Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II - Gendun Gyatso (1475 - 1542) theo “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của Ardy Verhaegen.(PLO)
Cành hoa sen trắng do Ngài Tsongkhapa quăng xuống mặt đất đã rơi vào một nơi thôn dã hẻo lánh của xứ Tanak Dorjeden thuộc tỉnh Tsang. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II - Gendun Gyatso (1475 - 1542) - được sinh ra trong gia đình của một hành giả Du-già ở vùng đó. Cha của Ngài - Kunga Gyatsen - là một Lạt-ma nổi tiếng và mang dòng truyền thừa từ các trường phái Shangpa Kargyu, Shijey và Nyingma. Ông đã nhiều lần được thọ giáo từ đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên, cả vợ của ông là nữ hành giả Du-già Kunga Palmo cũng thế. Bà hết sức tinh thông trong sự hành trì Mật tông và được công nhận là hóa thân của nữ hành giả Du-già Drowai Zangmo của thế kỷ thứ XIII. Một trong những tiểu sử về đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II đã đưa ra giả thuyết rằng đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên đã có chủ ý chọn những người đệ tử này làm cha mẹ cho sự tái sinh của Ngài. Cả cha và mẹ của Ngài đều có những giấc mộng đầy ý nghĩa báo trước về sự ra đời của một hài nhi đặc biệt. Người cha thì được Gendun Drub (đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên) đến thăm trong giấc mơ của ông; còn người mẹ thì mơ thấy một vị Bồ-tát đến khuyên bà hãy đặt tên cho hài nhi trong bụng là Sangye Pel “Người đã tiến đến quả vị Phật”. Theo sự mô tả của người Tây Tạng thì - khi vừa được sinh ra - thân mình hài nhi đã rất sạch sẽ và có tỏa ra những tia hào quang sáng rực. Một lát sau, hài nhi xoay đầu về hướng chùa Tashi Lhunpo, chắp đôi bàn tay tí hon của mình và niệm thần chú Tara. Cậu bé Sangye Pel ngay từ lúc ấu thơ đã thể hiện được cậu chính là tái sinh của Gendun Drub. Lúc mới ba tuổi, cậu đã kể cho cha nghe về câu chuyện tiền kiếp của mình đã qua đời như thế nào; sau khi qua đời, cậu đã đến cung trời Đâu Suất và gặp vị Thầy của mình là Tsongkhapa ở đó, Ngài Tsongkhapa đã chỉ định nơi tái sinh đời kế tiếp của cậu bằng cách quăng cành hoa sen trắng xuống trái đất… Trong một lần tình cờ bị mẹ quở trách, cậu bé cũng đã nói với mẹ rằng cậu sẽ nhanh chóng rời khỏi ngôi nhà này để đến chùa Tashi Lhunpo, nơi đó cậu đã có “một căn nhà vui hơn ở đây nhiều”. Do những điều Ngài đã kể ngay từ khi còn rất bé và nhiều dấu hiệu đặc biệt khác nên khi phái đoàn tìm kiếm tái sinh đang đi tìm hậu thân của ngài Gendun Drub thì họ được hướng dẫn đến nhà của cậu bé Sangye Pel, sau đó cả gia đình Ngài được đưa đến Tashi Lhunpo. Cậu bé liền tuyên bố rằng chính cậu ta là tái sinh của vị Đạt-lai Lạt-ma trước, cậu đã gọi thẳng tên của một số vị Tỳ-kheo đã từng sống ở đó khi Gendun Drub còn sinh tiền và cậu cũng đã nhận ra nhiều dụng cụ cá nhân từ đời trước của mình. Cậu còn chạy đến Pháp tòa đặc biệt dành cho vị Viện trưởng và tuyên bố rằng đó chính là chỗ ngồi của mình. Năm lên bốn tuổi, cậu bé Sangye Pel đã hoàn toàn được thừa nhận là hậu thân của Gendun Drub và được biết đến như đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II.
