An Cư Kiết Hạ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mỗi mùa Vu lan về, trong lòng người con Phật lại rộn lên bao suy nghĩ về Mẹ, về ngày Hiếu của Oanh Vũ, về ngày Ngoan, với bông hồng đỏ, bông hồng trắng cài áo, về địa ngục, tái sinh, về Mục Liên Thanh Đề, v.v...

 

Thưa quí vị và các bạn,

Mỗi mùa Vu lan về, trong lòng người con Phật lại rộn lên bao suy nghĩ về Mẹ, về ngày Hiếu của Oanh Vũ, về ngày Ngoan, với bông hồng đỏ, bông hồng trắng cài áo, về địa ngục, tái sinh, về Mục Liên Thanh Đề, v.v... Người Huynh trưởng (và đoàn sinh) GĐPT cũng vậy, nhưng bên cạnh đó, các em còn biết có mùa An cư, có ngày Tự tứ, vì trong chương trình Phật pháp của các em (bậc Trung thiện) có bài An cư Kiết hạ. Huynh trửởng phải tìm hiểu để khi giảng bài cho các em, nếu các em có thắc mắc kiểu nào cũng phải trả lời kiểu ấy!  !!
Đó là lý do tại sao hôm nay có buổi hội thoại bỏ túi giữa các Huynh trưởng trẻ quen thuộc A, B, C của chúng ta về đề tài này. Xin kính mời quí vị và các bạn theo dõi để góp ý và chỉ dạy.

A: Hôm nay chúng ta nói về Vu lan Báo hiếu phải không?

B: Không phải, về An cư Kiết hạ đó!

C: Vu lan Báo hiếu, chúng ta đã tìm hiểu khá nhiều, An cư Kiết hạ vẫn còn nhiều điều “xa lạ” với mình lắm đó!

A: Ủa, thật hả? Các bạn có điều gì thắc mắc, hãy cho mình biết đi!

B: Trước hết, tại sao có nơi thì kiết Hạ, có nơi lại kiết Đông?

C: Cái này thì mình biết! Vì mùa Hạ (có nơi là mùa Đông) là mùa hay có mưa gió, giông bão, cũng là mùa côn trùng sâu bọ... sinh sản, nên để tránh dẫm đạp tàn hại chúng, đức Phật chế ra mùa An cư là mùa chư Tăng an trú một nơi để chuyên tâm cho vấn đề tu tập. Điều mình thắc mắc là An cư Kiết hạ là tự lợi hay lợi tha? (đối với chư Tăng Ni)

A: Vừa tự lợi, vừa lợi tha. Này nha! Chư Tăng Ni ở trong chùa để làm gì trong ba tháng Hạ? Là tu tập, chuyên tu học để bồi dưỡng kiến thức về nội điển, vừa tu tập để trau giồi đức hạnh và trí tuệ, như vậy vừa tự lợi mà vừa lợi tha, vì nếu chư Tăng cứ bố thí Pháp hoài mà không vun bồi thì có ngày bị hao hụt, cũng như một người giàu chỉ bố thí hoài mà không kiếm tiền thêm thì một ngày nào đó sẽ không còn tiền để bố thí nữa, có phải không bạn?

B: Đúng vậy, vì thế, An cư Kiết hạ cũng là một pháp tu của chư Tăng Ni. Từ Phật đản (rằm tháng tư) cho đến Vu lan (rằm tháng bảy), chư Tăng Ni tập trung tại một trường Hạ hay ở tại chùa, cùng nhau tu học để tinh tấn đạo nghiệp chứ không đi hoằng pháp khắp nơi như các tháng khác.

C: Mình hiểu rồi! Tóm lại, mục đích của An cư Kiết hạ là thực hành từ bi (không dẫm đạp côn trùng trong mùa sinh sản của chúng), trí tuệ (chuyên tu để trau giồi đức hạnh và trí tuệ) và đại hùng, đại lực của Pháp thể Tăng-già.

A: Bạn nói rất chính xác!

B: Cái này mình hơi bối rối đó nha! Bạn có thể nói rõ hơn về đại hùng đại lực của Pháp thể Tăng già hay không?

C: Bạn không nhớ rằng tôn giả Mục-kiền-liên là vị đệ tử thần thông bậc nhất của đức Phật, với tâm thành thiết tha, ý chí sắt đá, quyết tâm vào địa ngục để cứu mẹ, nhưng chỉ cá nhân của Tôn giả thì không đủ, mà phải cần đến đức hạnh thanh tịnh của tập thể chư Tăng nhân ngày Tự tứ chú nguyện thì mới viên thành việc cứu độ. Chỉ dạy điều đó cho tôn giả Mục-kiền-liên, không phải đức Phật muốn nói lên cái năng lực vĩ đại của Pháp thể Tăng-già sao?

