Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên có tên là Gendun Truppa (1391 - 1475).

 

Đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên chính là Gendun Truppa (còn gọi là Gendun Drub, Gendun Druppa và Gedun Drupa) (1391 - 1475). Ngài được sinh ra trong một gia đình thuộc thành phần chăn nuôi du mục. Họ đã di cư từ miền Đông Tây Tạng đến những cao nguyên mênh mông nằm tận phía Tây của Tổ quốc. Họ tạm định cư trên một cánh đồng nhỏ ở Shabtod, nằm trong thung lũng Srad gần Shigatse và cách chùa Sakya không xa lắm. Theo sử ký‎ Tây Tạng thì cậu bé được sinh ra trong chuồng bò, nơi mà gia đình họ đang ẩn náu ở đó để tránh khỏi sự tấn công của bọn thổ phỉ. Cả gia đình đều bỏ trốn, để lại hài nhi được giấu sau những tảng đá và quấn trong tấm chăn ấm áp. Sáng hôm sau những người chăn cừu quay trở lại, họ vô cùng kinh ngạc khi thấy hài nhi được bình yên vô sự và một con quạ thật to đang canh gác cho cậu bé khỏi sự đe dọa của những bầy quạ, kên kên và những con chó hoang dã khác. Các nhà tiên tri sau này cho rằng con quạ ấy chính là hiện thân của Mahakala, một dạng thần Hộ Pháp phẫn nộ của đức Quan Thế Âm - đức Phật của lòng Từ, và vị thần Mahakala đã theo hộ trì cho cậu bé ấy suốt đời.

Khi còn là một đứa trẻ, cậu bé đã thể hiện khả năng về tôn giáo của mình qua nghệ thuật chạm khắc những câu mật chú và những lời cầu nguyện trên các tảng đá trong lúc đang chăn giữ gia súc. Lúc vừa mới năm tuổi, cậu bé đã nói rằng cậu làm như thế là “để mang lại sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh, mỗi người trong số họ đã từng là cha mẹ của tôi trong những kiếp quá khứ”.

Năm lên bảy, lúc cha Ngài qua đời, người mẹ đã đưa Ngài đến Nartang, một ngôi chùa của phái Kadampa để làm thị giả và học hành dưới sự giám hộ của người cậu tên là Geshe Chosey. Ngài được đặt tên mới là Padme Dorje (hoa sen sấm sét), và được học hành với một số vị cao Tăng. Để thể hiện lời hứa của mình, vị Viện trưởng - Drubpa Sherab - một Đạo sư nổi tiếng đã nhanh chóng tạo mọi cơ hội cho Ngài được học hành, dìu dắt, chở che và truyền trao nhiều giáo lý‎ và những lễ Quán đảnh quan trọng cho Ngài. Ngài được xuất gia, thọ giới Sa-di và Tỳ-kheo với Pháp danh là Gendun Drub, thậm chí còn được thọ nhận những sự giúp đỡ về mặt vật chất vì gia đình Ngài rất nghèo. Trước năm hai mươi lăm tuổi, Ngài đã hoàn tất việc thọ giới và trở thành một vị Tăng thực thụ với Pháp hiệu Gendun Drup hay Gendun Truppa (sự hoàn hảo của đức hạnh) và được học hành dưới sự hướng dẫn từ bốn mươi đến năm mươi vị Lama. Ngài đã được đánh giá rất cao về những tác phẩm và sự học vấn uyên bác của mình.