Từ khi còn rất bé, Ngài đã được học hành dưới sự hướng dẫn của vị Lama Kunga Gyaltsen - cha ruột của Ngài. Ông đã trao truyền cho Ngài nhiều dòng truyền thừa quan trọng từ nhiều truyền thống khác nhau, chủ yếu là của phái Nyingmapa và các giáo lý Mật tông. Hai cha con trở nên hết sức gần gũi và thân thiết. Vào lúc cuối đời mình, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II đã sáng tác một thi phẩm Cầu nguyện rất dài để tưởng nhớ về cha của mình. Còn về phần Kunga Gyaltsen, ông đã đối đãi với cậu con trai một cách hết sức đặc biệt. Vào năm Ngài mười một tuổi, khi thời điểm đã đến, với những biểu chương và y phục của dòng dõi cao quý, vị Đạt-lai Lạt-ma tí hon đã đón nhận cương vị của mình tại Tashi Lunpo. Ngài thọ lãnh năm giới dành cho người trước khi bước vào tập sự và được đặt Pháp danh là Gendun Gyatso. Suốt một khoảng thời gian dài tiếp theo sau đó Ngài đã phải tập trung học hành và thực tập thiền định. Hầu hết, việc giảng dạy cho Ngài đều do vị Viện trưởng Panchen Yeshey Tsemo- vị đệ tử rất thân cận của đức Đạt-lai Lạt-ma trước - đảm trách. Chuyện kể rằng, trong giai đoạn này, khi đang trong thời kỳ nhập thất về pháp hành “Văn Thù Sư Lợi Trắng” vào độ tuổi mười sáu, trí nhớ của vị Đạt-lai Lạt-ma trẻ đã phát triển đến mức Ngài có thể nhớ lại nhiều kiếp trước của mình và có thể thuộc lòng hàng trăm câu kinh trong khoảng thời gian giải lao uống một tách trà. Trong thời niên thiếu, cậu thiếu niên phi thường này đã phải đảm trách những chuyến lưu giảng ở nhiều tự viện và những vùng hẻo lánh-nơi mà tiền thân của Ngài đã từng giảng dạy ở đó. Suốt thời gian Ngài vắng mặt, nhiều sự đố kỵ đã khởi lên trong nội bộ lãnh đạo của Tashi Lhunpo, điều đó khiến cho Ngài buộc phải rời khỏi chùa của mình vào năm 1494. Theo ký sự niên đại của Tây Tạng thì cho rằng, đây là sự can thiệp bí ẩn của Panchen Yeshey Tsemo - Sư phụ của Ngài - người đã mong thúc bách đệ tử của mình dứt ra khỏi cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở Tashi Lhunpo để nhắm đến một sứ mệnh vĩ đại hơn.
Rời khỏi Tashi Lhunpo, Ngài được mời đến Drepung - ngôi chùa đầu tiên nhất của phái Gelugpa, vị Lama trẻ đã tiếp tục học tại đó dưới sự giám hộ của Lamyang Tekpa Chojoi, trong suốt thời gian ba năm hầu như không được rời khỏi khuôn viên chùa. Đầu năm hai mươi mốt tuổi, Ngài được thọ Đại giới. Mấy năm tiếp theo sau đó, Ngài nhập thất, tham thiền và đi thuyết giảng nhiều nơi từ trung tâm Tây Tạng cho đến những vùng xa xôi tận miền Nam đất nước. Những sự kiện kỳ diệu đã được ghi nhận trong suốt những chuyến đi lưu giảng ấy, rằng, Ngài đã đạt được một số thành tựu về tâm linh nhờ gặp gỡ một hành giả Du-già lập dị sống ẩn dật từ lâu, Khedrup Noryang Gyatso, ông cũng chính là đệ tử trực tiếp của đức Đạt-lai Lạt-ma trước. Ngài đã thọ nhận thêm nhiều sự truyền đạt từ vị này. Noryang Gyatso giống như một người cha đối với vị Lama trẻ và người ta cho rằng ông chính là người đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mang đến sự giác ngộ cho đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II. Vào năm 1503, một thời gian ngắn sau khi Ngài trở về Tsang (quê nhà của Ngài) để hành hương và thuyết giảng, thì người cha ruột của Ngài qua đời. Thật vô cùng may mắn vì ông đã có cơ hội được trải qua sự thiền định chung với Ngài trong những khoảnh khắc cuối đời và cùng ôn lại những giáo pháp truyền thừa mà ông đã từng giảng khi Ngài còn thơ ấu. Suốt một thập niên tiếp theo sau khi cha qua đời, Ngài đã trải qua những mùa đông ở Lhasa và hầu hết thời gian còn lại Ngài đã hành hương, nhập thất, thiền định và thuyết giảng theo sự thỉnh cầu phát sinh trên suốt lộ trình của Ngài. Pháp hội do Ngài thuyết giảng thường có đến vài nghìn thính chúng.
