Nơi nuôi dưỡng hồn thơ và phong nhiêu tự tình dân tộc
Đạo Phật qua mấy nghìn năm truyền thừa, đã êm ả đi vào lòng dân tộc Việt Nam và trở nên một nguồn sống phong phú, linh động trong các mặt sinh hoạt của người dân mà sử sách của dân tộc đã ghi đậm những nét vàng son chói lọi trong suốt hành trình của đất nước.
Có thể nói đạo Phật là đạo của dân tộc. Tinh thần Phật giáo đã là một thành tố văn hóa quan trọng tạo nên dân tộc tính. Vì thế, người ta không còn ngạc nhiên khi nhìn thấy trong gia tài văn hóa Việt Nam từ lĩnh vực nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, cho đến kiến trúc, điêu khắc… đâu đâu cũng đều mang đậm những dấu ấn ảnh hưởng đạo Phật hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, nói lên tinh thần hội nhập toàn diện của đạo Phật với nền văn hóa truyền thống tổ tiên như đã có câu: “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”.
Đạo Phật, ngoài hệ thống kinh điển với nghĩa lý vi diệu sâu xa, tồn tại thích ứng với mọi căn cơ và thời đại, ta còn có thể tìm thấy ở đấy rất nhiều những biểu tượng văn hóa Phật giáo đặc trưng khác. Trong đó, hình ảnh những ngôi chùa rêu phong cổ kính với hình mái uốn cong vươn trên nền trời, và tiếng chuông ngân nga khoan nhặt không những là một thực tại sinh động có khả năng xoa dịu, làm lắng đọng và hướng dẫn những tâm hồn lạc lõng, mà còn là một biểu trưng của nghệ thuật, khơi gợi vô vàn cảm hứng sáng tác cho những tâm hồn mẫn cảm với thi ca, nặng tình với quê hương, với đồng bào ruột thịt. Nói cách khác, hình ảnh mái chùa thân thương và tiếng chuông ngân dài thanh thoát đã là nơi nuôi dưỡng những hồn thơ và làm phong nhiêu tự tình dân tộc. Ta hãy nghe thi sĩ Nguyễn Bính tâm sự trong bài thơ “Mây Tần”:
“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm gió sớm trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi”.
Dưới vòm trời Á Đông, không nơi nào chúng ta có thể tìm thấy một sự tương quan mật thiết, đậm đà tính dân tộc như Phật giáo Việt Nam. Ngôi chùa Việt Nam là một biểu hiện rõ nét nhất của nền văn hóa bao dung khoáng đạt giữa đời sống tâm linh và tự tình dân tộc:
“Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa,
Hồn dân gởi gắm từ bao giờ,
Tổ tiên bồi đắp qua năm tháng
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ”.
(Huyền Không – Ngày vui dân tộc)
Và đây là hình ảnh quen thuộc của một ngôi chùa Việt Nam:
“Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng,
Có con đường đỏ chạy lang thang,
Có hàng tre gợi hồn đất nước
Yên lặng chùa tôi ngập nắng vàng”.
...
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều,
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu.
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi,
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu”.
(Huyền Không – Nhớ chùa)
Nhìn vào những ngôi chùa rêu phong thuần hậu, lúc hoàng hôn buông phủ xóm làng hay những lúc canh gà tảng sáng hương thôn, tiếng chuông chùa lại ngân dài một âm thanh nhẹ nhàng siêu thoát, âm thanh ấy lan xa tận đầu thôn cuối xóm quyện vào trong những làn khói biếc, mang cả hương vị đất trời ấp ủ trong từng nhịp thở của người dân. Tiếng chuông chùa đã âm vang từ mấy nghìn năm lịch sử dân tộc vẫn còn lắng đọng trong tâm hồn của người dân Việt ngày nay và mãi mãi nghìn sau. Âm ba của tiếng chuông dịu dàng như lời vỗ về an ủi những cuộc đời hiền lành lam lũ:
“Mỗi tối dân quê đón gió lành,
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh”.
(Huyền Không – Nhớ chùa)
Thật khó có thể quên được những phút giây khi ta được đắm mình trong một khung cảnh thanh cao thoát tục. Cảnh tiếng chuông ngân lên trong một đêm trăng tĩnh mịch, không gian và thời gian như lắng đọng trong một thể điệu trầm thiêng tĩnh tại. Cảnh vật như cộng hưởng tiếng chuông, tất cả đều trở nên lung linh trầm mặc. Tiếng chuông quả thật đã có một năng lực hồi sinh rất lớn. Nhà thơ Tâm Hướng đã ca tụng tiếng chuông chùa là một âm thanh có mãnh lực xoa dịu những nỗi niềm của cõi lòng nhân thế, vốn từng chịu khổ đau đọa đày trong biển mặn của nước mắt trần gian:
“Chuông khuya lay bóng thời gian
Đồi trăng thiêm thiếp, trăng vàng ngậm sương.