Sau đó, Gedun Truppa đã rời khỏi Nartang và đến trung tâm Tây Tạng để theo đuổi việc học hành cao hơn ở một số trường Đại học Phật giáo khác. Trong số hơn sáu mươi vị thầy mà Ngài đã từng được học hỏi và thọ giáo, có ba vị đặc biệt trở thành trợ duyên tột đỉnh trong sự phát triển tâm linh của Ngài. Thứ nhứt là Viện trưởng Drubpa Sherab, kế đến là Ngài Tsongkhapa và cuối cùng là nhà hiền triết Sherab Sengge. Trong lần Ngài diện kiến với Tsongkhapa vào năm 1415, bậc thầy lãnh đạo tinh thần vĩ đại ấy đã xé một mảnh y ca-sa của mình đưa cho Ngài và tiên đoán tương lai thành công của Ngài trong công cuộc thiết lập và gìn giữ “sự thanh khiết của truyền thống Tây Tạng trong Tăng đoàn hay cộng đồng Phật giáo”. Từ Tsongkhapa và đệ tử sau này của ông là Khadrub, Ngài đã được thọ nhận sự đào tạo cao cấp trong dòng dõi Kadam của bậc đạo sư Atisha và trở thành một trong những vị trưởng tử của đạo sư. Trong suốt mười hai năm ở trung tâm Tây Tạng, Gedun Truppa đã nhập thất, thiền định và học hỏi không ngừng, cuối cùng đạt được chức vụ Viện trưởng ở Ganden và do đó - đã đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của phái Gelupa.

Trong thời gian học tại chùa Padme Choling, Gedun Truppa đã được nhận tước vị khả kính là “Tamche Khyenpa” hay “Bậc Toàn Trí”. Mullin (một học giả nổi tiếng) đã viết rằng tước hiệu này đã gắn liền với tất cả các đức Đạt-lai-lạt-ma kế tiếp sau này và có lẽ được sử dụng rất phù hợp trong phạm vi người Tây Tạng hơn là danh hiệu “Dalai”, danh hiệu “Dalai” chỉ được sử dụng bởi người ngoại quốc mà thôi. Điều này cũng hợp lý, bởi lẽ tước vị “Dalai” đầu tiên được trao tặng bởi người ngoại quốc. Một trong những tiểu sử của Tây Tạng về ngài Gedun Truppa đã chép rằng Ngài đã đặc biệt nổi tiếng nhờ vào sự duy trì cả ba cấp độ của giới luật, đó là Tỳ-kheo giới (Pratimoksha) theo truyền thống nguyên thuỷ, Bồ-tát giới (Bodhisattva) theo truyền thống Đại thừa và Kim Cang giới (Vajrayana) theo Kim Cang thừa. Ngài cũng thọ trì và tinh thông về các dòng Mật Tông của Tara và Kalachakra. Cũng theo Mullin thì mỗi một vị Đạt-lai-lạt-ma đã “cống hiến những năng lực siêu phàm” cho sự duy trì và phát triển của những dòng truyền thừa này. Nói chung, Ngài đã thể hiện chính mình là một Tăng sĩ mẫu mực: trước hết là học hành, nghiên cứu bằng quá trình văn - tư - tu của mình để đạt được sự giác ngộ và sau đó là cống hiến cả cuộc đời mình cho sự truyền bá đạo pháp, để lại những tác phẩm giá trị và xây dựng các trung tâm tâm linh cho hậu thế.

Như một người thầy, Gedun Truppa đã trở thành bậc Đạo sư có năng lực cao nhất. Là một nhà tinh thông về biện chứng, Ngài có khả năng sử dụng sự thông thạo của mình về các chủ đề để tìm ra những sai lầm trong những luận cứ mà đối phương đã đặt ra cho mình, đồng thời cũng trình bày một cách hết sức sinh động về những luận điểm của chính mình bằng cách sử dụng những phương pháp thẩm vấn và phân tích hoàn toàn logic. Những phẩm tính này đã toát ra từ Ngài một cách hết sức tự nhiên trong quá trình truyền bá giảng dạy, chứ không hề có tính cách tuyên bố bác bỏ các quan điểm khác. Ngài được xem là một người có sự gắn bó mãnh liệt đối với sự quan tâm lo lắng cho thế gian, cũng như có Bồ-đề tâm, khát vọng đối với sự giác ngộ giải thoát và quan điểm trung đạo của Tánh không. Ngài được xem là một bậc Đại đạo sư, người có khả năng hướng dẫn đệ tử của mình hiểu biết và nhận thức đúng đắn.

