Như Cơ và Tính Côn, hai Ni sư chùa Trăm Gian

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Việc tìm hiểu về vai trò của chư Ni trong cộng đồng Phật giáo nước ta đã được tiến hành nghiên cứu, đã có một số công trình sưu tầm tiểu truyện chư Ni qua các thời đại, nhưng vẫn còn thiếu nhiều gương mặt ưu tú.

Do Ni bộ phụ thuộc vào cộng đồng Tăng, nên việc truyền thừa kế đăng không theo tiến trình. Các công trình lịch sử Phật giáo cũng chỉ kể được vài ba gương mặt tiêu biểu cho từng thời đại, như thời Lý có Ni sư Diệu Nhân mà Thiền Uyển Tập Anh ghi lại. Hầu hết, Ni sư ở các đời Trần, Lê, Nguyễn đều ít biết đến. Nếu có một số tác phẩm chép thế hệ Ni giới hay tiểu truyện thì nó cũng dưới dạng chữ Hán, ít thông dụng nên việc nghiên cứu gặp khá nhiều trở ngại.

Hệ thống Ni bộ không phải là không phát triển. Song song tiến trình của Tăng giới, Ni giới đã có xu hướng phát triển mạnh từ các đời Lý-Trần, nhưng phải nói đúng hơn vào thời Lê Trung Hưng, hàng loạt các gương mặt thuộc nhiều giai tầng xã hội khác nhau đã đóng góp không ít cho Ni bộ. Họ cũng có những Đạo tràng biệt lập và họ truyền giáo không khác gì cộng đồng Tăng.

Trong quá trình tìm hiểu Phật giáo thời Lê Trung Hưng, nhất là việc tìm hiểu dòng thiền Đông Đô đã đưa chúng tôi tiếp xúc nhiều trang tư liệu quí từ nhiều nguồn khác nhau. Lần đầu khi viếng thăm chùa Trăm Gian, chúng tôi chưa có ý niệm gì. Nhân có người bạn từ miền Nam ra chơi, chúng tôi đưa đến viếng thăm cảnh chùa. Đây là dịp để tôi tiếp xúc kỹ hơn nguồn tư liệu về lịch sử ngôi chùa.

Chùa Trăm Gian là tên thông tục, nguyên tên chữ Hán là Quảng Nghiêm Thiền Tự. Chùa nằm trên quả đồi cao thuộc dãy núi Tiên Lữ, còn gọi là núi Mã, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa gắn liền với sự tích đức Thánh Bối. Do Phật giáo có tính dung hợp cao, nên trong các chùa ngoài việc thờ Phật ra, còn có thờ Mẫu, thờ Thánh và thờ Tiên nữa.

Ở bài viết này, chúng tôi chủ yếu giới thiệu về hai vị Ni sư: Như Cơ (1696-1754) và  Tính Côn (? – 1772) mà văn bia chùa Trăm Gian ghi lại.

Về Ni sư Như Cơ, theo 廣 嚴禪寺後佛碑記 “Quảng Nghiêm Tự Hậu Phật Bi Kí” thì bà là con gái thứ ba của ông Bảng Nhãn Phạm Quang Trạch (1653-?), quê làng Đông Ngạc - Từ Liêm. Sinh ra trong gia đình khoa bảng, lại có nhan sắc nhưng không chịu lấy chồng. Năm 22 tuổi, bà xuất gia đầu Phật tại chùa Hạ Lôi. Việc xuất gia tu hành của Ni sư đã gặp nhiều trở ngại từ phía gia đình. Không lẽ gì con một gia đình thế phiệt như thế lại đồng ý cho cô tiểu thư đi tu. Việc này, Ni sư đã đấu tranh để đòi hỏi nguyện vọng cao quí của mình. Tại chùa Hạ Lôi, Ni sư đã chấp lao phục dịch, chăm học kệ kinh. Với chí hướng tầm sư học đạo, Ni sư đã đến các đạo tràng như Khả Viên, Nguyệt Thắng, Phật Tích để tham học. Ni sư có một sở học và sự tu học thuần thục nên được nhận điệp trụ trì bản tự. Tại đây, Ni sư chăm lo ngôi chùa, truyền dạy Phật pháp. Cảm thấy Quảng Nghiêm lúc bấy giờ đã xuống cấp, Ni sư cho hưng công động thổ trùng tu tự vũ. Ngoài ra Ni sư còn làm bao nhiêu Phật sự khác như đúc chuông, tạo tượng. Ngôi chùa nhờ có Ni sư mà thêm khang trang, xứng đáng là một Ni viện lớn của một vùng. Công viên quả mãn, cảm thấy mình đã đến lúc ra đi, Ni sư vân tập đệ tử dặn dò, rồi thâu thần viên tịch ngày mồng 8 tháng 2 năm Giáp Tuất, trụ thế 57 tuổi. Môn đồ tưởng nhớ công đức thầy đã xây tháp Từ Ân phụng thờ.

