Thành đạo, sự kiện hy hữu trong lịch sử nhân loại

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch có những biến chuyển rất lớn về những vấn đề xã hội, văn hoá tư tưởng và tôn giáo.

 

Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch có những biến chuyển rất lớn về những vấn đề xã hội, văn hoá tư tưởng và tôn giáo. Vào thời điểm này, Ấn Độ chưa phải là một quốc gia rộng lớn độc lập mà bao gồm nhiều tiểu vương quốc khác nhau. Và các tiểu vương quốc ở những khu vực biên giới từ lâu được xem là man di nay đang vùng lên chiếm ưu thế và họ có những thế lực nhất định trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Bà-la-môn giáo từ lâu được xem là tôn giáo chính thống đang bị suy giảm uy tín cũng như quyền lực lãnh đạo tinh thần xã hội. Lòng người trở nên hoang mang và hầu như mất đi nơi quy hướng. Chính bối cảnh này đã tạo tiền đề cho việc bùng phát hàng chục giáo phái với các chủ thuyết khác nhau, đang cuồn cuộn nổi lên chống phá bức thành trì kiên cố của tư tưởng truyền thống. Kinh Sa Môn Quả đã cho biết thời này có đến 62 giáo phái cả thảy. Với sự bùng phát giáo phái như vậy, đã mở ra một thời kỳ rối ren phức tạp về tư tưởng. Nhiều bậc giáo chủ say sưa với căn bệnh hiếu biện, mãi mê lý luận trong việc tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ, và tuy vậy vẫn không thể tìm ra được một hướng đi chân chính để phát triển tinh thần xã hội. Cũng chính vào thời điểm này đức Phật ra đời.

Sự kiện ra đời của đức Phật được xem là một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại. Tuy thế, sự ra đời của Ngài chỉ thực sự được biết đến và có ý nghĩa quan trọng khi có sự kiện chứng ngộ Phật quả của Ngài. Nếu Bồ-tát Siddhattha không thành Phật dưới cội Bồ-đề thì những gì gắn liền với Ngài trước đó chắc hẳn đã rơi vào lãng quên. Và sự có mặt của Phật giáo cũng chỉ thực sự được bắt đầu sau sự kiện trọng đại này. Cũng chính vì vậy, truyền thống nguyên thủy đã ghi sự kiện đản sanh và thành đạo của Ngài cùng chung một ngày, đó là ngày trăng tròn tháng Vesakha. Giờ chúng ta hãy cùng quay về ôn lại sự kiện chứng ngộ lịch sử này.

Sau đêm vượt thành lịch sử, thái tử Siddhattha đã từ giã đời sống hệ lụy và bắt đầu dấn thân vào con đường tầm sư học đạo. Trước tiên, Ngài tìm đến đạo sư Ālāra Kālāma và học đạo với vị này, nhưng rồi Ngài đã bỏ đi khi nhận thấy rằng đạo quả Vô sở hữu xứ của giáo phái này không đem đến cho mình sự yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết-bàn. Sau đó Ngài lại tìm đến học đạo với đạo sư Uddaka Rāmaputta. Giáo lý của vị này hướng hành giả đến sở đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và thái tử Siddhattha đã đạt đến sở đắc đó, ngang bằng với vị đạo sư lãnh đạo. Nhưng dù đắc được thiền chứng Phi tưởng phi phi phi tưởng xứ và được mời ở lại lãnh đạo giáo phái, Ngài vẫn một mực từ chối vì mục đích của Ngài là mong muốn đạt đến giải thoát khổ đau thật sự chứ không phải tìm đến địa vị lãnh đạo hội chúng.

Sau đó, Ngài lại lên đường tìm đến Uruvelā; và tại đây, Ngài dừng chân hành trì khổ hạnh với những pháp môn khổ hạnh khốc liệt, như nhịn ăn, nằm giường gai, không tắm rửa... Trong kinh Đại Sư Tử Hống, Trung Bộ I, đức Phật đã mô tả rất nhiều phương pháp tu tập khổ hạnh mà Ngài đã kinh qua, và đây là kết quả của việc tu tập khổ hạnh: “Vì ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những ngọn cỏ hay như những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, các xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: ‘Ta sờ vào bụng’ chính da xương sống Ta bị nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: ‘Ta hãy sờ xương sống’ thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: ‘Ta đi đại tiện hay tiểu tiện’ thì Ta ngã quỵ úp xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn thoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.”

