Tháp ở Sanchi (Ấn Độ), biểu tượng của Phật giáo.
Vị trí địa lý Ấn Độ nằm ở bán đảo Nam Á, ngày trước có diện tích 5 triệu km2, nay còn 3 triệu km2. Ấn Độ có hai con sông lớn: sông Ấn (2900km) mang nhiều chứng tích lịch sử và sông Hằng (3090km) ẩn tàng phong thái tâm linh huyền bí. Ở Ấn Độ có nhiều vùng khí hậu phân hóa rõ rệt. Yếu tố này có ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm cũng như hệ tâm thức của con người. Từ đó, nó sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật phong phú mà nền nghệ thuật kiến trúc là đặc điểm được thể hiện rõ nhất.
Khác với nền văn hóa muốn chinh phục thiên nhiên ở phương Tây, Ấn Độ có nghệ thuật kiến trúc dựa trên xu thế phương Đông, sống hòa mình với tự nhiên. Đặc biệt, dòng kiến trúc Phật giáo Ấn Độ với nhiều loại hình khác nhau từ thế kỷ III đến thế kỷ thứ VII sau CN đã thể hiện đầy đủ tính triết lý giải thoát sâu sắc.
Là cái nôi của Phật giáo, là nơi phát sinh và thịnh hành giáo lý giác ngộ, cho nên Ấn Độ thường được người Phật tử xem là “đất Phật”. Với giáo lý vô ngã (anatman), vô thường (anitya), đức Phật cho chúng ta thấy nguyên lý sinh diệt diệt sinh của van vật đều đi theo quá trình sinh-trụ-dị-diệt; rồi qua đó, Ngài chỉ rõ bốn chân lý lớn (Arya-satya - Tứ diệu đế) mà cuộc sống phù du, đau khổ (dukka) của mọi chúng sanh muốn thoát ra vòng luân lưu ấy đều không thể phủ nhận được. Từ nền tảng giáo lý cơ bản ấy đã làm tiền đề cho nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Ấn Độ sau này. Như thế chắc hẳn rằng, những khách thể cho dòng kiến trúc với một bộ mặt rất Phật giáo phải định hình là điều hiển nhiên.
Hình thức chủ yếu của kiến trúc Phật giáo Ấn Độ là lăng tháp (stupa), điện thờ đục trong hang đá, còn gọi là chùa hang (chaitya) và tinh xá (vihara). Song, xét đến yếu tố lịch sử gắn liền với các truyền thuyết, quan niệm, thì kiến trúc lăng tháp được tạo ra trên những hình tượng có tính tượng trưng bao quát hơn cả. Tiêu biểu là quần thể lăng tháp ở Sanchi, được đánh giá là cụm di tích nghệ thuật Phật giáo cổ xưa nhất. Bên cạnh đó, nó còn gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Asoka (A-dục), người có công rất lớn trong việc truyền bá đạo Phật ra ngoài biên giới Ấn Độ.
Chính tại Sanchi (thuộc bang Matha Paradé), đứa con trai của vua Asoka là Mahendra đã lên đường ra đảo Lanka (Srilankca) để truyền bá đạo Phật. Cũng tại Sanchi vào khoảng năm 250 trước CN, vị vua sùng Phật Asoka đã cho dựng một ngôi tháp lớn (Sanchi I). Một thế kỷ sau, dưới vương triều Sunga (180-150 trước CN), ngôi đại tháp này được tu bổ và làm lớn gấp đôi so với trước đó. Hiện nay, ngôi tháp cao 16m và rộng 36m. Lăng tháp nói chung được xây dựng ở những nơi thiêng liêng, ban đầu chỉ là nơi tôn trí xá-lợi Phật; về sau trở thành biểu tượng kiến trúc của Phật giáo, tượng trưng cho nguyên lý hình thành vũ trụ có bốn cổng là bốn phương vị của trời đất.