Gedun Truppa đã để lại cho hậu thế vô số các tác phẩm của mình. Trong đó bao gồm bảy tập lớn với hàng trăm đề tài. Có một số tác phẩm như những chú giải của Ngài về Giới và Luận dài đến hơn cả nghìn trang. Thêm vào đó là nhiều sáng tác về thơ văn - một trong những chủ đề hệ trọng của Tây Tạng, và nhiều tiểu luận Ngài viết về “những phương pháp trực tiếp cho sự luyện Tâm” của Ngài Atisha; hay phương pháp “lojong” cho sự rèn luyện tâm linh - đã trở thành một trong những di sản lớn nhất của Ngài. Phương pháp này thực sự quan trọng đối với tất cả các tông phái của Phật giáo Tây Tạng, và nó còn lan rộng đến mức hầu hết các trường phái Phật giáo của trung tâm châu Á đều đón nhận. Do sự nổi tiếng của Ngài và trên thực tế Ngài là một Tăng sĩ Kadampa nên những tác phẩm và sự truyền bá của Ngài đã có ảnh hưởng hết sức sâu rộng. Thể loại văn viết của Ngài rất cụ thể, cặn kẽ và hết sức rõ ràng trong việc biểu đạt những ý nghĩa cơ bản, tuy nhiên văn phong lại hết sức khiêm nhường.

Gedun Truppa như một nhà xây dựng rất nổi tiếng nhờ công trình xây dựng Tashi Lhunpo - ngôi chùa được mệnh danh là “đỉnh núi của sự phúc lành” ở Tsang gần Shigatse, như một tượng đài kỷ niệm đối với vị thầy đã quá cố của Ngài - Khasgrub. Ngôi chùa ấy đã trở thành một trong những trụ sở đồ sộ nhất của phái Gelupa và là tổ ấm cuối cùng của Panchen Lama - người duy nhất có uy thế toàn diện đứng thứ hai sau đức Đạt-lai-lạt-ma. Bắt đầu từ năm 1447, Ngài đã đích thân giám sát toàn bộ công trình xây cất chùa Tashi Lhunpo, sau đó trở thành vị Viện chủ đầu tiên của ngôi chùa ấy và duy trì vị trí chủ chốt này cho đến cuối đời. Ngài cũng đã nỗ lực quyên góp vật chất, tài chính và tìm kiếm những người thợ khéo léo lành nghề. Ngài là người của thời kỳ Phục hưng, thời kỳ làm sống lại nghệ thuật và văn học dựa trên những hình thức cổ điển. Thậm chí Ngài còn tự mình điêu khắc một số hình tượng trong các ngôi chùa. Dường như Ngài luôn góp sức vào các công trình xây dựng của các chùa chiền khác và thậm chí được tín nhiệm và giao phó cho quyền hành về công trình xây cất chùa Drepung.

Gedun Truppa dường như vô cùng hoàn hảo về sức mạnh tuyệt đối của ý chí, nhân cách và lòng quyết tâm. Tiếng chuông như ám chỉ Ngài đã trở thành một bậc tâm linh siêu phàm ngay từ thời còn thơ ấu, thực hiện những phương châm của chính mình, không cần quan tâm đến những gì thiên hạ bàn tán về mình. Tiểu sử bằng tiếng Tây Tạng đã nhấn mạnh về Ngài với những phẩm chất của một tâm hồn bình thản, cách xử sự điềm đạm, khiêm nhường, và hoàn toàn không có tâm ganh tỵ hay tranh đua, không hề tự khen mình hay chê người.

Gedun Truppa viên tịch vào năm 1475 trong tư thế mà Ngài đã chọn. Với độ tuổi 84 và thỉnh thoảng sức khoẻ không được tốt, Ngài đã nói với các đệ tử là Ngài sắp sửa “ra đi” và đã truyền cho họ những lời huấn thị sau cùng. Sau khi căn dặn họ phải luôn luôn ghi nhớ và thiền định về giáo lý Phật đà, Ngài đã nhập vào mật định bằng phương pháp “Yoga trong giai đoạn hoàn tất” với kỹ thuật điều khiển phong đại và các chất tinh dịch trong các kinh mạch năng lượng của cơ thể đã được chuyển hóa của hành giả Du-già. Thân thể của Ngài bắt đầu chuyển dạng từ một người già nua trở nên trẻ trung và phát hào quang rực rỡ. Ngài giữ nguyên trạng thái như thế trong vòng 49 ngày, không thở và nhịp tim cũng không đập, Ngài ngồi trong tư thế tukdam, một trạng thái huyền bí giữa sống và chết, ý thức dần dần rời khỏi tim và cơ thể được duy trì nguyên vẹn nhờ năng lực của thiền định.

Đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên đã thành công rực rỡ trong việc tiếp tục công tác do Ngài Tsongkhapa khởi xướng. Như đã đề cập, Ngài là một Tăng sĩ mẫu mực, luôn hướng đến việc thực hiện lý tưởng Bồ-tát đạo đã được ấp ủ trong sự kính trọng cao tột. Các tác phẩm phi thường của Ngài đã đề ra một tiêu chuẩn cho những vị Đạt-lai-lạt-ma kế tiếp noi theo để thực hiện công việc của Ngài như một người thầy. Ngài đặc biệt nổi tiếng về sự nỗ lực để duy trì đức hạnh và giới luật thiền môn. Bằng cách ấy, Ngài đã củng cố và làm nổi bật lên hoạt động của phái Gelupa.

*Sự tái sinh của các Đạt-lai-lạt-ma

Theo tiểu sử được viết do ngài Yangpa Chojey và cũng là thông tin thu thập được của đức Đạt-lai-lạt-ma thứ hai khi còn bé, rằng Gedun Truppa đã dự án cho tâm thức của mình, sau khi qua đời sẽ đến cõi Tịnh Độ Tushita. Ở đó, Ngài hội ý với đức Phật Di-lặc (Vị lai Phật), ngài Atisha và ngài Tsongkhapa về vấn đề Ngài nên tái sinh tại đâu. Ngài Tsongkhapa đã quăng một cành hoa sen trắng và hai cục mưa đá xuống quả đất và nói rằng Ngài nên xuất hiện ở nơi mà vật ấy rơi xuống. Những ghi chép về huyền bí Tây Tạng đã giải thích điều này ngụ ý rằng có ba hiện thân của Gedun Truppa, hiện thân của bông hoa sẽ thực sự trở thành đức Đạt-lai-lạt-ma mới, còn hai vị giấu lai lịch kia sẽ tiếp tục mục đích của đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên.

Mullin đã suy xét rằng Gendun Drup, vị Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên của dòng truyền thừa tái sanh, có thể là vị Đạt-lai-lạt-ma quan trọng nhất, vì cuộc đời của Ngài đã đặt ra một giai đoạn cho sự thành công của những vị tái sanh kế tiếp. Vai trò chủ đạo của sự truyền thừa tái sanh này đầu tiên được sử dụng và truyền thừa bởi ngài Karmapa (có biệt hiệu là “Mũ Đen”), đặt ra như một phương tiện cho sự truyền thừa liên tục của một bậc lãnh đạo tinh thần tuyệt đỉnh siêu phàm. Phái Gelupa cũng theo đuổi mục đích ấy và cũng đã noi theo phương pháp điển hình này. Theo một số chuyên gia phương Tây thì hệ thống này đã xuất hiện và thực sự được thực hiện sau khi ngài Gendun Drub qua đời khoảng vài năm. Các tác giả Tây Tạng đã khẳng định rằng đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên đã chọn sự tái sinh của mình phù hợp với lời tiên đoán của Tsongkhapa rằng Gendun Drub sẽ tái sinh trong các hiện thân hết sức thành công.