Tơ trăng gieo lọt mấy đường
Chuông ngân huyền diệu đau thương dịu lòng”.
(Chuông chùa)
Mái chùa và tiếng chuông là hình ảnh và hồn thiêng của đất nước đã thẩm thấu mặn mà trong tâm khảm của dân tộc Việt Nam. Tiếng chuông là biểu tượng của tỉnh thức, là người bạn thủy chung với nông phu suốt ngày chân lấm tay bùn nơi ruộng đồng mưa nắng, đêm về tiếng chuông là tiếng canh gà nhẹ nhàng đánh thức dân làng trong những lúc ngủ say:
“Tiếng chuông vượt núi len sông,
Vào làng thức tỉnh dân nông ra đồng”.
Hình ảnh mái chùa và tiếng chuông đã từng hòa quyện với tiếng dân ca trong một dòng chảy ngọt ngào chất phác hương quê:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”.
Như đã biết, đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo tỉnh thức. Vì vậy, những ngôi chùa Phật giáo luôn luôn giữ gìn sự nhẹ nhàng, yên tịnh, trầm mặc. Chính trong không gian tĩnh lặng hùng tráng ấy, con người mới có dịp dừng lắng tâm tư, phủi sạch những bợn nhơ của tập khí trần lao. Ở đó, họ có cơ hội nhận ra chính mình để mà từ bỏ bến mê, quay về bờ giác. Thi sĩ Thuyền Ấn đã tả một cảnh chùa như thế:
“Thanh tịnh trong đêm thâu
Sự im lặng nhiệm mầu,
Không gian vừa thoát đặng
Tiếng mõ vọng từ đâu.
An tĩnh tâm hồn ta
Vũ trụ gần như xa
Duy nhất trong tĩnh lặng
Thời gian là tiếng gà”.
(Tiếng vọng từ đâu)
Ở nơi khung cảnh tĩnh mịch của ngôi chùa, tiếng chuông được gióng lên đã không làm tan mất không khí đạo vị của Thiền môn, mà lại càng tăng thêm nét huyền diệu giải thoát cho tâm hồn nhân thế. Tiếng chuông chùa như một lời nhắn nhủ thâm thiết của Đấng Từ Bi, khuyên bảo chúng sinh hãy bỏ ác, làm lành. Tiếng chuông chùa như vậy, đã không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, là hiện thân cho thông điệp của trí tuệ và từ bi lưu xuất từ nơi bản thể nguyên sơ, hồn nhiên, thanh tịnh của Phật tính:
“Chuông không ngại ngày đêm mưa gió thổi
Chuông không vì sông bể núi đèo ngăn
Tiếng của chuông là bản thể xa xăm
Đây vọng lại mấy nghìn năm âm hưởng”.
(Trúc Điệp – Tiếng chuông ngân)
Nhà thơ Nhất Hạnh cũng đã có một lần cảm nhận thông điệp của tiếng chuông như vậy:
“Nghe chuông phiền não tan mây khói,
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi”.
(Nghe chuông)
Tiếng chuông và mái chùa đã sớm tối đồng hành với người dân quê Việt Nam, từng nuôi dưỡng tâm hồn cho biết bao thế hệ, để cùng nhau xây dựng quê hương xứ sở ngày một phong nhiêu ngay chính từ những nương khoai, rẫy sắn:
“Vì vậy, làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình”.
(Huyền Không – Nhớ chùa)
Mái chùa thân quen đã đi vào ký ức của rất nhiều thế hệ người dân Việt từ thành thị đến nông thôn. Cái không gian êm ả hiền lành, đó đây phảng phất mùi hương trầm hòa lẫn với hương sen, hương lài ngào ngạt ở một ngôi chùa đâu đó đã là một dấu ấn mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng đều có dịp sống qua. Chùa trong văn hóa Việt Nam là điểm trung tâm quy tụ đời sống tinh thần của người dân. Đặc biệt là người dân nghèo quanh năm đổ giọt mồ hôi trên ruộng đồng vất vả, thì ngôi chùa là nơi mà họ sống những giờ phút nghỉ ngơi an lành thanh thản. Ở đó, tâm hồn họ được thăng hoa, họ được cảm thông và chia sẻ. Vì vậy, chùa là tượng trưng cho sinh hoạt đạo đức, tinh thần, nên thật khó mà quên được nếp chùa cũ thân yêu. Ta hãy chia sẻ với thi sĩ Hoàng Anh về nỗi hoài vọng những ngày vui bên mái chùa xưa bằng những vần thơ rất chân thành và cảm động sau đây:
“Chùa cũ người đi bao nhớ thương
Năm nao chưa khỏi bước tha hương
Hồn thơ ngây quá vui bằng mộng
Chân giẫm làng quê đã thuộc đường”.