Những sự kiện tiếp theo đã xảy ra khiến cho đức Đạt-lai Lạt-ma trở thành một người đáng nhớ nhất trong lòng những người dân Tây Tạng. Theo một số điều tiên tri trong các tác phẩm của Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) và Atisha thì một hóa thân của Avalokitesvara (đức Quán Thế Âm) sẽ xây một ngôi chùa bên bờ hồ Lhamoi Latso (hồ Nữ Thần), cách Lhasa khoảng chín mươi dặm về phía Đông Nam. Hồ này từ lâu đã là một điểm hành hương cho khách thập phương chiêm bái. Với hàng loạt những nghi lễ đặc biệt, Gendun Gyatso đã truyền vào hồ một năng lượng phi thường và năng lượng này sẽ trở thành một nguồn kinh nghiệm tâm linh cho tất cả những ai đến thăm viếng hồ với một tấm lòng thanh tịnh và thiền định bên cạnh hồ nước thì có thể nhìn vào nước hồ và tiên đoán được. Tất cả những sự kiện ấy xảy ra sau khi Gendun Gyatso đáp lại lời thỉnh cầu của vị thủ lĩnh vùng này quyết định xây một ngôi chùa làm nơi ẩn dật để tu thiền và an cư trong mùa hạ tại Gyal Metoktang trên bờ hồ và đặt tên là chùa Chokhor Gyal. Một năm sau, vào 1511, các nghi lễ chính thức đã diễn ra. Kể từ đó, hồ Nữ Thần đã trở thành điểm hành hương của hàng trăm nghìn người, chủ yếu là người châu Á. Tất cả họ đều hy vọng được nhìn thấy những cảnh tượng xuyên qua nước trong hồ để có thể phát hiện ra những bí ẩn về cuộc đời của mình. Hồ nước này cũng đã từng được tham khảo để trợ giúp cho công cuộc tìm kiếm những Lama tái sinh, kể cả các hậu thân của đức Đạt-lai Lạt-ma. Vào thời gần đây, ngài Regent Reting Rinpoche cũng đã nhìn thấy được những cảnh tượng trong hồ và điều kỳ diệu ấy chính là phương tiện đưa đến sự xác định chính xác nơi tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV hiện nay.
Vào năm 1511, trong thời gian xây dựng chùa Chokhor Gyal, Gendun Gyatso nhận được lời yêu cầu từ vị Thầy trước kia của mình - Panchen Yeshey Tsemo - là trở về để đảm đương cương vị lãnh đạo ở Tashi Lhunpo. Sau gần hai mươi năm trôi dạt tha phương, Ngài đã trở về, được tấn phong và đảm nhận lại chức vụ trước kia của mình (cương vị của đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên) và tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Xưa kia, lúc Ngài còn ở đó, số Tăng chúng ở chùa nhiều hơn gấp đôi và rất có uy tín nhờ vào tiếng tăm, sự hiện diện và sự nỗ lực của Ngài. Ngài cũng tiếp tục trở lại học với vị Thầy cũ của mình cho đến khi vì sự thúc bách của việc hoàn thành công trình xây cất ở chùa Chokhor Gyal - nên Ngài phải ra đi.
