thị nữ sau khi các vị này xuất gia với Bà. Từ đó, Ni đoàn Sri Lanka được thành lập và kéo dài khoảng 1000 năm. Theo các nguồn sử liệu Trung Quốc, Ni đoàn này cũng đã gửi các vị Tỳ-kheo-ni vượt đại dương, đi thuyền đến Trung Quốc để tạo lập Ni đoàn tại xứ sở đó; và từ Trung quốc đã mở rộng đến các quốc gia khác trong vùng Đông Á cho đến ngày nay.
Trưởng lão ni Sanghamitta lưu lại tại đảo quốc, tiếp tục công trình hoằng pháp, truyền bá đạo Phật và viên tịch tại đó. Bà là tấm gương dũng cảm cho các vị nữ tu sĩ, đã không ngần ngại lên đường mạo hiểm nơi xa xôi để hoằng dương Chánh pháp. Bà cũng là một vị nữ Đại sứ đầu tiên trong lịch sử ngoại giao cận đại, đã được một vị Quốc trưởng gửi đi theo lời mời của một vị Quốc trưởng khác. Cho đến ngày nay, phụ nữ Sri Lanka nói riêng và Phật giáo Sri Lanka nói chung đều thành tâm ghi ân và tán thán công đức của Bà.■
[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.42, 2006]