Hình ảnh một vị Hòa thượng uy nghi đôn hậu ngồi trên lưng ngựa vô cùng an nhiên thoát tục quả là hiếm có trong giới Tăng-già thời cận đại.
Đó là bức hình của Ôn Già Lam, một trong vô số các bức ảnh nhiều loại khác nhau: Ôn đứng trước cảnh chùa, đứng gần bảo tháp, Ôn ban đạo từ nơi lễ đài, ảnh Ôn chủ tọa trong các phiên họp v.v… Mà phải nói, chắc có thiện duyên từ kiếp nào tôi mới được ưu ái dành cho bức ảnh Ôn đang ngồi trên lưng ngựa, thực là ấn tượng gây phấn khích cho tôi vô cùng. Các huynh đệ pháp hữu, hình như cũng ganh tỵ với tấm ảnh đặc biệt đó, đã vội chúc mừng tôi một câu cảnh cáo: “Coi chừng Ôn nhắc nhở cái tánh phóng động tâm viên ý mã của huynh đấy! Lo mà giải công án đi, đừng vội cho mình được tặng vật hơn người”. Ý của tổ sư cưỡi ngựa là gì? (Như hà tổ sư kỵ mã ý?)
Lẽ ra, theo phong cách của Tổ sư thiền, tôi phải tham công án, phải hỏi và nhìn câu thoại đầu. Giữ mãi cái không biết, không hiểu, không suy nghĩ, không ghi nhớ thì một thời điểm nào đó hành giả sẽ chín muồi và bừng ngộ chân lý. Đằng này vẫn theo tập khí xa xưa, tôi cứ để cho vọng tưởng mặc sức tự do tự ý bay cao: Ôi! Ôn đẹp làm sao, dung mạo uy nghi tự tại làm sao. Ôn có khác gì Quan Vân Trường, vị tướng nước Thục thời Tam Quốc là bậc đại nhân trung hậu, khí tiết hiên ngang bất khuất trước thế lực hung ác của tập đoàn Tào Tháo đa nghi đầy nham hiểm. Khi chết được thần hóa gọi là Quan Đế. Dân chúng kính mộ xây dựng miếu thờ Quan Công (Quan Thánh) - là đối tượng cao quí trong lòng nhân dân Trung Quốc mãi cho đến hôm nay. Có điều, Ôn Hòa thượng Quan Thánh Việt Nam không sát thủ bằng cây thanh long đao trên lưng con Xích Thố như tướng Quan Vân Trường lấy oán báo oán, mà trên tay của Ôn mình là cây tích trượng từ bi trí tuệ, lấy đức báo oán, lấy tình thương hóa giải hận thù.
Mắt tôi bỗng sáng lên ý nghĩ, Ồ! Hòa thượng mình có khác gì ngài Huyền Trang đời nhà Đường đâu, cũng xông pha cùng đệ tử đi tìm chân kinh để chuyển mê khai ngộ chúng sinh. Tôi vẫn tiếp tục phóng nghi tình: À hay là Ôn nhắc nhở chúng ta thà ngồi trên lưng ngựa còn thoải mái bình yên hơn ngồi trên lưng cọp (thuật ngữ này muốn nói leo lên lưng cọp đã khó mà xuống cũng không phải dễ, tiến thối lưỡng nan là tâm trạng của hành giả thiếu công phu mà lại thích đuợc trọng vọng trên lưng cọp để vạn loại chúng sinh nghiêng mình bái lạy) và khi muốn nhảy xuống cũng không xong vì không có chủ quyền và bản lãnh. Rõ ràng là thân phận của nạn nhân ngồi không yên ổn, xuống không vững vàng. Ôi chao! Hòa thượng thương tình trao cho hậu sinh một công án vô cùng thâm diệu. Thế rồi tôi cứ hỏi, cứ nghi, cứ biết, cứ suy nghĩ mãi, vẫn bị kẹt trong cái vòng điên đảo của thế trí biện tài. À! Hay là Ôn dạy mình: “Tâm viên bất định, ý mã nan truy”.
Vượn lòng nhảy nhót không yên
Ngựa ý rong ruổi thoáng liền khó theo.
Tôi như cảm nhận được lời khai thị về hành giả muốn tu tập thiền định, bước đầu phải cột lại cái tâm ý, không cho nó nghĩ ngợi lung tung. Việc kềm giữ tâm ý ở yên một chỗ không phải là dễ nếu như không có quá trình công phu tới mức. Phải thận trọng thân khẩu ý và triệt để cảnh giác tham sân si trong mọi tình huống.
Tôi còn nhớ chùa Già Lam có hai câu dạy chúng rất hay:
Nói năng như Chánh pháp
Im lặng như Chánh pháp.
Nói năng dễ hiểu lầm, dễ đụng chạm cho nên lời nói phải chân chánh như là Pháp, là chân lý, nói sự thật để giáo hóa chúng sinh nghe vui thoát khổ.