Theo “第二開原道場禪機妙覺比丘尼法號如琦真靜禪師擇塔碑銘并序 Đệ Nhị Khai Nguyên Đạo Tràng, Thiền Cơ Diệu Giác Tỳ Kheo Ni Pháp Hiệu Như Cơ Chân Tỉnh Thiền Sư Trạch Tháp Bi Minh Tịnh Tự” thì Ni sư có pháp hiệu là Như Cơ Chân Tỉnh, còn có tên khác là Thiền Cơ Diệu Giác. Cũng theo văn bia, Ni sư viên tịch năm Giáp Tuất, mà văn bia lập năm Ất Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 16 [1755], vậy năm Ni sư tịch là năm 1754. Tính ra, Ni sư sinh vào năm 1696. Sau khi thầy viên tịch, đệ tử Tính Côn mộ hóa thập phương tín thí xây dựng tháp thầy. Điều lạ là Ni sư Như Cơ được bầu làm hậu Phật.

Sau khi Như Cơ viên tịch, đệ tử Tính Côn kế đăng Ni viện Quảng Nghiêm. Theo “圓融塔序文 Viên Dung Tháp Tự Văn”: “玆禪僧沙彌尼號性崑嘉定淑仁東平 令派 Tư thiền tăng sa di ni hiệu Tính Côn, Gia Định thục nhân, Đông Bình lệnh phái”. (Nghĩa là nay thiền tăng sa di ni Tính Côn người Đông Bình, Gia Định). Theo 仙侶峰廣 嚴寺尼獻供傀儡例田碑 Tiên Lữ Phong Quảng Nghiêm Tự Ni Hiến Cúng Khối Lỗi Lệ Điền Bi: 尼性崑出自宮嬪依皈象教 “Ni Tính Côn xuất tự cung tần y qui tượng giáo”. Chúng ta chỉ biết Ni sư chỉ mới thụ Sa di giới, lại xuất thân từ cung tần. Ni sư Tính Côn xuất gia muộn, lúc đó điều kiện không đủ, vả lại bà xuất gia không bao lâu thì thầy mất nên không có điều kiện thụ giới cụ túc được.

Chùa Trăm Gian theo thường lệ khi đến ngày giỗ thánh Bối có tổ chức lễ hội, trong đó có tục múa rối ở hồ sen trước sân chùa. Lệ này theo văn bia đã có 49 năm trước, tức lễ múa rối ra đời vào những năm Ni sư Như Cơ còn trụ thế. Ni sư Tính Côn nhận thấy nhiều điểm hay từ lễ hội, nên bà mua đất tạo điều kiện kinh tế cho tổ chức phát triển.

Hành trạng của Ni sư Tính Côn không còn nhiều, nên rất khó xác định Ni sư viên tịch năm nào. Chúng tôi căn cứ vào năm lập Viên Dung Tháp là năm Cảnh Hưng 33 (Nhâm Thìn) tức năm 1772. Như thế thì Ni sư viên tịch phải rơi vào năm đó. Từ khi sư phụ Như Cơ viên tịch đến năm Tính Côn thị tịch thì cách 17 năm. Thời gian đó không xa lắm. Điều đó có thể suy ra, hai thầy trò không chênh lệch nhau về độ tuổi. Hơn nữa, chúng ta biết trước khi xuất gia, Tính Côn xuất thân từ cung tần, tức lúc đó độ tuổi đã lớn.