Một trong những tài liệu đáng tin cậy của Thubten Jigme Norbu - người anh trai của đức Đạt-lai-lạt-ma hiện nay, và chính Ngài cũng là một vị tái sinh - trong cuốn sách của Ngài: “Tây Tạng” viết cộng tác với Colin Tumbull, theo quan điểm Ngài, vì Gendun Drub tiếp tục công việc của Tsongkhapa một cách rất thành công nên phái Gelupa đã trở thành mối đe dọa cho những ai mưu toan về quyền thế. Dòng dõi Phagmotru đã bị tan rã vì sự đấu tranh trong nội bộ với một trong những lãnh đạo của họ, người đã thống trị vùng Shigatse và thiết lập nên triều đại Tsangpa chống lại phái Gelupa. Vì sự đối lập này nên phái Gelupa cần phải duy trì quyền kế vị lãnh đạo một cách thống nhất và đảm bảo. Sự kế vị di truyền (cha truyền con nối) như truyền thống Sakya không thể duy trì được trong lối sống nghiêm khắc không lập gia đình của truyền thống Gelupa. Cũng không thể như phương pháp của truyền thống Kargyupa chỉ có sự trao truyền giáo pháp bí mật từ sư phụ cho người đệ tử thích hợp, vì giáo lý của Gelupa không hề có sự bí mật nào cả. Để đáp ứng sự truyền thừa thích hợp chỉ có hình thức “tái sinh”, điều này không phải là một khái niệm mới trong thế giới Phật giáo hay Tây Tạng, nơi mà hệ thống này đã từng được sử dụng. Sự kế vị của Gendun Drup do Gendun Gyatso là ở mức độ hoàn toàn con người; ở đó, Gendun Gyatso đã trở lại để tiếp tục công việc của tiền thân của mình như một người thầy, một bậc đạo sư. Sự hiện thân mới như thế là phù hợp với lòng trung thành, tận tụy cống hiến đã được Gendun Drub thể hiện, và truyền thống Gelupa đã duy trì một cách thống nhất.

Tại điểm này dường như thích hợp để thảo luận về sự kiện quan trọng rằng, mỗi vị Đạt-lai-lạt-ma chính là hiện thân của vị thần hộ mệnh Chenrezig của Tây Tạng hay Avalokite’svara (đức Quán Thế Âm Bồ-tát), vị Bồ-tát của lòng Từ. Hầu hết các nghiên cứu đều gán cho rằng đức Đạt-lai-lạt-ma thứ V chính là những khởi đầu của sự liên tưởng này, điều mà Mullin đã xem là một sai lầm do Waddell khởi xướng và tiếp theo là những tác giả sau này cũng thế. Ý kiến phổ biến đã cho rằng đức Đạt-lai-lạt-ma thứ V đã nắm lợi thế về đức tin cổ truyền của người Tây Tạng đối với đức Quán Thế Âm trong nhiều thế kỷ, nên đã tuyên bố rằng Ngài và, những vị Đạt-lai-lạt-ma trước đó chính là những hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Về cơ bản, lời tuyên bố này không hề được biết đến trước đó, chỉ được tìm thấy trong văn bản có tựa đề là “Terma” (kho báu) trong truyền thống phái Nyingma. Văn bản này tiết lộ lời tiên tri về sự tái sinh này của dòng dõi Đạt-lai-lạt-ma. Mullin phát biểu rằng đức Đạt-lai-lạt-ma thứ V không hề hư cấu nên câu chuyện huyền thoại này, đúng hơn là Ngài chỉ thừa kế nó mà thôi. Căn cứ theo văn sử của đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên thì ngài Atisha luôn luôn ám chỉ vị đệ tử của Ngài - Lama Drom (Dromton) - như một hiện thân của đức Quán Thế Âm. Đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên được xem là hiện thân của Lama Drom. Kể từ đó, sự thừa kế về thần thoại như thế lại được nối tiếp bởi dòng dõi Đạt-lai-lạt-ma. Đức Quán Thế Âm Bồ-tát được xem là tổ tiên của dân tộc Tây Tạng, Ngài hiện thân làm những bậc đại vương của họ như vua Songtsen Gampo, vua Trisong Detsun - người đã mang Phật giáo đến xứ sở Tây Tạng, và kế đến là Lama Drom - người đã hoàn tất công việc của ngài Atisha để bảo vệ và củng cố giáo pháp ở Tây Tạng. Như vậy, không có gì đáng phải ngạc nhiên về sự hiện thân của Ngài là dòng dõi Đạt-lai-lạt-ma để làm tăng thêm uy thế bao la của dòng truyền thừa này.

Biển Xanh
Phỏng dịch theo phần: “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của tác giả Ardy Verhaegen.
[Tập san Pháp Luân - số 20, tr.50, 2005]