Còn nếu im lặng thì phải vô ngôn trong chánh niệm để lắng sâu vào định, nhờ vậy mới phát tuệ, mới có đủ năng lực phẩm hạnh Bi Trí Dũng; là ngọn đèn tỏa sáng ánh hào quang chân lý, soi rọi bước chân hành giả dấn thân vào đời với oai lực nghìn mắt nghìn tay để diệu kế lương y cứu thoát đàn con thơ.
Chúng tôi còn nhớ mãi ngày Ôn Trí Thủ cùng phái đoàn về chứng minh đại hội bầu Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh. Theo chương trình, lễ khai mạc sẽ long trọng diễn ra lúc 8 giờ sáng hôm đó. Nào ngờ mới có 3 giờ sáng, Ôn gọi thầy thị giả thư ký thức dậy viết lại bản văn mà Ôn sẽ đọc trong đại hội, chỉ còn 5 tiếng đồng hồ nữa. Chúng tôi nghe thật rõ lời Ôn đọc và thầy thư ký viết, rồi đọc lại cho Ôn nghe rất lâu mới xong.
Anh em học Tăng chúng tôi vô cùng xúc động trước hình ảnh này, càng quý kính bậc Thầy cao cả của mình đã vì tiền đồ vận nghiệp Phật giáo mà chẳng ngại tuổi già đêm khuya không giấc ngủ ngon, chỉ sợ đàn con mình số phận lênh đênh nghiệt ngã. Dĩ nhiên là chúng tôi đã nêu thắc mắc về cách làm việc của Trung ương vào sáng sớm trước giờ khai mạc buổi lễ với thái độ giận chay: “Tội quá! Sao Trung Ương không chuẩn bị cho Ôn bài đọc để Ôn đỡ vất vả đêm khuya. Lẽ ra, Ôn cần ngủ ngon giấc để đủ sức khỏe làm việc chứ?” Hai vị trong BCH/TƯ cũng không kém phiền não hơn chúng tôi, nhíu mày với câu đáp mặn như chao: “Chúng tôi hiểu điều đó chứ! Nhưng Ôn không chịu đọc nguyên văn bài của Trung Ương đã bố trí sẵn, Ôn muốn viết lại theo ý của Ôn. Chúng tôi lặng người, nhưng vô cùng phấn khởi tự tin; vì từ đây Phật giáo Việt Nam đã có những vị lãnh đạo sáng suốt và lòng đại bi vô lượng. Ôn quả là một hóa thân kỳ diệu, một gốc tùng vĩ đại, vươn cao đứng thẳng tỏa bóng mát từ hòa cho đàn con nương trú:
Ôn nằm xuống nghìn năm ngửng mặt
Chúng con soi bóng lạ suốt cơn mê.
Có người hỏi, những nhân tố nào đã hun đúc nên một bậc thầy đạo hạnh, trí tuệ vô song như vầng trăng sáng ngời, như dãy Hy-mã-lạp sơn hùng tráng muôn đời, tồn tại mãi trong từng trái tim yêu thương của những người con Phật. Ta hãy nghe Ôn tâm sự (*Tra Am và sư Viên Thành ): “Thầy tôi khuất bóng nay đã 46 năm, tôi cũng trải qua mấy chục năm trường đem tài sức hữu hạn của mình chung lo hành đạo và hóa đạo, cho đến bây giờ tuổi gần 70 mà âm hưởng của thầy tôi ngày nào vẫn thấy còn đầm ấm bên lòng. Tình thầy trò ngoài cái nghĩa là tình thiện tri thức được xông ướp trong mùi hương đạo ra còn có nghĩa của một thứ tình gắn bó do túc duyên không sao nói hết được.
Tôi xuất gia theo thầy năm 17 tuổi, cũng là số tuổi đời mà thầy tôi xả vọng tầm chơn. Đến năm 20 tuổi, tôi được thiện duyên thọ Cụ túc giới. Trong giới đàn này, tôi đỗ thủ Sa-di, và lúc trở về chùa, tôi cảm thấy niềm hoan hỷ sâu xa nơi thầy tôi đối với con đường đạo tương lai mà tôi đã bước được một bước đầu. Niềm hoan hỷ đó ngày nay hồi tưởng lại cũng còn thấy tình thầy như đám mây lành phủ bóng trên người. Tôi không khỏi bùi ngùi tưởng tượng Thầy đã không được như tôi, mà đơn độc một mình một bóng trở về chùa lặng lẽ sau khi đỗ thủ Sa-di và thọ Cụ túc giới. Bấy giờ, thầy đã 22 tuổi mà sư Tổ thì đã thị tịch trước đó rồi.
Có lẽ nhờ túc duyên hiếm có, nên mỗi bước đường đạo của tôi đều gần như bước trùng lên dấu bước của thầy, khiến cho mỗi lần nghĩ nhớ thời gian quá khứ của đời mình, tôi thấy bóng dáng của mình lồng trong bóng dáng vĩ đại của Thầy”.
Thích Hạnh Thiền
[Tập san Pháp Luân - số 13, tr.21, 2005]