(Chùa cũ người đi bao nhớ thương)
Ngôi chùa Việt Nam chỉ “thanh đạm” và “âm thầm” như thi sĩ Nguyễn Bính mô tả mà đã là tất cả những gì đằm thắm thân quen, là nguồn an ủi, vỗ về đối với sự sống của mỗi sinh dân trước những biến thiên dập dồn của lịch sử dân tộc. Chỉ với chất liệu đơn sơ, mộc mạc chân thành, nhưng ngôi chùa Việt Nam cũng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần cứu khổ ban vui bằng cả tấm lòng bao dung, tỉnh thức. Đó là tượng trưng cho một cái gì cao đẹp, thuần túy nhất của gia đình, của quê hương đất nước chúng ta.
Vâng, quê hương chúng ta chỉ âm thầm và thanh đạm với gió sớm, với trăng rằm hòa lẫn tiếng chuông khuya, nhưng cũng đã khiến cho nhiều người trong chúng ta không thể nào quên được cái khí vị thanh cao muôn thuở ấy của quê hương. Có ai đó, trong một lần dứt áo ra đi vì tiếng gọi hải hồ hay bôn ba vì mưu sinh sự nghiệp, giữa muôn trùng thổn thức hoài mong, đã thốt lên nỗi niềm chua xót nhớ về ngôi chùa cũ ở quê nhà:
“Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa!
Đem thân đi với giang hồ
Cây đa bến cũ con đò lênh đênh”.
(Nguyễn Bính – Mây Tần)
Và đây cũng là nỗi niềm của thi sĩ Huyền Không, một tâm hồn sâu nặng tình quê với những mái chùa cong cong cổ kính, với tiếng chuông ngân nga điểm giọt đầy vơi. Nhưng ở thi sĩ Huyền Không, nỗi niềm thương mến chứa chan đối với mái chùa quê hương được bộc lộ trọn vẹn trong mối tương quan, tương duyên mật thiết đã hiện thân thành một thực tại cao đẹp – đó là niềm tin đạo pháp và tâm tình dân tộc. Nghe tiếng chuông ngân, ông chạnh nhớ đến mái chùa của dân tộc:
“Chuông vẳng nơi nao, nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
(Nhớ chùa)
Tinh thần Phật giáo với hình ảnh ngôi chùa êm đềm năm tháng, với lời kinh tiếng mõ trầm bỗng nhịp nhàng, và nhất là tiếng hồng chung ngân nga trong sương sớm hay dìu dặt dưới ánh trăng đêm, đã lan tỏa thâm nhập vào trong nhân gian, tạo nên những rung động sâu sắc trong hồn người. Từ đấy nảy sinh những cảm hứng thi ca thuần khiết, tạo ra những vần thơ, những điệu hò, câu hát… chứa chan chất liệu hiểu biết và thương yêu vốn là cốt tủy của tinh thần đạo Phật cùng với mối cảm thông sâu sắc với tình tự quê hương.
Mái chùa bình yên còn đó thì tiếng chuông chùa vẫn còn mãi ngân vang để thức tỉnh nhân sinh. Tiếng chuông còn ngân lên thì truyền thống đạo lý của Tổ tiên còn có mặt, phẩm tính cao đẹp của dân tộc lại càng được phát huy. Hình ảnh ấy, âm thanh ấy là nơi hội tụ của cởi mở và bao dung, làm vơi đi những niềm đau, nỗi khổ của con người, tô bồi thêm cho một nếp sống thuần lương, chuyển hóa những trầm luân trở thành những quê hương thanh bình an lạc, để cho mái chùa và tiếng chuông vẫn mãi là nơi nuôi dưỡng hồn thơ và phong nhiêu tự tình dân tộc./.
“Mong sao dân tộc bình yên
Đạo vàng che chở dân hiền mến yêu”.
Nguyên Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 15, tr.69, 2005]