Nhưng với tất cả những phương pháp đưa đến sự kiệt quệ thân xác như vậy, Ngài vẫn không thể đạt đến chân lý cứu cánh tối thượng. Vì thế, Ngài đã phá bỏ đời sống khổ hạnh và bắt đầu một đời sống mới bằng bát cơm trộn sữa. Sau bát cơm này, cơ thể của Ngài trở nên dễ chịu và tinh thần sảng khoái. Rồi Ngài nhớ lại sự kiện lúc còn thơ ấu, khi Ngài cùng phụ vương ra đồng làm lễ hạ điền, ngồi một mình dưới cây hồng táo, Ngài đã thể nhập được trạng thái ly dục, ly bất thiện pháp, một trạng thái thiền định. Suy nghĩ với phương pháp này có thể đưa đến giác ngộ, Ngài đã bắt đầu ngồi tư duy thiền định dưới cội Bồ-đề, và sau 49 ngày đêm tham thiền, vào đêm cuối cùng, lúc sao mai vừa mọc, Ngài đạt được Tam minh và chứng đắc tuệ giác vô thượng.

Sự kiện giác ngộ của Ngài đã được kinh diễn tả tuần tự từ việc Ngài thể nhập vào Sơ thiền cho đến Tứ thiền và sau đó hướng tâm đến Tam minh. Trước tiên, Ngài hướng tâm đến Túc mạng minh: Thấy rõ vô lượng những kiếp sống trước đây của mình. Sau đó hướng tâm đến Thiên nhãn minh: Thấy biết tất cả những kiếp sống của chúng sanh với những hành nghiệp tạo tác của họ. Và sau cùng, Ngài hướng tâm đến Lậu tận minh: Đoạn trừ tất cả mọi phiền não, lậu hoặc. Đến đây, màn vô minh được vén lên, trí tuệ bừng sáng và Ngài chứng đắc được đạo quả giải thoát tối hậu.

Sự kiện chứng ngộ của Ngài được gọi là Thành đạo. Sau khi Thành đạo, đức Phật đã bắt đầu khởi hành thuyết pháp, từ đây Tăng đoàn được hình thành, và cũng là thời điểm khởi đầu cho việc ra đời của một tôn giáo mới - Phật giáo.

Sự kiện thành đạo của đức Phật đã mở ra một trào lưu tư tưởng mới. Với học thuyết Duyên khởi vô ngã, Ngài đã phá bỏ quan điểm hữu thần cố hữu của Bà-la-môn giáo và các giáo phái khác, cũng như phá bỏ quan niệm về một Tiểu ngã (Atman) thường hằng và một Phạm thiên (Brahman) toàn năng vĩnh cữu. Ngài không đưa ra một giáo thuyết hướng con người đến chỗ siêu hình, hay việc phục tùng tôn thờ một Thượng đế nào đó mà Ngài chú trọng vào đời sống nhân sinh, dựa trên việc khảo sát tâm lý để tìm phương pháp giúp nhân loại thoát khỏi nỗi đau khổ trầm luân đang đè nặng lên họ từ vô lượng kiếp. Học thuyết của Ngài là những gì mới mẽ, khác hẳn với quan niệm của các giáo phái đương thời và cả về sau này, như Ngài đã nói: “Khai mở ra những gì chưa được khai mở.” Ta hãy xem Radhakrishnan nhận định về học thuyết của đức Phật: “Nếu luân lý học lại lập cước trên đám cát biến chuyển của siêu hình hay thần học thì nó không có một sự tôn nghiêm vững chắc. Phật muốn xây dựng luận lý tôn nghiêm trên tảng đá của thực nghiệm tâm lý. Nguyên thủy Phật giáo tương tự như chủ nghĩa thực tiễn, cố chuyển dịch trung tâm điểm từ sự phụng sự Thượng đế sang phụng sự con người. Đức Phật không nhiệt thành về sự việc xây dựng một biểu đồ mới về vũ trụ mà chú trọng vào việc giảng dạy một ý nghĩa mới về bổn phận. Chính ưu điểm của Phật là mở đường cho một tôn giáo biệt lập với tín điều và giáo hội, nghi lễ và thánh hóa. Ngài chỉ nhấn mạnh vào sự hóa thành tâm hồn từ bên trong và vào một hệ thống tự tu đạo. Ngài chứng minh rằng sự cứu rỗi không ở tại sự thu nhận một mớ tín điều đáng nghi ngờ hay là những việc làm đen tối để làm nguôi lòng một Thượng đế biết giận dữ. Sự cứu rỗi cốt ở sự tu sửa tính cách và sùng tín điều lành. Luật pháp luân lý không phải là một phát minh may mắn của một tinh thần đặc biệt, hay tín điều của một thiên khải đáng ngờ, nó là một biểu thị tất nhiên của sự thật về sự vật. Theo Phật, mê muội về sự thật ấy là nguyên nhân của khổ đau.” (Indian philosophy, tr. 358).