Qua hai tiểu truyện Ni sư, chúng ta xác định hai vị Ni này thuộc dòng thiền Lâm Tế dòng Đột Không Trí Bản. Hiện chưa có thông tin về vị thầy của Như Cơ. Nếu đủ thông tin về vị thầy này, thì chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định họ truyền thừa theo pháp phái nào. Chúng tôi nhận thấy tên pháp của Như Cơ là Thiền Cơ Diệu Giác hay Như Cơ Chân Tỉnh tựa như thuộc dòng thiền Minh Châu Hương Hải. Vì Minh Châu Hương Hải cũng có tên tự là Huyền Cơ Thiện Giác. Đối chiếu 2 tên xảy ra trường hợp tương đồng có dạng x Cơ x Giác. Có thể đây là trường hợp biệt lệ chăng? Đoán định như thế thì dễ rơi vào lập luận kiểu tư biện, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng kiểu cho pháp tự bốn chữ chỉ thường thấy xuất hiện trong dòng thiền của Minh Châu Hương Hải như Chân Lý Hiển Mật, Như Nguyệt Hoa Quang…

Điều hợp lí nữa là dòng thiền này thời Lê - Trịnh phát triển không thua gì dòng Đông Đô. Vị thầy trò Minh Châu Hương Hải đã có đạo tràng lớn, có nhiều thế hệ truyền thừa, được sự ủng hộ cao của vua Lê chúa Trịnh, cũng như hoàng thân quốc thích. Không chỉ dừng lại từ vương công đại thần mà họ truyền giáo thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Hiện chúng tôi chưa tìm được nhiều đạo tràng thuộc thiền phái này. Nếu như thế hệ thầy trò Ni viện Quảng Nghiêm thuộc dòng thiền Minh Châu Hương Hải, thì chúng ta sẽ có thêm một số thông tin về sự lan tỏa từ trấn Hải Dương xuống trấn Sơn Tây, và có khả năng ảnh hưởng mạnh đến các vùng thuộc kinh kì. Theo “宗師碑記 Tông Sư Bi Kí”, Chân Lí Hiển Mật (Đệ tử lớn của Thiền sư Minh Châu Hương Hải) thường xuống kinh đô giáo hóa và tổ chức nhiều lễ hội lớn.

Trên đây là một vài đóng góp nhỏ của chúng tôi đối với lịch sử Ni bộ Việt Nam. Tiểu truyện đưa ra thật không đầy đủ nhưng do nguồn tư liệu còn lại không nhiều. Tuy thế, chúng tôi cũng xin đưa ra nhằm góp thêm một số thông tin cho những ai yêu mến lịch sử phát triển Ni bộ nước ta.

Chú Thích:
1. Thiền Uyển Tập Anh, Ni sư Diệu Nhân, NXB Văn Học, H. 1990, tr. 233-235.
2. Dòng thiền Đông Đô do Chuyết Chuyết Viên Văn thiền sư, người Trung Quốc truyền sang. Thật ra dòng thiền này truyền theo bài kệ của Đột Không Trí Bản, phái Lâm Tế. Dòng thiền phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc bộ, vẫn còn truyền thừa đến ngày nay.
3. Các tác giả bộ Thư Mục Thác Bản Văn Khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1 cho văn bia không có tên ghi là Vô Đề. Chúng tôi đọc tên này từ văn bia, hàng đầu tiên ghi như thế.
4. Thông thường, các vị thiện tín, Phật tử có nhiều công đức với nhà chùa được nhân dân địa phương bầu làm hậu Phật.
5. Tông Sư Bi Kí, thác bản Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu theo thứ tự đúng của văn bia là 3747/3731/3746/3732, lập năm Vĩnh Hựu 5 (1739)

Ngô Quốc Trưởng
[Tập san Pháp Luân - số 62, tr61, 2009]