Từ lúc Ngài hai mươi mốt tuổi và hoàn tất việc học hành ở Drepung, mỗi năm Gendun Gyatso rất hiếm khi được ở đó khoảng một hoặc hai tháng vì Ngài bận nhiều chuyến đi thuyết giảng và hành hương ở các nơi. Tuy nhiên, kể từ năm 1517 khi Ngài chấp nhận cương vị lãnh đạo (thống lãnh ngai “Sư Tử Vô Úy”) của Drepung - ngôi chùa lớn nhất và uy tín nhất của phái Gelugpa - thì sự kiện này đã thay đổi, Ngài thường xuyên có mặt ở đó để thuyết giảng. Ngôi chùa này đã liên kết tất cả trung tâm châu Á nên hầu hết các môn sinh và học giả nổi tiếng ở tất cả các chùa chiền trên khắp Tây Tạng và các nơi khác đều tựu về đó để học hỏi, nghiên cứu.
Sau khi trở thành vị lãnh đạo của Drepung, một trong những việc đầu tiên Ngài thực hiện là hội ý với vua Gongma để đạt lại quyền chỉ đạo toàn bộ Monlam Chenmo - Đại Lễ Hội Cầu Nguyện. Nhờ vậy, lễ hội này được hoàn trả lại cho phái Gelugpa. Những người đầu tiên đã khai mạc nên lễ hội này chính là những vị đã noi theo trí tuệ sáng tạo của Ngài Tsongkhapa thuộc phái Gelugpa. Phái Karmapa đã cự tuyệt lễ hội này từ mười chín năm trước. Sự khôi phục lại những quyền lợi này được xem là một trong những thành tựu lớn nhất trong cuộc đời của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II.
Đại Lễ Hội Cầu Nguyện là nét nổi bật nhất của ngày Tết Tây Tạng, diễn ra suốt hơn hai đến ba tuần lễ ở Lhasa. Đối với người dân Tây Tạng, lễ hội “thể hiện sự hiện diện thực sự của truyền thống giác ngộ trong thế gian và những năng lực đáng ca ngợi do lễ hội tạo ra được xem là yếu tố chính trong sự duy trì nền hòa bình và phồn vinh của thế giới”. Người Tây Tạng rất giống với người Hopi của New Mexico, họ tự xem mình như những người góp phần vào hạnh phúc của vũ trụ và là những người gìn giữ nền hòa bình cho cộng đồng thế giới. Vì vậy, sự can thiệp vào lễ hội với mục đích môn phái và chính trị sẽ bị coi là một sự vi phạm nghiêm trọng.
Sự mâu thuẫn xảy ra trong lễ hội dường như do những mưu đồ của Sharmapa Tulku thứ IV - Chokyi Drakpa - người đã xúi giục nên những sự kình địch về môn phái nhằm mục đích đề cao vị trí của chính ông ta trong giới thượng lưu quý tộc ở Tây Tạng. Hầu như âm mưu của ông ta chủ yếu là chia rẽ phái Karma kargyu - môn phái của chính ông ta - ra làm hai phe. Đối thủ chính của ông là Mikyu Dorjee - Karmapa Tulku thứ VIII - người đã có những mối quan hệ hết sức tử tế và nhã nhặn với phái Gelupa.
Từ năm 1518, kéo dài hai mươi bốn năm sau cho đến khi qua đời, Gendun Gyatso luôn đảm nhận vai trò là người chủ trì của “Đại Lễ Hội Cầu Nguyện”. Vị Hoàng đế của Lhasa rất cảm kích tư cách của vị Đạt-lai Lạt-ma thứ II về những sự kiện này nên đã cúng dường và xây cho Ngài một dãy tòa cao ốc đặt tên là “Ganden Phodrang” trong khuôn viên chùa Drepung. Dinh thự này trở thành nơi cư trú chính của Ngài ở Lhasa và cho cả các vị tái sanh của Ngài sau này. Cái tên “Ganden Phodrang” của dinh thự này cũng đã trở thành tên của chính phủ Tây Tạng mãi cho đến thời kỳ của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V.