Tương truyền khi Phật còn tại thế, các vị đệ tử đã hỏi về hình thức ngôi tháp để tương lai thờ xá-lợi của Ngài. Phật không nói gì mà chỉ đặt tấm áo cà sa xuống đất, rồi úp chiếc bình bát lên ấy. Từ mô hình ban đầu đó tới quần thể tháp ở Sanchi được phân ra các cấu trúc khác nhau, thân là một khối bán cầu xây bằng đất có đường kính 23m như một chiếc bát úp tượng trưng cho bầu trời, biểu tượng cho sự bao la của cõi Niết-bàn, và ở giữa tâm có một trục trung tâm là hình ảnh của trục vũ trụ nối liền trời và đất với nhau; những chiếc lọng phía trên tượng trưng cho nấc thang dẫn tới Niết-bàn. Ngoài ra, đĩa lọng còn mang một ý nghĩa sâu xa là chứng tỏ người tu hành có lâu năm hay chưa (theo số lượng của các đĩa này). Xung quanh thân được bao bọc bởi hệ thống hàng rào cao 4,3m và bốn hướng có bốn cổng cao 10m bao gồm ba thanh cao và hai thanh ngang tượng trưng cho tam thế. Trước đây, hàng rào làm bằng gỗ sau này thay bằng đá được mô phỏng theo kiến trúc gỗ với điêu khắc chạm trổ rất tinh vi. Hiện nay, cổng phía Bắc còn lại khá nguyên vẹn. Nó được xem là kho sách sống, mô tả lại những hoạt động, sự tích ra đời của Phật giáo: sự tích vua Tịnh Phạn đón con trai là thái tử Tất-đạt-đa sau khi đắc đạo, vua Tịnh Phạn đi thăm Phật Thích-ca, vua Asoka chiêm ngưỡng cây Bồ-đề nơi Phật đắc đạo.
Đến thời Sunga, tháp chính ở Sanchi không những chỉ được làm lớn hơn mà còn bổ sung thêm một số chi tiết: làm thêm con đường chạy đàn (Pradaksiva) quanh chân tháp, lối rào gỗ bao quanh và bốn cổng gỗ được thay thế là hàng rào làm bằng đá (Veđiđa) và các cổng đá (Tôrana), chân của cán ô được thay thế bằng khối đá vuông (Harmica). Ngoài giá trị kiến trúc còn là nơi lưu giữ các tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. Ngôi tháp với bốn chiếc cổng được tạo nên trên mặt các thanh đá, bao phủ kín với những hình chạm trổ, thể hiện nhiều chủ đề khác nhau: các biểu tượng Phật giáo, truyền thuyết Phật giáo, cỏ cây hoa lá…
Ngoài tháp do vua Asoka xây dựng, còn một vài tháp Phật giáo xây dựng vào thế kỷ II trước CN (Stupa Sanchi II và III). Trong hai tháp này, có giá trị hơn là tháp Sanchi III với các cổng đá đẹp của thế kỷ I trước CN. Trong lòng tháp Sanchi III, người ta tìm thấy, hai hòm xá-lợi có ghi tên hai đệ tử Phật: ngài Sariputta và Mòngallina. Hai tháp này có cấu trúc và hình dáng nhỏ hơn tháp Sanchi I. Sau thế kỷ thứ VII, Ấn Độ không xây tháp nữa, nhưng ở các nước mà Phật giáo truyền sang thì “tháp” là kiến trúc biến tướng của tháp Ấn Độ lại rất thịnh hành, thể hiện nhiều chủ đề khác nhau: các biểu tượng Phật giáo, truyền thuyết Phật giáo, cỏ cây hoa lá…
Quả thật, chúng ta thấy hầu như mảng điểu khắc nào của đại tháp Sanchi cũng đều xứng đáng là kiệt tác nghệ thuật. Phải nói tháp Sanchi là một điển hình đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Ấn Độ đã góp phần làm phong phú cho kho tàng kiến trúc văn hóa nhân loại.
Quang Đức.
[Tập san Pháp Luân - số 12, tr.53, 2005]