A: Ở đây chúng ta thấy rõ từ hình ảnh báo hiếu cứu mẹ của tôn giả Mục-kiền-liên nhờ nguyện lực đại bi của chư Tăng cho đến “ngày xá tội vong nhân” trong truyền thống Vu lan rằm tháng bảy trong nhân gian, ý thức tự lợi và lợi tha của Phật giáo đã ăn sâu vào tâm hồn Việt Nam cho nên lời Phật dạy “tất cả chúng sanh đều là cha mẹ bảy đời của chúng ta” không xa lạ với con người Việt Nam.

B: Cảm ơn các bạn, mình hiểu rõ rồi! Bây giờ nói đến hạ lạp nha!

C: Hạ lạp là gì vậy?

A: Hạ lạp là tuổi Đạo của chư Tăng. Người xuất gia theo đạo Phật lấy An cư Kiết hạ làm tuổi. Một người chưa bao giờ kiết hạ coi như chưa có tuổi nào! Ngày rằm tháng bảy là ngày thọ tuế của chư Tăng, nghĩa là quí Ngài được tính thêm một tuổi Đạo; khi bạn nghe nói một vị thầy có 20 tuổi Đạo (hay Hạ lạp) có nghĩa vị ấy đã tham dự An cư Kiết hạ được 20 lần.

B: Thì ra có những vị không dự An cư Kiết hạ cũng được sao?

C: Nếu họ bận công tác Phật sự gì đó thì làm sao an cư được?

A: Phải rồi, chính vì vậy có người đi tu 20 năm nhưng đâu phải có đủ 20 hạ lạp đâu! Các bạn có biết không? Chư Tăng cho dù đã 60 tuổi cũng vẫn phải an cư kiết hạ đó nha!

B: Mình còn biết hai câu thơ thật hay nói lên lợi ích của An cư Kiết hạ đối với chư Tăng, đó là tăng trưởng phước đức, trí tuệ:

“Bao nhiêu công đức vô biên,
Đều do hạ lạp cần chuyên tháng ngày”

C: Mùa An cư Kiết hạ còn là cơ hội cho người Phật tử chúng ta cúng dường, hộ trì chúng Tăng tịnh tu trong suốt 3 tháng tại một trú xứ.

A: Mùa An cư Kiết hạ cũng nói lên tinh thần hòa hợp Tăng nhờ sự tự giác cao độ; chư Tăng có dịp ngồi lại, kiểm thúc tự tâm trong mỗi hành động cụ thể.

B: Ngày nay có liên lạc trên toàn thế giới, có phải mùa An cư Kiết hạ thống nhất cho Tăng chúng Phật giáo trên khắp thế giới hay không?

A: Ở các vùng Bắc Âu, chư Tăng an cư vào mùa Đông (kiết Đông) là mùa cực kỳ lạnh và đầy mưa tuyết, không thể đi ra ngoài để hoằng pháp được.

B: Như vậy, Phật giáo Đông phương và Tây phương mặc dù có đôi chút khác biệt về phương tiện và thời gian an cư nhưng truyền thống An cư Kiết hạ (hay kiết đông) và ý nghĩa vẫn không nằm ngoài giới luật của đức Phật đã chế định, cũng dựa trên nền tảng tam vô lậu học, để thúc liễm nội tâm, vun bồi đạo đức của người xuất gia.

C: Bây giờ mình mới “thấm” tại sao nói ngày Tự tứ là ngày Hoan hỷ của chư Phật và ngày Tăng thêm một tuổi lớn trong Đạo. À, mà ngày Tự tứ thật ra có ý nghĩa gì lạ không?

A: Tự tứ có nghĩa là “tùy ý”; quý vị Tỳ-kheo, mỗi tháng hai lần, trong ngày Bố-tát, thường là ba mươi và rằm, nhóm họp chư Tăng đông đủ, tự mình nói ra những lỗi lầm đã phạm và xin sám hối.

B: Riêng ngày rằm tháng bảy thì ngày Tự tứ quan trọng hơn, vì đây là lần tự kiểm điểm, sau ba tháng An cư; ngày Tự tứ nói lên sự bảo tồn giới luật của đức Phật đã chế định.

C: Như vậy mình nghĩ hôm nay học về An cư Kiết hạ thật đầy đủ và lợi lạc, trước đây cứ nghĩ việc của quý thầy mình không được biết nhiều!

A: Tốt rồi, bây giờ có thể chia tay hẹn lần sau nha! Tạm biệt!

B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân số - 41, tr.74, 2007]