Cũng giống như tiền thân của mình, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II đã đặt và dựng rất nhiều pho tượng, chủ yếu là ở chùa Chokhor Gyal. Ngài đã quyên góp vàng từ khắp nơi trên đất nước Tây Tạng và đúc thành một pho tượng của đức Phật Di Lặc to bằng người thật. Các pho tượng này không chỉ đơn thuần là để trang trí, thờ phụng ở chốn thiền môn mà còn là để tạo nên một tinh thần hòa hợp, đoàn kết giữa các môn đồ, Phật tử, bởi lẽ các pho tượng ấy được tạo ra nhờ vào sự đóng góp chung của tất cả tín đồ. Người Tây Tạng đã xem những pho tượng thần thánh ấy như những huyết mạch của nguồn năng lượng có thể chuyển hóa nghiệp báo và năng lực của con người và tạo ra phước báu cho toàn thể vũ trụ. Sự xuất hiện của các vị Đạt-lai Lạt-ma đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá những hoạt động như thế trong nền văn hóa Tây Tạng.
Vào năm 1525, Gendun Gyatso nhận chức vụ Viện trưởng ở chùa Sera, cương vị lãnh đạo của Ngài đã giúp cho số Tăng chúng và sự thịnh vượng của chùa ngày càng gia tăng. Lúc bấy giờ, Ngài đã là vị lãnh đạo tinh thần của bốn ngôi chùa lớn và tham gia vào hàng loạt chương trình giảng dạy và thiền định liên tục. Tuy nhiên, Ngài cũng đã sáng tác một số lượng rất lớn. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV hiện nay thường hay nhắc đến đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II: là một nhà văn viết rất nhiều - những sáng tác của Ngài bao gồm trong bốn tuyển tập với hàng vài trăm mục như thơ, tiểu luận, kinh cầu nguyện, hướng dẫn về thiền…- và còn nói rằng: “Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II là người vĩ đại nhất trong số tất cả những vị Đạt-lai Lạt-ma”, một phần là nhờ sự uyên bác của Ngài. Những sáng tác ấy khác với những sáng tác của tiền thân của Ngài. Các sáng tác của vị đầu tiên thường rất dài, các luận thuyết chi tiết tập trung chủ yếu vào xu hướng những truyền thống Mật tông Kim Cang thừa, năm chủ đề chính của Kinh Tạng, các học thuyết của phái Kadampa (dựa trên các học thuyết do Ngài Atisha giới thiệu) và các truyền thống Tân Kadampa (dựa trên những cải cách của Ngài Tsongkhapa). Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II, rõ ràng là đã nhận thức được về các sáng tác tiền thân của Ngài, nên đã chọn lối viết những bài tiểu luận ngắn, tập trung chuyên đề vào các dòng truyền thừa và các pháp hành của những trường phái ít nổi tiếng hơn. “Ngài dường như muốn nhằm vào những chỗ còn ẩn náu của Phật giáo Tây Tạng, những khía cạnh mà tiền thân của Ngài không có thời gian để viết đến” - học giả Mullin đã nhận định như thế. Còn một nét đặc trưng khác trong các sáng tác của vị thứ II, đó là Ngài đã sáng tác một cách tự phát những vần thơ, những tác phẩm thơ huyền bí, hay còn gọi là Nyam gur, đã nảy sinh vượt lên trên kiến thức và kinh nghiệm tâm linh của Ngài. Ngài đã ký những tên đặc thù trên các tác phẩm ấy như Nankhai Naljorpa (Hành giả Du-già Vũ trụ); Yangchen Sheypai Dorje (Kim Cang - tiếng cười du dương); Tranguyon Gendun Gyatso (Người Hành Khất điên Gendun Gyatso). Phần lớn lối viết của Ngài thuộc thể thơ ca, tiểu luận hay những luận thuyết đi thẳng vào đời sống tâm linh của những người mộ đạo.