Sự kiện Thành đạo của Ngài còn đưa ra một phương pháp tu tập chân chính, một lối sống thích hợp cho những ai muốn tìm đến một đời sống quân bình giữa thể xác và tinh thần. Phương pháp ấy thoát ra khỏi hai hình thái cực đoan là hưởng thọ dục lạc và hành trì ép xác, hai phương pháp mà hầu hết mọi giáo phái bấy giờ đang ứng dụng. Chính kinh nghiệm của Ngài khi còn sống đời vương giả và sáu năm hành trì khổ hạnh đã minh chứng sống động cho lời nói của Ngài. Ngài nhận thấy rằng thọ hưởng dục lạc đem lại cho con người tham đắm và sa đọa, còn hành trì khổ hạnh đem đến cho con người kiệt quệ thể chất cũng như tinh thần. Từ bỏ hai lối sống đó, Ngài chủ trương một lối sống mới, đó là lối sống Trung đạo. Và lối sống này đã trở thành một điểm giáo lý quan trọng của Ngài khi Ngài còn tại thế cũng như được triển khai sâu rộng theo nhiều khía cạnh về sau này.

Sự kiện Thành đạo của Ngài còn đem lại niềm tin cho con người về khả năng của mình. Đó là khả năng có thể đoạn trừ phiền não khổ đau để chứng ngộ Niết-bàn. Ta biết rằng sự kiện thành đạo của Ngài không phải là một sự mặc khải nào đó, mà là một quá trình nỗ lực đoạn trừ vô minh phiền não, vượt qua tất cả những tham dục để khai mở trí tuệ, một trí tuệ vượt ra khỏi những tri thức thường tình của thế gian. Như vậy, sự kiện Thành đạo của Ngài cho chúng ta thấy rằng thái độ rụt rè và bám víu tìm cầu sự cứu rỗi ở các đấng thần linh là điều không cần thiết. Vì rằng tất cả mọi người đều có khả năng giác ngộ như nhau, sự khác biệt về giai cấp, chủng tộc, màu da... chỉ là quan niệm do con người tạo ra, và như Ngài đã từng nói: “Không có giai cấp trong con người có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”.

Đã hơn hai mươi lăm thế kỷ trôi qua từ sau sự kiện Thành đạo của đức Thế Tôn, nhưng giáo thuyết được nói ra từ sở chứng của Ngài ngày nay vẫn hiện hữu và tỏa sáng khắp mọi phương trời, vẫn mãi là liều thuốc hữu ích trong việc đoạn trừ khổ đau và đem lại hòa bình cho nhân loại. Kỷ niệm sự kiện Thành đạo của Ngài, chúng ta vô cùng tri ân những giá trị cao cả mà Ngài đã đem đến cho nhân loại trong hơn 25 thế kỷ qua, và những giá trị đó sẽ là chất liệu làm thăng hoa đời sống thể chất và tinh thần cho những ai biết ứng dụng nó vào trong đời sống của mình.

Thích Huệ Thành
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.23, 2006]