Chủ trương “không môn phái” của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II đối với Phật giáo cũng đã được phản ánh trong sự giảng dạy cũng như trong các tác phẩm của Ngài. Ngài được biết đến như một bậc Đạo sư Hoàng Mạo (Đạo sư Mũ Vàng) không có xu hướng môn phái. Sự thực hành thiền định cá nhân của Ngài đã được rút tỉa ra từ nhiều trường phái của Phật giáo Tây Tạng, những mối quan tâm về các học thuyết và sự nghiên cứu của Ngài cũng thế. Ngài đã học với hơn mười vị Thầy nổi tiếng, kể cả cha của Ngài. Về sau, vị Thầy chính thức Khedrup Norzang Gyatso đã hướng dẫn Ngài tu tập đạt được Sunyata (Tánh Không) - sự liễu ngộ tối thượng về bản thể Chân như của vạn pháp.
Một thời gian trước lúc viên tịch, Ngài đã chuẩn bị cho các đệ tử biết một số sự kiện như: ám chỉ rằng Ngài sắp sửa ra đi; đưa ra những dấu hiệu cho biết là Ngài sẽ tái sinh ở đâu; Ngài cũng đã tuyên bố vài lần trước khi mất là Ngài sẽ sớm đi về miền Nam, nơi đó Ngài có một số việc cần phải làm. Trước phút lâm chung, Ngài đã bày tỏ nguyện vọng là sẽ trở lại để công việc của Ngài được tiến triển xa hơn. Vào năm 1542, ở tuổi 68, đúng thời điểm đã chọn, Gendun Gyatso đã viên tịch trong tư thế đang tọa thiền. Theo tiểu sử viết về Ngài, sau khi hỏa táng, người ta phát hiện ra quả tim của Ngài đã được kết tinh lại thành hình của một đức Phật dưới dạng một vị thần Mật Tông.
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II đã tiếp tục công việc của đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên trong sự nghiệp truyền bá Chánh pháp. Cũng như bậc Đạo sư lỗi lạc trước, thời kỳ hưng thịnh và thanh thế của Ngài đã mang lại những vận may cho phái Gelugpa cũng như cho dòng dõi Đạt-lai Lạt-ma sau này ở trung tâm và miền Nam Tây Tạng. Trước khi Ngài viên tịch, có vài vị Đạo sư có thế lực ở Tây Tạng, họ không phải là đệ tử của Ngài, không cùng học với Ngài, vì thế đã không nhận các lễ quán đảnh Mật tông từ Ngài. Nhờ vào những nỗ lực của Ngài, quyền điều khiển “Đại Lễ hội Cầu nguyện” của phái Gelugpa đã được khôi phục. Mặc dù vậy, họ vẫn tiếp tục sự ngược đãi đối với phái Gelugpa, vẫn sử dụng quyền lực chính trị và sự phát triển toàn diện của họ để giám sát và thao túng bộ máy chính quyền. Tốc độ phát triển này đã sớm nhảy vọt theo cấp số nhân. Do vậy, sự tái xuất hiện của các hậu thân Đạt-lai Lạt-ma là một điều vô cùng cần thiết đối với số phận của nhân dân Tây Tạng.
Biển xanh
Phỏng dịch theo phần: “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của tác giả Ardy Verhaegen.
(Tara là tên của vị thần hoá thân từ giọt nước mắt Từ Bi của đức Quán Thế Âm. Theo truyền thuyết của Phật giáo Tây Tạng, đức Quán Thế Âm vì quá xót thương cho vô số chúng sanh đang chịu cảnh đau khổ lầm than trong vòng luân hồi sanh tử nên bỗng dưng hai giọt nước mắt Từ bi của Ngài đã rơi xuống và hoá thành hai vị thần Tara: Green Tara (thần Tara Xanh) và White Tara (thần Tara Trắng). Hai vị thần này đồng phát nguyện sẽ cùng với đức Quán Thế Âm thực hành hạnh nguyện “cứu khổ” cho chúng sanh muôn loài. Thần chú hộ trì của thần Tara là: Om tare tutare ture sva-ha - lời người dịch).
(Theo truyền thống Tây Tạng thì đức Đạt Lai Lạt Ma chính là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm - lời người dịch)
[Tập san Pháp Luân - số 21, tr.55, 2006]